Chúa Thánh Thần, Đấng hay bị lãng quên!

“Ân sủng của Chúa Giê-su Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”. (2 Cr 13,13)

Holy-Spirit-Stained-Glass

Nhà hộ giáo Công giáo Frank J. Sheed đã mô tả tương quan giữa Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con như sau:

Chúa Cha yêu Chúa Con bằng một tình yêu vô biên và Chúa Con cũng vậy. Nếu không được mặc khải, chúng ta sẽ không thể biết được rằng: các Ngài đã hợp nhất để tỏ bày tình yêu, và tình yêu này chính là Ngôi Ba Thiên Chúa… Mỗi người trong các Ngài đều tuôn tràn tất cả tình yêu của mình cho Ngôi vị kia, đến nỗi không giữ lại gì cho bản thân – thật là vô lý với suy nghĩ giữ lại chút gì đó; Nếu như các Ngài cho đi chính mình, các Ngài chỉ có thể cho đi tất cả – Các Ngài không có gì ngoài toàn bộ bản thân mình! Tình yêu tuyệt đối của Chúa Cha và Chúa Con là vô biên và hoàn mỹ như chính các Ngài, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đôi khi lại bị gọi là Người “bị bỏ rơi”, Người “cô đơn”. Có lẽ bởi vì Người được biết đến như là “Thần Khí”, chúng ta không thể tự mình tưởng tượng được Người, như cái cách chúng ta tưởng tượng về Chúa Giê-su. Nhưng chúng ta phải loại bỏ tất cả những suy nghĩ như vậy. Thay vào đó, chúng ta phải tin tưởng sự thật rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, một Người chia sẻ trọn vẹn sự sống với Chúa Cha và Chúa Con. Nhận thức đúng đắn này chỉ ra cho chúng ta con đường để đến với Người, hiểu biết về Người và yêu mến Người nhiều hơn.

“Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5,22-23)

Nhiều Ki-tô hữu xem bác ái, hoan lạc, bình an và những hoa trái khác của Thánh Thần là cảm xúc, và họ đã thất vọng khi những cảm xúc này khuấy động tâm hồn họ. Tuy nhiên, Thánh Phao-lô đã cho thấy hoa trái của Thánh Thần không phải là cảm xúc nhưng chính là những hành động thay thế cho những ham muốn dục vọng (Gl 5,19-21). Ví dụ như những hành động bác ái có thể chữa lành thù hận, những đề nghị hòa bình trấn tĩnh chiến tranh, sự kiên nhẫn thay thế cho cơn giận dữ, thực hành tự chủ có thể kiểm soát cơn dục vọng, v.v. Chúng ta có thể có được cách ứng xử như vậy khi biết cầu xin ân sủng Chúa Thánh Thần soi sáng để bản thân chúng ta có thể tự kiểm soát chính mình như Chúa Giêsu đã từng. Sau đó, chúng ta thực hiện những hành động hoa trái của Thánh Thần. Chẳng hạn, để lớn lên trong tình yêu, chúng ta phải làm những việc bác ái trong mọi tình huống, thậm chí phục vụ cả người mà chúng ta không thích. Chúa Thánh Thần sẽ tôn vinh việc chúng ta lặp đi lặp lại hành vi này bằng cách sinh ra hoa trái tình yêu trong chúng ta.

Chúng ta nhận ra những ham muốn dục vọng và cảm thấy bất lực khi chúng cứ lặp đi lặp lại trong đời sống chúng ta ngày này qua ngày khác. Nhưng chúng ta không cần phải như vậy bởi vì Chúa Thánh Thần – Ngài mang đến cho chúng ta phương thuốc giải để thoát khỏi chúng. Bạn có thể phải đối mặt với những ý định xấu xa và những tội lỗi dai dẳng bằng cách mong đợi Chúa Thánh Thần ban cho bạn ân sủng để vượt qua chúng, và bạn có thể thay thế chúng bằng hoa trái của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ giúp bạn thấy rõ những ham muốn dục vọng trong cuộc sống và sẽ ban cho bạn ân sủng để thay thế những hành vi tội lỗi bằng hoa trái của Thánh Thần.

  • Đây là một trích đoạn chọn lọc từ Những lời cầu nguyện đến Chúa Thánh Thần: Sức mạnh và Ánh sáng Cuộc sống của bạn của tác giả Bert Ghezzi (Ngôi Lời Giữa Chúng Ta, 2014).

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: The Holy Spirit Is a Someone (https://wau.org)

[Chúng tôi đặt lại tiêu đề của bài để dễ hiểu hơn]

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube