Đức Phanxicô: Nạn buôn người đã tạo ra 'một vết thương hở trên thân mình Chúa Kitô'

(Ảnh: Lucia Ballester/CNA)

(Ảnh: Lucia Ballester/CNA)

Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng những đau khổ do nạn buôn người gây ra là “một vết thương hở trên thân mình Chúa Kitô”.

“Buôn người là hành vi bạo lực. hành vi bạo lực mà mọi phụ nữ và mọi cô gái phải gánh chịu là một vết thương hở trên thân mình Chúa Kitô, trên thân mình toàn thể nhân loại; đó là một vết thương sâu sắc ảnh hưởng đến mỗi chúng ta”, Đức Thánh Cha nói trong một thông điệp video được công bố vào ngày 8 tháng Hai.

Đức Thánh Cha Phanxicô lên án cả nạn buôn người để cưỡng bức lao động lẫn vấn nạn buôn bán tình dục, điều mà ngài cho rằng phụ nữ và trẻ em gái bị coi là “những người mang lại sự khoái cảm” và “một lần nữa đề xuất một mô hình của các mối tương quan được đánh dấu bằng quyền lực của nam giới trên nữ giới”.

“Việc tổ chức các xã hội trên toàn thế giới vẫn chưa thể phản ánh rõ ràng thực tế rằng phụ nữ có cùng phẩm giá và quyền như nam giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng cả nam giới và phụ nữ đều có thể và phải đấu tranh để đảm bảo rằng phẩm giá của mỗi người được công nhận với “sự quan tâm đặc biệt đến những người có quyền cơ bản bị vi phạm”.

Nhận xét của Đức Thánh Cha được đưa ra khi những người Công giáo từ 30 quốc gia trên thế giới cùng nhau quy tụ trực tuyến như là một phần của cuộc thi đua cầu nguyện trực tuyến nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy tư chống lại Nạn buôn người.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, buôn người được ước tính là một ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD, thu lợi từ 25 triệu nạn nhân trên toàn thế giới.

Thánh Josephine Bakhita, Quan thầy của các nạn nhân của nạn buôn người

Thánh Josephine Bakhita, Quan thầy của các nạn nhân của nạn buôn người

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy tư chống lại Nạn buôn người cách đây 8 năm trùng với Lễ Thánh Josephine Bakhita, Quan thầy của các nạn nhân của nạn buôn người, được mừng kính vào ngày 8 tháng 2.

“Thánh Bakhita chỉ cho chúng ta con đường của sự biến đổi. Cuộc đời của Thánh nhân cho chúng ta biết rằng sự thay đổi có thể xảy ra khi một người để cho chính mình được biến đổi nhờ sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Chính sự quan tâm chăm sóc của lòng thương xót – chính sự chăm sóc của tình yêu đã biến đổi chúng ta một cách sâu sắc và khiến chúng ta có thể chào đón tha nhân như anh chị em của mình”, Đức Thánh Cha nói.

“Nhận thức được phẩm giá của mỗi người là hành động của sự quan tâm đầu tiên, là hành động quan tâm đầu tiên. Thừa nhận phẩm giá con người. Và việc quan tâm đến người khác là điều tốt đẹp đối với tất cả mọi người, đối với cả những người cho đi lẫn những người nhận lãnh, bởi vì đó không phải là một hành động một chiều, mà nó tạo ra sự tương hỗ”.

Thánh Josephine Bakhita sinh năm 1869 tại Sudan. Vào khoảng năm 1877, Bakhita bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ bởi những người buôn bán nô lệ Ả Rập. Trong thời gian làm nô lệ, Bakhita đã bị tra tấn đánh đập, và đã phải mang nhiều thương tật.

Cuối cùng, vào năm 1883, Bakhita bị bán cho phó lãnh sự Ý Callisto Legani, người đã đưa Bakhita trở lại Ý. Khi ở Ý, Bakhita được giao cho một gia đình và trở thành người bảo mẫu của họ, và gia đình đó cuối cùng đã để Bakhita lại với các Nữ tu Canossian ở Venice khi họ đến Sudan để thực hiện công việc kinh doanh của họ.

Khi sống cùng với các Nữ tu, Bakhita đã tìm hiểu về Kitô giáo và quyết định trở thành người Công giáo. Bakhita từ chối quay trở lại gia đình đã bắt mình làm nô lệ sau khi họ quay trở lại Ý, và một tòa án Ý đã đưa ra phán quyết rằng vì chế độ nô lệ đã bị cấm ở Sudan trước khi Bakhita được sinh ra, nên Bakhita không phải là nô lệ hợp pháp. Sau đó, Bakhita đã được giải thoát khỏi kiếp nô lệ.

Với sự tự do mới tìm thấy của mình, Bakhita tiếp tục ở lại với các Nữ tu Canossian. Bakhita lấy tên là Josephine Margaret và Fortunata, tên dịch sang tiếng Latinh từ tên trong tiếng Ả Rập, Bakhita. Ba năm sau, Bakhita trở thành tập sinh của Dòng Nữ Tử Bác Ái Canossian, và khấn trọn trong Hội dòng này vào ngày 8 tháng 12 năm 1896.

10DC1E33-F5B4-4555-B27C-4BD92A7346C0

Sau đó, Nữ tu Bakhita sống phần còn lại của cuộc đời mình trong một tu viện ở Schio, Vicenza, làm công việc đầu bếp và giữ cửa. Nữ tu Bakhita qua đời ngày 8 tháng 2 năm 1947 và đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 1 tháng 10 năm 2000.

“Thiên Chúa đã gìn giữ chăm sóc Josephine Bakhita; Ngài đã đồng hành với Thánh nhân trong quá trình chữa lành những vết thương do chế độ nô lệ gây ra, cho đến khi trái tim, tâm trí và nội tâm của Ngài trở nên có khả năng hòa giải, tự do và dịu dàng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi khuyến khích mọi phụ nữ và mọi trẻ em gái cam kết đối với sự biến đổi và sự quan tâm chăm sóc, nơi học đường, trong gia đình và ngoài xã hội. Và tôi khuyến khích mọi nam giới và mọi thanh thiếu niên đừng bao giờ rời khỏi quá trình biến đổi này, nhắc lại mẫu gương của Người Samaritanô nhân hậu: một người không lấy làm hổ thẹn khi hướng đến và ra tay chăm sóc người anh em của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.

Ông Aloysius John, Tổng thư ký của tổ chức từ thiện Công giáo Caritas Quốc tế, cũng đã lên tiếng nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy tư chống lại Nạn buôn người.

“Các nạn nhân của nạn buôn người thường là những người vô hình, nhưng họ là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, và chúng ta được kêu gọi đồng hành và bảo vệ những phụ nữ, đàn ông và trẻ em này”, ông John nói.

Caritas Quốc tế là một phần của liên minh các tổ chức phi chính phủ Kitô giáo tham gia vào cuộc chiến chống nạn buôn người, và hợp tác chặt chẽ với các nạn nhân của nạn buôn người để cưỡng bức lao động và cưỡng bức tình dục ở nhiều quốc gia.

Cuộc thi đua cầu nguyện trực tuyến nhân ngày thế giới chống nạn buôn người đang được điều phối bởi Talitha Kum, một mạng lưới bao gồm hơn 2.000 Nữ tu Công giáo, những người phục vụ trên tuyến đầu của cuộc chiến chống lại vấn nạn buôn bán tình dục, giúp những người sống sót tìm được sự chữa lành và sự tự do thực sự.

Các Nữ tu liên kết với Talitha Kum có mặt ở 77 quốc gia. Các thành viên của mạng lưới này đã phục vụ 10.000 nạn nhân buôn người bằng cách đồng hành cùng với họ đến các cơ sở tạm trú và các cộng đồng dân cư khác, tham gia vào sự hợp tác quốc tế và giúp họ trở về nhà.

“Chúng ta hãy tiến lên trong cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn người và mọi hình thức của sự nô lệ và bóc lột”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi mời gọi tất cả các bạn hãy giữ cho sự phẫn nộ của mình luôn tồn tại – hãy giữ cho sự phẫn nộ của các bạn luôn sôi sục! – và hãy tìm kiếm, mỗi ngày, sức mạnh để dấn thân với tinh thần quyết tâm trên mặt trận này. Đừng sợ sự kiêu ngạo của bạo lực, đừng sợ! Đừng khuất phục trước sự đồi bại của tiền bạc và quyền lực”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube