Ngày SECAM là cơ hội để cầu nguyện cho Giáo hội đang phát triển lớn mạnh tại Châu Phi

Các Giám mục thuộc SECAM vào tháng 7 năm 2019

Các Giám mục thuộc SECAM vào tháng 7 năm 2019

Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM), Đức Cha Sithembele Sipuka, suy tư về dịp kỷ niệm 51 năm diễn đàn của các Giám mục trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM) kỷ niệm 51 năm diễn đàn của các Giám mục vào ngày 2 tháng 8 năm nay.

Hội thảo chuyên đề lục địa là diễn đàn chung cho các Giám mục ở Châu Phi và Madagascar để nói lên ý kiến tương ứng của họ về các vấn đề liên quan đến Giáo hội tại lục địa châu Phi.

Được thành lập vào năm 1969, SECAM được nảy sinh từ mong muốn của các Giám mục Châu Phi trong Công đồng Vatican II (1962 – 1965) để tạo ra một cấu trúc nhằm cung cấp tầm nhìn của châu Phi cho Giáo hội hoàn vũ.

Trước sự kiện năm nay, Phó Chủ tịch thứ nhất của SECAM, Đức Giám mục Sithembele Sipuka Địa phận Umtata Nam Phi, đã có cuộc trò chuyện với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn. Đức Cha Sipuka chia sẻ những suy tư của mình về Ngày SECAM và vai trò của Giáo hội ở Châu Phi. Đức Cha Sipuka đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nam Phi (SACBC).

Ngày SECAM

Đức Giám mục Sipuka cho biết lễ kỷ niệm Ngày SECAM hàng năm cung cấp cơ hội nhằm tạo thêm nhận thức về diễn đàn và các hoạt động của nó trong các tín hữu.

Đồng thời, đây cũng là dịp để “mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho lục địa này với tư cách là một Giáo hội trong sứ mạng truyền giáo”.

Theo thông điệp được phát hành gần đây của SECAM, “ngày này được dành cho tất cả các thành viên của Giáo hội – Gia đình của Thiên Chúa tại Châu Phi và các Quần đảo xung quanh để cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa vì món quà của mẹ Châu Phi, vì món quà của nhau và vì món quà của đức tin Kitô giáo”.

“Đây cũng là một cơ hội để cầu nguyện cho sự thịnh vượng của SECAM, cầu nguyện cho tinh thần hiệp nhất, sự hiệp thông và liên đới giữa các Giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân”.

Đặc biệt trong thời gian Covid này, Đức Cha Sipuka nói, chúng ta cần “sự liên đới của những lời cầu nguyện, sự quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau khi có thể thông qua các nguồn lực, tài chính và các phương tiện khác”.

Thông thường, Ngày SECAM được đánh dấu vào ngày 29 tháng 7, ngày kỷ niệm diễn đàn được thành lập vào năm 1969. Tuy nhiên, vì ngày này là dịp để thông báo thêm cho mọi người về sự tồn tại của diễn đàn, lễ kỷ niệm thường được chuyển sang Chúa nhật sau nếu ngày 29 tháng 7 rơi vào một ngày trong tuần.

51 năm cam kết

Nhấn mạnh các cam kết của SECAM tại lục địa, Đức Cha Sipuka giải thích rằng diễn đàn này đang hoạt động tích cực trong một loạt những mối bận tâm ảnh hưởng đến Giáo hội.

Liên quan đến vấn đề truyền giáo, Đức Cha Sipuka cho biết rằng các Giám mục SECAM đã lưu ý về việc đức tin đã tăng trưởng ở Châu Phi như thế nào so với các lục địa khác trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập và năm ngoái ở Uganda.

Ngược lại, việc truyền giáo đã dẫn đến sự gia tăng ơn gọi đối với đời sống Linh mục và Tu sĩ. “Hơn 80% Giáo hội tại Châu Phi được lãnh đạo bởi các Giám mục người Châu Phi”, Đức Giám mục Sipuka nhận xét.

Giáo hội cũng tích cực tham gia vào đời sống xã hội. Ở một số quốc gia, “Giáo hội có nhiều bệnh viện và trường học hơn cả nhà nước”, Đức Giám mục Sipuka nói.

Ngoài ra, diễn đàn của các Giám mục Châu Phi và Madagasca còn có Ủy ban Truyền giáo cũng như Ủy ban Công lý và Hòa bình tham gia trực tiếp vào các vấn đề chính trị, xã hội và môi trường, trong số các ủy ban khác.

Về mặt trận chính trị, Đức Cha Sipuka cho biết SECAM đã góp phần can thiệp nhằm mang lại hòa bình tại các quốc gia bất ổn tại lục địa. Vị Giám chức chỉ ra rằng SECAM hiện có một ghế của quan sát viên tại Liên minh châu Phi (AU). Ở đó, các Giám mục nỗ lực “gây ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về Châu Phi”.

Mục đích của SECAM

Trong tất cả những điều này, Đức Cha Sipuka tiếp tục, diễn đàn của các Giám mục đã ưu tiên cho ý tưởng của việc làm cho “bản sắc của sự hiệp thông” trở thành một đặc chất trung tâm của sự hiện diện của Giáo hội trên lục địa.

“Chúng ta là một Giáo hội Công giáo và tôi nghĩ rằng điều này cần phải được thể hiện theo những cách thức cụ thể”, Đức Cha Sipuka nói, “ở cấp độ phổ quát, lục địa, khu vực, quốc gia và Giáo phận”.

“Chúng ta cần thể hiện sự hiệp nhất này của Giáo hội – thậm chí ngay cả khi nó chỉ mang tính tượng trưng”, Đức Cha Sipuka cho biết thêm.

Đức Giám mục Sipuka liệt kê một yếu tố quan trọng thứ hai mà SECAM đại diện: nguyên tắc bổ trợ.

Đức Giám mục Sipuka giải thích rằng vào những năm 1960 khi SECAM được thành lập, Châu Phi đang trong quá trình trở nên độc lập khỏi các quốc gia thuộc địa. “Có một cảm giác về việc châu Phi đang nắm lấy tương lai của nó trong tay”, Đức Cha Sipuka nói. Và điều này dẫn đến “một sự khao khát nắm giữ vai trò lãnh đạo địa phương vốn đang nổi lên” khi ngày càng có nhiều Giám mục châu Phi đang được bổ nhiệm để thay thế các vị Giám chức nước ngoài.

Theo Đức Giám mục Sipuka, SECAM được thành lập “để khẳng định yếu tố bổ trợ của vai trò lãnh đạo: khi các Giám mục tại Châu Phi đang chịu trách nhiệm trong việc dẫn dắt Giáo hội tiến về phía trước trong sự cộng tác với Giáo hội toàn cầu”.

Mục đích thứ ba và không kém phần quan trọng trong các mục tiêu của SECAM đó là để “khuyến khích sự hiểu biết đức tin được ngữ cảnh hóa”, Đức Giám mục Sipuka nói.

Đại dịch Covid-19

Trả lời câu hỏi về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đang diễn ra tại Châu Phi, Đức Cha Sipuka nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của Giáo hội như một tác nhân của niềm hy vọng.

“Giáo hội cần phải tham gia cùng với chính quyền và chính phủ để tìm ra những cách thức hiệu quả để giảm thiểu những tác động của Covid”, Đức Giám mục Sipuka nói.

Về mặt mục vụ, “Giáo hội cần phải làm cho mọi người nhận thức được rằng bất chấp tình huống này, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện”, Đức Giám mục Sipuka nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “chúng ta cần mang thông điệp hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ luôn đồng hành cùng với chúng ta và chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này”.

“Giáo hội cũng cần tham gia vào các cuộc thảo luận về cải cách kinh tế”, Đức Giám mục Sipuka nói, đồng thời chỉ ra rằng đại dịch này đã gây ra sự bất bình đẳng về kinh tế trên thế giới. “Tình huống này giờ đây cho chúng ta một khoảng thời gian để đặt vấn đề để trong tương lai, khi những thảm kịch như vậy xảy ra một lần nữa, sẽ không có nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực như vậy”.

Đức Giám mục Sipuka kết luận bằng cách kêu gọi thi hành các nghĩa vụ đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội của các tín hữu “để trở nên anh chị em và làm những gì họ có thể để hỗ trợ lẫn nhau” trong thời gian thử thách này.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube