“China leaks”: rò rỉ các tài liệu bí mật tiết lộ thực tế bị che giấu bên trong các trại cải tạo của Trung Quốc (kỳ II)

5d9c3be7a4107d44763b43f5

Ai và làm thế nào?

Ngày 18 tháng 2 năm 2017, Zhu, quan chức người Hán, người ký tên vào các tài liệu, đã ca ngợi hàng ngàn cảnh sát đang xếp hàng ở quảng trường thủ đô: “Với cú đấm mạnh mẽ của chế độ dân chủ nhân dân, tất cả các hoạt động ly khai và tất cả những kẻ khủng bố sẽ phải bị nghiền nát! ” Đó là khởi đầu của một cuộc đàn áp mới: cảnh sát đã triệu tập các công dân Duy Ngô Nhĩ hoặc gõ cửa nhà họ vào ban đêm để thẩm vấn họ. Những người khác đã bị buộc dừng lại ở biên giới hoặc bị bắt tại các sân bay. Trong những năm sau đó, khi người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan được đưa đến các trại cải tạo, chính phủ đã xây dựng hàng trăm trường học và trại trẻ mồ côi để đào tạo và giáo dục con cái của họ. Nhiều người phải trốn đi lưu vong mà thậm chí không biết con cái hoặc người thân của họ đang ở đâu. Các tài liệu đã làm rõ rằng nhiều người bị giam giữ đã không thực sự làm gì nên tội và một tài liệu tuyên bố rõ ràng rằng mục đích của việc giám sát kỹ thuật số phổ biến này là “để ngăn chặn các vấn đề trước khi chúng xảy ra” – nói cách khác, để tính toán xem ai có thể nổi loạn và giữ họ lại trước khi họ có cơ hội

Tất cả điều này được thực hiện thông qua một hệ thống gọi là Nền tảng hoạt động chung tích hợp (IJOP) được thiết kế để giám sát toàn bộ dân cư. Được phát triển bởi một công ty liên quan đến quân đội nhà nước, IJOP ra đời như một công cụ chia sẻ thông tin tình báo được phát triển sau khi các nhà phân tích quân sự Trung Quốc nghiên cứu sử dụng công nghệ thông tin của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan. “Không có nơi nào khác trên thế giới mà máy tính có thể đưa bạn đến một trại cải tạo”, Rian Thum, một chuyên gia Tân Cương từ Đại học Nottingham nói. “Đây là một hệ thống hoàn toàn chưa từng có.” IJOP đã ghi lại tên của hàng ngàn người bị coi là đáng ngờ, coi họ là những người giả mạo “trái phép” vì họ không được đăng ký với chính phủ Trung Quốc. Hành vi đáng ngờ hoặc cực đoan được định nghĩa rộng rãi đến mức bao gồm cả các hành động như đi ra nước ngoài, đề nghị người khác cầu nguyện hoặc sử dụng các ứng dụng điện thoại di động không thể bị chính phủ giám sát.

IJOP đã theo dõi kỹ lưỡng người dùng “Kuai Ya”, một ứng dụng di động tương tự Airdrop của iPhone, đã trở nên phổ biến ở Tân Cương vì nó cho phép mọi người trao đổi video và tin nhắn ở chế độ riêng tư. Một báo cáo cho thấy các quan chức Trung Quốc đã nhận dạng hơn 40 nghìn người sử dụng “Kuai Ya” là đối tượng phải bị điều tra và, có khả năng, sẽ bị giam giữ; trong số này, 32 người đã bị liệt vào danh sách các thành viên của các tổ chức khủng bố. Hệ thống này cũng nhắm đến những người đã lấy được hộ chiếu hoặc thị thực nước ngoài, chứng tỏ chính phủ sợ hãi các ảnh hưởng Hồi giáo cực đoan từ nước ngoài và rất không hài lòng về bất kỳ mối liên hệ nào giữa người Duy Ngô Nhĩ với thế giới bên ngoài. Các quan chức đã được yêu cầu xác minh danh tính của ngay cả những người đang ở ngoài nước, một minh chứng rõ ràng về cách Trung Quốc quăng lưới săn người Duy Ngô Nhĩ vượt xa Tân Cương. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã gây áp lực lên các quốc gia mà những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn, như Thái Lan và Afghanistan, để đưa họ trở về Trung Quốc. Ở các nước khác, các đặc vụ Bắc Kinh đã liên lạc với người Duy Ngô Nhĩ và ép buộc họ báo cáo về nhau. Ví dụ, Qurbanjan Nurmemet, một người đàn ông hiện đang là chủ nhà hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết ông đã được các nhân viên cảnh sát Trung Quốc liên hệ, cho xem các video về con trai ông đang bị trói vào ghế và hỏi ông về những người Duy Ngô Nhĩ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng các trại cải tạo là các trung tâm đào tạo nghề cho người nghèo và ít học, nhưng các tài liệu cho thấy trong số những người bị giam giữ còn có cả các quan chức đảng và sinh viên đại học. Sau khi lập danh sách, người ta chuyển đến các quận huyện tên của những người phải bị “chăm sóc” chu đáo, rồi từ các lãnh đạo huyện, bản danh sách đó được chuyển đến các đồn cảnh sát địa phương, rồi từ đây đến các cảnh sát khu phố và các cán bộ của Đảng Cộng sản sống gần các gia đình người Duy Ngô Nhĩ. Một số cựu tù nhân kể rằng họ bị các đặc vụ triệu tập và nói với họ rằng họ nằm trong danh sách những người bị giam giữ. Từ đó, họ bị phân loại thành những người bị quản thúc tại gia, hay bị đưa đến các trung tâm giam giữ với ba cấp độ giám sát, mà cấp độ cao nhất là nhà tù. Theo các chuyên gia, các vụ giam giữ này cấu thành một sự vi phạm rõ ràng chính luật pháp và Hiến pháp Trung Quốc. Chiến dịch bắt giữ đã tràn lan. Một bản tin lưu ý rằng chỉ trong một tuần vào tháng 6 năm 2017, IJOP đã xác định 24.612 “nghi phạm” ở miền nam Tân Cương, với 15.683 người bị đưa vào các cơ sở “giáo dục và đào tạo”, 706 người phải ở tù và 2.096 người bị quản thúc tại gia. Người ta không biết đó có thể được coi là thống kê điển hình cho một tuần hay không.

Các quan chức địa phương nói rằng có khoảng gần một triệu người trong diện “đào tạo”, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính đã có khoảng 1,8 triệu người bị bắt bằng cách này hay cách khác. Các báo cáo chỉ ra rằng các mối quan hệ cá nhân của người bị giam giữ bị kiểm tra cẩn thận và các thẩm vấn viên gây áp lực buộc họ phải báo cáo tên của bạn bè và người thân. Mamattursun Omar, một đầu bếp người Duy Ngô Nhĩ bị bắt sau khi làm việc ở Ai Cập, đã bị thẩm vấn tại bốn cơ sở giam giữ khác nhau trong chín tháng vào năm 2017. Omar nói với AP rằng cảnh sát yêu cầu anh ta tiết lộ danh tính của những người Duy Ngô Nhĩ khác ở Ai Cập. Cuối cùng, Omar nói, họ bắt đầu tra tấn anh ta để buộc anh ta nhận rằng các sinh viên Duy Ngô Nhĩ đã đến Ai Cập là để tham gia thánh chiến. Họ trói anh ta vào một cỗ máy gọi là “ghế hổ”, họ gây sốc điện, đánh đập anh ta và quất bằng dây cáp máy tính. “Tôi không thể chịu đựng được nữa”, Omar giải thích, “Và tôi đã nói với họ những gì họ muốn nghe.” Omar đã khai ra tên của sáu người khác cùng làm việc với anh ta trong một nhà hàng ở Ai Cập. Họ đã bị bắt giữ.

Điều gì xảy ra trong các trại “học tập”

Các tài liệu cũng mô tả chi tiết những gì xảy ra sau khi một người được gửi đến một trong những “trung tâm đào tạo” này. Trong một tài liệu công khai gần đây, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố: “Quyền tự do cá nhân của các học viên trong các trung tâm giáo dục và đào tạo được bảo vệ theo luật pháp”. Nhưng các tài liệu sử dụng nội bộ nói nhiều hơn và mô tả các cấu trúc với các đồn cảnh sát tại các lối vào, các tháp canh, các nút báo động và các video giám sát không có điểm mù. Các tù nhân chỉ được phép ra ngoài nếu thực sự cần thiết, ví dụ trong trường hợp bị bệnh, nhưng ngay cả như vậy cũng phải có người “đi cùng và kiểm tra họ”. Ngoài ra, việc vệ sinh cá nhân và việc nghỉ ngơi cho các nhu cầu thể lý được theo dõi chặt chẽ “để ngăn chặn những kẻ có thể đào tẩu.” Việc sử dụng điện thoại di động bị nghiêm cấm để ngăn chặn mọi “sự thông đồng giữa bên trong và bên ngoài”. “Việc trốn thoát là không thể”, cô Sayragul Sauytbay, người Kazakhstan, thành viên của Đảng Cộng sản, bị cảnh sát bắt vào tháng 10 năm 2017 và buộc phải trở thành một giáo viên tiếng Hoa trong trại, nói. “Có cảnh sát vũ trang ở mọi góc và mọi nơi.” Sauytbay gọi trung tâm giam giữ là “trại tập trung … còn tệ hơn cả nhà tù, với hãm hiếp, tẩy não và tra tấn trong “Phòng đen”, nơi mọi người có thể nghe thấy tiếng la hét. Cô và một cựu tù nhân khác, Zumrat Dawut, nói với ICIJ rằng những người bị giam giữ đã được cung cấp các loại thuốc khiến họ tuân thủ và thuần hóa hơn, và mọi động thái mà đều bị theo dõi. Các nhà báo AP đến thăm Tân Cương vào tháng 12 năm 2018 đã nhìn thấy các tháp canh và hàng rào dây thép gai cao bao quanh các trại cải tạo. Một trại ở Artux, phía bắc Kashgar, nằm giữa một khu vực hoang vắng rộng lớn đầy đá, với một đồn cảnh sát ở lối vào, rồi các nhà máy, bệnh viện và ký túc xá, một ngôi nhà có biển hiệu ghi “Nhà của công nhân” bằng tiếng Trung Quốc.

Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các tháp canh và hàng rào đã bị xóa khỏi một số cơ sở, có lẽ là cách làm dịu tình hình để đối phó với các chỉ trích quốc tế. Shohrat Zakir, lãnh đạo Tân Cương, cho biết hồi tháng 3 rằng các tù nhân hiện có thể xin giấy phép tạm thời và trở về nhà vào cuối tuần, một tuyên bố mà AP không thể xác minh độc lập. Môn học đầu tiên được liệt kê như một phần trong chương trình giảng dạy của các “trung tâm đào tạo” này là giáo dục tư tưởng, một nỗ lực rõ ràng để thay đổi cách suy nghĩ và hành động của các tù nhân. Đây là một ý tưởng bắt nguồn một phần từ niềm tin của người Trung Quốc cổ đại vào việc chuyển đổi thông qua giáo dục – được chuyển đến các thái cực đáng sợ nhất của nó trong các chiến dịch cách mạng tư tưởng đại chúng của Mao. “Đó là sự trở lại thời kỳ đen tối của Cách mạng Văn hóa, nhưng ngày nay được hỗ trợ bởi công nghệ tinh vi”, nhà nghiên cứu Zenz giải thích.

Khi cho học viên thấy những sai lầm trước đây, các trung tâm phải thúc đẩy “sự ăn năn và xưng thú”, người ta đọc được lời khuyến nghị đó trong chỉ thị nội bộ bị rò rỉ. Chẳng hạn, Qurban, người chăn cừu người Kazakhstan, bị còng tay và đưa đến một cuộc thẩm vấn trước mặt một chỉ huy Trung Quốc người Hán và buộc phải thừa nhận rằng anh ta hối hận khi đi du lịch nước ngoài. Nhồi sọ đi kèm với cái gọi là “giáo dục cách cư xử tốt”, trong đó các hành vi tốt là phải “cắt tóc và cạo râu đúng lúc”, “thay quần áo thường xuyên” và “tắm một hoặc hai lần một tuần”. Ngay cả một cựu thành viên truyền hình Tân Cương hiện đang sống ở châu Âu cũng đã được chọn để dạy tiếng phổ thông trong thời gian bị giam giữ một tháng vào năm 2017. Các tù nhân hai lần một ngày bị cảnh sát bắt xếp hàng và kiểm tra, và một số người, được chọn ngẫu nhiên để bị thẩm vấn bằng tiếng phổ thông. Những người không thể trả lời bằng ngôn ngữ chính thức liền bị đánh đập hoặc cắt bớt khẩu phần thức ăn trong nhiều ngày. Một ngày nọ, người cựu giáo viên nhớ lại, một sĩ quan đã hỏi, bằng tiếng phổ thông, một người nông dân già xem ông ta có thích trại cải tạo hay không. Người đàn ông xin lỗi vì nói tiếng phổ thông kém cỏi và tiếp tục nói bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ rằng ông ta khó học tiếng Trung Quốc vì tuổi tác đã cao. Viên cảnh sát xông đến và dùng gậy đánh ông lão ngã xuống đất và chảy máu. “Họ không xem chúng tôi là con người”, người cựu giáo viên từ chối cho biết tên của mình vì sợ trả thù gia đình, nói. “Họ đối xử với chúng tôi như động vật – như lợn, bò, cừu” – anh thêm.

Các tù nhân bị kiểm tra tiếng phổ thông, ý thức hệ và kỷ luật, với bài kiểm tra “nhỏ” mỗi tuần, bài kiểm tra trung bình mỗi tháng và bài kiểm tra cuối cùng mỗi mùa. Điểm số của các bài kiểm tra được cho theo một hệ thống điểm phức tạp. Các tù nhân cư xử tốt có thể được khen thưởng bằng một số quyền lợi như được đi thăm gia đình chẳng hạn, và có thể “tốt nghiệp” và ra khỏi trại cải tạo. Các tù nhân có điểm số thấp được gửi đến “Khu vực quản lý” chặt chẽ hơn với thời gian giam giữ lâu hơn. Các cựu tù nhân nói với AP rằng các hình phạt bao gồm bỏ đói, còng tay, cô lập, đánh đập và tra tấn.

Ngọc Huỳnh (theo RaiNews)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube