Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Tái khám phá vẻ đẹp của việc trở nên con cái của Thiên Chúa’

Buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Hội trường Paul VI tại Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo “tái khám phá vẻ đẹp của việc trở nên con cái của Thiên Chúa”.

Phát biểu tại buổi tiếp kiến chung tại Hội Trường Phaolô VI tại Vatican vào ngày 8 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng các Kitô hữu thường coi thực tế này là điều đương nhiên.

“Điều mang tính quyết định ngay cả đối với tất cả chúng ta ngày nay đó là tái khám phá vẻ đẹp của việc trở nên con cái Thiên Chúa, trở thành anh chị em với nhau, bởi vì chúng ta đã được hiệp nhất trong Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Những khác biệt và mâu thuẫn mà sự chia rẽ tạo ra không nên tồn tại giữa những người tin vào Đức Kitô”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Thư của Thánh Giacôbê đã cảnh báo các Kitô hữu chống lại sự phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo trong hành động thờ phượng tập thể của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta tạo ra những khác biệt này, nhiều khi một cách vô thức như vậy. Không, tất cả chúng ta đều bình đẳng! Đúng hơn, ơn gọi của chúng ta là thực hiện lời kêu gọi hiệp nhất toàn thể nhân loại một cách cụ thể và rõ ràng. Mọi thứ làm trầm trọng thêm sự khác biệt giữa mọi người, thường gây ra sự kỳ thị – tất cả những điều này, trước mặt Thiên Chúa, không còn cơ sở nào nữa, nhờ ơn cứu độ đã được kiện toàn nơi Đức Kitô”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Bài phát biểu chia sẻ được phát trực tiếp của Đức Thánh Cha, dành riêng về đề tài: “Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa”, là bài chia sẻ thứ tám trong loạt bài chia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha về Thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu Ga-lát.

Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về Ga-lát 3: 26-29, trong đó Thánh Phao-lô tuyên bố rằng trong Đức Kitô không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà.

Phát biểu trước những người hành hương đang ngồi trong Hội trường và tất cả đều đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng Thánh Phaolô cảm thấy rằng các tín hữu Ga-lát có nguy cơ quên đi sự mới mẻ của mặc khải của Thiên Chúa.

“Người Kitô hữu chúng ta thường coi thực tế của việc trở nên con cái của Thiên Chúa là điều đương nhiên. Thay vào đó, thật tuyệt vời biết bao khi chúng ta ghi nhớ với tâm tình biết ơn khoảnh khắc mà chúng ta đã được trở nên con cái của Thiên Chúa, thời điểm chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, để sống món quà tuyệt vời mà chúng ta đã lãnh nhận được với ý thức sâu sắc hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, khuyến khích những người có mặt tìm hiểu và  mừng kỷ niệm ngày họ được rửa tội.

Đức Thánh Cha cho biết rằng Thánh Phaolô muốn những người nhận lá thư của ngài hiểu rằng Chúa Giêsu Kitô đã mang đến “tình trạng mới mẻ triệt để” vốn dẫn đến “quyền làm con cái của Thiên Chúa”.

“Quyền làm con cái mà Thánh Phaolô nói đến không còn là một mối tương quan chung chung liên quan đến tất cả đàn ông và đàn bà trong chừng mực họ là con trai và con gái của cùng một Đấng Tạo Hóa”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

“Không phải như vậy, trong đoạn Lời Chúa chúng ta đã nghe, Thánh Phaolô khẳng định rằng đức tin cho phép chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa ‘trong Đức Kitô’. Đây là điều mới mẻ. Trạng thái ‘trong Đức Kitô’ này là điều tạo nên sự khác biệt. Không chỉ là con cái của Thiên Chúa, giống như tất cả mọi người: tất cả đàn ông và đàn bà đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả họ, không phân biệt tôn giáo mà chúng ta theo đuổi. Không phải vậy. Nhưng ‘trong Đức Kitô’, đây là điều tạo nên sự khác biệt đối với các Kitô hữu, và điều này chỉ xảy ra khi dự phần vào ơn cứu độ của Đức Kitô’, và nơi chúng ta trong Bí tích Rửa Tội: đây là cách nó bắt đầu”.

Đối với Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, việc chịu phép rửa tội cũng giống như việc dự phần vào Mầu nhiệm của Chúa Giêsu.

“Chẳng hạn, trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô thậm chí còn đi xa đến mức nói rằng trong phép rửa tội, chúng ta được cùng chết với Chúa Kitô, cùng được mai táng với Người để được sống lại với Người. Cùng chết với Chúa Kitô, cùng được mai táng với Người để được sống lại với Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét.

“Đây là ân sủng của phép rửa tội: được dự phần vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Do đó, Bí tích Rửa tội không chỉ đơn thuần là một nghi thức bề ngoài. Những người lãnh nhận Bí tích Rửa tội được biến đổi sâu bên trong, trong sâu thẳm con người họ, và có được sự sống mới, đó chính là điều cho phép họ hướng về Thiên Chúa và kêu cầu Ngài với danh xưng ‘Abba’, nghĩa là ‘Cha ơi’”.

Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã khẳng định một cách “táo bạo” rằng căn tính mới được ban cho qua phép rửa tội đã chiếm ưu thế trên tất cả những sự khác biệt về “sắc tộc-tôn giáo”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

“Đối với Thánh Phaolô, việc viết cho các tín hữu Ga-lát rằng trong Đức Kitô ‘không còn chuyện phân biệt người Do Thái hay người Hy Lạp’ tương đương với một sự phá vỡ đích thực trong lĩnh vực tôn giáo-sắc tộc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời nhận xét rằng quan niệm này nghe có vẻ “hơi dị giáo” vào thời điểm lúc bấy giờ.

Sự nhấn mạnh của Thánh Phaolô về sự ngang bằng giữa nô lệ và tự do cũng gây “sốc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Sự phân biệt giữa nô lệ và công dân tự do là rất quan trọng trong xã hội cổ đại”, Đức Thánh Cha lưu ý. “Theo luật, các công dân tự do được hưởng mọi quyền, trong khi phẩm giá con người của nhungwxn người nô lệ thậm chí không được công nhận”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng sự khác biệt này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, với hàng triệu người trên toàn thế giới bị bắt làm nô lệ.

“Họ là những nô lệ mới. Họ là những người sống bên lề xã hội, bị mọi người lạm dụng. Chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả việc Thánh Phaolô nhấn mạnh sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong Chúa Giêsu Kitô là điều mang tính cách mạng.

“Điều này cần được tái khẳng định thậm chí ngay cả ngày hôm nay”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Biết bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy những câu nói gièm pha phụ nữ! Chúng ta thường nghe: ‘Không, đừng làm gì cả, đó là những bận tâm của đàn bà?’”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

“Nhưng, hãy nhìn xem, nam giới và phụ nữ đều có phẩm giá như nhau. Và điều đó đã xảy ra trong lịch sử, thậm chí ngày nay, một hình thức nô lệ đối với phụ nữ: phụ nữ không có những cơ hội như nam giới. Chúng ta phải đọc những điều Thánh Phaolô nói: chúng ta bình đẳng với nhau trong Đức Giêsu Kitô”.

 Sau bài chia sẻ Giáo lý của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình tại Ethiopia, nơi các binh sĩ chính phủ đang bị giam giữ trong cuộc xung đột với các lực lượng của Vùng Tigray.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày đầu năm mới sẽ được tổ chức tại Ethiopia vào ngày 11 tháng 9. Tôi gửi tới người dân Ethiopia lời chào thân ái và chân thành nhất, đặc biệt là những người đang đau khổ do xung đột đang diễn ra và tình hình nhân đạo nghiêm trọng mà nó đã gây ra”.

“Chớ gì đây chính là khoảnh khắc của tình huynh đệ và liên đới để khát vọng hòa bình chung có thể được lắng nghe”.

Tóm lược bài chia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc bằng bảy thứ tiếng. Sau mỗi bản tóm tắt, Đức Thánh Cha chào hỏi các thành viên thuộc mỗi nhóm ngôn ngữ.

Trong những lời phát biểu trước những người hành hương nói tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha nhấn mạnh lễ Đức Mẹ Nhân Ái El Cobre, được cử hành vào ngày 8 tháng 9.

“Vào ngày này, người dân Cuba mừng lễ Bổn mạng của họ, Đức Mẹ Nhân Ái El Cobre. Với ký ức về chuyến hành hương của tôi đến Đền thờ dâng kính Đức Mẹ vào tháng 9 năm 2015, tôi muốn một lần nữa phó dâng cuộc sống, ước mơ, hy vọng và mọi nỗi thống khổ của người dân Cuba dưới chân Đức Mẹ Nhân Ái El Cobre”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Bất cứ nơi nào có một người dân Cuba ngày nay, họ đều có thể cảm nhận được sự dịu dàng của Đức Trinh Nữ Maria, và cầu xin Đức Mẹ dẫn tất cả họ đến với Đức Kitô, Đấng Cứu Thế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô thuyết giảng trong Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Bác ái El Cobre ở Santiago de Cuba, ngày 22 tháng 9 năm 2015. © L'Osservatore Romano

Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Nhân Ái El Cobre ở Santiago de Cuba, ngày 22 tháng 9 năm 2015. © L’Osservatore Romano

Chào mừng những người Công giáo đến từ Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng tới việc tuyên phong Chân Phước cho hai con người vĩ đại của Giáo hội Công giáo thế kỷ 20 ở Warsaw vào ngày 12 tháng 9.

“Tôi bày tỏ sự vui mừng trước việc sắp tuyên phong Chân Phước cho Đức Hồng y Stefan Wyszyński và Mẹ Elżbieta Róża Czacka. Chớ gì di chúc thiêng liêng của vị Giám mục của Thiên niên kỷ, ‘Tôi đã đánh cược tất cả mọi thứ vào Đức Trinh Nữ Maria’, và sự tin tưởng phó thác của Mẹ Elżbieta Róża nơi Thập giá của Đức Kitô luôn là sức mạnh của quốc gia của anh chị em”.

Đức Hồng Y Stefan Wyszyński và Mẹ Elżbieta Róża Czacka. wyszynskiprymas.pl/triuno.pl/Dịch vụ Tin tức Gia đình.

Đức Hồng Y Stefan Wyszyński và Mẹ Elżbieta Róża Czacka (Ảnh: wyszynskiprymas.pl/triuno.pl/FNS)

“Về Đức Hồng Y Wyszyński, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói những lời mang tính lịch sử: ‘Vị Giáo hoàng người Ba Lan này… sẽ không ở trên Ngai Tòa Phêrô nếu không phải vì đức tin của Ngài (Đức Hồng Y Wyszyński), vốn đã không lùi bước trước ngục tù và đau khổ, nếu không có niềm hy vọng anh hùng của Ngài, sự tin tưởng vô hạn của Ngài vào Mẹ Giáo hội!’. Nguyên xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên quê hương đất nước Ba Lan. Nguyện xin vị Thánh vĩ đại của anh chị em phù hộ và ban phước lành cho anh chị em”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube