Tổ chức ‘Christian Aid’’: Các gói kích thích hậu COVID có thể làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu, đẩy các quốc gia đang phát triển đến với các loại nhiên liệu hóa thạch

Một báo cáo mới từ tổ chức từ thiện phát triển mang tên ‘Christian Aid’ đã cảnh báo rằng các gói kích thích hậu Covid có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu và đồng thời thúc đẩy các quốc gia nghèo hơn chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, vốn sẽ đe dọa sự thành công của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Vương quốc Anh.

Báo cáo, Whose Green Recovery, phân tích các kế hoạch kích thích kinh tế khác nhau trên thế giới. Báo cáo tiết lộ rằng:

– Có một sự thiếu hụt nguy cấp đối với các chính sách giúp các quốc gia đang phát triển, có khả năng xóa sổ các lợi ích khí hậu ở các quốc gia Bắc bán cầu

– Hơn nửa nghìn tỷ đô la dành cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon

– Sự thất bại trong việc bổ sung các điều kiện cứu trợ  giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi zero-carbon (không carbon)

Các kế hoạch phục hồi được coi là ‘xanh’ hầu như hoàn toàn được tạo nên từ các chính sách trong nước, vốn chẳng giúp ích được gì nhiều cho các nước nghèo hơn đang cố gắng phục hồi sau thảm họa kinh tế do đại dịch Covid-19.

Bất chấp những lời nói hoa mỹ về tầm quan trọng của sự phục hồi xanh, hơn nửa nghìn tỷ đô la trên toàn thế giới đang được trao cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều carbon với viện trợ phục hồi hơn 70% dành cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch và các lĩnh vực carbon cao chẳng hạn như các hãng hàng không so với các giải pháp xanh.

Quốc gia chủ nhà tổ chức COP26, Vương quốc Anh, đã cung cấp hơn 5 tỷ bảng Anh cho nghành dầu khí, hàng không và các lĩnh vực vận tải khác mà không được yêu cầu thực hiện bất kỳ cam kết nào đối với quá trình chuyển đổi không carbon, làm suy yếu nỗ lực của họ trong việc thể hiện vai trò lãnh đạo về khí hậu toàn cầu.

Điều nguy hiểm là nếu như không được hỗ trợ, các quốc gia nghèo hơn đang đối mặt với những thách thức tuyệt vọng có thể buộc phải sử dụng than giá rẻ để hỗ trợ sự phục hồi của họ. Điều này có thể chứng kiến sự xóa sổ lợi ích về khí hậu của hoạt động kích thích xanh ở Bắc bán cầu, gây mất ổn định cho Thỏa thuận Paris trước thêm hội nghị thượng đỉnh quan trọng COP26 ở Glasgow vào năm tới và khiến thế giới phải đối mặt với nguy cơ nóng lên toàn cầu hơn 1,5 độ C.

Một sự phục hồi xanh toàn cầu thực sự, bao gồm việc xóa nợ, xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo ở nước ngoài thay vì các loại nhiên liệu hóa thạch là những điều vô cùng cần thiết.

Tiến sĩ Kat Kramer, Trưởng nhóm Khí hậu của Tổ chức ‘Christian Aid’, cho biết: “Rõ ràng là các biện pháp phục hồi kinh tế được công bố cho đến nay là một mớ hỗn độn với quá nhiều đầu tư được đổ vào các ngành gây ô nhiễm”.

“Các kế hoạch đầu tư không carbon như vật liệu cách nhiệt trong nhà, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch là cần thiết và rất được hoan nghênh, nhưng điều cần thiết là hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”.

“Chúng ta phải đối mặt với viễn cảnh các quốc gia giàu có ở Bắc bán cầu trở nên sạch hơn, kết nối tốt hơn và được giảm nhẹ khỏi sự suy thoái kinh tế, trong khi các quốc gia nghèo hơn đang phải tự chống đỡ”.

“Việc rót vốn đáng kể này được thiết kế để tạo ra tăng trưởng kinh tế trong nước, có thể sẽ chứng kiến khoảng cách giàu nghèo toàn cầu ngày càng lớn hơn”.

Ở Nam bán cầu, người ta lo ngại rằng việc thiếu vốn đầu tư nước ngoài thông qua du lịch và đi lại, kết hợp với gánh nặng nợ nần lớn, có thể thấy sức hấp dẫn ngắn hạn của than giá rẻ lớn hơn những lợi ích dài hạn của việc đầu tư kinh tế sạch.

Mohamed Adow, Giám đốc Tổ chức tư vấn năng lượng và khí hậu có trụ sở tại Nairobi, Power Shift Africa, cho biết: “Nhiều quốc gia đang phát triển đang trên đà phát triển sâu rộng trong vài năm tới. Họ đang đứng ở ngã ba đường. Cách các quốc gia này lựa chọn để xây dựng lại mọi thứ sau đại dịch sẽ đóng một vai trò rất lớn trong việc xác định liệu các mục tiêu của Thỏa thuận Paris có được đáp ứng hay không”.

“Nếu không có sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có, có một nguy cơ thực sự là họ cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo con đường nhiên liệu hóa thạch mà châu Âu và Bắc Mỹ đã thực hiện trong thế kỷ trước”.

“Covid-19 tiếp tục là một thảm kịch nghiêm trọng, nhưng sự phục hồi kinh tế là cơ hội để tái thiết lập quỹ đạo của thế giới khỏi cuộc khủng hoảng và mô hình hóa hình thức liên đới quốc tế cần thiết nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.

Báo cáo phác thảo những điều cần phải xảy ra nhằm tạo ra sự phục hồi xanh toàn cầu thực sự, giúp giảm lượng khí thải giúp những người cần nó nhất và đồng thời chống lại mối đe dọa về sự bành trướng của các loại nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia đang phát triển. Những công việc này bao gồm:

– Các quốc gia G20 hủy bỏ việc trả nợ của các quốc gia nghèo để tạo cho họ không gian tài chính nhằm giảm thiểu tác động về mặt kinh tế và y tế của đại dịch Covid-19 và đầu tư vào việc xanh hóa các nền kinh tế của họ.

– Tất cả các chính phủ phải loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và thay vào đó đầu tư vào năng lượng tái tạo và tạo việc làm xanh.

– Chính phủ các quốc gia OECD, chẳng hạn như Vương quốc Anh, phải ngừng tất cả các hỗ trợ công trực tiếp và gián tiếp mới cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia khác, bao gồm cả việc sử dụng ngân sách viện trợ và tín dụng xuất khẩu. Thay vào đó, các khoản tín dụng viện trợ và xuất khẩu nên được sử dụng để mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng cho những người nghèo nhất.

– Tất cả các quốc gia tài trợ phải phân bổ ít nhất 50% hỗ trợ tài chính khí hậu của họ cho các quốc gia nghèo hơn để thích ứng và cam kết thực hiện mục tiêu tài chính toàn cầu mới.

– Các quốc gia phải kết hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên vào các kế hoạch khí hậu quốc gia (NDCs) của họ theo Thỏa thuận Paris và đồng thời đầu tư vào việc phục hồi các hệ sinh thái vốn thường quan trọng đối với các cộng đồng ở Nam bán cầu.

– Các gói cứu trợ của các công ty sử dụng nhiều carbon vốn hiện đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nên ra điều kiện là các công ty này phải có kế hoạch chuyển đổi về mức không với một thời gian rõ ràng.

Minh Tuệ (theo Novena)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube