Các Thượng Phụ Công giáo tại Trung Đông khẳng định sự hiện diện của các Kitô hữu

Sứ điệp Phục sinh lên án tình trạng bạo lực kéo dài nhưng ‘chúng tôi mời mọi người hy vọng’, Đức Thượng Phụ Gregoire III Laham chia sẻ.

Trong Sứ điệp Phục Sinh, các Thượng Phụ Công giáo tại Trung Đông đã mạnh mẽ lên án các vụ giết hại cũng như sự đau khổ tràn lan. Tuy nhiên, các Thượng Phụ cũng khẳng định sự hiện diện của các Kitô hữu trong khu vực bằng cách kêu gọi các tín hữu hãy tiếp tục hy vọng.

Từ Bkerke, Tòa Thượng Phụ của Giáo Hội Công giáo Maronite tại Lebanon, ĐHY Bechara Rai đã lên án “mọi hình thức chiến tranh, cũng như các cuộc bách hại và tấn công”.

Worshippers pray during Easter Mass April 16 in St. George Chaldean Catholic church in Tel Esqof, Iraq. The church was damaged by Islamic State militants. (CNS photo/Marko Djurica, Reuters)

ĐHY Rai – một Thượng Phụ Maronite – đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “tìm ra các giải pháp chính trị và ngoại giao cho các xung đột, và đặt nền móng cho một nền hoà bình công bằng, toàn diện và lâu dài” trong khu vực, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phải ngăn chặn các quốc gia khỏi việc cung cấp chỗ trú ẩn, trợ cấp, cũng như vũ khí cho các tổ chức khủng bố.

“Thật đáng xấu hổ cho các nhà cai trị các quốc gia – với tầm ảnh hưởng về tài chính và quân sự – những người đã biến khu vực phía đông của chúng ta trở thành một vùng đất chiến tranh, đầy rẫy cảnh chết chóc và tàn phá, và là nơi ẩn náu của các tổ chức khủng bố cũng như các phong trào chính thống”, ĐHY Rai nói. Họ đã nhóm lên một ngọn lửa mà họ nghĩ rằng nó chỉ đốt cháy nơi đó, nhưng quả thực, nó đã lan rộng ra những nơi khác”.

Đức Hồng Y Rai cam đoan với tất cả những ai đang phải chịu đựng đau khổ rằng thậm chí nếu những kẻ cầm quyền này “có thể phá hủy đi nhà cửa cũng như những thành tựu của nền văn minh của anh chị em, họ sẽ không thể tiêu diệt được đức tin và tình yêu của anh chị em đối với quê hương cũng như niềm hy vọng nơi tâm hồn anh chị em”.

Đức Thượng Phụ Công giáo Melkite Gregoire III Laham đã chỉ ra trong Sứ điệp Phục sinh của mình rằng trong lịch sử Giáo Hội sơ khai, các Kitô hữu thường được gọi là “con cái của sự Phục Sinh”.

“Chúng ta cùng cầu nguyện để hòa bình trở lại với những quốc gia chìm ngập trong đau khổ, đặc biệt là Syria, Iraq và Palestine”, Đức Thượng Phụ Laham nói. “Chúng tôi mời mọi anh chị em hy vọng, đặc biệt là khi phải đối diện với những cảnh chết chóc, bạo lực, các vụ đánh bom, khủng bố, các vụ giết hại và đốt phá”.

“Con cái của sự Phục Sinh chính là những nhà kiến tạo Syria trong tương lai. Con cái Giáo Hội cũng chính là những người kiến tạo tình yêu và hòa bình”, Đức Thượng Phụ Laham cho biết thêm.

Trong Sứ điệp Phục sinh từ Baghdad, Đức Thượng Phụ Chaldean Louis Sako đã vô cùng đau buồn trước những đau khổ mà các Kitô hữu tại Iraq cũng như trên toàn thế giới phải chịu đựng. Đức Thượng Phụ Sako đã kêu gọi các quan chức chính phủ cũng như các nhà chức trách tôn giáo phải đưa ra các sáng kiến cụ thể nhằm hỗ trợ cho sự tồn tại lâu dài của các Kitô hữu tại Iraq cũng như đảm bảo quyền lợi công dân của họ.

Đức Thượng Phụ Sako khuyến khích các tín hữu Công giáo “không nên dừng lại nơi những giải pháp nhập cư bất hợp pháp”, mà thay vào đó “hãy trở lại thị trấn và cuộc sống bình thường của mình, bám chặt vào lịch sử, những di sản, ngôn ngữ cũng như những ký ức về tổ tiên, các vị Thánh và các anh hung tử đạo của mình”.

Ghi nhận rằng Giáo Chaldean đã dành năm 2017 để cổ võ hòa bình, Đức Thượng Phụ Sako nhấn mạnh rằng Đại lễ Phục Sinh biểu trưng cho “một cơ hội tuyệt vời để mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mạnh mẽ về hòa bình, sự ổn định và một cuộc sống mới thông qua việc cầu nguyện, suy ngẫm, hòa giải và đối thoại”.

Tại Giêrusalem, Đức TGM Pierbattista Pizzaballa – Giám Quản Tông Tòa của Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem, cho biết sự nhận thức cũng như đức tin về Mầu nhiệm Phục Sinh không miễn trừ các tín hữu khỏi việc phải trải qua những thử thách, những đau đớn và bóng tối.

Tại các quốc gia như Syria, Iraq và Lebanon, “dường như sự hận thù cũng như sự khinh thường trong các mối quan hệ xã hội và tôn giáo đã chiếm ưu thế đối với tất cả mọi thứ, và do đó sự tôn trọng về con người, tôn giáo và dân sự đã trở nên những thứ trống rỗng”, Đức TGM Pierbattista nói. “Khốn thay cho chúng ta nếu như chúng ta quy hàng tất cả những điều như vậy”.

Đức TGM Pierbattista ca ngợi những Kitô hữu trong những hoàn cảnh như vậy, Ngài cho biết rằng họ “vẫn cởi mở, với sự xác tín thầm lặng, đối với mọi sự cộng tác. Không có sự thù hận cũng như sự khinh thường nơi đây. Không có những phản ứng bạo lực, mà chỉ có những ước muốn thầm lặng nhưng mạnh mẽ đối với công lý”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube