Đức Phanxicô: Tạo công ăn việc làm là chìa khóa cho sự phát triển 'toàn diện'

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp nhận một bức thư từ một em thiếu nhi vào ngày 8 tháng 10 năm 2022, khi ngài gặp gỡ  các tham dự viên tham gia một hội nghị do Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice tài trợ tại Vatican. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thần học gia và các học giả rằng việc tạo công ăn việc làm, không phải là việc bố thí, là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp nhận một bức thư từ một em thiếu nhi vào ngày 8 tháng 10 năm 2022, khi ngài gặp gỡ các tham dự viên tham gia một hội nghị do Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice tài trợ tại Vatican. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thần học gia và các học giả rằng việc tạo công ăn việc làm, không phải là việc bố thí, là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Cách thức tốt nhất để đảm bảo rằng sự tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người đó là tạo công ăn việc làm, đặc biệt là cho những người gặp khó khăn nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nghèo đói không được chống lại bằng phúc lợi, không, theo cách này, chúng ta ‘gây mê’ nó, nhưng chúng ta không đánh bại nó”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu hôm 8 tháng 10 trong một hội nghị được tài trợ bởi Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice. “Giải pháp chính là lao động: cánh cửa dẫn đến phẩm giá con người chính là lao động”.

Được thành lập vào năm 1993, quỹ này thúc đẩy Giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II trong Thông điệp năm 1991 của Ngài về công bằng kinh tế và xã hội.

Hội nghị của tổ chức diễn ra từ ngày 7-8 tháng 10 tập trung vào “sự tăng trưởng toàn diện xóa bỏ tình trạng nghèo đói và thúc đẩy sự phát triển bền vững và hòa bình”, tìm cách thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cho năm 2030, đưa mọi người thoát khỏi tình trạng đói nghèo trong khi đồng thời bảo vệ môi trường.

Tạo công ăn việc làm, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các tham dự viên, là một phần thiết yếu để đảm bảo rằng sự phát triển thực sự phải mang tính “toàn diện” và nó không chỉ làm giàu cho một bộ phận thiểu số.

“Phát triển phải mang tính toàn diện, nếu không đó không phải là sự phát triển”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Giáo huấn xã hội Công giáo, bao gồm cả Giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô trong “Centesimus Annus”, nhấn mạnh rằng mọi hành động của con người, kể cả trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đều có chiều kích luân lý và đạo đức, Đức Thánh Cha nói, và các tín hữu Công giáo được kêu gọi mang các giá trị dựa trên Tin Mừng vào thị trường.

Một cách tiếp cận mang tính luân lý Kitô giáo bắt đầu ngay cả trước khi xem xét các chiến lược kinh tế khả thi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Mọi thứ đều bắt nguồn từ cách nhìn của một người và vị trí nhìn của người đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nhìn xuống người khác chỉ chính đáng trong một tình huống: khi giúp họ đứng dậy”.

Cách tiếp cận Kitô giáo cũng có nghĩa là không chỉ quan tâm đến bản thân và tối đa hóa lợi nhuận, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “chuyển đổi cách nhìn của một người” về thị trường và người khác.

Điều cần thiết, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đó là “cái nhìn khiêm tốn của một người nhìn thấy nơi mỗi người đàn ông và phụ nữ mà họ gặp gỡ là một người anh chị em mà phẩm giá của họ phải được tôn trọng, trước khi có thể trở thành một khách hàng để làm ăn với họ. Đó là một người anh, một người chị, một người em, một con người”.

“Chỉ với cái nhìn này, chúng ta mới có thể đấu tranh chống lại tệ nạn đầu cơ hiện nay đang nuôi dưỡng ngọn gió chiến tranh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Không bao giờ coi thường bất cứ người nào là phong cách của mọi nhà kiến tạo hòa bình. Không bao giờ nhìn xuống người khác, điều này chỉ chính đáng trong một tình huống: khi giúp họ đứng dậy”.

Minh Tuệ (theo Catholic Sun)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube