Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoanh nghênh các dự án chống đói kém của Dòng Tên tại Argentina

Một người đàn ông chơi guitar bên dưới bức tranh tường của Giáo hoàng Francis trong một cuộc khóa cửa do chính phủ ra lệnh để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus mới ở Buenos Aires, Argentina, Thứ Tư, ngày 29 tháng 4 năm 2020. (Tín dụng: Natacha Pisarenko./AP)

Một người đàn ông chơi guitar bên dưới bức tranh tường về Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời gian cách ly xã hội do chính phủ chỉ thị nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus chủng mới tại  Buenos Aires, Argentina, thứ Tư, ngày 29 tháng 4 năm 2020 (Ảnh: Natacha Pisarenko/AP)

ROSARIO, Argentina – Mặc dù Đức Giáo hoàng Phanxicô chưa một lần trở về thăm quê hương kể từ khi đắc cử Giáo hoàng vào năm 2013, nhưng Ngài thường đưa ra những dấu chỉ cho thấy trái tim Ngài vẫn thuộc về đất nước nơi Ngài sinh ra.

Gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi những lá thư viết tay cho hai tổ chức từ thiện được bảo trợ bởi Dòng Tên, Dòng tu mà Đức Phanxicô làm một thành viên.

Ý niệm chung của cả hai chiến dịch tương tự nhau: Cung cấp hết mức có thể các gói thực phẩm cho các gia đình trong đại dịch coronavirus COVID-19 với sự trợ giúp của các công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm trong nước.

Tại Argentina, khoảng 60.000 người đã được xét nghiệm dương tính với virus này, với 1.232 trường hợp tử vong.

Những con số này có vẻ thấp so với các quốc gia láng giềng – Brazil đã ghi nhận gần 60.000 ca tử vong và Chile, với chưa đến một nửa dân số Argentina, có hơn 5.500 người chết – đường cong lây nhiễm tại Argentina vẫn đang gia tăng. Điều này đã khiến Tổng thống Alberto Fernandez phải buộc thủ đô và vành đai công nghiệp của nó phải quay trở lại “giai đoạn 1” của các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Khi chỉ thị gần đây nhất kết thúc sau hai tuần lễ nữa, khoảng 14 triệu người sống ở Buenos Aires sẽ phải trải qua 120 ngày bị giam hãm trong nhà, nhiều người không thể làm việc.

Liên Hợp Quốc gần đây ước tính rằng vào cuối đại dịch, hơn 52% tổng dân số của nước này sẽ ở dưới mức nghèo khổ. Do đó, cần có các dự án từ thiện chẳng hạn như các chương trình “Seamos Uno” và “Cordoba urgencia alimentaria” do Dòng Tên điều hành.

“Seamos Uno” có trụ sở tại Buenos Aires lớn hơn trong hai dự án và mục tiêu của nó là cung cấp một triệu hộp đầy thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh vốn có thể duy trì một gia đình bốn người trong ít nhất một tuần lễ. Mỗi hộp chứa đầy đủ thực phẩm cho 56 bữa ăn, và bao gồm những mặt hàng có thương hiệu đang được bán với giá sỉ bởi một số công ty thực phẩm lớn nhất trong nước.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một bức thư gửi cho Linh mục Dòng Tên Rafael Velasco, người đứng đầu cộng đoàn Dòng Tên địa phương: “Những sáng kiến như thế này là điều cần thiết ở bất cư nơi đâu, trong thời điểm hiện tại cũng như để duy trì các biện pháp khắc phục ‘hậu quả’ của đại dịch”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng cảm ơn Tỉnh Dòng Tên Argentina vì lời chứng của họ, Ngài nói: “Đó quả là điều tốt đẹp biết bao”.

Cho đến nay, họ đã tiếp nhận 600 triệu peso Argentina (hơn 8 triệu đô la) tiền quyên góp, mà họ đã sử dụng để cung cấp hơn 24 triệu bữa ăn, gần một nửa mục tiêu của họ. Con số này gấp mười sáu lần lượng thực phẩm mà chính phủ đã phân phát thông qua quân đội.

Một yếu tố quan trọng của chiến dịch này đó là tính minh bạch của nó: Nó được kiểm toán bởi bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới: Deloitte, EY, KPMG và PWC. Mỗi hộp thực phẩm có một cơ chế theo dõi để đảm bảo nó đến được gia đình đã được trù định. Chiến dịch này đặc biệt nhắm đến những người không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào của nhà nước mà là những người làm việc trong lĩnh vực “phi chính thức”, do đó, chứng kiến thu nhập của họ bị cắt giảm đến mức gần như không có gì kể từ sau lệnh phong tỏa của nước này.

Những khuôn mặt đại diện của “Seamos Uno” là Emanuel “Manu” Ginobili, một trong hai cầu thủ bóng rổ duy nhất đã giành được danh hiệu EuroLeague, chức vô địch của NBA, và một huy chương vàng Olympic, và Gabriela Sabatini, tay vợt vĩ đại nhất của Argentina trong lịch sử. Cứ 15 đô la được quyên góp, mọi người có cơ hội trò chuyện với “các ngôi sao” của chiến dịch thông qua Zoom.

Nhóm đứng đằng sau chiến dịch #SeamosUno là một nhóm liên tôn bao gồm các đại diện đến từ CIAS (Trung tâm nghiên cứu và Hành động xã hội); Tổ chức từ thiện Công giáo Caritas; Ngân hàng thực phẩm Argentina; Liên minh Kitô giáo của các nhà thờ Tin lành của Cộng hòa Argentina; Dòng Tên; Hội đồng Mục sư Tin Lành của Buenos Aires; Hiệp hội người Do Thái Argentina; và Hiệp hội doanh nhân Kitô giáo Argentina.

Đứa con tinh thần của dự án đó là Linh mục Dòng Tên Rodrigo Zarazaga, người đã nhanh chóng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tàn phá mà COVID-19 sẽ gây ra cho những người nghèo trong nước thậm chí ngay cả trước khi các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng.

Trong một cuộc gọi hội nghị với một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà Linh mục Zarazaga đã làm việc trước đó, Linh mục Zarazaga đã thúc giục họ làm một điều gì đó về việc này: “Chúng ta cần phải tổ chức một cơ chế viện trợ với quy mô lớn. Hãy rút danh bạ của quý vị ra và bắt đầu liên lạc mọi người”.

Bí quyết thành công của chiến dịch là gì? “Chúng tôi không cố gắng để hơn thua ai hết”, một trong những doanh nhân chia sẻ. “Chúng tôi có mặt ở đây để tìm hiểu, nhưng đồng thời cũng đặt tất cả kinh nghiệm chuyên môn và xã hội của mình để giúp đỡ bằng mọi cách có thể, cùng chung tay với những người có thể biết nhiều hơn chúng tôi về điều này điều nọ”.

(Mỗi doanh nhân đều yêu cầu được giấu tên, theo tinh thần của tổ chức từ thiện)

“Quý vị có được trải nghiệm trực tiếp về sự trợ giúp quy mô lớn này”, một doanh nhân khác chia sẻ. “Điều này bao gồm niềm tự hào xuất phát từ một công việc được thực hiện tốt. Nhưng nó cũng để lại cho tôi dư vị của sự cay đắng, bất lực và thất vọng: Chúng ta không thể trốn chạy thực tế của sự nghèo khổ. Chứng kiến thực tế nơi một đất nước sản xuất lương thực có khả năng nuôi sống 400 triệu người những lại có đến 20 triệu người không thể có nổi thức ăn”.

Như Linh mục Zarazaga chia sẻ khi chúc lành cho những chiếc hộp thực phẩm đầu tiên được sản xuất vào đầu Tuần Thánh, nhiều người hy vọng chiến dịch sẽ giúp người dân Argentina hiểu rằng “sẽ không thể có được một Argentina giàu đẹp nếu như người dân không được chăm lo đầy đủ, và sẽ không thể có một Argentina hùng cường nếu nó không mang lại sự ấm no cho tất cả mọi người dân”.

Cha Angel Rossi, cũng là một tu sĩ Dòng Tên, đứng sau ‘Cordoba Urgencia Alimentaria’, nhằm mục đích cung cấp thực phẩm cho 25.000 gia đình. Được tổ chức bởi một số thực thể Công giáo, bao gồm Caritas, Dòng Tên và Đài phát thanh ‘Radio Maria’, tổ chức này được khởi xướng trước đó vào tháng Sáu. Thực phẩm hiện đang được phân phối thông qua một mạng lưới bao gồm các Giáo xứ. Với chưa đến 10 đô la, một phần thực phẩm có thể tài trợ cho một gia đình bốn người có đủ thức ăn kéo dài trong một tuần lễ.

“Có những nhu cầu không thể chờ đến ngày mai và một trong số đó là khi bạn không thể mang thực phẩm đến với một người nào đó”, Linh mục Rossi nói. “Đây là điều đã xảy ra ở nhiều gia đình nhưng đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch”.

Linh mục Rossi nhận thức được rằng sáng kiến sẽ không giải quyết được vấn đề tiềm ẩn. Nhưng Linh mục Rossi cho biết rằng điều đó tốt hơn là không làm gì cả, đặc biệt khi thấy nhiều người đến thăm nhà thờ kêu cầu sự giúp đỡ.

Linh mục Rossi cho biết ngài tin rằng Argentina phải chịu đựng ‘văn hóa của sự thờ ơ’ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần đề cập. “Hy vọng, khi sự an yên quay trở lại thăm chúng ta, nó sẽ không nhìn thấy chúng ta bị cuốn hút vào cám dỗ để bỏ quên người khác, những người vẫn sẽ cần sự giúp đỡ, ngay cả khi đối với chúng ta, mọi thứ đã ‘quay trở lại bình thường’”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Linh mục Rossi hiểu biết rất rõ về nhau: hai người đã cùng sống trong cùng một cộng đoàn trong suốt 8 năm.

Khi Đức Bergoglio còn là Tổng Giám mục Địa phận Buenos Aires, Ngài chia sẻ rằng “Cha Rossi là một Linh mục thuyết phục bằng lời nói của mình. Khi mọi người biết đến khiếu ăn nói của ngài, nhiều người kéo đến; các bạn trẻ kéo đến; các gia đình cũng kéo đến; các hối nhân xếp hàng dài chờ đợi tại tòa giải tội; mọi người kéo đến với ngài”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Đức Phanxicô gửi cho một Linh mục Dòng Tên một lá thư cảm ơn vì dự án hiện tại của ngài.

Đức Giáo hoàng Phanxicô viết rằng Ngài coi sáng kiến này đồng nghĩa với “một sự khởi đầu để thay đổi hướng tới thế giới hậu COVID-19. Mối đe dọa nghiêm trọng mà chúng ta phải vượt qua đó là xã hội được xây dựng lại như trước khi xảy ra đại dịch. Từ một cuộc khủng hoảng (và đây chính là một cuộc khủng hoảng), chúng ta không thoát ra một cách giống nhau: hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn”.

Theo nghĩa này, Đức Phanxicô cho biết thêm: “Sáng kiến ‘Cordoba Urgencia Alimentaria’ không chỉ là một tổ chức từ thiện bác ái; nó nhằm mục đích hướng tới việc thay đổi tương lai, phá vỡ các kế hoạch cứng nhắc, gạt bỏ văn hóa thờ ơ, tuyên bố rằng con người – tất cả mọi người, từng người – quan trọng hơn tiền bạc”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube