Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Lạm dụng tình dục trẻ em là mối lo ngại của toàn xã hội’

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Phát biểu trước phái đoàn của Ủy ban Nghiên cứu và Đào tạo về Bảo vệ Trẻ vị thành niên Châu Mỹ Latinh (CEPROME), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những tiến bộ mà Giáo hội đã đạt được trong việc xóa bỏ tai họa của vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em, và đồng thời kêu gọi tiếp tục hành động để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Tai họa của vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em nói chung phải được xã hội giải quyết, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với một nhóm liên ngành Công giáo Mỹ Latinh liên quan đến việc đào tạo các linh mục và tu sĩ trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên.

“Những hành vi lạm dụng đã ảnh hưởng đến Giáo hội chỉ là một sự phản ánh mờ nhạt về một thực tế đáng buồn liên quan đến toàn thể nhân loại và chưa có sự quan tâm cần thiết”, Đức Thánh Cha nói trong bài phát biểu hôm thứ Hai trước phái đoàn của “Consejo Latinoamericano del Centro de Investigación y Formación para la Protección del Menor” (Ủy ban Nghiên cứu và Đào tạo Mỹ Latinh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, CEPROME).

Khuôn mặt của Chúa Kitô đau khổ

Trong bài huấn từ của mình, Đức Thánh Cha đã liên kết sự đau khổ của những đứa trẻ bị lạm dụng và của tất cả những người dễ bị tổn thương với sự đau khổ của Chúa Kitô đau khổ, khi nhắc đến “đứa trẻ khốn khổ”, Thánh Chistopher de La Guardia được Giáo hội ở Tây Ban Nha cử hành vào ngày 25 tháng 9.

“Thế giới sẽ thay đổi biết bao”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nếu chúng ta nhìn thấy nơi sự đau khổ của mọi trẻ em, của tất cả những người dễ bị tổn thương, một đặc điểm được in sâu trên tấm khăn mà bà Vêrônica đã lọt mặt Chúa Giêsu!”.

Giải quyết vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em trong xã hội

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn Ủy ban Châu Mỹ Latinh vì công việc của họ, điều mà Ngài lưu ý rằng đây là một trong những đóng góp cho sự tiến bộ mà Giáo hội đã đạt được trong những năm qua trong việc giải quyết và xóa bỏ vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “đó cũng phải là một công việc có ý nghĩa đối với xã hội, để những bước đi và thành tựu của Giáo hội trên con đường này có thể là động lực cho các tổ chức khác thúc đẩy nền văn hóa quan tâm chăm sóc này”.

Đề cập đến hình ảnh xác định mỗi đứa trẻ với chính Chúa Kitô, Đức Thánh Cha lưu ý thêm rằng những nỗ lực của Giáo hội trong việc chống lại tai họa này “không chỉ giới hạn ở việc áp dụng các quyết nghị”, mà còn “được phó thác cho Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện”.

“Và, trước Đấng Cứu Thế”, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta cũng chiêm ngưỡng nơi khuôn mặt bị lăng nhục đó những đau khổ mà chúng ta đã đón nhận và gây ra, để không cảm thấy xa cách với những người mà chúng ta chào đón, mà là những người anh chị em, ngay cả khi đau đớn”.

Cầu nguyện cho sự hoán cải của những kẻ lạm dụng

Kết thúc bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cầu nguyện nhờ lời chuyển cầu của Thánh Têrêsa thành Lisieux, để những kẻ phạm những tội ác này có thể hoán cải và nhìn thấy nơi các nạn nhân của họ “ánh mắt của Chúa Giêsu”.

“Chúng ta hãy yêu thương nhau – Chúa Giêsu nói với chúng ta – như chúng ta yêu thương chính mình, nghĩa là nhận thức được những vết thương, sự nhỏ bé của chúng ta, nhu cầu được tha thứ và an ủi của chúng ta. Và chúng ta cầu nguyện, với lòng tin tưởng phó thác mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy chúng ta, trong những ngày trước dịp lễ kính Thánh nhân, cho những tội nhân bất hạnh và tuyệt vọng nhất, để họ ăn năn hoán cải, để họ có thể nhìn thấy nơi người khác ánh mắt của Chúa Giêsu, Đấng đang chất vấn họ: ‘Sao ngươi bắt bớ Ta?’]”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết