Tuần lễ Laudato Si’ từ ngày 16 đến ngày 25 tháng 5

1-696x392

“Chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi” (Laudato Si’, số 13)

Tuần lễ Laudato Si’ năm 2021 là một sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 25 tháng 5 và sẽ kết thúc Năm Laudato Si’ đặc biệt, đồng thời kỷ niệm những tiến triển mà Giáo hội đã đạt được xét về mặt hoán cải môi sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta hoán cải môi sinh thông qua sự hoán cải tập thể (Laudato Si’, số 219). Các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chúng ta tiếp nhận lời mời gọi này như thế nào?

Trong Chương II của Hiến Pháp Dòng Chúa Cứu Thế, ở số 43, Hiến Pháp nhấn mạnh rằng cộng đoàn Tông đồ phải cởi mở với thế giới để qua sự giao tiếp với mọi người, họ có thể nhận thức rõ ràng hơn những dấu chỉ của thời đại và có thể tự thích nghi tốt hơn trước những đòi hỏi của việc truyền giáo. Chính phẩm chất cởi mở này đã giúp các cộng đoàn địa phương nói riêng và Hội Dòng nói chung nhận thức được ơn gọi của mình trong thế giới đầy thương tích ngày nay. Nó dẫn đến lời kêu gọi hoán cải môi sinh.

Người ta có thể nghĩ rằng các thuật ngữ “hoán cải môi sinh” và “sinh thái học toàn diện” là những khái niệm thời thượng, ít liên quan đến các yếu tố thiết yếu của đức tin và thực hành Kitô giáo của chúng ta. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta phải vượt qua chính thái độ này bởi vì nó làm lệch lạc các mối tương quan giữa Thiên Chúa, con người, nhân loại và toàn thể công trình sáng tạo. Hơn nữa, “việc sống ơn gọi là những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa là một phần thiết yếu của đời sống nhân đức, và đó không phải là khía cạnh tùy chọn cũng như không phải là khía cạnh thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo” (Laudato Si’, số 217).

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích Học thuyết Xã hội của Giáo hội và thực trạng của thế giới bị tổn thương ngày nay từ quan điểm của cuộc hoán cải môi sinh và sinh thái học toàn diện. Đối với các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đây chính là cơ hội để xem xét lại đời sống tâm linh của chúng ta dưới ánh sáng của những sự kiện hiện tại. Nhưng đây cũng chính là một thách thức để nuôi dưỡng một đời sống tâm linh hòa nhập, thừa nhận các mối liên hệ giữa công bằng xã hội và công lý môi trường. Thông điệp Laudato Si’ nhấn mạnh các mối liên hệ giữa công lý môi trường, các cuộc xung đột, người tị nạn và tình trạng nghèo đói, xét rằng cách tiếp cận sinh thái luôn là cách tiếp cận mang tính xã hội và tâm linh. Đây chính là lý do tại sao tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo cuối cùng là một. Sứ vụ Tông đồ của chúng ta, được nhìn từ khía cạnh sinh thái học, có thể mở ra những thách thức đối với chúng ta, nhưng đồng thời cũng mở ra những khả năng tuyệt vời để giải thích Đặc sủng của chúng ta và thể hiện nó trong thực tế hiện nay. Do đó, lời kêu gọi hoán cải môi sinh và sinh thái học toàn diện đại diện cho các thành phần đang góp phần hình thành nên Dòng Chúa Cứu Thế trong thế giới đầy thương tích ngày nay.

Công việc Mục vụ Tông đồ của các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ngày nay liên quan đến việc tìm kiếm một hệ sinh thái toàn diện có khả năng nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa việc Rao giảng Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi nhất và việc bảo vệ Ngôi nhà chung của chúng ta. Và nó cũng ngụ ý việc tìm kiếm, như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong Thông điệp Laudato Si’ ở số 217, một cuộc hoán cải môi sinh cho phép tất cả những hệ quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô xuất hiện trong các mối tương quan của chúng ta với thế giới xung quanh.

Nhiều cộng đoàn địa phương của chúng ta đã bắt đầu khởi đi theo đường hướng này, nhưng vẫn còn nhiều điều phải được tiếp thu và hiện thực hóa. Ủy ban chung PS-JPIC hy vọng rằng Tuần lễ Laudato Si’ sẽ là cơ hội để khám phá và tạo ra các ý tưởng và sáng kiến giúp chúng ta tích hợp một cách sáng tạo các giá trị của Thông điệp Laudato Si’ vào Linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế của chúng ta.

Các liên kết liên quan:

https://laudatosiweek.org

https://catholicclimatemovement.global

Ủy ban Chung về Chăm sóc Mục vụ Xã hội – Công lý, Hòa bình và Sự Toàn vẹn của Công trình Sáng tạo

Minh Tuệ (theo Scala News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube