Vatican cảnh báo Israel và Hoa Kỳ: ‘Việc sáp nhập có thể hủy hoại tiến trình hòa bình’

Một giám mục khảo sát việc xây dựng một bức tường ngăn cách ở Thung lũng Cremisan của Palestine, ngày 17 tháng 1 năm 2017. Tín dụng: Mazur / catholicnews.org.uk.

Một vị Giám chức đang khảo sát việc xây dựng một bức tường ngăn cách tại Thung lũng Cremisan của Palestine, ngày 17 tháng 1 năm 2017 (Ảnh: Mazur / catholicnews.org.uk)

Trước hành động có thể xay rả của Israel trong việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã có cuộc gặp gỡ các vị Đại sứ của Hoa Kỳ và Israel vào ngày 30 tháng 6.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết vào ngày 1 tháng 7 rằng các cuộc họp với bà Callista Gringrich, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh và ông Oren David, Đại sứ Israel tại Tòa Thánh, đã diễn ra “nhằm bày tỏ sự bận tâm của Tòa Thánh liên quan đến những hành động đơn phương có thể xảy ra gây nguy hiểm hơn nữa cho việc tìm kiếm hòa bình giữa người dân Israel và người dân Palestine, cũng như tình hình hết sức tế nhị ở Trung Đông”.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh phát biểu với CNA vào ngày 2 tháng 7 rằng: “Đại sứ Gingrich đã có một cuộc họp hữu ích với Đức Hồng y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hôm thứ Ba. Họ đã thảo luận một loạt các vấn đề, bao gồm cả mục tiêu hòa bình chung của chúng ta tại Trung Đông”.

Trong tuyên bố hôm thứ Tư, Tòa Thánh đã nhắc lại rằng Israel và Nhà nước Palestine “có quyền tồn tại và được sống trong hòa bình và an ninh, trong các khu vực biên giới được quốc tế công nhận”.

“Do đó, Tòa Thánh kêu gọi các bên làm mọi cách có thể nhằm nối lại quá trình đàm phán trực tiếp, trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, và được hỗ trợ bởi các biện pháp có thể tái lập sự tin tương hỗ”, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết.

Trích dẫn lời cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh địa vào ngày 8 tháng 6 năm 2014 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Văn phòng Báo chí cho biết mọi hành động nên được thực hiện để các bên có thể “can đảm sẵn sàng với các cuộc gặp gỡ và từ chối các cuộc xung đột: sẵn sàng với việc đối thoại và từ chối bạo lực; sẵn sàng với các cuộc đàm phán và từ chối các hành vi thù địch; sẵn sàng tôn trọng các thỏa thuận và từ chối các hành vi khiêu khích; sẵn sàng với sự chân thành và từ chối thói ăn ở hai lòng”.

Ngày 1 tháng 7 là ngày bắt đầu có thể thực hiện hành động sáp nhập, nhưng không có hành động nào được thực hiện. Không có thỏa thuận nào với Hoa Kỳ được thực hiện.

Bộ trưởng Năng lượng Yuval Steinitz, một thành viên của đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cho biết ông nghĩ rằng việc sáp nhập “sẽ xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới, nhưng tôi không biết rõ thông tin chi tiết”, Reuters đưa tin.

Một sĩ quan phụ tá của Thủ tướng Netanyahu cho biết các cuộc đàm phán với Washington vẫn đang tiếp tục. Thủ tướng Israel đã tham vấn các quan chức quốc phòng Israel vào ngày 1 tháng 7 và nhiều cuộc thảo luận sẽ được tổ chức trong những ngày tới.

Đầu tháng 6, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông dự định sáp nhập tất cả các khu định cư ở Bờ Tây vào ngày 1 tháng 7, kỳ hạn sớm nhất được cho phép theo thỏa thuận được tán thành bởi Liên minh cầm quyền mới của quốc gia này. Theo Thời báo Israel, điều này có nghĩa là chính phủ sẽ mở rộng chủ quyền của Israel tới khoảng 3% lãnh thổ Bờ Tây, bao gồm 132 khu định cư là nơi cư ngụ của khoảng 450.000 công dân Israel.

Ông Netanyahu đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là người đứng đầu chính phủ Israel tại Knesset vào ngày 17 tháng 5. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Netanyahu đã hứa hẹn về việc sáp nhập Bờ Tây.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các nhà lãnh đạo Israel bao gồm khả năng của việc sáp nhập vào mùa hè này với sự chấp thuận của quốc hội Israel và chính quyền Trump, theo tạp chí Foreign Policy.

Các nhà lãnh đạo Palestine, Liên Hợp Quốc và các quốc gia châu Âu và Ả Rập phản đối hành động đơn phương từ Israel và đồng thời coi các khu định cư của Israel trên vùng đất bị chiếm đóng vào năm 1967 là bất hợp pháp, Reuters đưa tin. Những người Israel ủng hộ việc sáp nhập đã trích dẫn nguồn gốc Kinh Thánh, lịch sử và chính trị trong lãnh thổ Bờ Tây.

Đề xuất hòa bình của Tổng thống Donald Trump kêu gọi thành lập nhà nước Palestine, nhưng trao chủ quyền cho Israel trên 30% lãnh thổ Bờ Tây. Người dân Palestine đã phản đối đề xuất này.

Vào ngày 20 tháng 5, Tòa Thánh đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với giải pháp hai nhà nước đối với Israel và Palestine, và đồng thời tôn trọng các khu vực biên giới được quốc tế công nhận trước năm 1967.

Tòa Thánh bày tỏ hy vọng rằng Israel và Palestine sẽ có thể trực tiếp đàm phán một thỏa thuận với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế vốn sẽ dẫn đến hòa bình – “ngõ hầu hòa bình cuối cùng có thể ngự trị tại Thánh địa, vốn được các tín đồ Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo quý trọng”, Tòa Thánh cho biết.

Đáp lại lời đồn đoán rằng Israel sẽ mở rộng chủ quyền đối với Thung lũng Jordan và các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố rằng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Nhà nước Palestine sẽ không còn bị ràng buộc bởi các thỏa thuận hòa bình và an ninh với Chính phủ Israel và Mỹ, bao gồm cả tiến trình hòa bình tại Oslo.

Trưởng đoàn đàm phán của PLO đã thỉnh cầu Ngoại trưởng Tòa Thánh trong một cuộc gọi điện thoại vào giữa tháng Năm.

Saeb Erekat, lãnh đạo PLO, người đã đàm phán Hiệp định Oslo, đã gọi cho Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher để nói rằng “khả năng Israel áp dụng chủ quyền của mình” một cách đơn phương tại các vùng lãnh thổ của Palestine “sẽ gây nguy hiểm” cho tiến trình hòa bình.

Đầu tháng 5, các Giám mục Công giáo, các Đức Thượng Phụ Chính Thống giáo và các nhà lãnh đạo Tin lành tại Thánh địa đã công bố một bức thư nêu lên những lo ngại rằng kế hoạch sáp nhập đơn phương của Israel “sẽ đánh mất hy vọng còn sót lại cho sự thành công của tiến trình hòa bình”.

Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales và Văn phòng của Đức Tổng Giám mục Canterbury, giáo sĩ cấp cao nhất trong Giáo hội Anh, đã đưa ra một tuyên bố chung phản đối hành động sáp nhập này.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube