Đức Hồng y Parolin thúc giục LHQ quay trở lại với những lý tưởng nền tảng

Đức Hồng Y Pietro Parolin phát biểu trước Liên Hiệp Quốc trong một thông điệp video vào ngày 21 tháng 9 năm 2020 (Ảnh: CNA)

Đức Hồng Y Pietro Parolin phát biểu trước Liên Hiệp Quốc trong một thông điệp video vào ngày 21 tháng 9 năm 2020 (Ảnh: CNA)

Hôm thứ Hai 21/9, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã kêu gọi Liên Hợp Quốc quay trở lại lý tưởng thành lập của mình là bảo vệ thiện ích chung và quyền sống.

“Trong 75 năm qua, LHQ đã bảo vệ và phục vụ luật pháp quốc tế, thúc đẩy một thế giới dựa trên pháp quyền và công lý, thay vì dựa trên vũ khí và sức mạnh”, Đức Hồng y Pietro Parolin cho biết trong một thông điệp video phát hành vào ngày 21 tháng 9.

“Liên Hợp Quốc không hoàn hảo và nó không phải lúc nào cũng sống đúng với tiếng tăm và lý tưởng của mình, và nó đã tự làm tổn hại chính mình bất cứ khi nào các lợi ích cụ thể được đặt trên công ích chung”, quan chức Vatican nói.

Phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh rằng các nhân quyền phổ quát mà LHQ đã nỗ lực thực hiện “bao gồm quyền sống và quyền tự do tôn giáo”, mà ngài nói  rằng “rất cần thiết để thúc đẩy một thế giới nơi phẩm giá của mỗi con người được bảo vệ và thúc đẩy”.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng LHQ năm nay được tổ chức trực tuyến, với việc các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những lời phát biểu nhận xét được ghi âm trước thông qua liên kết video do các biện pháp hạn chế do coronavirus liên quan đến việc đi lại đến New York. Ngày đầu tiên của hội nghị kết thúc vào ngày 21 tháng 9 lúc 9 giờ tối trước khi thông điệp video của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh được phát. Nhưng nó sẽ được trình bày sau đó trong cuộc họp.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dự kiến sẽ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ trong tuần này.

Trong thông điệp video của mình, Đức Hồng y Parolin cho biết rằng các quốc gia đã tìm đến LHQ với kỳ vọng rằng tổ chức này sẽ “không chỉ khẳng định những lý tưởng mà dựa trên đó nó đã được thành lập, mà còn nỗ lực dốc sức với quyết tâm cao hơn nữa để biến những lý tưởng này trở thành hiện thực trong cuộc sống của tất cả mọi người ”.

“Kể từ khi được công nhận là Quốc gia Quan sát viên vào năm 1964, Tòa Thánh đã ủng hộ và nắm giữ vai trò tích cực trong Liên Hợp Quốc. Các vị Giáo hoàng kế vị đã đến trước Đại hội đồng này thúc giục Thể chế ưu tú này trở thành một ‘trung tâm đạo đức’, nơi tất cả mọi quốc gia đều là quê hương, nơi gia đình các quốc gia tụ họp và là nơi cộng đồng quốc tế – trong tinh thần huynh đệ nhân loại và tinh thần liên đới – tiến bộ cùng với các giải pháp đa phương trước những thách thức toàn cầu”, Đức Hồng y Parolin nói.

Phái bộ của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc là một phần quan trọng trong công việc ngoại giao của Tòa Thánh. Phái bộ này nhằm mục đích truyền đạt kinh nghiệm hàng thế kỷ của Giáo hội Công giáo để hỗ trợ LHQ trong việc thực hiện hòa bình, công lý, phẩm giá con người, cũng như sự hợp tác và hỗ trợ nhân đạo.

Gần đây, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa đề cập về “quyền sinh sản” vào một nghị quyết về việc chống đại dịch coronavirus.

“Đặc biệt, Tòa Thánh bác bỏ cách giải thích coi việc phá thai hoặc tiếp cận phá thai, phá thai lựa chọn giới tính, phá thai đối với những thai nhi được chẩn đoán là có những vấn đề về sức khỏe, mang thai hộ và triệt sản như là những khía cạnh của ‘sức khỏe sinh sản’, hoặc là một phần của việc chăm sóc y tế toàn dân”, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia phát biểu với LHQ vào ngày 11 tháng 9.

Vị Giám chức đưa ra một số lời chỉ trích khác đối với nghị quyết, bao gồm “việc loại trừ các tổ chức dựa trên đức tin khỏi danh sách những người đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với đại dịch” và sự thiếu đồng thuận trong việc thông qua nghị quyết.

Đức TGM Caccia đã nhậm chức Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc vào tháng Giêng năm nay. Vào thời điểm được bổ nhiệm, vị Giám chức đã ghi nhận kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ.

“Tôi mong muốn giúp Tòa Thánh hỗ trợ Liên Hợp Quốc trong việc đổi mới cam kết đối với các trụ cột của Hiến chương LHQ, ngăn chặn tai họa chiến tranh, bảo vệ phẩm giá con người và nhân quyền, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện luật pháp và các hiệp ước quốc tế ”, Đức TGM Caccia nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube