Khôi phục Giáo hội hậu đại dịch COVID-19

Thánh lễ Phục sinh được cử hành vào tháng 4 năm 2020 của Đức cha Le Gall tại Nhà thờ Saint Etienne trống vắng (Toulouse) được phát trên kênh Youtube của giáo phận. (Ảnh của XAVIER DE FENOYL / MAXPPP)

Thánh lễ Phục sinh do Đức Cha Le Gall cử hành vào tháng 4 năm 2020 tại Nhà thờ Saint Etienne trống vắng (Toulouse) được phát trên kênh Youtube của Giáo phận (Ảnh: XAVIER DE FENOYL / MAXPPP)

Thách thức của việc tạo ra các cộng đồng mang tính hỗ trợ và mang lại sự sống thực sự trong các Giáo xứ Công giáo.

Liệu Giáo hội có trở thành một nạn nhân nữa của coronavirus?

Ở nhiều nơi ở Pháp dường như đã có sự suy giảm nghiêm trọng trong việc tham dự các buổi cử hành phụng vụ Chúa Nhật. Việc dỡ bỏ giới hạn 30 người dường như không kích thích sự trở lại ồ ạt của các tín hữu. Một số người cao tuổi có lẽ đã cho rằng quả là chẳng mấy khôn ngoan khi để bản thân tự phơi nhiễm với căn bệnh này bằng cách tham dự Thánh lễ tại Giáo xứ của họ. Có lẽ, với sự ngăn trở của mùa đông, họ khám phá ra rằng Thánh lễ được truyền hình trực tuyến đủ để nuôi dưỡng đức tin của họ. Dường như ở nhiều Giáo xứ, họ là những người hiện vắng bóng trong các Thánh lễ Chúa nhật. Mặc dù điều đó cho phép chất lượng cầu nguyện thực sự, tuy nhiên, Thánh lễ được truyền hình trực tuyến không cung cấp một số chiều kích nhất định của Bí tích Thánh Thể vốn vô cùng quan trọng: một sự tham dự thực sự thông qua phần đối đáp hoặc ca hát trong Thánh lễ, việc Rước lễ, và – cuối cùng – chiều kích cộng đồng. Điểm cuối cùng này đáng được suy ngẫm hơn. Nếu như một số tín hữu không mau mau quay trở về nhà thờ Giáo xứ của họ, có lẽ đó là vì họ khó cảm nhận được chiều kích cộng đồng.

Giáo xứ trước đại dịch có thực sự là một cộng đồng?

Liệu “cộng đồng Giáo xứ” của họ, theo thuật ngữ thông thường, có là một cộng đoàn thực sự? Chính cuộc khủng hoảng y tế này sẽ thúc giục các thành viên của Giáo hội – cả Linh mục và giáo dân – tự hỏi mình đã quan tâm đến anh chị em của mình ở mức độ nào. Chúng ta đã quan tâm đến sức khỏe của họ như thế nào, có thể có sự cô lập và sự cô đơn mà trong thời gian giãn cách xã hội, có thể đe dọa, đặc biệt là đối với những người già neo đơn, bệnh tật hoặc sống xa gia đình? Chúng ta có lưu tấm đến họ, đề nghị giúp đỡ họ theo những cách thức đơn sơ nhất không? Có bao nhiêu cuộc quy tụ vào ngày Chúa Nhật là dấu chỉ của hòa bình chỉ mang vẻ bề ngoài? Trước đại dịch, các tín hữu có dành thời gian trò chuyện đôi chút, làm quen với những người trong cùng Giáo xứ hay thậm chí chỉ trao nhau những nụ cười? Nếu sự trung thực khiến chúng ta trả lời những câu hỏi này theo hướng tiêu cực, chúng ta phải kết luận rằng cộng đoàn Giáo xứ không tồn tại, mà chỉ đơn giản là một cộng đoàn các tín hữu. Nếu những người mỏng manh yếu ớt không tìm thấy hơi ấm tình người mà họ mong đợi trong các nhà thờ của chúng ta, họ có thực sự muốn quay trở lại?

Một thách thức đối với những người làm công việc mục vụ

Có lẽ, một số người sẽ nói rằng họ chỉ có một cái nhìn rất hạn chế về Bí tích Thánh Thể nếu ngày nay họ không còn lòng khao khát được Rước lễ nữa. Nhưng nếu chỉ trách móc họ mà không tự vấn bản thân chúng ta thì cũng không đủ. Nếu những người Công giáo này không quay trở về sau khi đại dịch kết thúc, thì việc cùng nhau quy tụ vào mỗi Chúa nhật sẽ giảm đi rất nhiều. Ở một số nơi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, những người cao tuổi chiếm tỷ lệ phần lớn trong nhóm, có khi 70 đến 80%. COVID-19 đã thúc đẩy hiện tượng sụt giảm đều đặn số người tham dự Thánh lễ hàng tuần. Sự sụt giảm này giờ đây có vẻ tàn khốc. Liệu điều này có thách thức những người làm công tác mục vụ đưa tình yêu của Thiên Chúa và những người lân cận, được biến thành tình huynh đệ thực sự trong lòng cộng đồng các Kitô hữu, quay trở lại nền tảng của điều thiết yếu không? Để đạt được mục tiêu này, có lẽ chúng ta có thể khuyến khích quyết định việc tạo ra các “cộng đồng cơ bản” nhỏ lẻ, mà trong đó các thành viên sẽ quen biết nhau, quan tâm đến nhau và thường xuyên gặp gỡ nhau để cùng nhau hiệp ý cầu nguyện. Thông thường, những cộng đồng này có thể có một cơ sở về mặt địa lý, một ngôi làng, một khu phố. Nhưng họ cũng có thể có những diện mạo khác, chẳng hạn, một cộng đồng nghề nghiệp. Chẳng phải các phong trào tâm linh và Công giáo Tiến hành đã xuất hiện trong các cộng đồng như vậy sao? Công việc mục vụ được thúc đẩy bởi phong trào “Giáo hội cho Thế giới” cũng đang đi theo hướng này.

Một hình thức liên hiệp của “các cộng đồng Kitô giáo cơ bản”

Bằng cách này, hình thức cơ cấu Giáo hội đích thực sẽ được đan kết lại. Trong những cộng đồng như vậy, những người lãnh đạo có thể là những anh chị em giáo dân được đào tạo bài bản về tâm linh, những người đã có được kinh nghiệm thực sự về cuộc gặp gỡ và bước đi với Chúa Giêsu Kitô. Trường học theo tinh thần I-nhã chắc chắn sẽ hết sức hữu ích ở đây. Các Phó tế cũng sẽ có được vị thế của họ trong việc đồng hành. Kế đến, Giáo xứ sẽ xuất hiện như một liên hiệp của “các cộng đồng Kitô giáo cơ bản”, và vai trò của vị Linh mục quản xứ sẽ là đảm bảo sự hiệp thông của các cộng đồng này. Điều này không có nghĩa là việc chăm sóc mục vụ truyền thống bị bỏ lơ, mà ngược lại, nó sẽ làm phong phú thêm. Chúng ta hãy lấy một ví dụ. Ngày nay, những bậc cha mẹ không giữ đạo yêu cầu Giáo xứ địa phương rửa tội cho con họ thường được đón nhận và đồng hành trong đời sống của họ. Nhưng một khi lãnh nhận Bí tích xong, mối liên hệ bị phá vỡ và trong các trường hợp tốt nhất, đôi khi sẽ chỉ được thiết lập lại. Trong bối cảnh mới, họ có thể được đồng hành bởi những người gần gũi hơn với họ, những người mà họ sẽ thiết lập mối quan hệ lâu dài, điều này sẽ mang lại cho Giáo hội một diện mạo mới trong mắt họ, không còn khiến Giáo hội xuất hiện như một thực thể vô danh nữa. Phải chăng đại dịch không có tác động có lợi đối với Giáo hội của chúng ta bằng cách dẫn dắt chúng ta đổi mới công việc chăm sóc mục vụ của mình hầu xây dựng một cộng đồng tín hữu thực sự huynh đệ?

Daniel Moulinet

** Daniel Moulinet là Giáo sư về Lịch sử Giáo hội tại Đại học Công giáo Lyon (Pháp).

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube