Đức Hồng y Zenari: ‘Cần phải vượt qua sự chia rẽ để giúp đỡ người dân Syria bị động đất’

Đức Hồng Y Zenari đến thăm những người dân sơ tán ở Aleppo sau trận động đất ngày 6 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: vatican News)

Đức Hồng Y Zenari đến thăm những người dân sơ tán ở Aleppo sau trận động đất vào ngày 6 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Vatican News)

Khi Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, đến thăm Aleppo để an ủi các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng ngày 6 tháng 2, ngài kêu gọi tinh thần liên đới, đồng thời cho biết rằng đây sẽ là “một phép thử của nhân loại” đối với cộng đồng quốc tế và quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Đức Hồng Y Zenari đã chứng kiến nỗi sợ hãi của những người sống sót, cảnh tượng chết chóc, sự tàn phá và các biện pháp trừng phạt ngăn cản hoạt động cứu trợ. Sau đó, Đức Hồng Y Zenari đã nghe thấy tiếng kêu tuyệt vọng của những người hỏi: “Sau những bom đạn, tại sao lại còn thế này nữa?”.

Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, đã đến Aleppo vào sáng hôm thứ Ba, một trong những thành phố bị trận động đất tàn phá toàn bộ khu vực phía bắc Syria và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi đã di chuyển với quãng đường 400 km từ Damascus bằng ô tô và tôi đến muộn…”, Đức Hồng Y Zenari phát biểu với Vatican News, vốn đã liên lạc được với ngài qua điện thoại di động. Đường dây không ổn định. “Bình thường mất khoảng 3 tiếng, có hôm lâu hơn vì đường phủ đầy tuyết, trời rất lạnh. Tôi cũng phải giảm tốc độ vì trong cốp xe có ‘bom’, tức là thùng xăng vốn rất khó kiếm ở đây”, Đức Hồng Y Zenari giải thích.

Kính thưa Đức Hồng y, ngài chứng kiến điều gì khi đến Aleppo?

Khi bước vào thành phố, tôi nhìn thấy nhà thờ Hồi giáo vĩ đại với bốn ngọn tháp đổ sập xuống mặt đất. Sau đó là nhà thờ của các Tu sĩ Dòng Phanxicô, và ở đó cũng vậy, các đường gờ đã bị đổ, các bức tường bị nứt, v.v. Tôi đã gặp những người đứng bên ngoài nhà của họ, họ nói với tôi rằng nhiều người đã trú ẩn trong các cơ sở tôn giáo của chúng tôi. Họ sống, ngủ và ăn trong các cộng đồng Kitô giáo và Công giáo. Một số nơi có tới 500 người… Bạn thực sự có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi của người dân, họ kinh hoàng bởi trận động đất và kiên quyết không muốn quay trở lại ngôi nhà vốn đã bị chiến tranh tàn phá. Chúng không an toàn chút nào, có nguy cơ chúng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Cảnh tượng hay câu chuyện nào khiến Đức Hồng y chú ý nhất?

Tôi đã trò chuyện với một vị nguyên Giám mục, người đã sống sót một cách kỳ diệu. Vị Giám chức sống trong một căn hộ với một thư ký, một Linh mục khoảng 50 tuổi. Khu vực nơi vị Giám mục sống vẫn đứng vững, trong khi phần còn lại sụp đổ. Tôi đã tận mắt nhìn thấy đống đổ nát, vị Linh mục đã chết dưới đó… Những tòa nhà này không an toàn, chúng đã bị hư hại bởi nhiều năm chiến tranh.

Thảm kịch động đất hiện tại có ý nghĩa gì đối với người dân Syria?

Như mọi người đã biết, Aleppo được coi là “thành phố chịu giày vò khốn khổ”. Tôi vẫn nhớ vào tháng 12 năm 2016: tuyết rơi dày đặc như bây giờ, và hàng ngàn người phải chạy trốn khỏi cuộc giao tranh. Giờ đây, chính những người này cũng tự hỏi: “Tại sao điều này cũng xảy ra với chúng tôi?”. Chính các Linh mục và Tu sĩ cũng đặt câu hỏi này: “Chúng tôi đã từng phải hứng chịu cảnh bom đạn, có những kẻ nổi loạn, giờ đây thảm họa này đến từ đâu?”. Đây là những câu hỏi khó trả lời…

Bên cạnh đó, toàn bộ Syria đã phải hứng chịu cái mà tôi gọi là “một quả bom khác”, quả bom của nghèo đói. 90% dân số, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, sống dưới mức nghèo khổ. Vì vậy, trước hết, chúng tôi phải hứng chịu những quả bom thực sự, kế đến là đủ loại thứ vũ khí, nghèo đói, giờ đây là trận động đất nghiêm trọng này… Thêm vào đó là một bi kịch trong một bi kịch; đó là các biện pháp trừng phạt, theo các nhân chứng địa phương, ngăn chặn việc vận chuyển viện trợ …

Tôi hy vọng rằng có một số ý thức chung và nhân loại. Trước hết ở cấp độ quốc gia: thật không may, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, nhưng tôi mong muốn những xung đột và sự thù hận được gác lại và nhìn những người dân nghèo này với tinh thần nhân đạo. Kế đến, ở cấp độ quốc tế: điều cần thiết là rõ ràng và điều cấp bách là giúp đỡ những người đang gặp khó khăn này, vượt ra khỏi những chia rẽ chính trị. Đây sẽ là phép thử của nhân loại đối với cộng đồng quốc tế và bên trong Syria.

Giáo hội có thể làm gì vào lúc này?

Giáo hội ở Syria đã tham gia vào công việc nhân đạo. Năm ngoái, Giáo hội Công giáo đã tổ chức một hội nghị về đề tài: “Giáo hội, Ngôi nhà bác ái – Tính Hiệp hành và Sự phối hợp”. Cách đây vài tháng, Hội đồng Giám mục Công giáo đã thành lập một ủy ban Giám mục để có được phối hợp nhiều hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi làm việc hết tốc lực trong lĩnh vực này và cố gắng tích lũy thêm kinh nghiệm cũng như năng lực chuyên môn. Trên hết, công việc đang được thực hiện để đảm bảo rằng năm chiếc bánh và hai con cá này được phân phát đồng đều theo cách thức tốt nhất có thể.

Đức Hồng y sẽ ở lại Aleppo bao lâu?

Cho đến thứ Năm (ngày 9 tháng 2). Tôi phải đến thăm các địa điểm và các cộng đồng, ngoài ra, như tôi đã nói, chúng tôi phải điều phối viện trợ. Có rất nhiều sự liên đới, nhưng cần phải quản lý bằng cái tâm và bằng năng lực chuyên môn.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube