Ơn cứu độ trong cảm thức thừa sai của Thánh Anphongsô (kỳ III)

Thao thức lớn nhất của thánh Anphongsô là ơn cứu độ cho anh chị em của mình. Làm sao để mọi người nhận biết, yêu mến Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ tràn đầy mà Thiên Chúa là Cha đã ban cho nhân loại này nơi chính Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, qua biến cố thương khó, chết và phục sinh.

  1. Anphongsô và Học Thuyết Tình Yêu Cứu Độ

Bị ảnh hưởng bởi thuyết Đền bù của Anselm, sử gia Frederick M. Jones viết rằng nỗi sợ Thiên Chúa cùng với tư tưởng về hỏa ngục và sự trừng phạt đời đời đã để lại một sự tổn hại lớn về tâm lý cho Anphongsô. Thánh nhân ghi lại rằng, phải mất mười lăm năm dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng và nỗ lực bản thân, ngài mới có thể loại bỏ được hình ảnh Thiên Chúa như là một Đấng độc tài trừng phạt, và thay thế vào đó một cảm nhận Thiên Chúa tình yêu như là người cha nhân hậu nhất trong tất cả những người cha.[1] Giám mục Falcoia linh hướng cho Anphongsô khoảng mười một năm nhìn nhận điều này. Ngài đã khuyến khích Anphongsô “tìm kiếm con đường bình an,” “bước đi trên con đường tình yêu Chúa, vứt bỏ khỏi mình những sợ hãi ám ảnh.”[2] Tình yêu Thiên Chúa dần dần đã xóa tan những sợ hãi trong thánh nhân và trở thành chủ đề chính cho các tác phẩm và giảng dạy của Ngài. Quyển sách Thực Hành Lòng Yêu Mến Chúa Giêsu, xuất bản năm 1768, đã đánh dấu điều này.[3] Trong một bài giảng mở đầu cho kỳ đại phúc ở Foggia, Anphongsô cho thấy bước chuyển tâm linh của Ngài.

Anh chị em thân mến của tôi,

Vào ngày thứ nhất của đại phúc, trước khi tôi nói với anh chị em, xin cho phép tôi nói Chúa trước, Đấng đã sai tôi đến đây để giảng cho chị em. Tôi xin Ngài cho tôi biết Ngài muốn tôi nói gì với anh chị em.

Ôi Chúa của con, ôi Thiên Chúa của con, Ngài sai con đến đây để giảng ở Foggia này. Này con đây đang đứng trên bục giảng này. Ngài muốn con nói gì với thành phố bất trung này, với dân này, những tôi tớ vô ơn của Ngài đang đến đây để lắng nghe. Ngài yêu mến họ, và thật đúng thế. Ngài làm tất cả mọi sự có thể để đưa họ đến hoán cải. Ngài đã đong đầy họ với những ân phúc, và họ đã đáp lại bằng sự vô ơn. Hơn nữa, Ngài đã cảnh báo họ với sự trừng trị; con nên nói điều này trong run sợ. Ngài đã dọa họ với một cơn bệnh dịch, nhưng Ngài đã không gởi nó đến; Ngài đã dọa họ với những đau khổ của chiến tranh, nhưng những đau khổ đã không xảy ra trên họ…; Ngài đã dọa họ với cái chết dưới sự sụp đổ của động đất, nhưng thay vào đó Ngài chỉ phá hủy những tòa nhà và không gây ra cái chết bất cứ ai.

Và lạy Chúa, họ đã đáp lại gì? Không gì cả; họ trở thành tệ hơn trước. Giờ đây, Ngài muốn con nói gì với họ, lạy Chúa? Nếu Ngài muốn con bảo họ những gì mà con cảm thấy thì con sẽ bảo họ hãy chuẩn bị cho tất cả những hình phạt mà họ đáng phải chịu; con sẽ bảo họ rằng họ không còn gì để tìm kiếm hay hy vọng lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa, vì họ không còn xứng đáng. Lạy Chúa, Ngài có muốn con nói với họ cách này chăng?

Không, anh chị em thân mến của tôi, không, hỡi những tội nhân vô ơn mà tôi đang nói với. Thiên Chúa không muốn tôi nói với anh chị em về công bằng và những sự trừng phạt, nhưng về bình an và ơn tha thứ nếu anh chị em hứa không còn làm buồn lòng Chúa nữa.[4]

Frederick Jones nhận xét rằng: “Bài giảng [này của Anphongsô] hoàn toàn ngược lại với dạng bài giảng mang tính đe dọa của rất nhiều nhà giảng thuyết phổ biến lúc bấy giờ.”[5] Điểm độc đáo của Anphongsô là ngài không bác bỏ những gì mà học thuyết của Giáo Hội lúc bấy giờ trình bày về Thiên Chúa và tương quan cứu độ. Anphongsô không bác bỏ Anselm và John Locke, cũng không theo Socinians. Ngài dùng thuật hùng biện với những lý luận phản ánh quan niệm cứu độ học lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ngài lại không dẫn người nghe đi vào sợ hãi và đền trả, nhưng bình an, tha thứ, và đối diện với dung mạo của một vị Thiên Chúa “chậm bất bình và giàu tình thương.”

Tác phẩm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Anphongsô đã cố gắng hóa giải những quan niệm, một đàng quá mang tính đe dọa và gây sợ hãi ảnh hưởng bởi Anselm và Thomists, đàng khác lại quá phóng khoáng của các triết gia và phái Socinianism. Ngay những trang đầu của tác phẩm, Anphongsô đã dùng lối kể chuyện để khai mở ra một lối thoát cho đức tin của người dân. Anphongsô lập luận, khi con người phạm tội, bỏ Chúa đi. Thiên Chúa buồn rầu than thở: “Bây giờ Ta ở đây để được gì? – sấm ngôn của Ðức Chúa. Vì dân Ta đã bị đem đi” (Is 52,2). Thánh Anphongsô viết tiếp:

Và bây giờ, Chúa nói, “Ôi còn gì vui ở trên Trời này nữa, giờ đây Ta đã mất con người là niềm vui của Ta?” “Niềm vui của Ta là ở với con cái loài người” (Cn 8,31). Nhưng bây giờ làm thế nào đây hỡi Chúa? Trên trời Ngài có vô số Seraphim, vô số thiên thần, thì tại sao Ngài có thể buồn đau vì mất con người? Thật sự, Chúa đâu cần các thiên thần hay con người để làm đầy hạnh phúc của Chúa? Ngài luôn luôn, và Ngài ở trong chính Ngài, là hạnh phúc tột cùng rồi. Ngài đâu cần thêm chi cho hạnh phúc của Ngài, vì nó là vĩnh cửu rồi?

Chúa nói, “Tất cả những điều đó là đúng, nhưng mất con người Ta thấy Ta không còn gì cả; Ta nhận ra Ta đã mất tất cả, vì niềm vui của Ta là ở với con người; và giờ đây những con người này Ta đã mất, và những thụ tạo nghèo nàn đáng thương này chúng phải sống mãi mãi xa cách Ta.”[6]

Nhưng Chúa gọi con người là niềm vui của Ngài là như thế nào? Vâng, đúng vậy, thánh Thomas viết, Chúa yêu con người … “như thể con người là chúa của chính Chúa, và không có con người thì Ngài không thể nào hạnh phúc.” (opucs. 63, c. 7). Hơn thế nữa, thánh Gregory thành Nazianzen thêm rằng, Thiên Chúa, vì tình yêu của Ngài dành cho con người, Ngài dường như không còn là mình: “chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng, Thiên Chúa quá điên khùng bởi vì tình yêu vô biên của Ngài dành cho con người.”

“Nhưng không,” Thiên Chúa lại nói, “Ta sẽ không để mất con người, không thể trì hoãn, hãy tìm một Đấng Cứu Chuộc, người có thể thay cho con người làm thỏa sự công chính của Ta, và thế là có thể cứu con người thoát khỏi những bàn tay của kẻ thù và khỏi cái chết đời đời.”[7]

Thánh Anphongsô tưởng tượng một sự giằng co tranh luận giữa công bằng và xót thương. Đây cũng là vấn đề nan giải mà thánh nhân đang tìm đáp án.

Đức công chính nói: “Tôi sẽ không còn hiện hữu nữa nếu Adam không bị trừng phạt; Tôi sẽ bị tiêu hủy nếu Adam không chết.” Ngược lại, lòng thương xót lại bảo: “Tôi sẽ không còn là mình nếu con người không được xót thương; tôi sẽ bị tiêu hủy nếu con người không được thứ tha.”[8]

Anphongsô khéo léo lấy sự giằng co giữa công bằng và xót thương thay thế sự giằng co mà Anselm trình bày về việc đền trả sao cho cân xứng giữa một vị Thiên Chúa vô hạn bị xúc phạm bởi con người hữu hạn và tội lỗi. Câu trả lời của Anphongsô cũng là Lời Hằng Hữu, Con Thiên Chúa tự nguyện xuống thế cứu con người. Nhưng nơi Con Thiên Chúa, công bằng và lòng xót thương của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn và hòa hợp cách kỳ diệu.

“Này con đây, xin hãy sai con” (ecce ego, mitte me – Is 6,8). Người Con Duy Nhất nói, “Cha ơi, sự uy nghi của Cha là vĩnh cửu, và đã bị xúc phạm bởi con người, và không thể làm cho thỏa được một cách chính đáng bởi một thiên thần, vì thiên thần cũng chỉ là một thụ tạo; và mặc dù Cha có thể chấp nhận việc làm thỏa lòng Cha của một thiên thần, mặc dù muôn ơn phúc đã được ban xuống trên con người, mặc dù đã có rất nhiều lời hứa cũng như răn đe, chúng ta (Cha+Con) vẫn chưa chiếm được tình yêu của con người, vì con người chưa nhận ra được tình yêu chúng ta đang ôm ấp chúng. Nếu chúng ta muốn con người không còn từ khước yêu chúng ta, không cơ hội nào tốt hơn chúng ta có thể tìm thấy đó là cứu con người. Con, Con của Cha sẽ xuống trần gian, mang lấy xác phàm nhân loại, và dùng chính cái chết của con để chịu tội thay cho con người. Bằng cách này, sự công chính của Cha sẽ được làm cho thỏa cách trọn vẹn và đồng thời con người cũng bị chinh phục hoàn toàn bởi tình yêu của chúng ta!”[9]

Anphongsô hoán chuyển mục đích của mầu nhiệm Nhập Thể theo quan niệm của Anselm và Thomists là vì tội con người và sự đền trả sang mục đích tình yêu. Anphongsô viết, “Chúa dường như nói rằng, con người không yêu Ta vì con người không nhìn thấy Ta. Ta ước mong làm cho con người nhìn thấy Ta, để Ta trò chuyện với con người, và thế là Ta được yêu…(Bar 3,38). Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thì tột cùng, và tình yêu đó đã có từ đời đời: ‘Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương’ (Gr 31,3).”[10] Nói cách khác, Anphongsô khẳng định “công cuộc mầu nhiệm Nhập Thể, một cách tinh tuyền, chính là kết quả của tình yêu trào dâng của Thiên Chúa ôm lấy con người.” Và Thánh Thần chính là “tình yêu bản thể của Cha và của Con,” Ngài luôn hiện diện trong mọi công việc của Thiên Chúa.[11]

Nếu từ chìa khóa của cứu độ học Anselm là “đền bù thỏa đáng,” thì “bị chinh phục hoàn toàn bởi tình yêu” chính là từ chìa khóa của cứu độ học Anphongsô.[12] Anphongsô đồng ý với các triết gia và các nhà thần học về một vị “Thiên Chúa Đấng không thay đổi,” nhưng vì tình yêu, vị Thiên Chúa ấy “xuất hiện như một trẻ thơ nằm trong máng cỏ, rồi là một cậu bé ở trong xưởng làm việc, rồi sau đó là một tội phạm trên giàn giáo, và bây giờ là tấm bánh trên bàn thờ. Trong những nét đơn sơ khác nhau này Chúa Giêsu đã chọn để bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta. Nhưng trong bất cứ hình thức nào Ngài đón lấy, Ngài luôn luôn cho thấy đặc tính của một người yêu. Ôi lạy Chúa của con, xin hãy nói cho con biết, còn điều gì khác mà Ngài chưa dùng để làm cho Ngài được yêu?”[13]

Cách đặc biệt, Anphongsô nhìn mầu nhiệm thương khó và chết của Chúa Giêsu dưới lăng kính tình yêu. Ngài lý luận:

Đức Kitô có thể cứu chúng ta mà không cần phải chết trên thập giá và đau khổ. Chỉ cần một giọt máu của Ngài thôi cũng đủ cho ơn cứu chuộc chúng ta. Ngay cả một lời cầu nguyện dâng lên Cha Hằng Hữu của Ngài cũng đủ rồi; vì dựa vào thần tính của Ngài, lời cầu nguyện của Ngài có giá trị vĩnh cửu, và vì thế đã đủ cho ơn cứu độ của thế giới. Nhưng thánh Gioan Kim Khẩu, hay một tác giả cổ xưa nào đó nói rằng, “điều đủ cho ơn cứu độ thì lại không đủ cho tình yêu.” Để cho chúng ta thấy Ngài yêu chúng ta nhiều như thế nào, Ngài mong muốn được đổ máu không chỉ một phần, nhưng toàn bộ máu của Ngài bởi những vết thương nứt nẻ của cực hình. Đúng như Ngài trong đêm trước khi chết: “Đây là máu Giao Ước Mới sẽ đổ ra cho muôn người” (Mt 26, 28). Từ “sẽ đổ ra” cho thấy rằng, trong cuộc thương khó, máu Chúa Giêsu Kitô đã đổ ra cho đến giọt cuối cùng. Vì thế, sau khi chết, cạnh sườn Ngài đã mở toan ra với vết đâm thâu, máu và nước chảy ra, như thể những gì chảy ra là tất cả những gì còn lại của máu Ngài. Đức Kitô, mặc dù có thể cứu chúng ta không cần đau khổ, đã ôm lấy một cuộc đời của những nỗi đau liên hồi, và đã đau khổ với cái chết ô nhục và tàn nhẫn của thập giá. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Ph 2,8).

“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu mình” (Ga 15,3). Để cho bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta, điều gì Con Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta hơn là chết cho chúng ta? Điều gì hơn thế nữa một người có thể làm cho người khác hơn là cho đi chính mạng sống mình?[14]

Hoàn toàn khác với cách lý giải của Anselm về cái chết của Đức Kitô như là một công trạng cứu chuộc con người bởi sự tự nguyện chết của Ngài, Anphongsô nhìn cái chết của Đức Kitô là cách thế Thiên Chúa diễn tả tình yêu trọn vẹn cho con người. Nếu phải đền trả thì “chỉ cần một giọt máu” hay một “lời cầu nguyện của Ngài” trong thân phận con người cũng đủ rồi. Điều Thiên Chúa muốn làm là “bày tỏ tình yêu,” và điều Thiên Chúa cần là “được chúng ta yêu.”[15] Anphongsô không nhìn mầu nhiệm Nhập Thể như là điều phải xảy ra vì tội, nhưng trên tất cả là vì Thiên Chúa yêu con người và muốn con người bước vào tương quan tình yêu này với Ngài. Cứu độ không phải là đền bù thỏa đáng mà là bước vào tương quan tình yêu với Thiên Chúa, nhận ra rằng “tôi thuộc về Chúa và tôi phải trao chính tôi trở về cho Ngài.” Điều làm cho công bằng của Chúa được thỏa không phải là đền trả mà là “chúng ta trao tình yêu chúng ta cho Ngài, và như vậy Chúa thỏa lòng rồi.”[16]

Hơn thế nữa, Anphongsô nhận ra giá trị của mỗi người trong tương quan ơn cứu độ với Thiên Chúa. Mỗi người là một ngôi vị độc nhất vô nhị không thể thay thế, và Chúa yêu người ấy như thể chỉ có người ấy và chính Ngài mà thôi.

Chúa Giêsu không chỉ trao ban chính Ngài cho tất cả cách chung, nhưng Ngài, hơn thế nữa, còn trao ban chính Ngài cho từng người một cách riêng biệt. Điều này đã khiến thánh Phaolô thốt lên, “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng “Chúa yêu mỗi người chúng ta cùng một tình yêu nhiều như Chúa yêu tất cả mọi người.” Đến nỗi, hỡi người anh em yêu dấu của tôi, giả như không còn ai trên thế giới này bên cạnh bạn, thì Đấng Cứu Thế vẫn sẽ đến vì lợi ích của một mình bạn, và sẽ vẫn trao ban chính máu và sự sống của Ngài cho bạn… Sau công trình cứu chuộc, Thiên Chúa không còn gì để cho chúng ta, không còn gì hơn Ngài có thể làm mà đã không làm cho tình yêu con người.[17]

Ở đây Anphongsô cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn Con Chiên Lạc. Trong ánh mắt của Thiên Chúa, mỗi một người là duy nhất và quý giá vô cùng. Khi Anphongsô giả định nếu trên thế gian này chỉ còn một người, thì vì người ấy Thiên Chúa vẫn đổ máu và chết cho người đó, Anphongsô không hề muốn nói đến khái niệm ơn cứu độ cá nhân, nhưng muốn nhấn đến chiều kích vừa phổ quát vừa riêng biệt của ơn cứu độ, vì Thiên Chúa của niềm tin Kitô giáo là Thiên Chúa trong tương quan ngôi vị với ngôi vị trong sự khác biệt và hiệp nhất. Chính vì nhận ra điều này, Anphongsô chọn lựa người nghèo, và là người nghèo tất bạt nhất, bị bỏ rơi nhất, những người bị xã hội gạt ra bên lề và Giáo hội chưa thể đến được. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không dừng lại ở một nhóm người hay một giai cấp nào trong xã hội. Ơn cứu độ tự nó là chứa chan và tuôn tràn vì Đấng là Nguồn Cứu Độ chính là Tình Yêu. Tình yêu thì vừa bao trùm tất cả lại vừa riêng biệt cụ thể trong “cái biết” của tương quan ngôi vị với ngôi vị (x. Ga 10,14; 17, 26 ). Nên ơn cứu độ của Thiên Chúa không thể để sót bất cứ một ai (x. Ga 17,12). Chính vì thế, Anphongsô diễn tả:

Như chim bồ câu tìm một nơi trú ẩn trong một cái tháp, nó tìm kiếm lối vào từ rất nhiều phía. Nó tiếp tục bay xung quanh tháp cho đến khi nó tìm được một khe hở để vào… cũng thế hành vi thương xót của Thiên Chúa đối với tôi khi tôi còn là thù nghịch với Ngài“.[18]

Hỡi những tội nhân rất đáng yêu mến, đừng tưởng tượng rằng Chúa yêu cầu bạn phải lao nhọc một thời gian dài trước khi Ngài ban cho bạn ơn tha thứ. Ngay khi bạn ước mong được tha thứ, thì Ngài đã sẵn sàng trao ban rồi… Ngay giây phút Ngài nghe bạn nói: xin tha thứ cho con, lạy Chúa của con, xin tha thứ cho con, thì Ngài trả lời ngay lập tức và ban cho bạn ơn tha thứ rồi.”[19]

Có lẽ kinh nghiệm chăm sóc các bệnh nhân chờ chết tại bệnh viện bất khả trị, và những người nghèo ở nguyện đường đêm, cùng với những đụng chạm người nghèo thật sự bị bỏ rơi ở Scala và các làng quê, đã khiến cho Anphongsô, khi chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá, nhận ra đó là mầu nhiệm tình yêu hiến mạng của Thiên Chúa dành cho con người.[20] Đi từ khái niệm “đền bù thỏa đáng” đến khái niệm “tình yêu hiến mạng” hay “bị thuyết phục bởi tình yêu” của Thiên Chúa, Anphongsô thật sự đã làm một cuộc giải thoát người tin khỏi nỗi ám ảnh bị trừng phạt và vị Thiên Chúa khát máu. Chính trong khái niệm “tình yêu của người hy sinh mạng sống mình” (Ga 15, 3), Anphongsô hiểu sâu sắc và sống mầu nhiệm “ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người.”[21] Cây thập giá không còn là hình ảnh của việc đền thỏa sự công bằng của Thiên Chúa, nhưng là hình ảnh của tình yêu hiến mạng tuôn đổ đến giọt máu và nước cuối cùng. Nói cách khác, theo Communicanda 2 (2006) diễn tả, “Đấng Cứu Thế chính là tình yêu khao khát chạm vào và biến đổi mỗi một con người nhờ đó tất cả có thể tìm được hạnh phúc tràn đầy viên mãn đích thực.” Ngài thực hiện điều đó bằng con đường “kenosis tuyệt đối,” nơi “mầu nhiệm Nhập Thể, rồi nơi cái chết, ngay cả ‘chết trên cây thập giá.’”[22]

Anphongsô diễn tả suy niệm này qua bức họa Thương Khó với hình ảnh Chúa Giêsu bị đánh đòn rách nát thịt da, đang bị đóng đinh trên thập giá, và máu chảy thành dòng tuôn xuống. Thập giá trở thành tâm điểm của linh đạo và sứ điệp Tin Mừng của Anphongsô. Chính nơi thập giá Thiên Chúa đã nói hết và diễn tả hết tình yêu của Ngài dành cho con người, và Ngài mời gọi con người đi vào tương quan “yêu và được yêu” với Ngài. Vì thế, “Chúng ta, ngay cuộc sống này, hãy ôm lấy Chúa Giêsu Kitô Đấng chịu đau khổ vì chúng ta; chúng ta hãy luôn luôn kết hợp nên một với Ngài đến nỗi chúng ta có thể sống và chết cho Ngài… Ôi sao dịu ngọt và sinh ích lợi cho chúng ta khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá! Ôi thật hạnh phúc cái chết của những ai chết trong khi ôm lấy Đức Giêsu chịu đóng đinh, chấp nhận cái chết của mình với niềm vui vì tình yêu của vị Thiên Chúa đã chết vì yêu chúng ta!”[23]

(Còn tiếp)

Lm. Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R.

Chú thích

[1] Ibid., 32.

[2] Ibid., 73.

[3] Ibid. Communicanda 2 (2006), 12.

[4] Ibid., 180-181.

[5] Ibid., 181.

[6] Alphongsus de Ligouri, The Incarnation Birth and Infancy of Jesus Christ, Eugene Grimm, ed. (Brooklyn: Redemptorist Fathers, 1927), 14-15.

[7] Ibid., 15.

[8] Ibid., 16.

[9] Ibid.

[10] Ibid., 18.

[11] Ibid., 21.

[12] Ivel Mendanha, “Jesus Christ, the Redeemer,” Readings on Redemption, Raymond Corriveau, ed. (Rome: General Secretariat for Redemptorist Spirituality, 2006), 161.

[13] Alphongsus, The Incarnation, 91. Phần in nghiêng là nhấn mạnh của người viết.

[14] Alphongsus, “On the Love of Jesus Christ for us, and on Our Obligations to Love Him,” Sermons of St. Alphongsus Liguori (Rockford, Tan Books and Publishers, 1982), 52-53.

[15] “Đấng yêu thương chúng ta ao ước cũng được yêu. Thánh Bernard nói, “Khi Chúa yêu, Ngài không điều gì khác hơn là được yêu” (Ser. Lxxxiii. in Cant). Đấng Cứu Thế nói, “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Chúa Giêsu nói, Thầy đến mặt đất để thắp lên ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong trái tim con người, “và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy được bùng lên?” Thiên Chúa không ước mong gì hơn là được chúng ta yêu…. Hãy cầu nguyện suy gẫm mỗi ngày, chiêm ngắm mầu nhiệm thương khó của Chúa Giêsu Kitô, và không nghi ngờ gì bạn sẽ được nung đốt với ngọn lửa thánh này.” Ibid., 55-56.

[16] Alphongsus, The Incarnation, 93. Ở đây Anphongsô so sánh chữ khi nói về thuyết đền bù thỏa đáng (doctrine of satisfaction) và từ Thiên Chúa thỏa lòng (God satisfied). Cf. Communicanda 2 (2006), 13.

[17] Alphongsus, The Incarnation, 92.

[18] Anphongsus, “Mercy of God towards Sinners,” SAL, 242.

[19] Ibid., 246.

[20] “Đức Kitô đã đến để bày tỏ cho chúng ta tình yêu bao la vô hạn mà với tình yêu này Thiên Chúa mang lấy tất cả chúng ta. Ngài trao ban cho chúng ta chính Ngài một cách hoàn toàn, bằng cách ôm lấy nơi mình Ngài tất cả những nỗi đau của cuộc sống này, và tận cùng là những sỉ vả, gai nhọn, cùng tất cả những đau khổ và tủi nhục mà Ngài đã chịu lấy nơi cuộc thương khó, và bằng cách dâng hiến mình cho đến chết, dâng hiến cho tất cả, trên cây thập giá ô nhục. ‘Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi’ (Gl 2,20).” Alphongsus, “On the Love of Jesus Christ for us,” SAL, 52.

[21] “Lòng thương xót của Thiên Chúa là một suối nguồn không bao giờ can kiệt. Những ai mang những chiếc bình với lòng tin tưởng lớn nhất thì sẽ kín múc từ đó những ân sủng lớn lao nhất.” Alphongsus, “Means Nescessary for Salvation,” SAL, 50.

[22] Communicanda 2 (2006), 13.

[23] Alphongsus, “On the Love of Jesus Christ for us,” SAL, 57.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube