Các Giám Mục Venezuela cho rằng đã đến lúc cần phải bất tuân dân sự

Sau khi Toà án tối cao Venezuela quyết định loại bỏ Quốc hội hôm thứ Tư vừa qua, Hội đồng Giám mục Venezuela đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng các tín hữu Công giáo tại nước này không thể tiếp tục “bị động, sợ hãi hoặc vô vọng”, đồng thời, các Giám mục cũng đề nghị rằng đã đến thời điểm cần phải tỏ rõ thái độ bất tuân dân sự và sự phản đối ôn hòa đối với chính phủ của Tổng thống Nicholas Maduro.

20170403 VenezuelaVới một nền dân chủ dường như đang cạn kiệt tất cả mọi nguồn lực tại Venezuela, Hội đồng Giám mục đất nước này đã đưa ra lời tuyên bố rằng có lẽ đã đến lúc dân chúng cần phải tỏ rõ thái độ bất tuân dân sự cũng như việc phản đối ôn hòa chống lại chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, người mà hôm thứ Tư vừa qua đã dàn xếp một động thái khiến cho nhiều người xem như chẳng kém gì một cuộc đảo chính.

“Chúng ta không thể mãi bị động, sợ hãi hoặc thất vọng”, các Giám mục Công giáo của nước này cho biết hôm Thứ Sáu vừa qua, sau khi Tòa án tối cao Venezuela ra quyết định hủy bỏ Quốc hội, vốn đã nằm trong tay phe đối lập của ông Maduro trong hơn một năm qua.

Động thái này đã gây ra sự lên án rộng rãi trên toàn thế giới, với Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ vốn đã lên án đây như một “đòn giáng sau cùng đối với nền dân chủ” tại Venezuela, xác định phán quyết của Toà án Tối cao là hành động “tự đảo chánh”.

“Chúng ta phải bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như quyền lợi của những người khác”, các Giám mục nói. “Đã đến thời điểm rất nghiêm túc, và đầy tinh thần trách nhiệm, như thể hành động bất tuân dân sự, các cuộc biểu tình ôn hòa, những lời kháng cáo lên cơ quan công quyền quốc gia và quốc tế, và phản đối dân sự chính là những biện pháp hợp lý và có giá trị”.

Venezuela hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 11 trên thế giới, đứng trước cả Mexico và Colombia tại châu Mỹ Latinh, và có trữ lượng lớn hơn Saudi Arabia.

Mặc dù có nguồn tài nguyên phong phú như vậy, thế nhưng quốc gia này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội, vấn nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực và lạm phát ba con số.

Quốc gia này thường xuyên thiếu hụt lương thực thực phẩm, thuốc men, cũng như các nhu yếu phẩm khác như xà phòng. Việc thiếu bột làm bánh thậm chí đã dẫn đến việc thiếu bánh lễ để cử hành Thánh Lễ.

Khi cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn, Giáo hội Công giáo đã trở nên thẳng thắn hơn đối với chế độ của ông Maduro, nhấn mạnh sự gia tăng đối với vấn đề tội ác bạo lực cũng như các hoạt động của thị trường chợ đen do nền kinh tế đang tê liệt.

Điều này đã dẫn đến những phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ chế độ – những người đã tấn công một số Giám mục, linh mục và xông vào phá rối các Thánh lễ.

Hôm thứ sáu vừa qua, trưởng công tố Luisa Ortega của Venezuela – đồng minh của ông Maduro, đã trở thành quan chức cao cấp đầu tiên chỉ trích chế độ này. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, bà đã bày tỏ “mối bận tâm lớn” đối với một biện pháp, mà bà cho biết, đã vi phạm hiến pháp nước này.

Dưới áp lực nội bộ và quốc tế nhằm lật đổ phán quyết trong việc loại bỏ Quốc hội, hôm Thứ Bảy vừa qua, Tòa án Tối cao đã đảo ngược chính sách này. Việc công bố quyết định được đưa ra thông qua trang web của họ.

Tuy nhiên, sau đó vào hôm thứ bảy, Julio Borges – một chính trị gia địa phương đồng sáng lập đảng đối lập Primero Justicia cùng với Henrique Capriles và Leopoldo Lopez (cả hai đều đang bị giam giữ) đã khẳng định với cả người dân Venezuela lẫn cộng đồng quốc tế rằng “không có gì thay đổi , Cuộc đảo chính tiếp tục, không có sự phân chia quyền hạn”.

“Chúng ta đã gần bước vào Tuần Thánh”, các Giám mục cho biết hôm thứ Sáu vừa qua. “Đối với các tín hữu Công giáo, việc hồi tưởng về những hành động lăng mạ đối với Đức Giêsu Kitô là một lời mời gọi khẩn thiết để hiểu rõ và hành động một cách ôn hoà nhưng đầy mạnh mẽ trước sự tấn công của quyền lực”.

Việc chấm dứt Quốc hội – các Giám mục nói – đó là hành động phớt lờ đi quyền tối thượng vốn nằm ở người dân. Các Giám mục cũng xác định động thái này là “không thể chấp nhận được về mặt luân lý” đồng thời cảnh báo chống lại vấn đề leo thang bạo lực tại nước này, vốn đã gây ra các cuộc biểu tình qua các ngả đường phố của Caracas từ hôm Thứ Tư đến Thứ Bảy vừa qua, và điều này dường như hoàn toàn hợp lý.

Cũng vào hôm thứ sáu vừa qua, phát biểu trước báo chí, Đức Tổng Giám mục Diego Padron – Chủ tịch HĐGM Venezuela, cho biết: “Hiện nay, trong Giáo Hội Venezuela, sẽ chẳng có một sự duy linh đích thực nào nếu như chúng ta không bày tỏ thái độ kháng cự khi đối diện với vấn đề quyền lực”.

Trong khi thế giới đang nhìn vào Venezuela bởi vì cuộc khủng hoảng của họ – Đức TGM Padron nói – Giáo hội, trên hết là các giáo dân, cần phải lắng nghe “tiếng gào thét của dân chúng – những người đòi hỏi cần phải được tôn trọng nhân phẩm cũng như các quyền lợi của họ”.

Giáo hội – Đức TGM Padron cho biết thêm – phải đáp lại “không chỉ bằng lời nói nhưng cần phải với một thực tế, bởi vì một tôn giáo mà chỉ đứng yên, xa lánh người dân, cổ súy chủ nghĩa cá nhân, mà không đặt vấn đề đối với chế độ cũng như chẳng cam kết với các tín hữu trong việc biến đổi xã hội, sẽ là một thứ tôn giáo như một liều thuốc phiện cho các tín đồ của mình”.

Minh Tuệ (theo Cruxnow.com)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube