Đức Thánh Cha Phanxicô mơ ước về một châu Âu liên đới và tôn trọng tất cả mọi dân tộc

Cờ của Liên minh Châu Âu (AFP)

Cờ Liên minh Châu Âu (Ảnh: AFP)

Trong một bức thư gửi cho Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại lịch sử và các giá trị của lục địa châu Âu và đồng thời bày tỏ mong muốn của Ngài về tinh thần huynh đệ và liên đới giữa các quốc gia trong một thời kỳ được đánh dấu bởi những khuynh hướng của chủ nghĩa cá nhân.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong một bức thư gửi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, chia sẻ tầm nhìn của mình về một châu Âu trong tương lai, được đánh dấu bằng tinh thần liên đới, hữu nghị và thống nhất, và đúng với tinh thần của những người sáng lập lục địa.

Bức thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô được đưa ra khi Tòa Thánh và Giáo hội ở Châu Âu kỷ niệm ba năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.

Trước hết, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng đồng châu Âu khi đó và Tòa Thánh, với sự hiện diện của nó với tư cách là Quan sát viên tại Hội đồng châu Âu. Thứ hai, sự thành lập của Ủy ban Hội đồng Giám mục của các Cộng đồng Châu Âu (COMECE), cách đây 40 năm năm trước. Thứ ba, năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 70 năm Tuyên bố Schuman, vốn đã truyền cảm hứng cho quá trình dần dần tái hòa nhập của lục địa này sau hai cuộc chiến tranh thế giới.

Trong những dịp đáng chú ý này, Đức Hồng Y Parolin sẽ có những chuyến thăm quan trọng tới các cơ quan chức năng của EU, Hội nghị Toàn thể của COMECE và các cơ quan chức năng của Hội đồng Châu Âu trong tương lai gần.

Dự án Châu Âu

Trong lá thư được công bố hôm thứ Ba, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng dự án Châu Âu, nảy sinh từ nhận thức rằng “tinh thần liên đới lớn hơn các cuộc xung đột” và tinh thần liên đới có thể là “một cách thức tạo nên lịch sử”, đã bắt đầu “cho thấy những dấu hiệu của một sự thoái trào nhất định” trong thời đại của chúng ta.

Đại dịch Covid-19, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý, “đã xuất hiện như một bước ngoặt, buộc chúng ta phải sẵn sàng chống lại nó”. Chúng ta có thể tiếp tục thực hiện việc “tìm kiếm các giải pháp đơn phương cho một vấn đề vượt qua khỏi biên giới quốc gia” hoặc tái khám phá con đường của tình huynh đệ vốn đã truyền cảm hứng và hướng dẫn những người sáng lập châu Âu hiện đại, bắt đầu từ Robert Schuman.

Châu Âu, hãy tìm lại chính mình!

Chỉ ra rằng thời đại của sự thay đổi nhanh chóng có thể kéo theo “việc đánh mất đi bản sắc, đặc biệt là khi thiếu các giá trị chung”, Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục lục địa, lặp lại lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Santiago de Compostela: “Hãy tìm lại chính mình, hãy là chính mình”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục lục địa này không nên nhìn về quá khứ của nó “như một cuốn album ký ức”, nhưng thay vào đó, tái khám phá “những lý tưởng sâu xa nhất của nó”.

“Hãy là chính mình! Đừng e ngại về lịch sử ngàn năm của anh chị em, vốn là một cánh cửa mở ra tương lai thay vì quá khứ. Đừng e ngại khao khát chân lý đó của anh chị em, thứ mà từ thời Hy Lạp cổ đại, đã lan rộng khắp thế giới và đưa những câu hỏi sâu kín nhất của mỗi con người ra ánh sáng. Đừng e ngại khát khao công lý vốn đã phát triển từ luật La Mã và theo thời gian đã trở thành sự tôn trọng đối với tất cả mọi người và các quyền của họ. Đừng e ngại khát khao về sự trường tồn của anh chị em, được bồi đắp bởi cuộc gặp gỡ với truyền thống Do Thái giáo-Kitô giáo (Judeo-Christian) được phản ánh trong di sản đức tin, nghệ thuật và văn hóa của anh chị em”, Đức Giáo hoàng nói.

Châu Âu của tương lai

Suy tư về hình thức châu Âu mà chúng ta hình dung cho tương lai và sự đóng góp đặc biệt của nó đối với thế giới, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra bốn hình ảnh.

Đầu tiên, một “Châu Âu vốn là bạn hữu của tất cả mọi người”. Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết Ngài hình dung ra một vùng đất “tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người, trong đó mỗi người đều được đánh giá cao về giá trị nội tại của họ” – không phải từ quan điểm kinh tế hay chỉ là một người tiêu dùng. Một lục địa bảo vệ sự sống ở tất cảmọi giai đoạn, kể từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách tự nhiên, cũng như một vùng đất khuyến khích lao động như một phương tiện phát triển cá nhân và tạo ra các cơ hội việc làm.

Giấc mơ thứ hai của Đức Giáo hoàng Phanxicô là về một “Châu Âu vốn là một gia đình và một cộng đồng”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Ngài khao khát một vùng đất tôn trọng “tính riêng biệt của mỗi cá nhân và mỗi dân tộc”, trở thành một “gia đình đích thực của các dân tộc, tất cả đều khác biệt nhưng được liên kết bởi một lịch sử và vận mệnh chung”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng mơ về một châu Âu “bao trùm và quảng đại”, “luôn chào đón và hiếu khách,” và nơi mà lòng bác ái – nhân đức Kitô giáo trổi vượt nhất – vượt qua mọi hình thức của sự ích kỷ và thờ ơ. Ở đây, tinh thần liên đới, vốn đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến nhau, sẽ dẫn chúng ta đến việc “hướng dẫn những người dễ bị tổn thương nhất hướng tới sự phát triển cá nhân và xã hội”.

Vì tinh thần liên đới cũng liên quan đến việc “trở thành người lân cận của những anh chị em xung quanh mình”, điều đó có nghĩa là Châu Âu sẵn sàng “thông qua sự hợp tác quốc tế nhằm cung cấp hỗ trợ quảng đại cho các lục địa khác”, bao gồm cả Châu Phi, nơi “cần giải quyết các cuộc xung đột và theo đuổi sự phát triển mang tính nhân văn bền vững”. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi châu Âu đáp ứng thách thức hiện tại của những người di cư, cho phép họ “học hỏi, tôn trọng và hấp thụ văn hóa và truyền thống của các quốc gia chào đón họ”.

Giấc mơ thứ tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là về một châu Âu được đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục lành mạnh “nơi Thiên Chúa và Xê-da vẫn khác biệt nhưng không đối nghịch”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Ngài nghĩ về một vùng đất nơi các tín hữu được tự do tuyên xưng đức tin của mình trước công chúng và trình bày quan điểm của họ trong xã hội.

Kitô hữu có một trách nhiệm cao cả

“Các Kitô hữu ngày nay có một trách nhiệm lớn lao”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Họ được mời gọi để phục vụ như một nắm men trong việc hồi sinh lương tâm của Châu Âu và giúp tạo ra các quy trình có khả năng thức tỉnh các nguồn năng lượng mới trong xã hội”

Do đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị tất cả các tín hữu “đóng góp với sự cam kết, can đảm và quyết tâm trong mọi lĩnh vực mà họ sống và làm việc”.

Kết luận, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ủy thác châu Âu cho sự chở che hộ phù của các Thánh Quan Thầy: Thánh Bênêdictô, Thánh Cyril và Thánh Methodius, Thánh Bridget, Thánh Catarina và Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube