Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi (Tv 23)

Đức Kitô Phục Sinh là Chúa Chiên Lành và chúng ta là đoàn chiên của Người. Người là mục tử luôn luôn hiện diện và chăm sóc từng người chúng ta. Người biết chúng ta; chúng ta nghe tiếng Người và đi theo Người.

Mở đầu Tv 23, tác giả viết:“YHWH là mục tử của tôi”. Đây là một lời tuyên xưng đức tin: tế nhận YHWH là vị mục tử của mình và loại trừ tất cả những thực tại khác khỏi vị trí và tư cách đó.

Tôi chẳng thiếu thốn gì”. Nỗi sợ thứ nhất được đề cập đến ở đây là sợ đói. Tv 23 là Tv của dân nghèo, những người phải đối diện với sự đói như là một vấn đề thực tế (x. Tv 4,8; 17,14). Ba khẳng định kế tiếp sẽ là sự diễn đạt rõ ràng, theo cách thức tích cực, về sự “chẳng thiếu thốn gì”. Khẳng định thứ nhất liên quan đến chuyện ăn (c.2a), khẳng định thứ hai liên quan đến chuyện uống (c.2b), khẳng định thứ ba liên quan đến kết quả của việc hưởng dùng đồ ăn thức uống (c.3a).

Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nghỉ ngơi”. Hạn từ Hípri mà chúng ta dịch là “đồng cỏ” trước hết gợi lên ý tưởng về “nơi cư ngụ”, về cảm nhận đang được ở trong nhà mình. Hạn từ này thường quy chiếu về những “đồng cỏ” xuất hiện khi những cơn mưa đầu mùa xuân làm cho hoang mạc xứ Palestina thành một thảm cỏ xanh mượt (x. Tv 65,13). Nhưng hạn từ này cũng có nghĩa là “nơi cư ngụ”, “ngôi nhà”, “nơi trú ẩn”. Theo nghĩa phái sinh, nó chỉ đất Israel, và thậm chí, chỉ đền thờ Giêrusalem. Trong Xh 15,13, hạn từ “đồng cỏ” được dùng trong ngữ cảnh cuộc xuất hành. Trong Gr 23,3 là ngữ cảnh “cuộc xuất hành mới. Chính hình ảnh này sẽ trở lại trong Ez 34,14-15.

Trên dòng nước an bình Người dẫn tôi đến”. Ơn huệ “nước uống” nhắc nhớ đến cuộc hành trình trong sa mạc. Có lẽ tác giả có ý đặt cách nói “trên dòng nước của sự an bình” đối lại với một cách nói khác: “trên dòng nước của sự thử thách” (Tv 81,8; 106,32; Ds 20,13), là nơi xảy ra phép lạ nước trong cuộc hành trình qua sa mạc. Gr 31,9 sẽ nói đến cuộc xuất hành lần thứ hai như một cuộc “dẫn đến các khu nước”. Đàng khác, một điểm đặc trưng của đền thờ Giêrusalem là sự hiện diện của một mạch suối và mạch suối này đã trở nên biểu tượng của sự giàu có và phúc lành mà Thiên Chúa ban cho dân Người tại nhà của Người. Sự song song với Is 49,9-10 còn rõ ràng hơn nữa.

Sự sống của tôi, Người làm cho trở lại”. Hiệu quả của sự nghỉ ngơi và của sự ăn uống là sự phục hồi sinh lực, phục hồi sức sống. Cũng theo nghĩa phục hồi sự sống, Tv 19,8 gắn nguồn mạch sự sống vào Torah: “Thánh chỉ YHWH trọn hảo, phục hồi hồn vía”. Sự sống mà lời Thiên Chúa mang lại chính là sự sống “được phục hồi”, tức là được cứu khỏi sự chết. Cũng khá gần với bản văn của chúng ta là bản văn Is 55,1-3, một trong số các đoạn văn song song với Tv 23. Ở Is 55,3, ngôn sứ kết thúc lời mời gọi đến ăn uống miễn phí nơi bàn tiệc cánh chung bằng câu: “Hãy nghe và mạng các ngươi sẽ được sống!”.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính”. Trong sự liên tục với ẩn dụ đời sống du mục, ngữ đoạn này trước hết cần được hiểu theo nghĩa văn tự. Vào đầu mùa xuân, các mục tử rời chuồng trại và dẫn đàn gia súc ra những bãi cỏ non trong hoang địa, những đám cỏ non mới mọc sau những trận mưa xuân đầu mùa. “Những đường ngay lối thẳng”, theo nghĩa này, là những con đường không có hiểm nguy nhưng dẫn tới những cánh đồng cỏ non mầu mỡ. Đàng khác, đây cũng rõ ràng là một ẩn dụ. Vịnh gia muốn nói về đời sống con người dưới sự dẫn dắt của Thiên Chúa. “Những đường lối của sự công chính” là những đường lối do luật YHWH chỉ dạy (x. Tv 17,5; Cn 2,9.15.18; 4,11; Is 26,7). “Con đường” trở nên ẩn dụ về cuộc đời con người, cuộc đời hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong đền thờ và trong nơi cư ngụ vĩnh viễn.

“Vì Danh của Người”. Có hai lời giải thích ngữ đoạn này. Lời giải thích thứ nhất liên quan đến ý nghĩa của danh YHWH, được nói đến trong Xh 3,14. Vậy “vì Danh của Người” tức là vì điều mà Danh ấy diễn tả, là chính sự trung tín hiện hữu “vì” và “với”, như đã từng xảy ra trong sách Xh. Thành ra, nói rằng Thiên Chúa luôn dẫn dắt tôi trên đường chính nẻo ngay vì Danh của Người, tức là nói rằng Thiên Chúa luôn dẫn dắt tôi trên đường chính nẻo ngay bởi vì Người hiện hữu ở đây và lúc này vì tôi và với tôi. Lời giải thích thứ hai dựa theo Ez 20 (xem cách riêng cc.9.14.22.44). Trong ngữ cảnh này có sự tiền giả định kinh nghiệm về tội lỗi và về sự không thể xứng đáng được cứu. Thiên Chúa hành động không phải bởi vì Israel (hay vịnh gia) xứng đáng, nhưng hoàn toàn là vì ân nghĩa của Người. Sau cuộc lưu đày, Israel đã đạt đến nhận thức sâu sắc rằng nếu có một tương lai cho dân Chúa, thì tương lai đó không hề dựa trên sự tuân giữ lề luật, mà chỉ dựa trên lòng trung thành của Thiên Chúa với “Danh” của Người, tức là với hữu thể sâu xa của Người, với tình yêu đầy lòng tư bi lân mẫn của Người (x. Xh 34,6-7).

“Dù con phải bước đi trong thung lũng bóng tối, con cũng chẳng sợ hoạ tai nào. Người ta tranh luận nhiều về ý nghĩa của hạn từ “thung lũng bóng tối”. Về mặt ý nghĩa từ vựng, những đoạn song song trong Cựu Ước cho thấy ý nghĩa căn bản cần phải duy trì là “bóng tối dày đặc”. Trước hết, “thung lũng bóng tối” có ý hiểu một cách cụ thể là một trong những wady có độ sâu khá lớn trong sa mạc Giuđa, nhất là ở khu vực gần giếng Arabah. Vào mùa hè, trên cao nguyên miền trung, rất khó tìm ra đồng cỏ cho đàn vật, vì thế, các mục tử phải dẫn đàn vật đến các wady, nơi vẫn còn giữ được một chút nước và một ít cỏ. Đó là những nơi chốn biệt lập, đầy nguy hiểm vì thú dữ rình rập săn mồi và vì có đông kẻ cướp sẵn sàng ra tay.

Tuy nhiên, ở đây, hình ảnh thung lũng bóng tối cũng có giá trị biểu tượng rất phong phú. Thực ra, trong một vài đoạn song song, “thung lũng bóng tối” rõ ràng ám chỉ đến vương quốc kẻ chết, được trình bày như một thế giới tăm tối, không có ánh sáng (x. G 10,21.22; 3,5; 38,17). Chắc chắn là rất khó xác định xem ở đây có ý tưởng về sự phục sinh hay chỉ là ý tưởng về việc cứu thoát khỏi những nguy hiểm chết người.

Trong Gr 2,6, hạn từ “thung lũng bóng tối” chỉ về cuộc hành trình trong sa mạc (vốn, trong Cựu Ước, là biểu tượng của bóng tối và sự chết), và như thế, ở đây, ta có một ám chỉ khác: ám chỉ về cuộc xuất hành. Tv 44,20 sử dụng hình ảnh này để nói về cuộc lưu đày; cũng vậy trong Gr 13,16 và Tv 107,10-14 (x. Is 9,1). Cũng như trong cuộc hành trình qua sa mạc xưa, vịnh gia sẽ không phải sợ hãi gì trong cuộc hành trình đi ngang qua bóng tối của cuộc lưu đày.

 “Vì Ngài ở với con”. Đây là lý do để tác giả có lòng tin tưởng mạnh mẽ. Ngữ đoạn này là trung tâm của thánh vịnh. Nếu quả thực Danh Thiên Chúa YHWH có một tầm quan trọng lớn lao trong cấu trúc của thánh vịnh, thì nền tảng đầu tiên giúp giải thích câu này chính là Xh 3. Danh YHWH diễn tả sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa bên cạnh dân của Người và qua lệnh truyền của Người: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). “Lời hứa sẽ trợ lực”, nét điển hình của các trình thuật về ơn gọi (x. Gr 1,8), là một hệ quả của biến cố căn bản đó. Đặc biệt gần gũi với đoạn văn mà chúng ta đang nghiên cứu là hai đoạn văn của Isaia đệ nhị, hai đoạn văn này đưa chúng ta hướng về cuộc xuất hành thứ hai. “Đừng sợ hãi, vì Ta ở với ngươi” (Is 41,3). Đối tượng của sự trợ lực này là chính dân chọn, là dân được ban cho một lời hứa khác: “Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu. Vì chính Ta là YHWH, Thiên Chúa ngươi thờ… Đừng sợ! Vì Ta ở với ngươi” (Is 43,2-3.5). Cuộc hành trình được nói đến ở đây là cuộc hành trình từ chốn lưu đày trở về Sion.

Như thế, nếu trong khổ thơ thứ nhất, vị mục tử ở “phía trước” chiên của Ngài, để dẫn dắt chúng (c.3), thì bây giờ (c.4) Ngài ở bên cạnh chiên, như người bạn đồng hành. Trong khổ thơ thứ ba (c.5), hai bên sẽ đối diện với nhau như hai người đồng bàn. Cuối cùng, trong khổ thơ sau hết, hai yếu tố thần linh là lòng nhân hậu và dạ xót thương của Thiên Chúa sẽ đi theo vịnh gia để bảo vệ ông (c.6a). Đó là cách thức “Ngài ở với con”.

Cái côn của Ngài và cây trượng của Ngài làm cho con vững tâm”. Hai hạn từ Hípri mà chúng ta tạm dịch là cái côncây trượng có nghĩa chỉ hai dụng cụ của mục tử trong đời sống du mục. Động từ “làm cho con vững tâm” có thể gây ngạc nhiên. Nó có vẻ không phù hợp với ẩn dụ con chiên. Tuy nhiên, động từ này rất phư hợp với ngữ cảnh có nói đến các hoạ tai và các nỗi sợ hãi. Người cầu nguyện đang trải qua những nguy hiểm nghiêm trọng. Ông bỏ thế giới ẩn dụ mà nói về cảm giác nhân linh, và bằng cách đó, ông hướng chúng ta về phần thứ hai của thánh vịnh, trong đó ông sẽ không nói gì về mục tử và con chiên nữa, nhưng trực tiếp nói về các ngôi vị.

Động từ “an ủi, làm cho vững tâm” đưa chúng ta về sách Ai Ca (x. Ac 1,2.9.16-17.21; 2,13) và nhất là Isaia đệ nhị (x. Is 40,1; 49,13; 51,3.12.19; 52,9). Với một dân cõi lòng đang tan nát, ngôn sứ loan báo một sự “ủi an” của Thiên Chúa. Có thể vịnh gia cũng đang trải qua một hoàn cảnh tương tự. Quả thực, lòng tín thác nơi Thiên Chúa không nảy sinh từ một cuộc sống không có vấn đề, nhưng nó là câu trả lời cho những khó khăn của cuộc đời. Thật đáng chú tâm sự kiện diễn ngôn trực tiếp nói với Thiên Chúa ở ngôi thứ hai xuất hiện cùng với phần nhắc đến các hoạ tai và địch thù.

Trong các câu 5-6, vịnh gia không nói gì về mục tử và đàn chiên nữa. Nhưng tác giả vẫn dùng ẩn dụ để diễn tả mối tương quan giữa hai ngôi vị: ẩn dụ một cuộc tiếp đãi đầy lòng hiếu khách. Chúng ta đã nói rằng “mục tử” là ẩn dụ quân vương. Bây giờ, Thiên Chúa được trình bày như một vị vua vĩ đại tiếp khách trong cung điện của Ngài (c.5) và ban tặng cho vị khách của mình một đoàn hộ tống để tiếp tục cuộc hành trình (c.6). Cung điện hoàng vương, nhà của YHWH, mà c.6 nói đến, chắc chắn chính là đền thờ Giêrusalem: đó chính là khung cảnh của cuộc thù tiếp huy hoàng.

 “Ngài dọn một bàn tiệc cho con”. Đây là một hành động của lòng hiếu khách, vốn là điều cực kỳ quan trọng trong thế giới Cận Đông cổ. Có lẽ c.5 này có ý trực tiếp nói đến bàn tiệc quân vương chứ không phải bàn để bánh tiến hay bàn để lễ vật như nhiều người muốn hiểu. Việc xức đượm dầu thơm ở đây thực ra là một việc quan trọng trong nghi lễ tiếp khách, chứ không phải một hành động thuộc về phạm vi phụng tự. Về ý nghĩa của việc được ăn tại bàn tiệc của vua, có lẽ 2Sm 9,7 có thể cho chúng ta một gợi ý: ăn tại bàn ăn của vua, là một dấu hiệu được đối đãi đặc biệt, vừa là một vinh dự lớn, vừa là một bảo đảm được bảo vệ. Hơn nữa, bàn tiệc còn là dấu hiệu của tình bạn và sự thân nghĩa: nó nhấn mạnh sự thuộc về lẫn nhau giữa người cầu nguyện và Thiên Chúa của ông, đặt trong liên kết với hai lời khẳng định căn bản của phần thứ nhất của thánh vịnh: “YHWH là mục tử của tôi” (c.1b) và “vì Ngài ở với con” (c.4d).

Ngữ đoạn “trước mặt những kẻ thù của con” không nhất thiết diễn tả một sự cận kề về thể lý, nhưng “điểm nhấn là sự đối kháng, chứ không phải là sự cận kề và chắc chắn không phải là sự nhìn thấy”. Sự xuất hiện của “địch thù” nối câu này với c.4. Kẻ thù vẫn còn hiện diện đó, nhưng vịnh gia thấy thật vững tâm dưới sự che chở và bảo vệ của vị chủ nhà là chính Thiên Chúa.

“Đầu con Ngài xức đượm dầu thơm; chén của con đầy tràn”. Theo thói quen đãi khách cổ thời, chủ nhà xức dầu thơm trên đầu khách mời (x. Lc 7,46). Và đương nhiên không thể thiếu rượu trong các bữa tiệc trọng thể, vì đó là dấu hiệu của hoan lạc (x. Tv 104,15). Đáng chú ý là cách dùng hạn từ “chén”. Hạn từ này gợi nhớ đến Tv 36,9: “Con sẽ nâng chén cứu độ”. Trong Tv 116, khung cảnh là một hiến lễ tạ ơn và bàn tiệc chính là tiệc hiến tế; khung cảnh của Tv 23 thì khác hẳn, ít nhất là xét về phương diện ẩn dụ. Tuy nhiên, ý tưởng về sự “chiến thắng” trên địch thù là yếu tố chung cho cả hai thánh vịnh.

Nhưng hạn từ “chén” cũng cho phép chúng ta tìm đến với một đoạn song song khác, tức là Tv 16,5: “YHWH là gia nghiệp của tôi và là chén của tôi”. Sự song song giữa hai thánh vịnh 23 và 16 cho phép chúng ta hiểu rằng thực tại đã làm cho chén của vịnh gia đầy tràn, là chính YHWH, chứ không phải là các ân huệ Người ban cho ông. Sự hiệp thông sâu xa với chính YHWH trong đền thờ và trong cuộc gặp gỡ huyền nhiệm là thực tại làm thoả cơn khát và cơn đói của vịnh gia (x. Tv 17,14-15; 4,8).

Câu 6 có liên kết rất chặt chẽ với các câu 1b-3, bởi vì ở đây, khung cảnh mang tính cách tích cực, và tác giả không nói gì đến địch thù và hoạ tai. Và đây là điều rất thực: thánh vịnh kết thúc, tương tự như ở điểm khởi đầu, bằng một khung cảnh bình an và thanh thản. Nhưng “quân thù” không hề bị quên lãng. Nếu Thiên Chúa sai một đoàn hộ tống để bảo vệ vị khách của Người, thì điều đó có nghĩa rằng cuộc hành trình không phải là không có hiểm nguy. Tất nhiên, bây giờ, người cầu nguyện sẽ không bị quân thù truy đuổi như ông đã từng thường bị như thế trong quá khứ (x. Tv 7,2.6; 18,38; 31,16…), song ông sẽ được hộ tống bởi lòng nhân hậu và dạ xót thương của Thiên Chúa.

Những đoạn song song gần gũi nhất với đoạn văn chúng ta đang đọc đưa chúng ta hướng về kinh nghiệm của cuộc xuất hành đệ nhị, tức là của cuộc trở lại từ chốn lưu đày. Đó là ngữ cảnh của Is 35,10, khi mà “những người được Đức YHWH giải thoát sẽ trở về… hoan lạc và hạnh phúc sẽ theo họ, phiền sầu và than van sẽ lìa xa”. Cũng giống như trong Tv 23, tuy vẫn còn đó ký ức về quá khứ quẫn bách, nhưng ngôn sứ tin tưởng chắc chắn rằng những quẫn bách sẽ được thay thế bằng hoan lạc và hạnh phúc. Một đoạn văn song song khác là Tv 43,3: “Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý của Ngài, để soi đường dẫn lối con đi, về núi thánh, lên đền Ngài ngự”. Ở đây, cuộc hồi hương từ chốn lưu đày được cảm nhận như là cuộc trở lại nhà Thiên Chúa với đoàn quân hộ tống là những phẩm tính cao cả của chính Thiên Chúa. Đối với cuộc xuất hành thứ nhất, tất nhiên chúng ta có thể nghĩ đến mạc khải về lòng nhân hậu và từ bi của Thiên Chúa trong Xh 34,6; lòng nhân hậu và từ bi ấy đồng hành với Israel trong cuộc hành trình tiến về đất hứa (Xh 34,9). Cũng giống như ở c.3 (“vì Danh của Người”), ta gặp ở đây kinh nghiệm của cuộc lưu đày, trong đó, Israel không còn dám nại đến “sự công chính” của Thiên Chúa nữa, mà chỉ dám cậy vào lòng nhân hậu và dạ xót thương của Người.

“Mọi ngày của đời tôi”. Cuộc hành trình, như vậy, là ẩn dụ về cuộc đời con người. Cuộc xuất hành từ Ai cập và cuộc xuất hành từ chốn lưu đày, hai cuộc “hành trình” lớn lao của lịch sử Israel, được giải thích lại dưới ánh sáng của lịch sử cá nhân. Ở câu 6c, chúng ta theo đúng bản văn Hípri: “và tôi sẽ trở lại”. Người cầu nguyện đã từng một lần đến đền thờ. Ở đền thờ, vịnh gia đã trải qua kinh nghiệm về cuộc sống mới (sự sống của tôi Người làm cho trở lại), và kinh nghiệm đó đã từng là một kinh nghiệm trào tràn đối với ông, đến nỗi bây giờ ông ước ao quay trở lại.

Tóm lại, Tv 23 cho chúng ta chiêm ngắm một trải nghiệm tuyệt vời của một tâm hồn cầu nguyện sâu xa. Đó là trải nghiệm về YHWH Mục Tử.

Đức Kitô Phục Sinh chính là Mục Tử Nhân Lành của chúng ta. Và “in persona Christi”, các linh mục là các mục tử của Dân Chúa. Có lẽ không có lời cầu nguyện nào cho ơn gọi linh mục và tu sĩ thâm thuý và hiệu quả hơn việc khắc hoạ nơi chính mình dung mạo Mục Tử Nhân Lành của Chúa chúng ta, Đức Kitô Giêsu.

Giuse Nguyễn Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube