Đức Hồng Y Hollerich: ‘Châu Âu được mời gọi xây dựng một tương lai cho toàn thế giới’

Người di cư được nhìn thấy từ một con tàu hoạt động ở Địa Trung Hải

Những người di cư trên một con tàu hoạt động ở Địa Trung Hải

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich bình luận về lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Châu Âu, mô tả tầm quan trọng của việc cùng nhau nhìn về tương lai, để có thể tạo ra những thay đổi đáng kể cho toàn thế giới.

Châu Âu cần các chính sách mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các anh chị em của chúng ta đang phải sống cảnh nay đây mai đó và nó cần phải tái khám phá bản sắc Kitô giáo của mình khi nỗ lực xây dựng một tương lai hòa bình và công bằng. Đây là những khái niệm được Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich bày tỏ, khi ngài chia sẻ với tâm tình biết ơn về lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu một loạt những sự kiện kỷ niệm quan trọng vốn xác định lục địa Châu Âu như chúng ta biết.

Đức Hồng y Hollerich, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục EU (COMECE) đã bình luận về bức thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi cho Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, hôm thứ Ba vừa qua. Trong bức thư, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại lịch sử và các giá trị của châu Âu và chia sẻ về ước mơ của Ngài về tinh thần huynh đệ và sự liên đới giữa các quốc gia trong một thời kỳ được đánh dấu bởi các khuynh hướng mang tính chủ nghĩa cá nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, Đức Hồng y Hollerich đã bày tỏ sự “xúc động” của ngài về việc Đức Giáo hoàng Phanxicô, “một vị Giáo hoàng đến từ bên ngoài lục địa Châu Âu, có một sự hiểu biết tuyệt vời về Châu Âu và có thể tạo cho chúng ta một sự khích lệ như vậy”.

Có “rất nhiều” chính sách cần được xem xét, Đức Hồng Y Hollerich nói, đồng thời nhấn mạnh rằng một vấn đề mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cập trong bức thư của Ngài khi hướng đến một “Châu Âu của tương lai” đó là việc chào đón những người di cư “và những người phải rời khỏi đất nước của họ” vì nhiều lý do khác nhau.

Đức Hồng y Hollerich nhắc lại nhiều báo cáo mà COMECE đã nhận được trong vài ngày qua, đặc biệt đề cập đến những tin tức liên quan đến các hành động của Frontex, Cơ quan Biên phòng và Bờ biển Châu Âu, “tại biên giới Hy Lạp, buộc người dân phải trở lại biển Địa Trung Hải, bên cạnh biên giới Libya”.

“Chắc chắn các chính sách của họ phải thay đổi”, Đức Hồng y Hollerich nói.

Đức Hồng Y Hollerich tiếp tục bằng cách tuyên bố rằng cần phải có “một sự thay đổi chính sách”. Điều cần thay đổi, Đức Hồng Y Hollerich nói, đó là cách chúng ta nhìn nhận Liên minh Châu Âu: điều quan trọng là phải “đạt được tinh thần của các nhà sáng lập và có cái nhìn trọn vẹn về Châu Âu”.

 “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Schuman đã chọn bắt đầu với phần kinh tế của sự hội nhập châu Âu”, Đức Hồng Y Hollerich nói. Mặc dù khía cạnh kinh tế này đã “phát triển rất nhiều”, Đức Hồng Y Hollerich nói, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn “nguy cơ lớn của Liên minh Châu Âu” bị hạ thấp từ tầm nhìn về “sự hội nhập Châu Âu thành tầm nhìn kinh tế đơn thuần”, và điều đó có thể dẫn đến “sự giảm số lượng nam giới và phụ nữ trở các tác nhân của nền kinh tế hoặc những người tiêu dùng”.

Đức Hồng Y Hollerich bày tỏ sự vui mừng khi nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng châu Âu cần phải tái khám phá bản sắc của mình. Đức Hồng Y Hollerich giải thích rằng, đối với ngài, điều này có nghĩa là: “Chúng ta có một lịch sử, và không phải mọi thứ đều tồi tệ”. Lưu ý rằng “có rất nhiều” điểm tồi tệ, chẳng hạn như hai cuộc đại chiến của thế kỷ trước, Đức Hồng Y Hollerich nhấn mạnh rằng “chúng ta không phải là những kẻ nô lệ của lịch sử”. Châu Âu có thể cống hiến rất nhiều cho thế giới, và chúng ta phải làm điều này với “một sự khiêm tốn mới”, một điều gì đó cần phải được thực hiện “cùng nhau, với những anh chị em của chúng ta đến từ các châu lục khác”.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Hollerich chia sẻ: “Tôi nghĩ thật tuyệt khi Đức Giáo hoàng nhấn mạnh một bản sắc châu Âu nhất định bắt nguồn từ văn hóa và tôn giáo – cũng là một phần văn hóa của tôn giáo – nhưng không sống lây lất với quá khứ như một kẻ nô lệ”.

“Chúng ta có thể xây dựng một tương lai”, Đức Tổng Giám mục Hollerich kết luận: “Chúng ta được kêu gọi để xây dựng một tương lai. Không chỉ cho chúng ta, mà cho toàn thể thế giới”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube