Quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: ‘Sau khi xem xét cẩn trọng’, Nigeria vẫn nằm ngoài danh sách theo dõi tự do tôn giáo

Cha Isaac Achi, một Linh mục Công giáo người Nigeria, đã bị sát hại tại Bang Niger vào ngày 15 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: Giáo phận Minna)

Cha Isaac Achi, một Linh mục Công giáo người Nigeria, đã bị sát hại tại Bang Niger vào ngày 15 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: Giáo phận Minna)

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi cho EWTN một tuyên bố lưu ý rằng “sau khi xem xét cẩn trọng”, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã quyết định không đưa Nigeria quay trở lại danh sách các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Tuyên bố này được đưa ra khi những người ủng hộ nhân quyền và các thành viên Quốc hội đang thúc giục chính quyền Biden đưa Nigeria vào danh sách theo dõi trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực và đàn áp các Kitô hữu ở nước này.

Hơn 5.000 Kitô hữu đã bị giết hại vào năm 2022 tại Nigeria, theo tổ chức giám sát tự do tôn giáo Open Doors International. Bạo lực lan rộng và việc đàn áp các Kitô hữu ở Nigeria đã tiếp tục trong năm nay với vụ sát hại Cha Isaac Achi vào tháng 1, người đã bị thiêu chết vào ngày 17 tháng 1.

Điều này khiến nhiều người ủng hộ quyền tôn giáo kêu gọi Hoa Kỳ cần phải có lập trường mạnh mẽ để bảo vệ các Kitô hữu Nigeria bằng cách thêm Nigeria vào danh sách các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo hàng năm, được gọi là danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 2 đã gửi một tuyên bố để trả lời câu hỏi của phóng viên EWTN Owen Jensen liên quan đến việc Nigeria bị loại khỏi danh sách CPC.

“Sau khi xem xét cẩn trọng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đánh giá rằng Nigeria không đáp ứng ngưỡng pháp lý để được chỉ định CPC theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế”, theo nội dung tuyên bố.

Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết rằng “Hoa Kỳ xem xét tất cả các vụ bạo lực một cách nghiêm túc và thường xuyên nêu vấn đề trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi với các quan chức Nigeria”.

Liên quan đến vụ sát hại Cha Achi, tuyên bố cho biết: “Chúng tôi rất đau buồn và kinh hoàng”.

“Chúng tôi không biết động cơ của những người chịu trách nhiệm, nhưng chúng tôi lên án hành vi bạo lực thiếu thận trọng của họ. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Nigeria nhanh chóng đưa kẻ thủ ác ra trước công lý”, tuyên bố từ quan chức Bộ Ngoại giao cho biết.

“Chúng tôi tiếp tục lo ngại về tình hình tự do tôn giáo ở Nigeria, điều đã được ghi rõ trong Báo cáo IRF (Tự do Tôn giáo Quốc tế) hàng năm”, quan chức này cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục chính phủ giải quyết những vấn đề này”.

Tuyên bố lưu ý rằng Bộ Ngoại giao đã tái chỉ định hai tổ chức khủng bố ở Nigeria, Boko Haram và ISIS-WA, là “Các thực thể cần quan tâm đặc biệt đối với vấn đề tự do tôn giáo”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhân quyền ở Nigeria và các thành viên của Giáo hội Công giáo đã lập luận rằng chính phủ Nigeria cần phải nằm trong danh sách CPC, một phần vì chính phủ này đã cho phép các nhóm này tiếp tục đàn áp các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Đức Giám mục Jude Arogundade của Giáo phận Ondo, Nigeria, phát biểu với một nhóm tập trung tại Washington vào hồi đầu tháng này rằng các thành viên của đảng cầm quyền có giao kết với những kẻ khủng bố. Giáo phận của Đức Giám mục Arogundade đã hứng chịu một vụ tấn công khủng bố vào Chúa nhật Lễ Hiện xuống năm 2022, trong đó 50 tín hữu Công giáo tham dự Thánh lễ đã bị giết hại tại Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê ở bang Owo của Nigeria.

Những người “được cho là làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, họ lại là những người tham gia vào các vụ tấn công ở đây”, vị Giám chức phát biểu với nhóm.

Nina Shea, một luật sư nhân quyền quốc tế và là thành viên của Viện Hudson, phát biểu với nhóm rằng những kẻ khủng bố ở Nigeria tiếp tục hành động mà “không bị trừng phạt” và hiếm khi chịu trách nhiệm về tội ác của chúng.

Theo Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), các cuộc bách hại Kitô giáo tràn lan, bao gồm các vụ thảm sát, giết người và bắt cóc, đang gia tăng ở Nigeria trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp quốc gia này bị loại khỏi danh sách CPC.

Việc Nigeria tiếp tục bị loại khỏi danh sách CPC đã khiến Hạ nghị sĩ Chris Smith, R-New Jersey; Dân biểu French Hill, R-Arkansas; và Hạ nghị sĩ Henry Cuellar, D-Texas, đưa ra một nghị quyết vào tuần trước nhằm đẩy lùi các hành vi ngược đãi của quốc gia này. Nghị quyết lưỡng đảng thúc giục Bộ Ngoại giao tái chỉ định Nigeria là CPC và bổ nhiệm một đặc phái viên để giám sát và chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền trong khu vực.

“Tôi mong muốn được trực tiếp chất vấn Bộ Ngoại giao về vấn đề này khi họ đến để điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện”, Dân biểu Hill phát biểu với CNA khi trả lời email của Bộ Ngoại giao trong tuần này.

“Chính quyền Biden tiếp tục loại Nigeria ra khỏi danh sách CPC vì lợi ích chính trị. Nghị quyết này gửi một thông điệp quan trọng tới chính quyền Biden và chính phủ Nigeria rằng Quốc hội Hoa Kỳ nhìn thấy những sự việc đang xảy ra ở đó và sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực đang diễn ra cũng như phản ứng không thỏa đáng của chính phủ”, Dân biểu Hill phát biểu với CNA vào tuần trước.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube