Đức Hồng Y Mario Zenari: ‘Hy vọng đang dần lụi tàn tại Syria’

Các thành viên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chặn người biểu tình Syria phản đối việc một số thành phố rơi vào tay chính phủ Syria kiểm soát, trước trạm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ al-Mastumah, cách thành phố Idlib ở Tây Bắc Syria khoảng 7Km về phía nam vào ngày 18 tháng 9 năm 2020 . (Ảnh: Abdulaziz KETAZ / AFP)

Các thành viên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chặn người biểu tình Syria phản đối việc một số thành phố rơi vào sự kiểm soát của chính phủ Syria, trước trạm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ al-Mastumah, cách thành phố Idlib ở Tây Bắc Syria khoảng 7Km về phía nam vào ngày 18 tháng 9 năm 2020 (Ảnh: Abdulaziz KETAZ / AFP)

Việc đánh mất hy vọng đồng nghĩa với việc thực sự mất đi một thứ gì đó cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống.

Với cuộc xung đột không hồi kết và không có một lộ trình nào hướng tới sự phục hồi kinh tế trong tầm nhìn, người dân Syria đang mất hy vọng mà bất kỳ cảm giác hòa bình và trạng thái bình thường nào sẽ trả lại.

“Thật không may, điều đang lụi tàn dần trong trái tim của nhiều người, đó là niềm hy vọng”, Đức Hồng Y Mario Zenari phát biểu với tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican vào ngày 17 tháng 9.

“Sau 10 năm chiến tranh, nhiều người – sau khi không còn chứng kiến sự phục hồi kinh tế và công việc tái thiết – đang đánh mất hy vọng và điều này gây tổn thương rất nhiều”, Đức Hồng y Zenari nói. “Việc đánh mất hy vọng đồng nghĩa với việc thực sự mất đi thứ gì đó cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống. Chúng ta phải cố gắng khôi phục sự tín nhiệm, để trả lại hy vọng cho những người nghèo này”.

Mặc dù các hành động thù địch trong nước đã giảm đi đáng kể kể từ khi ký lệnh ngừng bắn vào tháng 3 và đại dịch COVID-19, Đức Hồng y Zenari nói, sự tàn phá do xung đột vẫn tiếp tục tàn phá cuộc sống của vô số đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Theo một báo cáo ngày 14 tháng 9 của Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập của Liên Hợp Quốc về Cộng hòa Ả Rập Syria, tiếp tục có “sự gia tăng thường xuyên về hành vi bạo lực và các vụ vi phạm nhân quyền liên tục”.

Ủy ban đã báo cáo các hành vi vi phạm nhân quyền của hầu hết mọi lực lượng chiến đấu trong nước, bao gồm “việc tra tấn và các hình phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” đối với những người bị giam giữ, cũng như “bạo lực tình dục và bạo lực dựa trên cơ sở giới tính đối với phụ nữ, trẻ em gái, nam giới và các bé trai”.

Đức Hồng Y Zenari phát biểu với tờ báo Vatican rằng trong khi “thỏa thuận đình chiến mong manh” đã dẫn đến sự suy giảm các vụ đánh bom, có một “quả bom nghèo đói” hiện đang gây ra “nạn đói kém, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em” và sự lây lan của nhiều loại bệnh tật trong nước.

“Thật khó để mô tả kinh nghiệm nhân văn và tâm linh rất sâu sắc này”, Đức Hồng Y Zenari nói. “Cách đây khoảng một tháng trước, Liên Hợp Quốc cũng đã lên tiếng về những sự việc đã xảy ra tại một trại tị nạn, nơi có khoảng 8-10 trẻ em chết vì suy dinh dưỡng, mất nước và các căn bệnh khác”.

Vào mùa đông năm ngoái, Đức Hồng Y Zenari tiếp tục, nhiều trẻ em đã chết vì chiến sự dữ dội ở miền Tây Bắc – “nhiều trẻ em chết vì lạnh trong vòng tay của cha mẹ chúng, nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng. Thật đau lòng khi chứng kiến nỗi khổ đau của rất nhiều trẻ em và rất nhiều phụ nữ, nhiều người trong số họ là góa phụ và đôi khi phải nuôi cả một gia đình có đến 8 hoặc 10 người con”.

Tuy nhiên, vị Giám chức người Ý cho biết các Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo đang nỗ lực cứu trợ nhân đạo cũng như duy trì các bệnh viện để cứu trợ các bệnh nhân, những người nghèo khổ và những người không nơi nương tựa.

“Với tư cách là một Giáo hội, với tư cách là Tòa Thánh, chúng tôi không có những lợi ích về quân sự, không có những lợi ích về kinh tế, không có các chiến lược địa chính trị”, Đức Hồng Y Zenari nói. “Chúng tôi – Giáo hội, Tòa Thánh, Giáo hoàng – đứng về phía người dân, đứng về phía những người đau khổ. Chúng tôi muốn trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói”.

Đức Hồng y Zenari, người đã gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm 4/9, cho biết ngài “rất ấn tượng” trước sự quan tâm liên tục của Đức giáo hoàng đối với người dân Syria.

Trong khi đề cập đến tình hình hiện tại, Đức Hồng y Zenari nhắc lại, Đức giáo hoàng Phanxicô “lấy một tờ giấy và bắt đầu viết ra một số ghi chú để chúng hiện diện nhiều hơn nữa và để tiếp tục các chương trình nhân đạo này”.

“Tôi sẽ gợi lại sự liên đới của Đức Thánh Cha Phanxicô, sự liên đới của Giáo hội, sự liên đới của rất nhiều anh chị em Kitô hữu cố gắng làm sống lại niềm hy vọng này, mà không may, đang dần lụi tàn tại Syria”, Đức Hồng y Zenari nói. “Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải cố gắng nhen nhóm một chút hy vọng nhỏ nhoi ở cuối đường hầm, hoặc ít nhất là sự liên đới, để nói với họ rằng: ‘Anh chị em không đơn độc’, ‘Chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ anh chị em’, với sự viện trợ về vật chất, và cố gắng nỗ lực làm cho một chút ánh sáng chiếu vào cuối đường hầm”.

 Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube