Đức Giám mục Công giáo Địa phận Madison lên án việc hủy hoại các bức tượng tôn giáo: “Tôi không thể tiếp tục giữ im lặng”

Bức tượng của Linh mục Công giáo La Mã Junipero Serra, Palma de Mallorca vào ngày 22 tháng 6 năm 2020, sau khi nó được tô điểm bằng chữ graffiti "Racist". Tín dụng: Jaime Reina AFP / Getty

Bức tượng Linh mục Công giáo La Mã Junipero Serra được chụp tại Palma de Mallorca vào ngày 22 tháng 6 năm 2020, sau khi bị xịt lên dòng chữ graffiti “Racist” (Ảnh: Jaime Reina AFP/ Getty)

Khi những kẻ bạo loạn trên khắp Hoa Kỳ nhắm vào các bức tượng mô tả các nhân vật lịch sử, hôm thứ Ba 23/6, Đức Giám mục Địa phận Madison, Wisconsin đã tố cáo hành vi phá hoại đó, cùng với lời kêu gọi hủy hoại một số bức tượng mô tả Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria.

“Có nên chăng một số bức tượng phải được đặt trong các bảo tàng hoặc nơi lưu trữ? Có lẽ vậy. Chúng ta có nên để cho một nhóm những kẻ phá hoại đưa ra những quyết định đó thay chúng ta? Thưa không!”, Đức Giám mục Donald Hying Địa phận Madison chia sẻ trong một lá thư vào ngày 23 tháng Sáu.

“Nếu chúng ta để cho lịch sử đầy những hoài niệm và hình ảnh của quốc gia chúng ta bị phá hủy bởi các nhóm ngẫu tùy tiện trong thời điểm đầy sự phẫn nộ hiện tại, chúng ta sẽ học được gì từ lịch sử đó? Liệu việc kéo đổ và phá hoại bức tượng của Tổng thống George Washington vì ông sở hữu người nô lệ, có thực sự phục vụ đất nước và ký ức tập thể của chúng ta không?”.

Đức Giám mục Hying cũng đã trả lời một tweet lan truyền gần đây từ nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Shaun King, người đã nói rằng ngày 22 tháng 6 rằng “những bức tượng của người Âu châu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giêsu cũng phải bị giật xuống. Đó là một hình thức của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”, cùng với “tất cả các bức tranh trên tường và cửa sổ kính màu mô tả Chúa Giêsu với nước da trắng, và Mẹ Người, và các Thánh theo hình ảnh của người Âu Châu”.

Đức Cha Hying lưu ý rằng mọi nền văn hóa, quốc gia, dân tộc và chủng tộc “đều đã tuyên bố Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria theo cách riêng của họ”, miêu tả các Ngài với nàu da theo văn hóa của họ và mặc những bộ trang phục theo văn hóa của họ.

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nhấn mạnh trong đoạn 1149, rằng: “Phụng vụ của Hội Thánh thừa nhận, tiếp thu và thánh hoá các yếu tố trong thiên nhiên và trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời làm cho chúng trở nên những dấu chỉ của ân sủng, của thụ tạo mới trong Đức Ki-tô”.

Chẳng hạn, vị Giám chức lưu ý, Đức Mẹ Guadalupe đã xuất hiện với tư cách là một phụ nữ “hợp chủng” (mestiza); nghệ thuật châu Phi mô tả Chúa Giêsu là người da đen, và Đức Trinh Nữ Maria trong trang phục văn hóa châu Phi; cũng như có rất nhiều cách diễn tả về Đức Trinh Nữ Maria theo văn hóa châu Á.

Trong khi tại một số thời điểm trong lịch sử Giáo hội, một số người đã đánh đồng một cách sai lầm “sự phát triển của Giáo hội Công giáo với văn hóa châu Âu”, người Công giáo thay vào đó nên nỗ lực phấn đấu “để có được sự thống nhất trong những điều cần thiết, và sự đa dạng trong những điều không phải như thế”, Đức Cha Hying nói.

“Trong bối cảnh này, liệu có phải những cách miêu tả về Chúa Kitô và Mẹ của Ngài với nước da trắng là dấu hiệu cố hữu của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng? Tôi thiết nghĩ là không. Bởi vì Con Thiên Chúa đã Nhập thể làm người, không phải tất cả nhân loại – mọi chủng tộc, bộ lạc và ngôn ngữ – đều có khả năng tâm linh để mô tả Ngài qua lăng kính đặc biệt trong văn hóa của họ?”, Đức Cha Hying nói.

Những cách mô tả về Chúa Giêsu đều là thánh thiêng đối với các Kitô hữu, Đức Cha Hying nói – đó là những biểu hiện về thể lý của tình yêu của Thiên Chúa, và đồng thời nhắc nhở chúng ta về “sự gần gũi của Thiên Chúa”.

“Hành động bài trừ thánh tượng thế tục trong thời điểm hiện tại sẽ không mang lại sự hòa giải, hòa bình và sự chữa lành. Tình trạng bạo lực như vậy sẽ chỉ duy trì sự định kiến và hận thù mà nó mạo nhận là tìm cách chấm dứt … Chỉ có tình yêu của Chúa Kitô mới có thể chữa lành một trái tim bị tổn thương, chứ không phải là một khối kim loại bị phá hoại”, Đức Cha Hying kết luận.

Tại Madison hôm thứ Ba, những kẻ bạo loạn đã kéo đổ bức tượng của Hans Christian Heg, một người theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng chiến đấu chống lại những người ủng hộ phe liên bang và những kẻ bắt nô lệ – và ném bức tượng xuống hồ Monona tại thành phố Madison. Mặc dù bức tượng đã được phục hồi, nó đã bị hư hại nghiêm trọng và bị mất phần đầu và một chân.

Một bức tượng được gọi là “Lady Forward” – bản mô phỏng của một bức tượng nổi tiếng được tạo ra bởi một người phụ nữ – cũng bị phá hoại và bị những kẻ bạo loạn kéo lê ít nhất một dãy nhà qua trung tâm Madison.

Trên khắp đất nước, những người biểu tình trong những ngày gần đây đã kéo đổ các bức tượng của các nhà lãnh đạo Liên minh và các nhân vật liên quan đến chế độ nô lệ, nhưng ở một số nơi, họ còn kéo đổ các bức tượng của các vị Thánh Công giáo, những người theo chủ nghĩa bãi nô và các nhân vật khác.

Tình trạng bạo lực ở Madison đã lên cơn sốt vào tối hôm thứ Ba khi những người biểu tình tấn công và khiến Thượng nghị sĩ tiểu bang Tim Carpenter (D-Milwaukee) bị thương gần thủ đô bang Wisconsin, rõ ràng là vì ông Carpenter đang quay phim các cuộc biểu tình bằng điện thoại của mình.

Phát biểu với CNA hôm thứ Ba, Đức Cha Hying nhấn mạnh rằng nhiều cuộc biểu tình thành công nhất của kỷ nguyên Dân quyền được khẳng định dựa trên các ý tưởng bất bạo động của Kitô giáo và hiểu biết Kinh Thánh về con người.

Các nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo – phẩm giá con người; giá trị của tinh thần liên đới, “tất cả chúng ta cùng nhau ở đây”, một sự lựa chọn ưu tiên người nghèo – cần phải hiện diện trong bất kỳ phản ứng nào của người Công giáo trước những sự bất công, Đức Cha Hying nói.

“Nếu không dựa trên điều đó, thì thực sự cuối cùng mọi phản ứng đều nói về quyền lực – khi tôi cần phải khẳng định sức mạnh của mình, trong những tình huống mà tôi cảm thấy bất lực”, Đức Cha Hying giải thích.

“Nó trở thành một cuộc tranh giành quyền lực, thay vì một mối quan hệ biến đổi trở thành cách Thiên Chúa mong muốn chúng ta sống như huynh đệ”.

Một số nhân vật Công giáo trên phương tiện truyền thông xã hội đã kêu gọi các Giám mục tham dự các cuộc tuần hành trong thành phố của họ và ngăn chặn những kẻ bạo loạn kéo đổ và phá hoại các bức tượng.

Đức Cha Hying cho biết rằng bất cứ điều gì một Giám mục làm ở nơi công cộng đều phải bắt nguồn từ “một phản ứng cầu nguyện mang tính tâm linh”, chứ không phải theo bất kỳ động lực chính trị nào.

Bất kỳ phong trào chính trị nào không công nhận phẩm giá của mỗi người đều có xu hướng hướng tới “ảnh hưởng chính trị” và bạo lực, Đức Cha Hying nói.

“Tôi thiết nghĩ sự hiện diện của chúng ta luôn cần liên quan đến sự hiện diện mang tâm tình cầu nguyện. Nếu chúng ta cùng nhau quy tụ ở một nơi nào đó một cách công khai, tôi thiết nghĩ đó không phải là trong bối cảnh của một cuộc tập hợp, tôi thiết nghĩ đó không phải là trong bối cảnh chính trị … đó phải là bối cảnh của cầu nguyện. Nếu không thì tôi thiết nghĩ nó có thể liên quan đến hoạt động chính trị của thời điểm hiện tại”.

Nhiều người Công giáo và thậm chí một số Giám mục đã tham dự và cầu nguyện tại các cuộc tuần hành ôn hòa trên khắp đất nước.

Đức Cha Hying cho biết rằng đối với ngài, rõ ràng là hành vi bạo lực và đối xử tệ bạc với người Mỹ bản địa và sự áp bức đối với những người Mỹ gốc Phi thông qua chế độ nô lệ là hai trong số những thất bại lớn nhất về mặt luân lý.

Tình huống hiện tại đòi hỏi, Đức Cha Hying viết trong bức thư, sự hiểu biết về lịch sử tốt hơn và các cuộc thảo luận mang tính tôn trọng đối với các bức tượng, tòa nhà và các đài tưởng niệm.

“Chúng ta phải nghiên cứu và hiểu biết về lịch sử này để vượt qua nó, học hỏi từ đó và cam kết với công lý, sự bình đẳng và tinh thần liên đới”, Đức Cha Hying nói.

“Đồng thời, thậm chí ngay cả những khía cạnh tồi tệ nhất của lịch sử cũng cần được ghi nhớ và lưu giữ trước mắt chúng ta. Auschwitz vẫn công khai như một đài tưởng niệm và một bảo tàng, để nhân loại không bao giờ quên đi sự kinh hoàng của cuộc thảm sát Holocaust”.

Những người biểu tình tại Công viên Cổng Vàng tại San Franciscođã kéo đổ bức tượng Thánh Junipero Serra vào ngày 20 tháng 6, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses S. Grant. Tại Los Angeles vào cùng ngày, những kẻ bạo loạn đã kéo đổ bức tượng Thánh Serra tại trung tâm thành phố thành phố.

Trong khi nhiều nhà hoạt động ngày nay liên kết Thánh Serra với những sự ngược đãi mà những người Mỹ bản địa đã phải chịu đựng, tiểu sử các danh nhân và hồ sơ lịch sử cho thấy Thánh Serra quả thực đã bênh vực những người bản địa chống lại quân đội Tây Ban Nha và chống lại việc xâm lấn khu định cư châu Âu.

Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone Địa phận San Francisco đã lên án cái gọi là “luật đám đông” vốn đã dẫn đến việc hủy hoại bức tượng Thánh Serra trong thành phố. Đức Giám mục Thomas Daly Địa phận Spokane, Washington, một người gốc California, cũng lên án hành vi phá hoại các bức tượng.

“Giáo hội không khi nào mong muốn sự bất công không được trả lời, nhưng hai điều sai trái không làm nên một điều đúng. Nếu chúng ta không thể thừa nhận sự tốt lành của một vị Thánh như Thánh Junipero Serra, chúng ta có nguy cơ yêu thích ý thức hệ hơn sự thật”, Đức Cha Daly chia sẻ hôm 22 tháng Sáu.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube