Đức Hồng Y Parolin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 20-01-2017 | 21:16:56

Hôm thứ Tư 18/1 vừa qua, ĐHY Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – đã tham dự buổi thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao của Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra ba mục tiêu cho vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh Vatican: Chống lại đói nghèo, xây dựng những cầu nối, và hướng tới hòa bình trong những tình huống cụ thể.

ĐHY Parolin

“Xét về vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh, các nguồn lực cũng như nhân sự quả là rất hạn chế theo một nghĩa nào đó” – ĐHY Parolin cho biết – “Chúng tôi không thể làm tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi muốn đóng góp một phần”.

Đức Hồng Y cho biết vai trò của Tòa Thánh không chỉ là để đưa ra những nguyên tắc, mà còn là để giúp đỡ cách cụ thể đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. ĐHY cũng cho biết sự hiện diện của Giáo hội Công giáo ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới là một ích lợi lớn đối với các công việc của mình.

“Chúng tôi có các nhà truyền giáo, chúng tôi có các nữ tu, chúng tôi có những người giáo dân đầy nhiệt huyết”, ĐHY Parolin cho biết. Ngài cũng cho biết thêm rằng những con người này không chỉ cung cấp thông tin cho Tòa Thánh, mà còn đề nghị những đề xuất về cách thức giải quyết “những tình huống khó khăn”.

ĐHY Parolin cho biết Toà Thánh tìm kiếm các giải pháp “bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo”, Ngài gọi đó là “quyền đầu tiên của con người”.

“Trọng tâm của con người đó là tính siêu việt, và một thực tế rằng con người được mời gọi để trở nên anh em với nhau, ý tưởng này nói lên tình huynh đệ” – ĐHY Parolin giải thích – “Nếu chúng ta không khiến cho điều này trở nên rõ ràng rằng chúng ta đều là anh chị em với nhau, và chúng ta phải có trách nhiệm với những người xung quanh mình, tôi thiết nghĩ…những mục tiêu khác cũng sẽ thất bại, và sau cùng nó cũng sẽ gây tổn hại và tiêu diệt con người và cộng đồng”.

Đức Hồng Y Parolin cũng đề cập đến “thời kỳ khủng hoảng” hiện tại đang diễn ra tại châu Âu.

“Việc thống nhất châu Âu đã mang lại lợi ích lớn cho lục địa châu Âu, chúng ta không nên quên điều đó” – ĐHY Parolin nói – “Và có lẽ một trong những vấn đề của chúng ta ngày nay, đó là các thế hệ trẻ đã không nhận ra lợi ích này”.

Đầu tiên trong số những lợi ích này đó là 60 năm hòa bình sau sự tàn phá khủng khiếp của cuộc thế chiến lần thứ nhất và thứ hai, và những lợi ích xuất phát từ việc lưu thông tự do của người dân cùng với những ý tưởng trên khắp lục địa.

Đức Hồng Y cho biết điều cần thiết phải thực hiện lúc này là một lần nữa đem lại “linh hồn cho châu Âu”.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các tôn giáo”, Đức Hồng Y Parolin nói.

“Tôn giáo không thể chỉ [được] đặt ở nơi riêng tư; đó không chỉ là biểu hiện về cảm xúc cá nhân của con người, nhưng tôn giáo là một điều gì đó phải được rao truyền nơi phạm vi công cộng” – Đức Hồng Y tiếp tục – “Tất nhiên, trong cuộc đối thoại với tất cả các tôn giáo, chúng tôi không đòi hỏi hay đề nghị bất kỳ đặc ân nào cho Giáo Hội Công Giáo … chúng tôi biết rằng chúng ta đang sống trong một xã hội đa nguyên – nơi có rất nhiều biểu hiện về niềm tin và đức tin tôn giáo; nhưng tôi thiết nghĩ thật là quan trọng khi các nhà chức trách thừa nhận vai trò công luận mà các tôn giáo có thể tạo ra đối với đời sống công cộng”.

Đức Hồng Y Parolin muốn tận dụng cuộc thảo luận này để nói đôi điều về chủ nghĩa khủng bố lấy cảm hứng từ tôn giáo.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây rõ ràng là một sự lạm dụng liên quan đến tôn giáo, bởi vì như Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhấn mạnh, niềm tin vào Thiên Chúa không thể đưa đến những hành vi khủng khiếp như vậy đối với nhân loại”, ĐHY Parolin nói.

Phát biểu về tình trạng của những người tị nạn, Đức Hồng Y cho biết có “một cuộc xung đột” giữa các quốc gia khác nhau tại châu Âu.

“Chẳng hạn như, thực tế một số quốc gia đã cho đóng cửa biên giới, bởi vì họ muốn rằng căn tính của họ phải là một điều gì đó riêng biệt, và họ sợ rằng căn tính này sẽ bị đánh mất bởi sự xuất hiện của những người đến từ những nền văn hóa cũng như các tôn giáo khác” – Đức Hồng Y Parolin nói – “Nhưng tôi thiết nghĩ hai điều có thể phải nhắc đến: Trước hết, đây không phải là một hiện tượng mới. Tôi nghĩ rằng lịch sử của nhân loại là lịch sử của cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, giữa các tôn giáo, giữa những lối sống và suy nghĩ khác nhau. Có lẽ điều mới mẻ đó chính là tỷ lệ của hiện tượng này đặc biệt là đối với châu Âu … Chúng ta đang sống với nỗi sợ hãi và cảm giác về sự phiền muộn với kinh nghiệm này. Chẳng có gì mới mẻ cả. Chúng ta phải học bài học của lịch sử”.

ĐHY Parolin cho biết thách đố thứ hai đó là “cách tạo ra sự khác biệt không phải là nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột, các cuộc đụng độ và sự chia rẽ, nhưng chính là nguồn mạch của sự phong phú chung”.

“Tôi thiết nghĩ việc cùng cộng tác với nhau là vô cùng quan trọng” – Đức Hồng Y nói – “Chúng ta cũng đã chứng kiến vấn đề về những người di cư, châu Âu đã không thể xây dựng một chính sách chung. Hàng loạt những vấn đề khác được kết nối với vấn đề ấy: Một quốc gia nhất định [sẽ] đơn độc khi đối diện với vấn đề này”.

Vào cuối cuộc đàm thoại kéo dài độ nửa giờ tại Thụy Sĩ, ĐHY Parolin đã được phỏng vấn về việc răn đe hạt nhân.

ĐHY Parolin cho biết Tòa Thánh đã thảo luận về “tính luân lý của các loại vũ khí hạt nhân” với các thành viên cùng chí hướng của cộng đồng quốc tế, đồng thời theo đuổi việc “liệu có thể chấp nhận khái niệm này đối với việc răn đe hạt nhân”, ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh rằng “một nền hòa bình được xây dựng trên sự sợ hãi không phải là một nền hòa bình thực sự”.

Đức Hồng Y Parolin cho biết có nhiều trung gian khác để đạt được mục tiêu này, bao gồm “việc xây dựng lòng tin; xây dựng cơ chế đối thoại và an ninh vốn có thể đảm bảo hòa bình tốt hơn là việc răn đe hạt nhân”.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube