Thay đổi diện mạo của sứ mạng truyền giáo Kitô giáo

Tháng 10 hàng năm, Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới cử hành Ngày Chúa nhật Truyền giáo. Tuy nhiên, hầu hết các tín hữu Công giáo dường như không biết rằng bản thân ‘sứ mạng truyền giáo’ đã trải qua một số thay đổi trong những thập kỷ qua.

Vào những năm 1950, và trước đó lâu hơn nữa, Chúa nhật Truyền giáo có nghĩa là quyên góp tiền bạc thông qua các Giáo xứ cho các địa điểm truyền giáo – cho những anh chị em Kitô hữu nghèo sống ở các khu vực nông thôn, và cho các Linh mục và Nữ tu làm việc với họ.

Tiến thêm một bước nữa, các Giáo xứ giàu có hơn ở thành thị được khuyến khích “thiết lập mối quan hệ đặc biệt” với các cộng đồng nông thôn nghèo hơn. Như vậy, mỗi nhóm có thể làm quen với nhau – trao đổi kiến thức, phong tục, và đôi khi là nhân sự.

Điều này rất hữu ích cho đến thời điểm này, nhưng quá trình tiếp cận thường kết thúc ở đó.

 Việc phân tích chi tiết hơn về việc cải đạo không được khuyến khích, cũng như không có sự hiểu biết về sự áp bức giai cấp ở Ấn Độ và những căng thẳng về cách thực hành đức tin trong một xã hội thù địch.

Tôi nhớ lại điều mà vị Giám mục người Brazil, Đức Cha Helder Camara, đã từng nói: “Mỗi khi tôi mở bếp ăn cho những người nghèo, mọi người đều khen tôi là một Kitô hữu tốt lành. Nhưng khi tôi hỏi tại sao dân tôi vẫn nghèo, mọi người đều chỉ trích tôi là một kẻ Cộng sản”.

Sứ mạng truyền giáo trong thời kỳ đầu

Thật vậy, trong thời kỳ đầu, Khánh nhật Truyền giáo được hướng đến để hỗ trợ việc chuyển đổi tôn giáo. Nhưng việc cải đạo không chỉ là một sự thay đổi tâm linh (dharmantar) và thay đổi xã hội (parivartan).

Ví dụ, nhiều tín đồ Hindu thuộc tầng lớp thượng lưu phản đối dữ dội việc cải đạo vì nó làm suy yếu nền tảng bất bình đẳng của xã hội Ấn Độ giáo. Họ thà để mọi thứ cứ như vậy.

Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta đến không phải để đem lại sự bình an, nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10,34). Tin Mừng thách thức, đương đầu và gây xáo trộn.

Kể từ thời Thánh Phanxicô Xaviê cách đây bốn thế kỷ, việc truyền giáo của Kitô giáo có nghĩa là loan báo Tin Mừng, các cuộc cải đạo hàng loạt và sự đón nhận không nghi ngờ đối với một lối sống được Tây hóa. Cả ba ngày nay đều đang bị đặt vấn đề, vì “thời đại của Thánh Phanxicô Xaviê” đã gần kết thúc.

Chừng nào chúng ta còn hiểu Giáo hội chủ yếu như là một tổ chức, sứ mạng truyền giáo của Giáo hội chỉ liên quan đến các tòa nhà, các dự án, các khoản ngân sách và việc gây quỹ, với hàng giáo phẩm, các hội nghị và các hòa ước, và hơn hết là sự thúc đẩy gia tăng số lượng không ngừng.

Như thời gian đã cho thấy, việc cải đạo hầu như không thay đổi được thực tế cơ bản của cộng đồng Kitô giáo. Những người Dalits hoặc bộ lạc bị áp bức, những người đã trở thành tín đồ Kitô giáo, vẫn bị các Kitô hữu thuộc tầng lớp thượng lưu xa lánh và tẩy chay, không được học hành, và bị phân biệt đối xử theo nhiều cách khác nhau.

Việc chuyển đổi tôn giáo có thể có sự gia tăng về số lượng; nhưng nó đã không biến đổi cuộc sống.

Công đồng Vatican II tái xác định sứ mạng truyền giáo

Công đồng Vatican II (1962-1965) đã tái định nghĩa và tái đánh giá sứ mạng truyền giáo. Công đồng Vatican II đã cho chúng ta một định nghĩa khác về Giáo hội – một dân lữ hành, một dân tộc “cùng bước đi bên nhau” (Thượng hội đồng cũng xuất phát từ cùng một gốc ngôn ngữ) hướng tới một mục tiêu xa; một dân tộc đa dạng, nói các thứ tiếng khác nhau như vào Lễ Ngũ Tuần đầu tiên.

Ý nghĩa mới về sứ mạng truyền giáo không nhấn mạnh đến tính đồng nhất, dù là về mặt giáo lý hay phụng vụ. Đúng hơn, nó kết hợp sự thống nhất và tính linh hoạt.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói theo một cách khác, “Đối thoại là phương thức mới về sự hiện hữu của Giáo hội”.

 Cuộc đối thoại ra đi đến với những người khác không nhằm mục đích đưa họ gia nhập Giáo hội, nhưng để học hỏi từ kinh nghiệm sống cá nhân của họ, cầu nguyện, cùng nhau làm việc và tìm kiếm trí tuệ.

Đối thoại tôn trọng sự khác biệt và vì vậy làm phong phú thêm cho cả hai bên. Về cơ bản, đối thoại xác nhận kinh nghiệm tôn giáo của người khác. Nó không hạ thấp hoặc bác bỏ họ.

 Đây là một sự đoạn tuyệt triệt để với quá khứ, và nhiều người trong Giáo hội nhận thấy ý nghĩa truyền giáo mới này không thể chấp nhận được.

Sau Công đồng Vatican II, các tín hữu Công giáo được khuyến khích trò chuyện với các Kitô hữu khác – chủ nghĩa đại kết; và lắng nghe các tín đồ của các tôn giáo khác – đối thoại liên tôn.

 Tuy nhiên, những ý tưởng mới này đã bị phản đối ngay bên trong Giáo hội và bị nghi ngờ từ phía bên ngoài. Nhiều anh chị em Kitô hữu cảm thấy họ không có gì đáng học hỏi từ những anh chị em thuộc tôn giáo bạn. Và đối với nhiều tín đồ Hindu và Hồi giáo, đối thoại chỉ được coi như là một chiến lược khác hướng tới việc chuyển đổi tôn giáo. Những nghi ngờ xưa cũ đã trở thành thâm căn cố đế.

 Sứ mạng loan báo Triều đại của Thiên Chúa

Sự hiểu biết về sứ mạng truyền giáo ngày nay đã tiến thêm một bước. Suy tư thần học đương thời xem sứ mạng của Chúa Giêsu như là việc công bố “Triều đại của Thiên Chúa”.

Nói một cách đơn giản hơn, Triều đại của Thiên Chúa không phải là một thực tại chính trị – như quốc gia Kitô giáo hay một quốc gia Hindu – mà chủ yếu là một thực tại tâm linh. Nó có nghĩa là chấp nhận các giá trị Phúc Âm trong cuộc sống của một người và sống phù hợp với các giá trị đó.

Đứng đầu trong số các giá trị đó là công lý và hòa bình, lòng thương xót và sự tha thứ, và sự hòa nhập trong xã hội. Chúa Giêsu đã sống và thực hành những giá trị đó và mời gọi các môn đệ của Người cũng làm như vậy.

Kế đến, thật thất vọng biết bao, khi nhận thấy rằng nhiều người trong Giáo hội vẫn chưa đề cao những giá trị như vậy – như những tiết lộ gần đây về nạn ấu dâm, lạm dụng tình dục và bê bối tài chính đã được tiết lộ. Còn đáng buồn hơn khi nhận thấy các giá trị về đẳng cấp, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính chi phối các mối tương quan trong Giáo hội như thế nào.

Do đó, sứ mạng truyền giáo Kitô giáo không còn có thể được xem chỉ như một lời mời gọi gia nhập Giáo hội, như một lời mời gọi gia nhập một giáo phái. Nhưng dựa trên Tin Mừng, giờ đây nó vươn tới việc biến đổi toàn bộ xã hội, đặc biệt nhấn mạnh đến công lý và hòa bình. Tất cả các cộng đồng nhân loại ngày nay đều phải chịu đựng sự áp bức bất công và xung đột bạo lực.

Về điều này, các Kitô hữu không chỉ có thể mà còn phải chung tay với tất cả những người, nam cũng như nữ, có tinh thần thiện chí khác, dù họ có niềm tin tôn giáo hay không. Như câu chuyện dụ ngôn trong Mát-thêu chương 26 đã nói rõ ràng rằng hành vi đúng đắn và bác ái (orthopraxis) quan trọng hơn đức tin đúng đắn chính thống (orthodoxy).

Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta nhận thấy rằng sự áp bức đối với các nhóm thiểu số và từ chối nhân quyền của họ còn lan rộng hơn nhiều so với sự đàn áp tôn giáo.

Điều này đã trở thành một nền tảng mới mà dựa trên đó tất cả mọi người, bất kể nam nữ, trong cuộc đối thoại có thể tuyên bố một trật tự xã hội mới, một “Triều đại của Thiên Chúa” mới.

Điều mà sứ mạng truyền giáo Kitô giáo đã thực trong một thời đại khác, cuộc đấu tranh cho nhân quyền phải tự chúng ta đạt được. Đúng vậy, sứ mạng truyền giáo Kitô giáo đã một lần nữa tái xác định chính nó.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube