ĐTC Phanxicô gửi điện thư chia buồn sau khi 32 người thiệt mạng trong các vụ đánh bom tự sát tại Iraq

Giáo hoàng Francis, hình ngày 4 tháng 10 năm 2014 (Ảnh: Mazur / catholicnews.org.uk)

ĐTC Phanxicô trong bức hình được chụp vào ngày 4 tháng 10 năm 2014 (Ảnh: Mazur / catholicnews.org.uk)

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân của hai vụ đánh bom liều chết ở Baghdad, diễn ra chưa đầy hai tháng trước chuyến viếng thăm Iraq theo lịch trình của Ngài.

Ít nhất 32 người thiệt mạng sau khi hai kẻ đánh bom liều chết cho nổ áo khoác chứa chất nổ trong một khu chợ gần Quảng trường Tayaran ở trung tâm Baghdad vào sáng ngày 21 tháng 1. Ước tính có khoảng 100 người khác bị thương.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một bức điện thư tới Tổng thống Iraq Barham Salih bày tỏ sự chia buồn của Đức Thánh Cha.

“Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn khi biết tin về các vụ đánh bom tại Quảng trường Tayaran tại Baghdad sáng nay. Lên án hành động tàn bạo vô nghĩa này, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân đã qua đời và gia đình của họ, những người bị thương và đội ngũ nhân viên cấp cứu có mặt tại hiện trường”, theo nội dung bức điện gửi vào ngày 21 tháng 1.

“Tin tưởng rằng tất cả mọi người sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc để vượt qua tình trạng bạo lực với tinh thần huynh đệ, liên đới và hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin phúc lành của của Đấng Tối Cao tuôn đổ xuống trên quốc gia và toàn thể người dân trong nước”.

Vụ đánh bom diễn ra một ngày sau khi Vatican đưa ra một tuyên bố nêu rõ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq sẽ diễn ra “tùy thuộc vào những sự thay đổi” từ ngày 5-8 tháng 3.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 10 tháng 1, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự không chắc chắn về việc liệu chuyến viếng thăm có thể diễn ra với đại dịch coronavirus hiện tại hay không.

Nếu chuyến viếng thăm diễn ra theo đúng kế hoạch, Đức Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq, quốc gia vẫn đang hồi phục sau sự tàn phá do tổ chức Nhà nước Hồi giáo gây ra.

Vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Ngài muốn sớm viếng thăm đất nước này. Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha tới Iraq đã được Vatican nghiên cứu trong nhiều năm, nhưng cho đến gần đây đất nước này hiện vẫn bị coi là một quốc gia có nguy cơ về vấn đề an ninh.

17 Giám mục Công giáo đã gặp nhau vào ngày 19 tháng 1 tại trụ sở của Tòa Thượng Phụ Chaldean ở Baghdad để thảo luận về kế hoạch cho chuyến viếng thăm rất được mong đợi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thiếu tướng Khaled Al-Muhanna, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Iraq, hôm 21/1 cho biết chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng theo New York Times, những kẻ đánh bom có thể đã liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo theo một cách nào đó.

Đây là vụ đánh bom liều chết đầu tiên xảy ra ở Iraq kể từ tháng 1 năm 2018, hãng tin AP đưa tin.

Theo Trung tâm Wilson, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở thời kỳ đỉnh cao kiểm soát khoảng 40% lãnh thổ ở Iraq, đã mất 95% lãnh thổ ở Iraq và Syria vào tháng 12 năm 2017.

Nếu chuyến viếng thăm Iraq được tiến hành, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến thăm các cộng đồng Kitô giáo ở Đồng bằng Nineveh, nơi bị Nhà nước Hồi giáo tàn phá từ năm 2014 đến năm 2016, khiến nhiều Kitô hữu phải chạy trốn khỏi khu vực. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ sự gần gũi của mình với các Kitô hữu bị đàn áp này.

Sau khi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq được công bố vào tháng 12, Đức Tổng giám mục Công giáo Chaldean Bashar Warda Địa phận Erbil phát biểu với CNA rằng ngài tin rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có “tiềm năng thay đổi quỹ đạo của sự hiện diện của Kitô giáo tại Iraq từ một trong những dân tộc đang dần biến mất thành một trong những một dân tộc tồn tại và phát triển”.

Kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng các khu vực phía bắc Iraq vào năm 2014, số lượng các tín hữu Kitô giáo sống ở các khu vực bị chiếm đóng trước đây đã giảm từ 102.000 người xuống còn 36.000 người.

Theo một báo cáo của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, một số tín hữu Kitô giáo đã trở về Đồng bằng Nineveh khi nhà cửa của họ được xây dựng lại, nhưng nhiều gia đình Kitô giáo rời bỏ khu vực này hơn là trở về quê hương vào năm ngoái.

Tình trạng bất ổn kinh tế và những thách thức về vấn đề an ninh tiếp tục là động lực thúc đẩy cuộc di cư tiếp diễn này.

Người dân Iraq đã phản đối chính phủ tham nhũng và thiếu các cơ hội kinh tế kể từ tháng 10 năm 2019. Đại dịch coronavirus và sự sụp đổ của giá dầu vào năm 2020 đã làm suy yếu thêm nền kinh tế của đất nước này.

“Hiện tại, điều chúng tôi cần nhất là cơ hội kinh tế cho người dân, một con đường dẫn đến sinh kế phù hợp với phẩm giá”, Đức TGM Warda nói.

“Đây là điều chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế có thể hiểu rõ nhất tại thời điểm này”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube