Con người mở lòng đón nhận ơn hòa giải

Hòa giải là do sáng kiến của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Song ơn ban nhưng không đó cần phải được con người mở lòng để đón nhận; nếu không, ân huệ của Thiên Chúa cứ lơ lửng ở ngoài con người.

popepenitenza2.node_

Sở dĩ các ngôn sứ tố cáo và vạch trần tính cách trầm trọng của tội lỗi là để mời gọi con người thành tâm sám hối nhằm được đón nhận ơn hòa giải của Thiên Chúa. Mặc dầu con người khước từ tình yêu của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng ban tặng tình yêu của Ngài cho con người; bao lâu con người thành tâm sám hối để trở về cùng Thiên Chúa thì Ngài vẫn hằng mở rộng vòng tay đón nhận họ: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (15, 21); “Ta sẽ lấy gai góc chặn đường nó lại, sẽ dựng một bức tường để nó không thấy được lối đi. Nó sẽ chạy theo các tình nhân của nó mà không gặp, sẽ tìm kiếm chúng mà chẳng thấy. Bấy giờ nó mới nói: “Tôi phải trở về với người chồng đầu tiên của tôi, vì hồi ấy tôi sướng hơn bây giờ” (Hs 2, 8 – 9).[1]

Nếu tội hệ tại ở chỗ từ chối tình yêu thì hiển nhiên nó chỉ được diệt trừ, tha thứ khi con người thành tâm sám hối, quay đầu với quá khứ, mở lòng ra đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng đứng trước lời mời gọi “Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15), mà chúng ta vẫn cứ “bưng tai không thèm nghe, bịt mắt chẳng thèm nhìn”, hoặc nghĩ rằng mình không cần đến sự tha thứ như người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn “người Pha-ri-sêu và người thu thuế” (18, 9 – 14), đóng lòng mình lại, thì Thiên Chúa đành phải chấp nhận sự tự do lựa chọn của mỗi người.

Trong dụ ngôn “người con hoang đàng” (15, 11 – 32), tác giả Lu-ca nhấn mạnh đến niềm vui của người cha khi thấy đứa con của mình trở về: “Anh còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn thắm thiết. Người cha bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!…’ Và họ bắt đầu ăn mừng” (15, 20 – 24).

Ðức Giê-su đã cho thấy tiến trình hoán cải và thống hối cách tuyệt vời qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11 – 24). Bị ảo ảnh tự do mê hoặc, người con bỏ nhà Cha ra đi. Sau khi tiêu tán hết tài sản, nó rơi vào tình trạng khốn quẫn. Nó hết sức nhục nhã vì phải đi chăn heo, và tệ hơn nữa, ước muốn ăn cám heo mà không được. Nó nghĩ lại, hối hận và quyết định thú nhận có lỗi với cha. Nó lên đường trở về. Người cha bao dung và vui mừng đón con. Ðó là những nét tiêu biểu của tiến trình hoán cải. Áo đẹp, nhẫn và tiệc mừng là những biểu hiện của đời sống mới, trong sạch, xứng đáng tràn ngập niềm vui: đó là cuộc sống của người trở về với Thiên Chúa và với Hội Thánh là gia đình mình. Chỉ trái tim Ðức Ki-tô, Ðấng thấu suốt tình yêu sâu thẳm của Chúa Cha, mới mặc khải được cho chúng ta đại dương từ ái của Thiên Chúa cách đơn sơ và tươi đẹp đến thế.[2]

 

Nếu không “hồi tâm” để trở về thì không thể nào nhận được ơn tha thứ. Mặc dầu người cha luôn mở lòng ra để đón nhận người con, nhưng người con chỉ được đón nhận, tha thứ khi biết thành tâm quay trở về với cha mình. Cũng vậy, con người chỉ được hòa giải với Thiên Chúa khi biết mở lòng ra đón nhận. Thánh Âu-tinh nói rằng: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không cần có chúng ta cộng tác; nhưng Người đã không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta góp phần” (Thánh Âu-tinh, Bài giảng 169, 11, 13 ). Vì thế, “để đón nhận lòng thương xót của Người chúng ta cần thú nhận tội lỗi. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi mình, thì Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1, 8 – 9).”[3]

Ý thức tội lỗi của mình, – hơn thế nữa, nhìn nhận rằng mình là tội nhân, có khả năng phạm tội và có xu hướng phạm tội đó là bước đầu thiết yếu trong việc quay về với Thiên Chúa. Đây là kinh nghiệm của Vua Đa-vít “đã làm điều dữ trước nhan Chúa” (x. 2 Sm 11 – 12), và khi bị ngôn sứ Na-than khiển trách, Vua đã thốt lên: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” ( Tv 51, 5 – 6). Tương tự như vậy, những lời thâm thúy sau đây được đặt vào miệng của người con hoang đàng: “thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha” ( Lc 15, 18. 21).

Thực vậy, việc trở về hòa giải với Thiên Chúa ngụ ý và bao gồm ý thức tự mình tách rời, một cách có ý thức và dứt khoát, ra khỏi tội lỗi mà mình đã rơi vào. Do đó, nó ngụ ý và bao gồm việc ‘sám hối’ với ý nghĩa đầy đủ nhất của thuật ngữ: bày tỏ, chấp nhận một thái độ thực sự hối hận – tức là thái độ của người bắt đầu đi vào con đường trở về với Thiên Chúa Cha. Đây là một luật chung, và mỗi cá nhân phải tuân thủ dựa theo hoàn cảnh riêng biệt của mình.[4]

 

Sự hòa giải và tha thứ chỉ được Thiên Chúa ban cho con người, nhưng con người cần phải mở lòng ra để đón nhận. Vì thế, hoán cải là hành vi của con người chấp nhận ân sủng được ban cho mình.[5]

Các ngôn sứ rao giảng về sự hoán cải để chuẩn bị cho con người đón nhận ơn tha thứ. Đây chính là sứ vụ của ông Gio-an Tẩy Giả và đây cũng là một khía cạnh trong sứ vụ của Đức Giê-su: khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (11, 29). Mà dấu lạ ông Giô-na cũng chính là lời mời gọi hoán cải. Thánh Mác-cô tóm tắt công trình rao giảng giai đoạn đầu của Đức Giê-su: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14 – 15; Lc 4, 14 – 15). Như thế, hoán cải là điều kiện cần thiết để con người nhận được sự hòa giải và ơn tha thứ của Thiên Chúa.[6]

Sự hòa giải và tha thứ là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, nhưng sự tự do tối thượng của Thiên Chúa phải được con người tự do đón nhận. Ân ban nhưng không, nhờ tác động của Thiên Chúa, đã được xác định theo nhiều cách khác nhau. Trình thuật “Đức Giê-su chữa người bại liệt” (5, 17 – 26) cho thấy tính cách nhưng không này xuất hiện là do sáng kiến của Đức Giê-su. Người bại liệt đến với Đức Giê-su để ước ao được chữa lành bệnh, nhưng Đức Giê-su lại bảo với anh ta rằng: “Này anh, tội anh được tha cho anh rồi” (5, 20). Chắc hẳn, anh ta không xin nhiều đến thế, nhưng lòng nhân từ Thiên Chúa đã ban cho anh điều anh không nghĩ tới. Sáng kiến của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su được đặc biệt nhấn mạnh đến trong trình thuật về “ông Da-kêu” (19, 1 – 10). Ông muốn nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính Đức Giê-su lại gọi ông, muốn trọ ở nhà ông (19, 3 – 5). Vì cảm thấy được tha thứ, được yêu thương, nên ông Da-kêu đã đáp trả lại tình thương yêu đó (19, 6). Điều đó cho thấy: tự do của con người và tự do của Thiên Chúa đóng vai trò đối xứng nhau, nhưng tác giả Lu-ca nhấn mạnh đến điểm sau, nghĩa là bao giờ Thiên Chúa cũng bắt đầu trước. Tất cả đều do sáng kiến của Thiên Chúa và Ngài luôn đi bước trước.[7]

Như thế, trong tất cả mọi sự cần phải ý thức rằng con người mở lòng ra để đón nhận sự hòa giải là nhờ ơn Chúa tác động, chứ không phải là do sự nỗ lực cá nhân con người thực hiện. “Lòng người nặng nề và cứng cỏi, nên phải được Thiên Chúa ban cho một trái tim mới” (Ed 36, 26 – 27). Hoán cải trước hết là công việc của ân sủng; Thiên Chúa làm cho lòng chúng ta quay về với Người: “Lạy Chúa, xin đưa chúng con về và chúng con sẽ trở lại với Chúa” (Ac 5, 21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh bắt đầu lại. Chính khi khám phá ra tình yêu cao cả của Thiên Chúa mà lòng chúng ta được đánh động vì thấy tội lỗi khủng khiếp và nặng nề, nên không dám phạm tội vì sợ xúc phạm đến Thiên Chúa và bị tách lìa khỏi Người.”[8]

LM Đình Tộ, C.Ss.R.

[1]Học Viện Thánh Piô X Đàlạt – Việt Nam, Điển Ngữ Thần Học, Cuốn IV, 280.

[2]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,# 1439.

[3]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,#1847.

[4]Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Sám Hối Và Hòa Giải– 1998, # 13.

[5]A. George, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Lu-ca, 87.

[6]A. George, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Lu-ca, 87.

[7]Ibid., 112.

[8]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,# 1432.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube