Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19

Linh mục Emmanuel Gougaud (Ảnh: E.GOUGAUD)

Linh mục Emmanuel Gougaud, người đứng đầu Văn phòng Đại kết của HĐGM Công giáo Pháp (Ảnh: E.GOUGAUD)

Những người môn đệ Chúa Giêsu Kitô trên khắp Bắc bán cầu đang cùng nhau cử hành Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo hàng năm.

Nhưng sự kiện diễn ra từ ngày 18-25 tháng 1 năm nay đặc biệt khó khăn vì đại dịch coronavirus đang diễn ra, tiếp tục cướp đi nhiều nhân mạng trên khắp thế giới.

“Vào thời điểm khi mà các mối bận tâm về sức khỏe cộng đồng đặt ra giới hạn đối với các cuộc tụ họp về thể lý, nó tạo cơ hội cho các Giáo hội xích lại gần nhau bằng một thực hành Kitô giáo đặc thù đã có từ lâu trước phương tiện giao thông hiện đại: cầu nguyện”, theo Hội đồng các Giáo hội Thế giới, vốn đã cùng với Vatican cùng chuẩn bị những lời cầu nguyện hàng năm sử dụng trong Tuần “Bát nhật” Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo.

Chủ đề củaTuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáonăm nay là: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái

Arnaud Bevilacquam, cộng tác viên La Croix, đã xem xét việc cuộc khủng hoảng y tế đã ảnh hưởng như thế nào đến các sự kiện trong suốt Tuần lễ Cầu nguyện năm nay trong cuộc phỏng vấn này với Linh mục Emmanuel Gougaud, người đứng đầu Văn phòng đại kết của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF).

Làm thế nào chúng ta có thể thực hành Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo này trong bối cảnh đại dịch?

Linh mục Emmanuel Gougaud: Tuần lễ này là sự phản ánh về những điều chúng ta đã thực hiện kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế này. Cụ thể, các địa điểm và các nhóm đại kết vốn đã mong manh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thực tế là họ không còn có thể cùng nhau quy tụ về mặt thể lý. Ngược lại, các nhóm vốn đã sáng tạo thậm chí còn có thể phát huy hơn thế nữa. Các nhóm khác cũng đã đổi mới trong việc sử dụng hội nghị trực tuyến. Chúng ta phải khuyến khích sự sáng tạo này và đồng thời cũng phải ghi nhớ rằng nếu như việc cử hành các sự kiện trong tuần lễ này gặp nhiều trở ngại, thì chúng ta phải tìm những phương tiện khác bởi vì đại kết không chỉ diễn ra trong một tuần lễ mà kéo dài quanh năm.

Cuộc khủng hoảng y tế đã thúc đẩy sự sáng tạo như thế nào để duy trì các mối liên hệ đại kết?

Trước hết, chúng ta đã chứng kiến, nhờ công nghệ kỹ thuật số của các nhóm cầu nguyện, các Giáo xứ Công giáo đã có được DNA đại kết còn mở rộng hơn nữa. Nhưng phong trào này cũng liên quan đến các Giáo xứ và Giáo phận ít quen với việc cử hành đại kết từ xa. Nhờ có Internet, sự bùng nổ tinh thần sáng tạo đã phát triển, thậm chí ngay cả trong số những người chẳng mấy quen thuộc với những công cụ này. Đại dịch cũng đã đưa các Giáo hội xích lại gần nhau hơn thông qua các hành động liên đới hướng tới những người đang trong những hoàn cảnh bấp bênh. Cuối cùng, tôi lưu ý đến sự sẵn có của các nhà thờ Công giáo bởi vì, do sức chứa ở những nơi thờ tự bị giảm sút, một số cộng đồng Kitô giáo, Chính thống giáo và Tin lành, không thể tụ họp trong những không gian quá chật hẹp. Sau đó, họ tiếp cận Giáo hội Công giáo, ở Brittany, thuộc vùng Ile-de-France và các nơi khác.

Các xu hướng chính trong cuộc đối thoại đại kết tại nơi làm việc là gì?

Nghịch lý thay, đại dịch lại có thể khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội, đặc biệt là trong cuộc đối thoại của họ với các cơ quan công quyền. Cuộc khủng hoảng này đã tạo ra một sự hiểu biết mới bằng cách nhìn thấy nhau rõ ràng hơn – điều này cũng đúng với các tôn giáo khác ở những nơi khác. Đây là một điểm quan trọng bởi vì chủ nghĩa đại kết chủ yếu dựa trên lịch sử chung và tình thân hữu được tạo dựng. Đồng thời, tôi nhận thấy một thế hệ đại kết mới đang sống cuộc đối thoại này theo một cách thức hoàn toàn khác biệt với các thế hệ trước đây. Có lẽ đối với thế hệ trẻ, đại kết là một hạn từ hơi xa lạ, và đối với họ, đại kết thực sự nói về sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Thông thường, những người trẻ tuổi thực hành chủ nghĩa đại kết mà không nhận thức được điều đó. Ví dụ, trong một trường kinh doanh ở Blois, hai bạn trẻ Kitô giáo, một người Công giáo và một người Tin lành, muốn có một vị Tuyên úy. Chúng ta nhìn thấy các liên minh, các hội đoàn, những địa điểm cho thấy tinh thần hiệp nhất phát triển một cách tự phát, chẳng hạn như tại Đại hội Truyền giáo, xung quanh các yếu tố chung: rao truyền đức tin, thờ phượng, v.v. Trong một xã hội tục hóa, trước hết chúng ta được hiệp nhất bởi Danh Thánh của Chúa Giêsu. Đối với những người đã quen với một phong cách đối thoại nhất định, nó có thể hơi đáng lo, nhưng quả thực nó rất phong phú và đầy hứa hẹn. Theo ý kiến của tôi, chúng ta thực sự cần phải loại trừ thái độ khiến chúng ta nói rằng điều đó tốt hơn trước đây. Kitô giáo đang đa dạng hóa ở Pháp và những sự cộng tác mới đang xuất hiện.

Đâu là những giới hạn của chủ nghĩa đại kết hiện nay?

 Với cuộc khủng hoảng mà qua đó chúng ta nhận thấy chính mình, cuộc khủng hoảng của xu hướng bài trừ Kitô giáo (dechristianization), mọi người đều có thể bị cám dỗ để tự khép mình lại, ngại cởi mở. Đối với người Công giáo, vào thời điểm khi mà chúng ta đang ở trọng tâm của một cuộc chuyển đổi mục vụ triệt để của Giáo hội, thì chủ nghĩa đại kết có thể xuất hiện như một điều gì đó không được ưu tiên. Vì vậy, việc Vatican xuất bản cuốn “Cẩm nang Đại kết” vào ngày 4 tháng 12 quả là một sự vui mừng khôn xiết. Nó nhấn mạnh một thực tế rằng, với tư cách là những người Công giáo, chúng ta vẫn phải và luôn luôn chủ động, ngay cả khi đôi khi chúng ta cảm thấy rằng không có sự trao đổi lẫn nhau và nhân nhượng lẫn nhau. Chúng ta phải thường xuyên xác tín về điều này để đừng bao giờ nản lòng.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube