ĐTC Phanxicô kêu gọi một "cuộc cách mạng của Lòng Thương Xót" trong cuộc hội đàm TED Talk mới

ĐTC Phanxicô đã có một cuộc hội đàm TED Talk bất ngờ vào tối hôm thứ Ba 25/4 vừa qua, mời gọi mỗi cá nhân hãy nỗ lực hướng tới một tương lai, nâng cao những người bị gạt ra bên lề xã hội, bao gồm những người di cư, những người đau yếu, những người thất nghiệp và các tù nhân.

Francis TED

“Trước hết, tôi lấy làm vui mừng nếu như cuộc gặp gỡ này có thể giúp nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều cần đến nhau, không ai trong chúng ta là một hòn đảo, một ‘cái tôi’ tự trị và biệt lập, tách biệt với người khác, và chúng ta chỉ có thể xây dựng tương lai bằng cách sát cánh bên nhau, bao gồm tất cả mọi người”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong một video dài 17 phút được công chiếu tại cuộc hội đàm TED 2017 được tổ chức tại Vancouver, British Columbia. Video đã được quay tại Vatican và được giữ kín cho đến ngày 25/4, TED cho biết trong một bài viết trên blog.

TED là một tổ chức phi lợi nhuận tổ chức các hội nghị trên toàn cầu, nơi mà nhiều nhà lãnh đạo cao cấp đưa ra các cuộc thảo luận về hàng loạt các chủ đề. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đã tham dự chương trình này.

Trong bài phát biểu, ĐTC Phanxicô đã phát biểu về tương lai – chủ đề của hội nghị và đồng thời cho biết rằng Ngài ước mong “sự phát triển của những đổi mới về khoa học và công nghệ sẽ đi kèm với sự bình đẳng và hòa nhập xã hội hơn”.

“Thật tuyệt vời nếu như tinh thần liên đới – một hạn từ đẹp đẽ biết bao, nhưng đôi khi, lại là một điều phiền phức – đã hoàn toàn không bị suy giảm đối với các công việc xã hội và – thay vào đó – đã trở thành thái độ mặc định trong các lựa chọn liên quan đến chính trị, kinh tế và khoa học, cũng như trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia”, ĐTC Phanxicô nói.

“Chỉ bằng cách giáo dục con người để có được một tinh thần liên đới thật sự thì chúng ta mới có thể vượt qua được ‘thứ văn hoá thải loại’, vốn không chỉ lo ngại đến vấn đề thực phẩm và hàng hoá, mà trước hết là những người đã bị bỏ quên bởi các hệ thống kinh tế kỹ thuật -vốn thậm chí đã không hề nhận ra vấn đề này – hiện đang đặt các sản phẩm trở thành vấn đề cốt lõi của mình, thay vì là con người”, ĐTC Phanxicô tiếp tục.

ĐTC Phanxicô không phải là một người chua có kinh nghiệm khi nói đến việc sử dụng Internet trong việc truyền bá những thông điệp của mình. ĐTC Phanxicô có hơn 30 triệu người theo dõi trên tài khoản Twitter, Ngài thường xuyên đăng tải những chia sẻ ngắn gọn vài lần mỗi tuần bằng 9 ngôn ngữ khác nhau. Năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã gia nhập Instagram, thu hút hơn một triệu người theo dõi và nhanh hơn bất kỳ một nhân vật nào khác trong lịch sử của hệ điều hành chia sẻ ảnh.

Trong khi khen ngợi sức mạnh của sự sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, ĐTC Phanxicô cũng nhắc nhở các khán thính giả theo dõi video TED Talk của mình tốt hơn hết là hãy đích thân gặp gỡ người khác.

“Những ý định tốt đẹp cũng như những thể thức thông thường, thường được dùng để xoa dịu lương tâm của chúng ta, là không đủ”, ĐTC Phanxicô nói. “Chúng ta hãy giúp đỡ nhau, phải nhớ rằng người khác không phải là một số liệu thống kê hoặc một con số nào đó. Mỗi người đều có một diện mạo khác nhau. Mỗi người trong số anh chị em đều là một sự hiện diện thực sự, và là một con người thực sự đáng nhận được sự quan tâm chăm sóc”.

ĐTC Phanxicô đã kể câu chuyện về Người Samari nhân hậu và làm nổi bật tấm gương của Mẹ Têrêsa. ĐTC Phanxicô mời gọi các khán thính giả đừng bao giờ nghi ngờ rằng bản thân mình không thể đạt được những tiêu chuẩn cao như vậy.

“Qua sự tăm tối của các cuộc xung đột ngày nay, mỗi người trong chúng ta có thể trở thành một ngọn nến rực sáng, một lời nhắc nhở rằng ánh sáng sẽ chế ngự bóng tối, và sẽ không bao giờ để cho những thứ khác làm lụi tàn”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.

ĐTC Phanxicô cũng kêu gọi một “cuộc cách mạng của Lòng Thương Xót”, lặp đi lặp lại một cụm từ mà Ngài đã sử dụng thường xuyên trong Triều đại Giáo Hoàng của mình.

“Và Lòng Thương Xót là gì?”, ĐTC Phanxicô nói. “Đó là một tình yêu thể hiện sự gần gũi và trở nên hiện thực. Đó là một cử chỉ bắt nguồn từ tâm hồn của mỗi người chúng ta, để rồi đi đến đôi mắt, đôi tai và đôi bàn tay”.

ĐTC Phanxicô kết luận bằng cách mời gọi mỗi cá nhân hãy chống lại những biến đổi trên thế giới.

“Tương lai của nhân loại không chỉ nằm trong tay của các chính trị gia, của các nhà lãnh đạo vĩ đại, của các công ty lớn”, ĐTC Phanxicô nói. “Vâng, hẳn là họ phải có một trách nhiệm to lớn. Nhưng tương lai nằm trong tay của những người biết nhìn nhận người khác như là chính ‘anh chị em’ và bản thân họ như là một phần của ‘chúng ta’. Mỗi người chúng ta đều cần đến nhau”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube