Vị Giám chức Cameroon ủng hộ quan điểm của ĐTC Phanxicô về ‘chủ nghĩa thực dân về kinh tế’ ở Châu Phi

Đức Giám mục Michael Bibi Địa phận Buéa, Cameroon, trong bức ảnh được chụp tại căn hộ vào ngày 26 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: Killian Chimtom/CNS)

Đức Giám mục Michael Bibi Địa phận Buéa, Cameroon, trong bức ảnh được chụp tại căn hộ vào ngày 26 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: Killian Chimtom/CNS)

YAOUNDÈ, Cameroon – Việc khai thác châu Phi tiếpt ục là một chủ đề bàn luận chính trên khắp lục địa, đặc biệt là sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thừng lên án điều mà ngài gọi là “chủ nghĩa thực dân về kinh tế” ở châu Phi.

Trong chuyến Tông du được chờ đợi từ lâu đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần chỉ trích việc chuyển đổi cách hành xử tệ bạc từ sự thống trị chính trị sang nạn nhân hóa về kinh tế.

“Việc bóc lột chính trị (của Congo và nói chung là của Châu Phi) đã nhường chỗ cho một chủ nghĩa thực dân về kinh tế cũng đang nô dịch hóa không kém”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với khán giả gồm các chính trị gia Congo và các chức sắc khác. “Kết quả là”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “đất nước này, bị cướp bóc ồ ạt, đã không được hưởng lợi đầy đủ từ các nguồn tài nguyên to lớn của nó”.

“Thật là một bi kịch khi những vùng đất này, và nói chung là toàn bộ lục địa châu Phi, tiếp tục phải chịu đựng nhiều hình thức bóc lột khác nhau”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chất độc của lòng tham đã vấy máu những viên kim cương của nó”, Đức Thánh Cha nói – ám chỉ đến cái được gọi là những viên kim cương nhuốm đầy máu của Congo.

“Đừng can dự vào Cộng hòa Dân chủ Congo! Đừng can dự vào Châu Phi! Hãy ngừng bóp nghẹt châu Phi: đó không phải là cái mỏ để bị khai thác vơ vét hay một địa thế để bị cướp bóc”. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo.

Thông điệp đó đã tiếp tục trở thành tiêu đề gây chú ý.

Đức Giám mục Giáo phận Buea của Cameroon, Đức Cha Michael Bibi, mà Giáo phận của ngài nằm ở cực nam của các khu vực phía tây nói tiếng Anh chiếm đa số của Cameroon, phát biểu với Crux rằng lời chỉ trích “chủ nghĩa thực dân về kinh tế” của Đức Thánh Cha là sự ám chỉ đến ý tưởng về chủ nghĩa thực dân mới.

Trong một cuộc trò chuyện với Crux, Đức Cha Bibi đã mô tả quyền tự do chính trị mà các quốc gia châu Phi có được từ các lãnh chúa thuộc địa đầu tiên của họ là một nền độc lập “cờ và quốc ca”, “trong khi hầu bao vẫn nằm trong tay của các ông chủ thuộc địa cũ”.

Đức Cha Bibi cho biết ngài nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về mức độ của các thỏa thuận tân thuộc địa như vậy giữa các cựu thuộc địa của Anh và Pháp. “Pháp”, Đức Cha Bibi nói, “hơn bất kỳ cường quốc thuộc địa cũ nào khác, tiếp tục nắm chặt các vấn đề kinh tế và chính trị của các cựu thuộc địa của mình”.

“Nhiều người thắc mắc liệu chúng ta có nên sử dụng tính từ ‘cựu’ hay không”, Đức Cha Bibi nói, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ lệ thanh thiếu niên châu Phi đang chết ở Địa Trung Hải “khi họ mạo hiểm mạng sống của mình để tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn ở châu Âu”, minh họa một cách đáng kinh ngạc tính liên quan của thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Bibi cho biết rằng mức độ can thiệp vào các vấn đề kinh tế của các quốc gia châu Phi khác nhau giữa các cường quốc thuộc địa cũ.

“Một số nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi cận Sahara là thuộc địa cũ của Anh (Nigeria, Nam Phi, Kenya, Ghana) và những quốc gia này cũng là những nền dân chủ hàng đầu tại lục địa”, Đức Cha Bibi nói. “Khi bạn so sánh số phận của họ với số phận của các thuộc địa cũ của Pháp (và Bỉ), bạn bắt đầu thấy rằng Pháp, hơn bất kỳ cường quốc thuộc địa cũ nào khác, tiếp tục nắm giữ thế kìm kẹp trong các vấn đề kinh tế và chính trị của các thuộc địa cũ của mình”.

“Thông thường”, Đức Cha Bibi tiếp tục, “các quốc gia này đã tìm đến Trung Quốc để được giúp đỡ, nhưng họ thường yếu kém đến mức không thể đạt được một thỏa thuận công bằng với Chính phủ Trung Quốc. Khi các khoản vay được đưa ra, việc xây dựng phải được thực hiện bởi một công ty Trung Quốc”.

Bức tranh thu được là một bức tranh trong đó những người chơi chính thúc đẩy quá trình thuộc địa hóa về kinh tế này “là các cường quốc thuộc địa cũ ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, Trung Quốc và cả người Mỹ”.

Vị Giám chức cho biết rằng Pháp sử dụng “một mạng lưới phức tạp gồm các chính sách kinh tế tài chính và kiểm soát chính trị thông qua mối đe dọa thay đổi chế độ và sự hiện diện quân sự của họ để duy trì hiện trạng”, trong khi Trung Quốc thực hiện sự ảnh hưởng tài chính và thương mại thông qua các khoản vay, và “người Mỹ tận dụng ảnh hưởng của họ thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và IMF và Tổ chức Quốc tế tương tự để có cách giải quyết nhiều vấn đề”.

Đức Cha Bibi cho biết có một yếu tố văn hóa đối với sự tham gia của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là vào các vấn đề của châu Phi. “Một công cụ quan trọng khác được sử dụng bởi những người chơi, đặc biệt là những ông chủ thuộc địa trước đây, là việc thành lập các Hiệp hội lấy cớ nhằm tôn vinh cùng một nền văn hóa như Khối Pháp ngữ và Khối thịnh vượng chung”, Đức Cha Bibi nói.

Theo quan điểm của Đức Cha Bibi, quá trình thuộc địa hóa tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của lục địa và tác động đến cuộc sống của những người dân thường.

“Đời sống kinh tế của lục địa châu Phi sẽ không thay đổi”, Đức Cha Bibi nói, “nếu như người nước ngoài tiếp tục đưa ra mọi quyết định”. Vị Giám chức tiếp tục: “Nếu người dân châu Phi phải là người hưởng lợi đầu tiên từ các quyết định kinh tế của lục địa, thì chính họ phải đưa ra quyết định”.

Đức Cha Bibi cho biết rằng làn sóng di cư ồ ạt của những người trẻ châu Phi đến châu Âu và châu Mỹ, “những người nên ở lại và đóng góp cho sự phát triển của lục địa”, là một hệ quả của tình trạng hiện tại.

Theo quan điểm của Đức Cha Bibi, các nhà lãnh đạo châu Phi không phải là vô tội, nhiều người trong số họ trong nhiều năm “đã đóng vai đồng phạm đôi khi tự nguyện và đôi khi miễn cưỡng”, nhưng luôn dẫn đến những hậu quả tương tự.

“Người ta thường nói rằng kẻ áp bức sẽ không mạnh đến thế nếu hắn không có đồng bọn trong số những người bị áp bức”, Đức Cha Bibi nói, đồng thời cho biết thêm ngài tin rằng các nhà lãnh đạo châu Phi nên “bớt nhìn vào những gì họ có thể mất” nhưng đứng lên chống lại những kẻ bóc lột quốc gia và dân tộc của họ.

“Thực dân hóa về kinh tế là một hiện tượng có tính động lực, đồng thời lưu ý đến hội nghị thượng đỉnh kinh tế gần đây mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mời họ, và một lời mời tương tự khác từ Trung Quốc, cũng như nhận thức rằng Nga có một cuộc gặp tương tự khác đang được tiến hành.

Đức Cha Bibi cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi “phải tận dụng cơ hội này để nắm quyền kiểm soát các vấn đề kinh tế của họ bởi vì nó không bao giờ có thể được trao cho họ trên đĩa vàng. Tự do, dù là kinh tế hay chính trị, cần phải được nắm bắt”.

“Thông thường”, Đức Cha Bibi nói, “họ chỉ tìm cách bảo vệ những lợi ích cá nhân nhỏ bé của họ mà gây phương hại đến lợi ích của quốc gia của họ”.

Đức Cha Bibi cũng nói về “ý chí được tự do” mà cả các nhà lãnh đạo lẫn mọi công dân ở Châu Phi “cần phải có”. Các nhà lãnh đạo, ngài nói, “phải có can đảm ban hành các chính sách có lợi cho người dân và đất nước của họ trước tiên. Họ phải có can đảm để gánh chịu hậu quả của việc làm như vậy”.

Về phần mình, công dân châu Phi “phải bắt đầu từ bỏ các giải pháp ngắn hạn như đấu tranh bằng mọi cách để thoát ra khỏi đất nước”.

“Những người sẽ làm cho châu Phi trở nên vĩ đại”, Đức Cha Bibi nói, “không phải là những người chạy trốn ra ngoài, mà là những người ở lại làm việc: mở doanh nghiệp, cho dù là trang trại hay nhà máy”. Đức Cha Bibi lưu ý rằng một số người rời bỏ quê hương nghĩ rằng họ sẽ quay lại và làm điều đó, nhưng về cơ bản, họ dần dần “bị cuốn hút bởi sự dư dả vật chất ở phương Tây và quên đi những tham vọng cao cả của mình”.

“Người dân châu Phi”, Đức Giám mục Địa phận Buea nói, “phải yêu mến lục địa của họ đủ để muốn ở lại và đóng góp cho sự phát triển của nó”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube