Một Giám mục và Linh mục Công giáo được trả tự do sau hai tháng bị cầm tù tại Eritrea

Đức Giám mục Fikremariam Hagos Tsalim thuộc Giáo phận Công giáo Segheneity của Eritrea | InfoVaticana

Đức Giám mục Fikremariam Hagos Tsalim thuộc Giáo phận Công giáo Segheneity của Eritrea | InfoVaticana

Sau hơn hai tháng bị giam giữ ở Eritrea, Đức Giám mục Fikremariam Hagos Tsalim và Cha Mehereteab Stefanos đã được trả tự do, một số nguồn tin cho biết hôm thứ Năm.

Vị Giám mục 52 tuổi đứng đầu Giáo phận Công giáo Segheneity của Eritrea. Cha Stefanos, trước khi bị bắt giam, là Linh mục quản xứ tại Giáo xứ Thánh Micae thuộc cùng Giáo phận. Hiện vẫn chưa biết liệu một Linh mục khác, Tu sĩ Abbot Abraham Dòng Capuchin, đã được trả tự do hay chưa.

Các nhân viên an ninh đã bắt giữ Đức Giám mục Tsalim và hai Linh mục vào ngày 15 tháng 10 tại Sân bay Quốc tế Asmara khi vị Giám mục này trở về từ Châu Âu. Ba giáo sĩ đã bị giam giữ tại nhà tù Adi Abeto, theo Agenzia Fides.

Hai tù nhân đã được trả tự do đã được chào đón bởi một nhóm bao gồm Đức Tổng Giám mục Menghesteab Tesfamariam Địa phận Asmara, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Eritrea, BBC News đưa tin.

Các tín hữu Công giáo chiếm khoảng 4% trong tổng số 6 triệu người của Eritrea. Giáo hội Công giáo Eritrea là một trong 23 Giáo hội Công giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh. Giáo hội này có khoảng 168.000 thành viên ở quốc gia tây bắc châu Phi và trong các cộng đồng hải ngoại trên khắp thế giới.

Các nhà chức trách không nêu lý do đối với việc bắt giữ ba giáo sĩ, BBC News đưa tin.

Ba giáo sĩ bị giam giữ đã bị buộc tội vì đã chỉ trích các hành vi phạm nhân quyền trong các bài giảng của họ, cơ quan thông tấn chị em của CNA là ACI Africa đã đưa tin vào tháng 10, trích dẫn một nguồn tin không muốn nêu tên vì lý do an ninh. Đối tượng chỉ trích của họ bao gồm việc bắt buộc thanh niên phải nhập ngũ, trục xuất và tịch thu tài sản của những người từ chối tham chiến.

Việc trả tự do cho vị Giám mục và Linh mục diễn ra trong bối cảnh các thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Ethiopia, nơi chính phủ Eritrea đứng về phía chính phủ Ethiopia chống lại các nhà lãnh đạo khu vực của tỉnh Tigray.

Những người chỉ trích vụ bắt giữ vị Giám chức bao gồm các nhóm có trụ sở tại Vương quốc Anh: Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới (Christian Solidarity Worldwide – CSW) vàTổ chức Quan tâm Nhân quyền–Eritrea (Human Rights Concern-Eritrea).

Eritrea đã liên kết với cuộc chiến của chính phủ Ethiopia chống lại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray. Các nhà lãnh đạo của nhóm này đã thống trị nền chính trị của Ethiopia trong nhiều thập kỷ nhưng nhóm này hiện đang kiểm soát vùng Tigray của Ethiopia, ở biên giới phía nam của Eritrea. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 11 năm 2020, cuộc xung đột đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Hàng trăm nghìn người có nguy cơ bị đói và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Vào ngày 2 tháng 11, chính phủ Ethiopia và lực lượng Tigrayan đã ký một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. Cả hai bên cũng đã ký một thỏa thuận vào ngày 12 tháng 11 liên quan đến giải trừ quân bị, tiếp cận nhân đạo và sự gia nhập của quân đội Ethiopia, Reuters đưa tin. Hiện họ đang thảo luận về việc rút quân Eritrea khỏi Tigray.

Eritrea đã giành độc lập khỏi Ethiopia vào năm 1991. Kể từ đó, nước này không tổ chức bầu cử quốc gia. Tổng thống nước này, ông Isaias Afwerki, đã giữ chức vụ kể từ khi độc lập.

Chỉ có bốn cộng đồng tôn giáo là hợp pháp ở nước này: Giáo hội Chính thống Coptic Eritrea, Hồi giáo Dòng Sunni, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin lành Lutheran Eritrea.

Ngay cả các nhóm hợp pháp cũng phải đối mặt với sự đàn áp. Chính phủ Eritrea đã định kỳ nhắm mục tiêu vào các tổ chức tôn giáo và Công giáo khác.

Vào tháng 8, chính phủ Eritrea đã tiếp quản Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hagaz, một học viện Công giáo do các Tu sĩ Dòng La San thành lập và điều hành. Trường đào tạo sinh viên về máy móc nông nghiệp, nông nghiệp, bảo tồn đất và chăn nuôi.

Các quan chức chính phủ đã đóng cửa một số trường học và bệnh viện do Công giáo điều hành vào năm 2019, đồng thời cho biết rằng các cơ quan tôn giáo không thể điều hành các cơ sở này, BBC News đưa tin. Cái cớ hợp pháp của họ là một quy định vào năm 1995 hạn chế các dự án xã hội và dự án phúc lợi thuộc về nhà nước. Quy định này đã được sử dụng không liên tục nhằm hạn chế các hoạt động của các tổ chức tôn giáo và truy nã những người chỉ trích chính phủ.

Các Giám mục Công giáo Eritrea đã phản đối việc áp dụng quy định này, lập luận rằng các dịch vụ xã hội của Giáo hội không chống lại chính phủ.

Chính phủ nước này đã bị quốc tế chỉ trích, bao gồm một lá thư vào hồi tháng 5 gửi tới Estifanos Habtemariam Ghebreyesus, Đại sứ Eritrea tại Vương quốc Anh và Ireland.

Trong bức thư đó, các quan chức của Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới, Giáo hội bị xiềng xích tại Ireland (Church in chains – Ireland), Giải phóng Eritrea (Release Eritrea), Tổ chức Quan tâm Nhân quyền–Eritrea (Human Rights Concern-Eritrea) và Giáo hội Chính thống Eritrea ở Vương quốc Anh đã nhấn mạnh nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền.

Các hành vi vi phạm này bao gồm cưỡng bức bắt buộc trẻ vị thành niên và “giam giữ bất công, tùy tiện và vô thời hạn” đối với hàng chục nghìn công dân đang bị giam cầm trong “những điều kiện khắc nghiệt”. Hàng trăm Kitô hữu đã bị cầm tù “chỉ vì đức tin của họ”.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, một cơ quan tham vấn cho chính phủ Hoa Kỳ, cho biết rằng Eritrea có “một trong những hồ sơ tự do tôn giáo tồi tệ nhất ở Châu Phi”.

Kể từ năm 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định Eritrea là Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt vì các hành vi đàn áp tự do tôn giáo.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube