Ý cầu nguyện tháng 8 của ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện cho những người làm việc trong thế giới hàng hải

Trong ý cầu nguyện trong tháng 8 này, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho những người đi biển và những người làm việc trong thế giới hàng hải.

Hôm thứ Ba, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phát hành một thông điệp video trình bày ý cầu nguyện của Ngài trong tháng Tám. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi cầu nguyện cho “những người làm việc và sống trên biển, trong đó có các thủy thủ, ngư dân và gia đình họ”.

Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng, trước đây được gọi là Phong trào Tông đồ Cầu nguyện, thiết lập và phổ biến “Video của Đức Giáo hoàng”. Mạng lưới cầu nguyện này là một sáng kiến thuộc Giáo hoàng với sứ mạng cầu nguyện và đương đầu với những thử thách mà nhân loại đang phải đối mặt và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội khiến Đức Giáo hoàng bận tâm, được thể hiện trong ý cầu nguyện hàng tháng của Ngài.

Nếu không có những người đi biển, chúng ta sẽ chết đói

“Cuộc sống của các thủy thủ hoặc ngư dân và gia đình của họ rất khó khăn”, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý trong thông điệp video bằng tiếng Tây Ban Nha bản địa của mình. “Đôi khi họ cũng là nạn nhân của lao động cưỡng bức hoặc bị bỏ lại ở các hải cảng xa xôi”.

“Sự cạnh tranh của ngành đánh bắt và vấn đề ô nhiễm khiến công việc của họ trở nên phức tạp hơn”. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô thừa nhận, “nếu không có những người ở biển, nhiều nơi trên thế giới sẽ chết đói”.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người làm việc và sống trên biển, trong số đó có các thủy thủ, ngư dân và gia đình của họ”, Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục.

Phong trào Tông đồ Biển

Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai tháng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến vấn đề của những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải. Vào ngày 12 tháng 6, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới Phong trào Tông đồ Biển (AOS) của Giáo hội, trong đó Ngài cảm ơn những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải và ngư dân vì những đóng góp quan trọng của họ để vận chuyển hàng hóa và thực phẩm cho mọi người trên thế giới. Nhắc lại những khó khăn mà họ phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích những người đi biển trong công việc của họ, đảm bảo rằng họ không hề đơn độc hoặc bị lãng quên.

Vào Chúa Nhật Biển vào ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gửi lời chào “đến tất cả những ai đang làm việc trên biển, đặc biệt là những người đang ở xa người thân và quê hương tổ quốc của họ”.

Một số cơ quan của Giáo hội Kitô giáo và các nhóm thế tục đánh dấu Chúa nhật Biển mỗi năm. Họ nhắc nhớ và cầu nguyện cho những người đi biển và gia đình họ, thu hút sự chú ý đối với công việc và sự đóng góp không thể thiếu của họ.

Trung tâm ‘Stella Maris’

Một trong những nhà tài trợ của Chúa nhật Biển, được đánh dấu vào Chúa nhật thứ hai của tháng 7, là Phong trào Tông đồ Biển, cung cấp sự chăm sóc mục vụ cho những người đi biển, ngư dân và gia đình của họ bất kể quốc tịch, tín ngưỡng, chủng tộc hay văn hóa của họ.

Phong trào Tông đồ Biển đã thành lập nhiều trung tâm và nhà trọ cho những người đi biển trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các khu vực hải cảng, được gọi là các Trung tâm ‘Stella Maris’, để tôn vinh Quan Thầy của Phong trào này, Stella Maris, tiếng Latinh có nghĩa là “Sao Biển”, một trong nhiều trước hiệu để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Nhiều người đi biển đã biết đến Phong trào Tông đồ Biển với tên gọi “Stella Maris”.

Phong trào Tông đồ Biển sử dụng các tòa nhà tạm thời, những chiếc xe lớn có mui, thậm chí những chiếc container không còn sử dụng trong bến cảng để cung cấp thông tin trong suốt 20 tiếng và truy cập vào điện thoại hoặc internet. Các cơ sở này cho phép những người đi biển liên lạc với gia đình của họ, mặc dù thời gian lưu lại ở cảng cực kỳ hạn chế.

Ở nhiều cảng trên thế giới, Trung tâm ‘Stella Maris’ hợp tác với các trung tâm khác dành cho những người đi biển, hợp tác với các Giáo hội Kitô giáo khác.

Làm công việc mục vụ cho những người đi biển kể từ năm 1920, Phong trào Tông đồ Biển cho biết đây là mạng lưới thăm và làm công việc mục vụ trên tàu lớn nhất thế giới. Phong trào cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ cho những người đi biển tại 334 bến cảng với 227 giáo sĩ tuyên úy tại 59 quốc gia.

Khi hay tin Đức Giáo hoàng Phanxicô dành ý cầu nguyện tháng Tám để cầu nguyện cho những người đi biển, Phong trào Tông đồ Biển đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. “Cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã nhớ đến những người đi biển, ngư dân và tất cả những người đang kiếm sống trên biển”, Phong trào Tông đồ Biển viết trong một bài đăng trên Facebook.

Thế giới hàng hải

Cùng với “ Video của Đức Giáo hoàng” về ý cầu nguyện tháng 8, Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng cũng đã đưa ra một đồ họa thông tin về những người đi biển, đồng thời lưu ý rằng đại dương là một trong những nơi làm việc nguy hiểm nhất trên hành tinh.

Từ năm 2011 đến 2020, 745 người đi biển đã thiệt mạng và 8.611 người bị thương. Ở một số khu vực, các con tàu đã trở thành mục tiêu của bọn cướp biển.

Trong số các mối nguy hiểm mà những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải phải đối mặt đó là bị bỏ rơi ở các hải cảng xa xôi, lao động cưỡng bức, tử vong, thương tích và ô nhiễm biển.

Khoảng 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển để kiếm sống. Khoảng 200 triệu người được thuê trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc trong ngành công nghiệp đánh bắt cá. Giá trị thị trường của đa dạng sinh học biển và ven biển chiếm khoảng 5% GDP thế giới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube