Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Truyền thông Công giáo Hoa Kỳ phải truyền cảm hứng cho tinh thần hiệp nhất giữa bối cảnh của sự chia rẽ”

20200630T0843-2889-CNS-CMC-VIRTUAL-POPE_800_2.jpg

Các phương tiện truyền thông Công giáo tại Hoa Kỳ được mời gọi phá vỡ các rào cản ngăn chặn việc đối thoại và giao tiếp trung thực giữa người dân và các cộng đồng, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.

Quốc ấn của Hoa Kỳ với câu “E pluribus unum” (Từ rất nhiều, chúng ta là một)  có thể đóng vai trò như là nguồn cảm hứng cho lý tưởng về sự hiệp nhất giữa sự đa dạng “trong một thời đại được đánh dấu bởi các cuộc xung đột và sự phân cực mà chính cộng đồng Công giáo không tránh khỏi”, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ trong một thông điệp hôm 30 tháng 6 gửi đến các tham dự viên tham gia Hội nghị Truyền thông Công giáo.

Giáo hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết thêm, cần “những người đàn ông và phụ nữ có sự xác quyết bảo vệ truyền thông thông tin khỏi tất cả những gì sẽ làm biến dạng hoặc hướng nó sang các mục đích khác”.

“Chúng ta cần phương tiện truyền thông có thể giúp tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, phân biệt giữa thiện và ác, phát triển những phán đoán hợp lý dựa trên sự trình bày rõ ràng và không thiên vị về các sự kiện và hiểu được tầm quan trọng của việc dấn thân cho công lý, sự hòa hợp xã hội, và tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.

Sự kiện thường niên, được tài trợ bởi Hiệp hội Báo chí Công giáo, ban đầu được lên kế hoạch từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 tại Portland, Oregon. Tuy nhiên, do đại dịch coronavirus, các nhà tổ chức đã chọn tổ chức một buổi họp mặt trực tuyến cho các tham dự viên.

Chia sẻ về chủ đề của hội nghị – “Together While Apart” (Đồng tâm nhất trí với nhau mặc dù cách xa nhau) – Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết rằng nó thể hiện “ý thức về sự gắn kết xuất hiện, một cách nghịch lý, từ kinh nghiệm về việc giữ khoảng cách xã hội được áp đặt bởi đại dịch”.

“Thật vậy, kinh nghiệm của những tháng vừa qua đã cho thấy nhiệm vụ của các phương tiện truyền thông là thiết yếu như thế nào trong việc gắn kết mọi người lại với nhau, rút ngắn những khoảng cách, cung cấp những thông tin cần thiết và đồng thời rộng mở mọi lý trí và con tim ra với sự thật”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.

Kể từ khi thành lập các tờ báo Công giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết, các cộng đồng địa phương đã dựa vào các hình thức truyền thông ngày càng mở rộng “để chia sẻ, giao tiếp, thông tin và đoàn kết với nhau”.

Các nhà truyền thông thực sự, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết thêm, được mời gọi cống hiến hoàn toàn “vì phúc lợi của người khác, ở mọi cấp độ, từ cuộc sống của mỗi cá nhân đến cuộc sống của cả gia đình nhân loại”.

“Chúng ta không thể giao tiếp một cách thực sự trừ khi chúng ta đặt hết tâm trí của mình vào đó, trừ khi chúng ta có thể tự mình làm chứng cho sự thật của thông điệp mà chúng ta truyền tải”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Tất cả mọi thông tin liên lạc đều có nguồn gốc tối hậu từ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng chia sẻ với chúng ta sự phong phú của sự sống thần thiêng của Ngài và mời gọi chúng ta lần lượt truyền đạt kho tàng đó cho người khác bằng sự hiệp nhất của chúng ta trong việc phục vụ sự thật của Ngài”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích các tham dự viên tham gia hội nghị tiếp tục công việc của họ và đồng thời cho biết rằng những món quà về “sự khôn ngoan, thông hiểu và sự chỉ bảo đàng lành” của Chúa Thánh Thần cho phép mọi người nhìn thấy “những người đau khổ và tìm kiếm lợi ích thực sự của tất cả mọi người”.

Trong khi thế giới chỉ có thể nhìn thấy sự xung đột và chia rẽ, các thành viên của truyền thông Công giáo ở Hoa Kỳ cần phải tập trung vào những người đau khổ và “bày tỏ lời kêu cầu khẩn thiết của anh chị em của chúng ta đang cần đến lòng thương xót và sự thông cảm”.

“Chỉ với ánh mắt đó, chúng ta mới có thể làm việc một cách hiệu quả để vượt qua các căn bệnh của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự bất công và thờ ơ làm biến dạng bộ mặt của đại gia đình nhân loại của chúng ta”, Đức giáo hoàng Phanxicô nói.

“Ở những nơi thế giới của chúng ta quá dễ dàng lên tiếng với những tính từ và trạng từ, chớ gì các nhà truyền thông Kitô giáo có thể lên tiếng với những danh từ vốn thừa nhận và thúc đẩy những tuyên bố thầm lặng về sự thật và thúc đẩy phẩm giá con người”, Đức giáo hoàng Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube