Đức TGM Paolo Pezzi: 'Cuộc chiến ở Ukraine sẽ cho phép các Kitô hữu tái khám phá sức mạnh của sự tha thứ'

Một Kitô hữu Chính thống thắp nến trong buổi cầu nguyện Chúa nhật tại tầng hầm của Nhà thờ Các Thánh khi âm thanh và sự rung chuyển của pháo kích tiếp tục diễn ra tại Bakhmut vào ngày 5 tháng 2 năm 2023, giữa bối cảnh của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty)

Một Kitô hữu Chính thống thắp nến trong buổi cầu nguyện Chúa nhật tại tầng hầm của Nhà thờ Các Thánh khi âm thanh và sự rung chuyển của pháo kích tiếp tục diễn ra tại Bakhmut vào ngày 5 tháng 2 năm 2023, giữa bối cảnh của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty)

Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine khi trò chuyện với Register bên lề Thượng Hội đồng Giám mục Lục địa về Hiệp hành diễn ra tại Praha trong tuần này.

Đại hội đồng lục địa của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, khai mạc tại Praha vào ngày 5 tháng 2 và sẽ bế mạc vào ngày 12 tháng 2, đang quy tụ các phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo Công giáo và tín hữu giáo dân từ khắp châu Âu để thảo luận về tương lai của Giáo hội.

Trong khi những thách thức phát sinh từ việc phi Kitô giáo hóa và sự khác biệt về văn hóa và chính trị ngày càng tăng giữa các quốc gia châu Âu là tâm điểm của các cuộc thảo luận và tranh luận ở đây, không thể lảng tránh vấn đề về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, vì hậu quả của nó đối với bối cảnh của Lục địa già có thể hết sức tuyệt vời trong những năm tới.

Đau khổ liên quan đến chiến tranh đã được đề cập trong các bài phát biểu của các thành viên trong phái đoàn Ukraine, và được đề cập rộng rãi hơn trong các nhóm làm việc được phân chia theo ngôn ngữ, quốc tịch và tình trạng hôn nhân, như Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi, Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow, đã đề cập trong cuộc phỏng vấn này với Register. Các phiên họp này được tổ chức sau cánh cửa đóng kín, giới truyền thông không thể tiếp cận được.

Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow (Ảnh: Solène Tadié)

Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow (Ảnh: Solène Tadié)

Đức Tổng Giám mục Pezzi, người đã phục vụ với tư cách là Tổng Giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow từ năm 2007, là người gốc Russi ở miền bắc nước Ý. Lần đầu tiên vị Giám chức được cử đi truyền giáo ở vùng đất Siberia trong bối cảnh khó khăn khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990. Điều này đã dẫn đến một kinh nghiệm lâu dài trong việc phục vụ các cộng đồng Công giáo thuộc các quốc tịch và văn hóa khác nhau, điều mà ngài đã mô tả trong cuốn sách gần đây của mình có nhan đề: La piccola Chiesa nella grande Russia. La mia vita, la mia missione (Giáo hội nhỏ bé ở nước Nga vĩ đại: Cuộc đời và Sứ mạng của tôi).

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện bên lề hội nghị, Đức Tổng Giám mục Pezzi đã thảo luận về khía cạnh đặc biệt trong sứ mạng của ngài với tư cách là đại diện của Giáo hội Công giáo ở một nước Nga gần 80% theo Chính thống giáo, trong bối cảnh rất nhạy cảm của cuộc chiến của Nga chống lại quốc gia láng giềng Ukraine.

Đức Tổng Giám mục vừa xuất bản một cuốn sách về trải nghiệm của ngài với tư cách là một nhà lãnh đạo Công giáo ở Nga. Đức Cha mô tả thế nào về thực tế của Giáo hội Công giáo nói chung, và trong bối cảnh của cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine?

Tôi sẽ mô tả điều đó như một cơ hội được ban cho tôi, cũng như cho toàn thể Giáo hội địa phương của chúng tôi, để sống hoặc hồi tưởng lại chiều sâu của kinh nghiệm đức tin. Thứ hai, cơ hội để tự hỏi vai trò cụ thể của người Kitô hữu trong tình huống cụ thể này là gì. Chúng ta đã xác định tính cụ thể đó trong sự tha thứ, trong việc trao ban sự tha thứ như Chúa Giêsu đã làm trên Thánh giá.

Phải chăng Đức Cha muốn nói rằng tình hình đã thay đổi đối với người Công giáo, so với trước chiến tranh? Có bất kỳ thay đổi nào trong cách chính quyền Nga và Giáo hội Chính thống đối xử với Đức Cha với tư cách là đại diện của Giáo hội Công giáo La Mã không?

Tôi muốn nói rằng từ quan điểm dân sự, hoạt động của Giáo hội chúng ta không có gì thay đổi đặc biệt, ít nhất là từ quan điểm mục vụ. Tất nhiên, có thể có những căng thẳng nghiêm trọng hơn, đặc biệt liên quan đến việc tôi tham gia công khai vào một số sáng kiến của nhà nước Nga.

Đối với mối quan hệ với Giáo hội Chính thống, thật nghịch lý là trong khi tôi không đồng ý về một số quan điểm nhất định, thì cuộc đối thoại cũng như số lượng các mối quan hệ và gặp gỡ đã tăng lên gần đây. Chúng đang diễn ra với tần suất nhiều hơn.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái khiến chúng tôi phải nỗ lực hết sức để không kết thúc cuộc đối thoại. Từ quan điểm này, nó đã tạo ra những căng thẳng nhất định giữa một số giới Công giáo đối với tôi vì họ cảm thấy rằng cuộc đối thoại này với tất cả các nhà chức trách Nga ít nhất nên bị đình chỉ. Họ nói với tôi điều này một cách thẳng thắn và rõ ràng, điều rất tích cực vì có sự chân thành. Tôi hiểu lập trường của họ, nhưng tôi tin rằng cuộc đối thoại này nên được tăng cường hơn nữa.

Trong khi những người Công giáo này trách móc Đức Cha vì đã không đứng lên công khai chống lại chính phủ Nga – một sự chỉ trích cũng đã được đưa ra đối với Đức Thánh Cha Phanxicô – ngài cũng đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine như Đức Thượng phụ Moscow đã làm. Đức Cha có bị áp lực phải làm như vậy?

Tôi tin rằng các tổ chức tôn giáo, và đặc biệt là Giáo hội Công giáo, không nên tham gia vào lĩnh vực chính trị ở cấp độ của những tuyên bố. Với tư cách là các Giám mục, chúng tôi nhận thấy không phù hợp để đưa ra tuyên bố cá nhân để ủng hộ hay phản đối.

Nhưng tôi cũng không đồng ý với việc nói rằng tôi giữ thái độ trung lập. Chúng tôi, cùng với các Giám mục, đã cố gắng duy trì sự đoàn kết giữa những người Công giáo. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất cầu nguyện và ăn chay nhằm thúc đẩy tinh thần tha thứ và hòa bình khi đối mặt với thảm kịch đang diễn ra. Điều này không có nghĩa là những người khác không thể chọn can thiệp để đưa ra ý kiến ​​của họ trong phạm vi công cộng. Nhưng quyết định của chúng tôi không mang tính ngoại giao, hay do sợ bị trả thù. Đó chỉ là một cuộc tìm kiếm những gì cụ thể đối với các tín hữu Công giáo, những người Kitô hữu, trong một tình huống như vậy.

Về vấn đề áp lực từ chính quyền Nga, tôi thực sự sẽ không sử dụng từ đó, mà tôi nghĩ là hơi nặng. Nhưng đã có những lời kêu gọi phải bày tỏ lập trường cụ thể, vâng.

Có phải Đức Cha cũng đã triển khai các sáng kiến ​​địa phương và quốc gia để hỗ trợ các nạn nhân của chiến tranh?

Ngoài các sáng kiến cầu nguyện và ăn chay đang diễn ra của chúng tôi kêu gọi sự thay đổi, hòa bình và hoán cải tâm hồn – điều không nên đánh giá thấp, vì lời cầu nguyện có sức mạnh to lớn có thể thay đổi tất cả mọi thứ – chúng tôi đã nỗ lực quan tâm nhiều nhất có thể đến những người tị nạn hoặc người di cư được tạo ra bởi tình hình ở Ukraine.

Giáo hội Công giáo ở Nga đã nỗ lực hết sức mình để đưa mọi người đến những nơi cần được trợ giúp này.

Và nó cũng phụ thuộc vào các khu vực, nó đặc biệt liên quan đến Giáo phận St. Clement ở Saratov, nơi có một số nhà thờ Giáo xứ gần biên giới với miền đông Ukraine.

Tổ chức Caritas ở Rostov cũng đã thực hiện một công việc quan trọng trong việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh và những người phải di tản.

Chúng tôi cũng đã tham gia một sáng kiến ​​của tất cả các tổ chức tôn giáo ở Nga nhằm chuyển viện trợ vật chất trực tiếp cho người dân Ukraine trong các khu vực xung đột.

Sáng kiến thứ ba của chúng tôi đó là tham gia thông qua Tổ chức Caritas Quốc tế và Tòa Thánh để đóng góp kinh tế trực tiếp cho Ukraine.

Đức Cha cũng đã xoay sở để hợp tác với các cơ quan tôn giáo Ukraine?

Thật không may, trong hoàn cảnh này, chúng tôi chỉ có liên lạc qua điện thoại với nhiều Giám mục và Linh mục khác, nhưng chủ yếu là những liên lạc mang tính chất thân thiện và khích lệ. Các cuộc họp trực tiếp và thể chế hiện nay khó khăn hơn, bởi vì chúng tôi khó di chuyển giữa hai quốc gia.

Cuộc họp lục địa của Thượng Hội đồng về Hiệp hành ở Praha lần này cũng là cơ hội để Đức Cha gặp gỡ các đại diện Công giáo Châu Âu khác, trong đó có một số người đến từ Ukraine. Kết quả của những cuộc họp này cho đến nay là gì?

Vâng, đó là một cơ hội tuyệt vời để tất cả chúng tôi được quay quần bên nhau, cùng nhau cầu nguyện và đối thoại trong cùng một lời kêu gọi tha thứ, điều có tính quyết định hiện nay để tiến về phía trước. Tôi tạ ơn Chúa vì chúng ta đã có thể tái khám phá cách tiếp cận tha thứ này một cách triệt để thông qua cuộc khủng hoảng này.

Trong những ngày này ở Praha, chúng tôi có thể nói về cuộc xung đột đang diễn ra, nhưng đặc biệt là trong các nhóm riêng tư [các nhóm làm việc về ngôn ngữ mà báo chí không thể tiếp cận các cuộc thảo luận], chính bởi vì đối với chúng tôi, cụ thể đây là một tình huống khơi dậy nhận thức về sự cần thiết đối với sự tha thứ, hiệp thông và hiệp hành.

Giai đoạn tham vấn cấp Giáo phận đầu tiên của Thượng hội đồng ở Nga đã diễn ra như thế nào? Nhiều quốc gia châu Âu đã phải chịu đựng tình trạng tham gia ít ỏi của các tín hữu, đặc biệt là những người trẻ tuổi…

Ở Nga, có phần lớn những người trẻ tuổi tham gia vào các cuộc tham vấn của Thượng Hội đồng, tôi rất hài lòng. Tại cuộc họp này ở Praha, người đứng đầu mục vụ giới trẻ trong Giáo phận Moscow của chúng tôi cũng đến tham dự cùng với chúng tôi.

Đức Cha có đề xuất gì cho quá trình thảo luận tại hội đồng lục địa này?

Tôi muốn nói rằng chúng ta nên cố gắng đừng quá tách rời bản thân khỏi những Giáo huấn của Giáo hội dựa trên ý kiến riêng của mình. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng tập trung vào kinh nghiệm về tính hiệp hành. Điều đó dường như với tôi là một điểm quan trọng. Tôi đang nhận thấy một chút nguy hiểm khi giống như một dòng sông lớn chắc chắn sẽ tạo ra những dòng sông nhỏ. Nếu bạn đi theo những con sông nhỏ này quá nhiều, thì bạn sẽ tự nhận thấy mình ở rất xa con sông chính. Đó là hình ảnh xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi nghe một số bài phát biểu. Về phần mình, tôi đang cố gắng nhắc nhở mọi người rằng người ta phải nghiêm túc và chân thành với đức tin của mình, dù người ta sống ở đâu. Điều mà các xã hội của chúng ta ngày nay cần là được lấp đầy bởi những người sống tinh thần Kitô giáo đích thực và có trách nhiệm.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube