Đức Tổng Giám mục Jurkovič: Các biện pháp phong tỏa xã hội tiết lộ 'sự mâu thuẫn rõ ràng' trong thái độ đối với những người di cư

Một chi tiết từ tác phẩm điêu khắc của Timothy P. Schmalz, ‘Angels Unawares.’ Nguồn: Daniel Ibáñez / CNA.

Một chi tiết từ tác phẩm điêu khắc của điiêu khắc gia Timothy P. Schmalz, ‘Angels Unawares’ (Những Thiên Thần Vô danh). Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA

Các biện pháp phong tỏa xã hội do Coronavirus đã cho thấy một “sự mâu thuẫn rõ ràng” trong thái độ đối với những người di cư, nhà ngoại giao của Vatican cho biết hôm thứ Năm.

Phát biểu tại Hội nghị của Tổ chức Di cư Quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 26 tháng 11, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič cho biết rằng những người di cư được xem như những công nhân thiết yếu trong bối cảnh đại dịch.

“Đáng tiếc rằng, trong khi công việc khó nhọc của những người di cư có nhu cầu cao và được hoan nghênh để bù đắp cho tình trạng thiếu lao động, họ cũng thường bị từ chối và bị nhiều người trong các xã hội tiếp nhận xúc phạm và có những thái độ thực lợi”.

“Thực tế đáng buồn này là một sự mâu thuẫn rõ ràng bắt nguồn từ việc đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích của con người. Xu hướng này trở nên đặc biệt rõ ràng trong thời gian thực hiện các biện pháp cách ly xã hội do COVID-19, nơi mà nhiều công nhân ‘thiết yếu’ bị ảnh hưởng nhiều nhất đều là những người di cư”.

Đức Tổng Giám mục Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, lưu ý rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng những người di cư có thể là một món quà cho xã hội trong Thông điệp mới của Ngài mang tên “Fratelli Tutti”.

Vị Tổng giám mục người Slovenia bày tỏ lo ngại về sự gia tăng gần đây về số lượng những người di cư là trẻ em, nhiều trẻ em trong số đó bị tách khỏi gia đình.

“Đây là mối quan tâm đặc biệt đối với Tòa Thánh và cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cả cộng đồng quốc tế”, Đức Tổng Giám mục Jurkovič nói, đồng thời kêu gọi các chính phủ áp dụng các chính sách ưu tiên lợi ích tốt nhất của trẻ em di cư “tại mọi thời điểm và mọi giai đoạn”.

Đức Tổng Giám mục Jurkovič cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người di cư và việc các quốc gia hợp tác trong việc chăm sóc những người bị buộc phải di tản trong nước.

Đức Tổng Giám mục Jurkovič kết luận: “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, thế giới sẽ xuất hiện tốt hơn hoặc trở nên xấu đi sau đại dịch. Điều chắc chắn là những người di cư sẽ nắm giữ một vai trò ngày càng tăng trong xã hội của chúng ta. Vì vậy, giờ đây chính là lúc để suy nghĩ lại các thông số về sự chung sống của con người qua lăng kính của tinh thần huynh đệ và liên đới của con người”.

“Về vấn đề này, sự hòa nhập thành công của những người di cư là điều cần thiết nếu họ muốn tạo ra sự đóng góp có ý nghĩa cho các xã hội, các nền văn hóa và các nền kinh tế của chúng ta. Đồng thời, sự hội nhập là một quá trình hai chiều và giả định rằng những người mới đến cũng sẵn sàng cởi mở để hội nhập, tôn trọng văn hóa và các giá trị của quê hương, xóm làng và đất nước mới của họ”.

Trước đó một ngày, Đức Tổng giám mục Jurkovič đã phát biểu tại Hội nghị rà soát Công ước về Bom, đạn chùm lần thứ hai tại Geneva. Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng giám mục Jurkovič lưu ý rằng Tòa Thánh là một trong những quốc gia đầu tiên ký công ước năm 2008, cấm sử dụng, chuyển giao và tàng trữ bom chùm.

Đức Tổng giám mục Jurkovič hoan nghênh các bên ký kết mới của công ước, nhưng đồng thời than phiền rằng cộng đồng quốc tế “vẫn còn cách xa” mục tiêu về việc tăng số lượng các bên tham gia công ước lên 130, được đặt ra cách đây 5 năm.

“Tuy nhiên, điều đáng tiếc và đáng lo ngại hơn đó là thực tế rằng  bom, đạn chùm vẫn tiếp tục được sử dụng trong một số cuộc xung đột ngày nay, chắc chắn sẽ làm phát sinh thêm các nạn nhân mới và tình trạng ô nhiễm”, Đức Tổng giám mục Jurkovič cho biết vào ngày 25 tháng 11.

Vị Giám chức phản đối bất kỳ biện pháp nào làm suy yếu cam kết “phổ biến” công ước này.

Đức Tổng Giám mục Jurkovič cho biết rằng “Tòa Thánh muốn tận dụng dịp này để đổi mới lời kêu gọi của mình đối với tất cả các quốc gia bên ngoài công ước để xem xét tham gia vào các nỗ lực toàn cầu để cùng nhau xây dựng một thế giới an toàn hơn. Chúng ta mắc nợ quá nhiều các nạn nhân trong quá khứ và những nạn nhân tiềm năng, những người mà chúng ta có thể bảo vệ cuộc sống của họ bằng cách thực hiện đầy đủ công ước”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube