Phỏng vấn nguyên Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập: ‘Giáo hội tại Ả Rập đang hết sức sống động’

Đức Giám mục Paul Hinder Dòng Capuchin, nguyên Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập.

Đức Giám mục Paul Hinder Dòng Capuchin, nguyên Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập (Ảnh: Wikipedia)

Đức Giám mục Paul Hinder Dòng Capuchin đã nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2022 với tư cách là Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập. Cơ quan truyền giáo, ban đầu được thành lập với tư cách là Hạt Đại diện Tông Tòa Aden, đã đã được phân chia để thành lập Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập và Đại diện Tông Tòa Bắc Ả Rập vào năm 2011. Vị Tu sĩ Dòng Capuchin sinh ra ở Thụy Sĩ đã sống 19 năm ở Ả Rập và trở thành Đại Diện Tông Tòa tiên khởi của Nam Ả Rập, với lãnh thổ bao gồm Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen.

Trong cuộc phỏng vấn sau đây với Domradio.de của Đức, Đức Giám mục Paul Hinder đã nói về một Giáo hội thịnh vượng tại khu vực bị xung đột tàn phá. Ngài cũng nhắc lại vụ bắt cóc Linh mục Tom Uzhunnalil người Ấn Độ thuộc Dòng Salêdiêng và vụ sát hại bốn Nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái khi ngài đứng đầu Giáo phận.

Đâu là thách thức lớn nhất mà các Kitô hữu ở Ả Rập phải đối mặt?

Thách thức lớn nhất vẫn là việc giữ gìn và thực hành đức tin trong môi trường Hồi giáo, một thế giới mà các Kitô hữu thường chỉ sống tạm bợ. Các điều kiện rất khác nhau tùy thuộc vào quốc gia: ở một số quốc gia Ả Rập, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, ở những quốc gia khác thì ít suôn sẻ hơn. Nhưng bức tranh tổng thể có thể nói rằng mọi thứ thật đáng hài lòng.

Đức Cha đang nói rằng một người có thể trải nghiệm một đức tin sống động giữa cộng đồng Công giáo hải ngoại?

Chắc chắn là như vậy. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chúng tôi đã xây dựng 9 Giáo xứ và 9 công trình nhà thờ. Tại Yemen, do cuộc nội chiến giữa chính phủ và phiến quân Hồi giáo Huthi, từ năm 2015, mọi thứ đã nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, có một số nhà thờ ở Kuwait và Bahrain, và một nhà thờ lớn dành cho các tín hữu Công giáo ở Qatar. Ở Ả Rập Saudi, không có nhà thờ, nhưng có các cộng đồng Kitô giáo.

Điều đặc trưng cho đức tin của người dân ở tất cả các quốc gia này là gì?

Điều khiến tôi ấn tượng là sự tin tưởng phó thác và lòng mộ đạo của họ. Anh chị em giáo dân đến tham dự Thánh lễ và họ yêu thích đến nhà thờ. Sau Covid, các nhà thờ của chúng ta lại chật kín. Các tín hữu Công giáo ở đây có đức tin đơn sơ. Điều đó khiến tôi ấn tượng ngay từ đầu.

Mọi người đến từ các nơi khác nhau trên thế giới đến với cộng đồng của chúng tôi. Họ nói các ngôn ngữ khác nhau và có truyền thống tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, một cảm giác của sự thuộc về phát sinh. Điều đó không phải lúc nào cũng là một vấn đề. Tất nhiên, có những căng thẳng và xung đột, vì ở khắp mọi nơi trên thế giới, con người sống cùng nhau. Nhưng nhìn chung, tôi nhận thấy Công giáo được thể hiện cụ thể ở đây.

Đã có nhiều vụ tấn công nhắm vào các Kitô hữu, đặc biệt là các nhà truyền giáo, ở Ả Rập. Phải chăng điều đó thuộc về quá khứ?

Bạn không bao giờ có thể chắc chắn về những gì người khác nghĩ trong đầu. Tôi không cảm thấy có bất kỳ mối nguy hiểm nào. Nhưng đã có những vụ tấn công này: Ví dụ, vào năm 1998, ba Nữ tu thuộc Dòng Thừa sai Bác ái – hai người đến từ Ấn Độ và người thứ ba đến từ Philippines – đã bị sát hại ở Al-Hudaida. Và sau đó vào năm 2016, vụ bắt cóc khét tiếng nhất đối với Cha Tom Uzhunnalil thuộc Dòng Salêdiêng diễn ra ở Aden. Trong cùng một vụ tấn công, bốn Nữ tu thuộc Dòng Thừa Sai Bác Ái cũng đã bị giết hại. Và không chỉ các Nữ tu, mà còn cả 12 nhân viên, hầu hết là người Hồi giáo, cũng đã bị bắn chết. Do đó, có cả sự tử đạo của các nhà Thừa sai lẫn sự tử đạo của những người Hồi giáo chỉ vì mối liên hệ của họ với chúng ta, những người Công giáo.

Linh mục Tom Uzhunnalil người Ấn Độ được giải cứu sau khi bị bắt làm con tin ở Yemen, trò chuyện với giới truyền thông ở New Delhi vào ngày 28 tháng 9 năm 2017 (Ảnh: AFP)

Linh mục Tom Uzhunnalil người Ấn Độ được giải cứu sau khi bị bắt làm con tin ở Yemen, trò chuyện với giới truyền thông ở New Delhi vào ngày 28 tháng 9 năm 2017 (Ảnh: AFP)

Đức Cha là Giám mục địa phương khi Tu viện của các Nữ tu của Mẹ Têrêsa bị đột kích. Những suy nghĩ ban đầu của Đức Cha tại thời điểm bị tấn công là gì?

Đó quả là một cú sốc. Lúc đó tôi đang ở một nơi xa xôi ở Thụy Sĩ để tĩnh tâm. Thật khó để tôi có được thông tin. Nhưng khi báo cáo đến, tôi đã không khỏi bàng hoàng. Tôi thậm chí không thể đến đó ngay lập tức. Có lẽ điều đó cũng sẽ không giúp được gì nhiều. Qua điện thoại liên lạc với một tộc trưởng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tôi đã có thể sắp xếp việc sơ tán vị Nữ tu còn sống. Vài ngày sau, tôi đích thân gặp vị Nữ tu này ở Abu Dhabi, người sống sót duy nhất.

Đức Cha hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ đó thế nào?

Điều kỳ diệu là vị Nữ tu này nói ngay với tôi: “Con muốn trở về càng sớm càng tốt”. Điều này gây ấn tượng đối với tôi rất nhiều. Tất nhiên, tôi không thể thực hiện mong muốn của Sơ. Vị Nữ tu ấy vẫn chưa quay trở lại Yemen và sống ở một quốc gia khác.

Có phải không còn ai khác sống sót?

Vâng, Linh mục Tom Uzhunnalil thuộc Dòng Salêdiêng. Việc ngài bị bắt cóc theo một nghĩa nào đó thậm chí còn đau đớn hơn đối với tôi. Với các Nữ tu, tôi đã có sự rõ ràng. Một trong số họ còn sống sót, và 4 người còn lại đã chết. Họ đã trở thành những vị tử đạo. Nhưng Cha Tom thì sao? Tôi không biết liệu ngài còn sống hay đã chết. Nếu còn sống thì được bao lâu? Họ sẽ làm gì với ngài? Sự không chắc chắn này quả thực vô cùng khó khăn đối với tôi.

Đức Cha có đưa ra bất kỳ lời cáo buộc nào đối với bản thân?

Tất nhiên rồi. Theo một nghĩa nào đó, tôi phải chịu trách nhiệm sau tất cả mọi việc. Trước đây tôi đã cho phép Cha Tom trở lại Yemen. Ngài đã làm việc ở đó vài năm trước đó và hiện được giao nhiệm vụ lãnh đạo một cơ sở nghiên cứu cho Hội Dòng của ngài ở Ấn Độ. Do đó, Cha Tom đã không phải quay lại. Cả Bề trên của ngài lẫn tôi đều không gây áp lực cho ngài. Nhưng khi nghe kể về những đau khổ của người dân trong cuộc nội chiến, Cha Tom cảm thấy có nghĩa vụ và đề nghị được trở về nước.

Tôi đã xem xét điều này và đồng ý. Mọi thứ đã diễn ra cách tốt đẹp cho đến ngày định mệnh đó. Chúng tôi không mong đợi điều đó sẽ kết thúc theo cách này. Có những người đã nói sau vụ tấn công: “Đức Giám mục đã quá liều lĩnh. Lẽ ra ngài phải can thiệp”. Tôi cũng đã cho các Nữ tu của Mẹ Têrêsa lựa chọn rút lui, nhưng họ nói: “Một phần trong sứ mạng của chúng con là không chạy trốn trong các khu vực xung đột”. Tất nhiên, tôi có thể ra lệnh họ phải rút lui, nhưng tôi đã không làm thế.

Vâng, tôi đã cầu nguyện và đấu tranh trong hoàn cảnh này. Rủi ro không bao giờ được đánh giá cách chính xác. Mỗi người trong chúng tôi đều biết rằng ở Yemen rất nguy hiểm. Bản thân tôi đã cảm nhận được điều đó trong các chuyến viếng thăm tới Yemen. Nhưng tôi đã đi đến kết luận rằng rủi ro có thể chấp nhận được.

Phải chăng Đức Cha sẽ đưa ra một quyết định khác ngày hôm nay?

Bất chấp tất cả, tôi sẽ không đưa ra quyết định khác trong tình huống tương tự hiện nay. Tất nhiên, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Và nếu tôi biết điều đó ngày hôm nay, tôi sẽ không sai bất cứ ai đi vào chỗ chết. Nhưng lúc đó các Nữ tu nói với tôi: “Không thể bỏ người dân được. Đây là sứ mạng của chúng con, chúng con sẵn sàng”. Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ điều đó.

Trong thời gian bị giam cầm, những kẻ bắt cóc, những kẻ khủng bố Hồi giáo, đã công bố các tin nhắn video từ Cha Tom. Điều này đã ảnh hưởng đến Đức Cha như thế nào?

Đó là điều tồi tệ nhất đối với tôi. Trong video, Cha Tom nói thẳng với tôi và đề nghị tôi làm mọi cách để ngài được tự do. Và tôi đã làm điều đó. Nhưng ngài không biết. Ngài không thể biết được. Tôi đã tận dụng tất cả các kênh có sẵn đối với tôi. Tôi không thể nói công khai về các chi tiết. Điều quan trọng là cuối cùng điều đó đã có hiệu quả.

Tháng 9 năm 2017, Cha Tom đã được trả tự do. Đức Cha cảm thấy thế nào khi biết tin?

Trước đây tôi đã được những người có liên quan thông báo rằng việc trả tự do cho Cha Tom đã được lên kế hoạch. Nhưng tất nhiên, tôi rất háo hức chờ xem tiến trình này có thành công hay không. Cho đến giây phút cuối cùng, chúng tôi không biết liệu việc trả tự do cho ngài có thành công hay không. Có rất nhiều điều không chắc chắn.

Tôi vẫn nhớ khi một nhân viên bảo vệ gọi cho tôi và nói: “Chúng tôi đang ở Muscat. Vị Linh mục đã được giải cứu”. Và ở đó, qua điện thoại từ thủ đô của Oman, lần đầu tiên tôi nghe thấy giọng nói của ngài. Vài ngày sau, chúng tôi gặp lại nhau ở Rôma. Điều đó rất cảm động và những giọt nước mắt đã tuôn trào.

Từ trái sang phải: Đức Hồng Y Parolin, Bộ trưởng Nhà nước UAE Nahyan bin Mubarak Al Nahyan, và Đức Giám mục Hinder, cắt băng khánh thành tại lễ khánh thành Giáo xứ Thánh Phaolô ở Mussafah, Abu Dhabi, UAE, ngày 11 tháng 6 năm 2015. (Ảnh: Đại diện Tông tòa Ả Rập Saudi)

Từ trái sang phải: Đức Hồng Y Parolin, Bộ trưởng Nhà nước UAE Nahyan bin Mubarak Al Nahyan, và Đức Giám mục Hinder, cắt băng khánh thành tại lễ khánh thành Giáo xứ Thánh Phaolô ở Mussafah, Abu Dhabi, UAE, ngày 11 tháng 6 năm 2015. (Ảnh: Đại diện Tông tòa Ả Rập Saudi)

Ở một số quốc gia, các vụ tấn công nhắm vào các Kitô hữu gần như xảy ra hàng ngày. Động lực nào đã thúc đẩy các nhà truyền giáo như các Nữ tu và Cha Tom tiếp tục đứng vững vì đức tin của họ bất chấp mọi hiểm nguy khi xa quê hương?

Điều này chỉ có thể xảy ra từ một sự xác quyết vững chắc trong việc bước theo dấu chân của Chúa Giêsu. Tôi không có lời giải thích tốt hơn cho điều này. Theo bước chân của họ, các nhà truyền giáo chịu trách nhiệm vì những người khác, cho dù họ là các tín hữu, những người không có đức tin hay những người có tín ngưỡng khác. Mọi Kitô hữu đều xác tín rằng họ không sống cho chính mình. Người Kitô hữu chúng ta sống cho Chúa, cũng như cho người khác. Một người hoàn toàn tin tưởng xác quyết như vậy sẽ tận dụng tất cả những gì họ có cho niềm tin này – thậm chí đến mức tột bậc, thậm chí cho đến chết.

Có một số tình huống mà người Kitô hữu, vì trách nhiệm đối với người khác, chọn không đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Điều đó quả là chính đáng và dễ hiểu. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói”.

Chúng ta có thể tin tưởng điều đó khi nói điều gì đó, cư xử đúng đắn hoặc đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi sống với tư cách là một người Kitô hữu từ đức tin của mình. Tôi cố gắng theo gương Chúa Giêsu trong hoàn cảnh cụ thể mà tôi đang sống. Tôi sẽ ở lại nếu tôi phải ở lại. Hoặc tôi tiếp tục nếu tôi được bảo: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”.

Cách đây khoảng hai thập kỷ trước, Đức Cha đã thu xếp mọi thứ và chuyển đến Ả Rập. Căn tính Capuchin đóng vai trò gì trong sứ mạng của ngài tại Ả Rập?

Hiện tại là đúng 19 năm (kể từ khi tôi chuyển đến Ả Rập). Với tư cách là một Tu sĩ Capuchin, tôi đã quen với việc bước vào những hoàn cảnh mới, điều này đã giúp ích cho tôi. Tu sĩ Dòng Capuchin chúng tôi, như họ nói, là Hội Dòng sống không định cư một chỗ. Mặt khác, căn tính Dòng Capuchin của tôi cũng được làm phong phú thêm bởi thực tế rằng tôi đã trở thành một Giám mục trong một thế giới hoàn toàn mới mẻ đối với tôi.

Bằng cách nào?

Tôi chắc chắn không phải là một Tu sĩ Capuchin lý tưởng, nhưng tôi sống cuộc sống của mình với những người thuộc mọi thành phần và hoàn cảnh khác nhau. Ở Ý, các Tu sĩ Capuchin được gọi là “Frati del Popolo” (những người anh em của mọi người). Ở đây tôi đã học được cách sống cùng với mọi người. Tất cả chúng tôi đều được kết nối bởi thực tế rằng chúng tôi là những người di cư, “những người ngoại kiều”, như họ nói ở đây. Chúng tôi đã rời xa đất nước của mình, rời xa ngôi nhà quen thuộc của mình. Đối với tôi, đó là một sứ mạng đã được Đức Thánh Cha trao phó cho tôi. Những người khác ở đây vì họ cần kiếm miếng cơm manh áo và hỗ trợ gia đình. Chúng tôi được kết nối bởi thực tế rằng chúng tôi là “những người ngoại kiều”.

Ngoài ra, đức tin của người dân nơi đây đã làm cho đức tin của tôi trở nên sâu sắc hơn. Tôi thường nói với anh chị em giáo dân của mình: “Không chỉ tôi là mục tử của anh chị em. Anh chị em cũng là những mục tử của tôi”.

Vừa là Giám mục phụ tá vừa là Đại diện Tông Tòa, Đức Cha biết ơn điều gì nhất trong thời gian ở Ả Rập?

Tôi rất biết ơn về kinh nghiệm tích cực của Giáo Hội mà tôi đã có thể có được ở đây. Đối với điều này, tôi phải nói trước: Tôi nhận thức về những vụ bê bối. Tôi nhận thức được những tội ác trong Giáo hội nơi đây. Tôi không muốn hạ thấp họ. Họ đã bị tổn thương sâu sắc – không chỉ tôi, mà đặc biệt là những người đã phải đau khổ và vẫn còn đang đau khổ.

Tuy nhiên, nơi đây tại Ả Rập, tôi đã cảm nghiệm được Giáo Hội trong sự sống động cũng như trong chiều sâu của nó. Tôi đã được phép trải nghiệm một Giáo hội về cơ bản vui tươi ở đây và điều đó đã định hình tôi. Tôi được phép xây dựng nhà thờ – cũng theo nghĩa vật chất. Trong 18 năm, tôi đã có thể xây dựng 7 nhà thờ. Tôi đã có thể mở các trường học Công giáo ở một khu vực mà điều này không dễ mong đợi. Điều này vẫn còn đong đầy trong tôi với niềm vui ngày hôm nay.

Tôi đã đến thăm các cộng đoàn. Tôi nghĩ về chuyến đi gần đây của tôi ở Ả Rập Saudi. Điều tuyệt vời là nhận thấy rằng Giáo hội đang sống động. Giáo hội không bị diệt vong. Ngược lại, trong những tình huống khó khăn, Giáo hội có thể còn tràn đầy sức sống hơn nữa. Là một trong số ít các Giám mục, tôi đã có được niềm vui được chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô hai lần. Cách đây 4 năm ở Abu Dhabi và gần đây ở Bahrain. Tôi coi đây là một điểm nhấn khiêm tốn trong suốt khoảng thời gian của tôi ở đây.

Nhìn từ bên ngoài, bạn thường nghĩ: Ả Rập ư? Chẳng có Kitô hữu ở đó. Nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Giáo hội cũng tồn tại nơi đây. Các Kitô hữu nơi đây cũng đang rất năng động. Khi rõ ràng là tôi có thể trở thành Giám mục ở Ả Rập, tôi đã gặp khó khăn trong việc đồng ý với điều đó. Sau đó tôi buộc mình phải nói đồng ý và không bao giờ hối hận. Sau đó tôi tự nhủ: “Giờ đây bạn ở đây, đó là nhiệm vụ của bạn”. Và tôi đã được làm cho trở nên phong phú. Điều đọng lại trong tôi là hy vọng rằng tôi có thể đóng góp vào sự sinh động của Giáo hội này. Vâng, tôi biết ơn những năm tháng này.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube