Đức Thánh Cha với giới trẻ Ý: Thế giới cần “những nền chính trị tốt đẹp” nhằm thúc đẩy hòa bình

Đức Thánh Cha gặp gỡ những người trẻ tham gia tham gia dự án “Progetto Policoro” (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha gặp gỡ những người trẻ tham gia dự án “Progetto Policoro” (Ảnh: ANSA)

Gặp gỡ khoảng 150 đại diện của các công ty và đối tác của “Progetto Policoro” do Hội đồng Giám mục Ý tài trợ tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với “những nền chính trị tốt đẹp hơn” trong thời kỳ chiến tranh tàn phá của chúng ta.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi những người trẻ Ý tham gia vào một dự án do Giáo hội tài trợ nhằm hỗ trợ những người trẻ thất nghiệp và thiếu việc làm, đồng thời cho biết rằng sự tham gia của họ có thể đóng góp cho một “nền chính trị tốt đẹp hơn” gần gũi với nhu cầu của mọi người và do đó xây dựng hòa bình trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã trò chuyện với một nhóm gồm 150 tham dự viên tham gia “Progetto Policoro”, một dự án do Hội đồng Giám mục Ý (CEI) tài trợ nhằm giúp những người trẻ hòa nhập vào thị trường lao động bằng cách tổ chức các chương trình đào tạo nghề, thúc đẩy các đối tác và tạo ra các trung gian, chẳng hạn như với tư cách là “những người mang tinh thần cổ võ cộng đồng”. Cả nhóm đang tham gia khóa đào tạo huấn luyện chính trị xã hội về hòa bình.

Chiến tranh là sự thất bại của chính trị

Đề cập đến chủ đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thời kỳ chiến tranh tàn phá của chúng ta khiến nhu cầu về “nền chính trị tốt đẹp”, lắng nghe người dân và thúc đẩy hòa bình, thậm chí hiện nay còn cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Chiến tranh – Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh – là sự thất bại của chính trị. Nó khiến chúng ta chạm đến sự phi lý xuẩn ngốc của cuộc chạy đua vũ trang và việc sử dụng nó để giải quyết xung đột”.

“Nếu vũ khí không được sản xuất trong vòng một năm, nạn đói trên thế giới có thể bị loại bỏ”.

Trích dẫn Vua Ahab của Israel và vợ ông là Jezebel trong Kinh Thánh như một ví dụ về nền chính trị tồi tệ nhất vốn “theo đuổi những lợi ích cụ thể và sử dụng bất kỳ phương tiện nào để thỏa mãn chúng”, và đồng thời nhắc lại những lời của Thánh Ambrose, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Một nền chính trị sử dụng quyền lực như một sự thống trị chứ không phải như một sự phục vụ thì không thể quan tâm, chà đạp lên người nghèo, bóc lột Trái đất và dùng chiến tranh để phản ứng với xung đột”.

Mặt khác – Đức Thánh Cha tiếp tục – một ví dụ tích cực trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể rút ra là Giuse, con trai của Gia-cóp: “Giuse, người đã tự mình chịu đựng sự bất công, không tìm kiếm tư lợi mà tìm ích lợi cho tất cả mọi người, tự mình chịu trả giá vì lợi ích chung, trở thành một người kiến tạo hòa bình, dệt nên những mối tương quan có khả năng đổi mới xã hội”.

Sự dịu dàng và hiệu quả trong chính trị

Hai ví dụ Kinh Thánh này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, giúp chúng ta hiểu rõ hơn hình thức “linh đạo” nào nên làm nền tảng cho hoạt động chính trị. Đức Thánh Cha tập trung vào hai khía cạnh: sự dịu dàng và hiệu quả.

Sự dịu dàng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “là tình yêu vốn trở nên gần gũi” với những người thấp kém nhất, yếu đuối nhất, nghèo nàn nhất, trong khi sự hiệu quả “được tạo nên từ sự chia sẻ, từ tầm nhìn dài hạn, từ tinh thần đối thoại, sự tin tưởng, thấu hiểu và lắng nghe. Nó đồng nghĩa với việc nhìn về tương lai và đầu tư vào các thế hệ tương lai; bắt đầu các tiến trình hơn là chiếm giữ không gian”.

“Thời gian lớn hơn không gian”.

Chính trị gia là đầy tớ của cộng đồng

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các thành viên của Dự án Policoro không tập trung vào lợi ích cá nhân hay chính trị, nhưng vào việc thúc đẩy tinh thần làm chủ, làm cho những giấc mơ lớn lên thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của mọi người, điều mà ngài nói, “là liều thuốc xoa dịu những vết thương của nền dân chủ”.

“Sự bận tâm của anh chị em không phải là hỗ trợ bầu cử hay sự thành công cá nhân, nhưng liên quan đến tất cả mọi người, tạo ra tinh thần làm chủ, biến ước mơ trở thành hiện thực, khiến mọi người cảm nhận được vẻ đẹp của việc thuộc về một cộng đồng. Chính trị gia là những đầy tớ phục vụ; khi chính trị gia không phải là đầy tớ, anh ta là một chính trị gia tồi”.

Đức Thánh Cha kết thúc cuộc gặp gỡ bằng việc khuyến khích các thành viên tiếp tục công việc của họ “luôn luôn với mục đích phục vụ” cộng đồng.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube