Vị Giám chức Công giáo Ấn Độ kêu gọi vận động chấm dứt nạn buôn người

Những kẻ buôn người đang tích cực sử dụng không gian mạng để dụ thanh niên thông qua trò chuyện và các cuộc gọi lừa đảo. (Ảnh: Unsplash)

Những kẻ buôn người đang tích cực sử dụng không gian mạng để dụ dỗ thanh thiếu niên thông qua việc trò chuyện và các cuộc gọi lừa đảo (Ảnh: Unsplash)

Một Giám mục Công giáo ở đông bắc Ấn Độ đã kêu gọi các nỗ lực phối hợp của chính phủ và công chúng nhằm chấm dứt nạn buôn người, đặc biệt là trẻ em gái và trẻ em trai vào con đường mại dâm và làm nghề giúp việc gia đình giá rẻ mạt.

“Nạn buôn người đang lan tràn, đặc biệt là các thiếu nữ trẻ từ các khu vực trong nước và nước ngoài”, Đức Giám mục Thomas Pulloppillil Địa phận Bongaigoan ở Assam cho biết.

“Những kẻ buôn người chủ yếu nhắm vào các cô gái đến từ các bộ phận kinh tế yếu kém, đặc biệt là những người sống trong cảnh nghèo đói. Nếu chúng ta không thực hiện những nỗ lực đồng bộ, tương lai của các thanh thiếu niên của chúng ta bị đẩy vào tình thế nguy hiểm và nó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với họ và cả quốc gia”.

Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia trong báo cáo năm 2015 cho biết Assam đã ghi nhận 1.494 trường hợp buôn người – gần 22% các trường hợp buôn người ở nước này.

Báo cáo cũng cho biết 1.317 trẻ em đã bị buôn bán trong cùng thời kỳ – gần 38% các trường hợp như vậy đã được báo cáo ở Ấn Độ.

Một báo cáo của Cục Điều tra Tội phạm Assam được công bố vào cuối năm 2015 cho biết, trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ năm 2012, ít nhất 4.754 trẻ em ở bang này đã mất tích, trong đó có 2.753 trẻ em gái.

Báo cáo tiếp tục cung cấp thông tin rằng 129 người đã bị ép buộc làm gái mại dâm chỉ trong năm 2014, vẽ ra một tương lai đầy nghiệt ngã cho các cô gái trẻ đến từ các gia đình nghèo ở Assam và các bang đông bắc khác như Manipur, Mizoram và Arunachal.

Báo cáo lưu ý tình trạng lao động trẻ em và bóc lột tình dục là những yếu tố chính đằng sau nạn buôn người như vậy. Các báo cáo khác cho rằng các bậc cha mẹ nghèo khó đã ngây thơ giao con cái của họ cho những kẻ buôn người khi họ tiếp cận họ với những lời mời làm việc.

Đức Giám mục Pulloppillil, đồng thời là Chủ tịch của Diễn đàn Kitô giáo thống nhất Đông Bắc Ấn Độ bao gồm tất cả các giáo phái lớn, đã thúc giục các nhóm Giáo họi hợp tác với nhau như một mạng lưới để đánh bại các kế hoạch bất chính của những kẻ buôn người với sự phối hợp của các cơ quan chính phủ.

Vị Giám chức đã đưa ra lời kêu gọi này trong một cuộc hội thảo trực tuyến được tổ chức vào ngày 12 tháng 9 với tiêu đề Hội nghị thượng đỉnh Giới trẻ Đông Bắc Ấn Độ nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn người, đặc biệt là nhận thức về bối cảnh của tình trạng đói nghèo và thất nghiệp gia tăng do các biện pháp cách ly xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.

“Nạn buôn người đang ảnh hưởng xấu đến tương lai của các thanh thiếu niên của chúng ta trong khu vực – chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết chống lại cuộc chiến này”, Đức Cha Pulloppillil nói.

“Chúng ta cần càng ngày càng nhận thức rõ hơn về thực tế này. Khu vực của chúng ta đã trở thành một trong những điểm nóng có nhu cầu rất lớn đối với chế độ nô lệ hiện đại này”.

“Phần lớn các thiếu niên của chúng ta bị buôn bán đều là trẻ em gái. Chúng ta cần cùng nhau vạch ra  những kế hoạch của chúng ta theo cách thức bảo vệ tuổi thanh xuân và tương lai của họ”.

Các tham dự viên tham gia cuộc hội thảo trực tuyến cũng bày tỏ quan ngại về vai trò của phương tiện truyền thông mạng đối với nạn buôn người.

“Những kẻ buôn người đang tích cực sử dụng không gian mạng để dụ dỗ thanh thiếu niên thông qua trò chuyện và các cuộc gọi lừa đảo”, M. Devasitham, trưởng bộ phận phát triển chiến lược của ‘International Justice Mission’, cho biết.

Devasitham cho biết sự tuyệt vọng đã buộc nhiều thanh thiếu niên rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người, những người hứa hẹn công ăn việc làm, đặc biệt là sau khi nhiều thanh thiếu niên mất việc làm vì các biện pháp cách ly xã hội.

Khi nói đến vấn đề về sự sống còn, các mối bận tâm khác trở thành thứ yếu và những kẻ buôn người lợi dụng tính dễ bị tổn thương của những người thất nghiệp, đặc biệt là thanh thiếu niên, Devasitham chia sẻ.

“Không thể ngăn chặn việc di cư của người dân nhưng chúng ta cần biết những người trẻ của chúng ta sẽ đi đâu để làm việc và học tập. Đã qua rồi cái thời mà những kẻ buôn người từng đến thăm hỏi dân làng. Nền tảng Internet đã giúp công việc của họ trở nên dễ dàng và ít tốn kém hơn vì họ không phải di chuyển”, Devasitham cho biết thêm.

“Đại dịch đã ảnh hưởng đến hành vi của thanh thiếu niên và thời gian của họ trên internet. Có thể thiết lập và thực hiện những cái bẫy trong vòng vài phút. Chúng ta cần nâng cao nhận thức. Chúng ta đừng để mình đơn độc, chúng ta đừng làm việc một mình, hãy tham gia cùng với chính phủ và các tổ chức khác để chống nạn buôn người”.

Các diễn giả khác như Jeremai Krong, cố vấn giới trẻ của Hiệp hội Thanh thiếu niên Công giáo tại Giáo phận Miao ở Arunachal Pradesh, cho biết việc chia sẻ thông tin này giữa các thanh thiếu niên quả là một thách thức và đồng thuận về việc cùng cộng tác với nhau để giáo dục thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của không gian mạng và nạn buôn người để bảo vệ họ.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng đồng ý kêu gọi các nhà lãnh đạo giới trẻ tiếp cận với những người trẻ tuổi và đồng thời nâng cao nhận thức của họ về sự nguy hiểm của nạn buôn người.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube