Vatican kêu gọi 'giải pháp hòa bình và công bằng' cho cuộc khủng hoảng Belarus

Quốc kỳ Vatican (Ảnh: Andreas Duren / CNA)

Quốc kỳ Vatican (Ảnh: Andreas Duren / CNA)

Sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố rằng ông đang đặt quân đội trong tình trạng báo động cao và đóng cửa biên giới của Belarus, một nhà ngoại giao của Vatican đã kêu gọi ngày thứ Sáu để đối thoại và tôn trọng nhân quyền của những người biểu tình Belarus, những người tiếp tục xuống đường hơn một tháng sau cuộc bầu cử bàn cãi.

“Tòa Thánh… nhắc lại lời kêu gọi của mình về một giải pháp hòa bình và công bình đối với những căng thẳng thông qua đối thoại chân thành, từ chối bạo lực và tôn trọng công lý cũng như các nhân quyền cơ bản và các quyền dân sự”, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič phát biểu tại Geneva vào ngày 18 tháng 9.

Phát biểu tại cuộc tranh luận đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về Belarus, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc tại Geneva cho biết rằng Vatican đã theo dõi “với sự chú ý đặc biệt đến tình hình chính trị xã hội sau các cuộc bầu cử tại Belarus”.

“Trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay, Tòa Thánh coi việc những người biểu tình trình bày yêu cầu của họ một cách ôn hòa là điều tất yếu. Một vấn đề khác cũng hết sức cần thiết đó là các cơ quan quản lý cần phải kiềm chế và lắng nghe tiếng nói của công dân của họ và luôn cởi mở với nguyện vọng chính đáng của họ, đảm bảo sự tôn trọng đầy đủ đối với các quyền dân sự và nhân quyền cơ bản của họ”, Đức TGM Jurkovič nói.

Trong sáu tuần lễ liên tiếp, những người biểu tình ở Minsk đã yêu cầu Tổng thống Lukashenko từ chức, người đã cai trị đất nước kể từ năm 1994. Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra sau cuộc bầu cử vào ngày 9 tháng 8, trong đó ông Lukashenko tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với 80% số phiếu bầu. Lãnh đạo phe đối lập, bà Sviatlana Tsikhanouskaya, đã kiện các quan chức bầu cử sau khi họ nói rằng bà chỉ kiếm được 10% số phiếu bầu. Lo sợ bị cầm tù, bà Tsikhanouskaya sau đó đã trốn đến Lithuania.

Nghị viện châu Âu đã bác bỏ kết quả bầu cử của Belarus vào ngày 17 tháng 9, thông qua một nghị quyết nói rằng họ sẽ không công nhận ông Lukashenko là tổng thống hợp pháp khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào ngày 5 tháng 11.

Bà Tsikhanouskaya đã phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Nhân quyền thông qua liên kết video. Bà nói về “sự sẵn sàng đối thoại với chính quyền và tìm kiếm các giải pháp hòa bình dựa trên các quyền cho cuộc khủng hoảng” của phe đối lập Belarus.

Đại diện chính phủ Belarus tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc liên tục làm đứt đoạn video, yêu cầu tắt video, báo Guardian đưa tin.

“Belarus cần những quyết định nhanh chóng và kiên quyết”, bà Tsikhanouskaya nói. “Điều rất quan trọng là cần phải thừa nhận rằng việc bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ; đó là một vấn đề phổ quát về phẩm giá con người”.

Theo kết quả của một cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính quyền Belarus đối thoại với phe đối lập chính trị và cho phép tự do hội họp và tự do ngôn luận.

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc đã được đưa ra một tuần lễ sau khi một quan chức cấp cao của Vatican gặp ngoại trưởng Belarus tại Minsk.

Trong chuyến công du bốn ngày đến Belarus, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher đã gặp gỡ các quan chức chính phủ và các Giám mục Công giáo để thảo luận về tương lai của Giáo hội tại đất nước giữa bối cảnh của sự hỗn loạn về chính trị.

Khi Ngoại trưởng Tòa Thánh gặp gỡ các Giám mục Belarus tại Tòa Khâm sứ ở Minsk vào ngày 12 tháng 9, Đức Tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Belarus, đã không có mặt vì ngài đã bị chính quyền Belarus cấm nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 31 tháng 8.

Tờ L’Osservatore Romano đưa tin vào ngày 17 tháng 9 rằng cuộc họp của Đức TGM Gallagher với các Giám mục ở Minsk “hết sức hữu ích trong việc cùng nhau đánh giá đường hướng mà Giáo hội địa phương phải theo để trung thành với bản sắc và sứ mạng truyền giáo của mình, đồng thời, cũng là một công cụ hữu hiệu cho việc gắn kết xã hội”.

Cùng lúc với chuyến viếng thăm chính thức của quan chức Vatican tới Belarus, Tổng thống Lukashenko đang có mặt tại Nga trong chuyến viếng thăm Tổng thống Vladimir Putin, đồng minh quốc tế thân cận nhất của ông, người đã đề nghị với ông khoản vay 1,5 tỷ đô la.

Anaïs Marin, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Belarus, cho biết rằng tình hình nhân quyền ở Belarus quả thực rất “thảm khốc.” Bà Anaïs Marin đồng thời cũng chỉ ra rằng hơn 10.000 người đã bị bắt giữ và hàng nghìn người được báo cáo là đã bị “đánh đập dã man”.

“Chúng ta đừng cho phép một bức màn sắt khác kéo xuống lục địa Châu Âu”, bà Anaïs Marin nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube