ĐTC Phanxicô gọi đời sống độc thân Linh mục là 'một món quà' và tình bạn có thể khiến nó trở nên dễ dàng hơn

DTC2

RÔMA – Phát biểu trước một hội nghị khám phá nền tảng của Thiên chức Linh mục, hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gần gũi với Thiên Chúa và những người khác trong đời sống của một Linh mục, đồng thời cũng cho biết rằng tình bạn và đời sống cầu nguyện có thể khiến những thách thức chẳng hạn như việc sống lời khấn độc thân trở nên dễ dàng hơn.

“Khi tình huynh đệ linh mục phát triển và tồn tại các mối tương quan của tình bạn đích thực”, Đức Thánh Cha nói, “việc trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn sẽ trở nên khả thi”.

“Đời sống độc thân là một món quà mà Giáo hội Latinh gìn giữ, nhưng nó là một món quà, được trải nghiệm như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng yêu mến thực sự và sự tốt lành thánh thiện thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô”, Đức Thánh Cha nói.

Nếu không có những người bạn thực sự và không có đời sống cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói, “đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng đối với chính vẻ đẹp của chức Linh mục”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị chuyên đề từ ngày 17-19 tháng 2 do Bộ Giám mục Vatican tổ chức với tiêu đề “Hướng tới nền Thần học Cơ bản về Chức Linh mục”, tập trung vào chủ đề “Đức tin và Chức Linh mục ngày nay”.

Trong bài phát biểu dài của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết bối cảnh xã hội hiện tại “không chỉ để trải nghiệm sự thay đổi, mà còn chấp nhận nó khi thừa nhận rằng thời đại của chúng ta là thời kỳ của sự thay đổi mang tính lịch sử”.

Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại sự cám dỗ của việc tiếp tục “neo đậu trong quá khứ” khi những thử thách xuất hiện và từ chối tiến về phía trước, hoặc ôm đồm và “lạc quan quá mức” coi “điều mới lạ gần đây nhất là thực tế tối thượng” và quên đi sự khôn ngoan của quá khứ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phân định trong các tình huống khác nhau, đặc biệt là trong Giáo hội và giữa các linh mục.

Đức Thánh Cha đã rút ra kinh nghiệm của chính mình trong suốt hơn 50 năm Linh mục, nhấn mạnh bốn hình thức của “sự gần gũi” mà ngài cho biết là chìa khóa để kiên trì vượt qua những thăng trầm của đời và sứ vụ của một linh mục.

Điều quan trọng nhất, Đức Thánh Cha nói, là sự gần gũi với Thiên Chúa, vốn là nơi một linh mục kín mục “tất cả mọi sức mạnh cần thiết cho sứ vụ của mình”.

“Nếu không có mối tương quan có ý nghĩa với Thiên Chúa, sứ vụ của chúng ta sẽ không có kết quả” Đức Thánh Cha nói, và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện kiên định, điều mà ngài cho biết sẽ giúp một linh mục tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa trong những thời thời điểm khó khăn thử thách.

“Nhiều cuộc khủng hoảng trong sứ vụ linh mục bắt nguồn từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu sự gần gũi mật thiết với Thiên Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ còn là một thực hành tôn giáo”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời đề cập đến việc tôn thờ Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, sự hiện diện của một vị linh hướng, và Bí tích Giải tội như những công cụ tỏ ra hữu ích trong sứ vụ linh mục của chính vị linh mục đó.

Đôi khi, cầu nguyện trở thành “một nghĩa vụ”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gạt bỏ “chủ nghĩa tích cực của Mác-ta”, và đón nhận thái độ chiêm ngắm của Maria, người mà trong các sách Phúc Âm thích ngồi kề cạnh Chúa Giêsu thay vì bận rộn với mọi thứ chuẩn bị cho Chúa Giêsu, với tư cách là khách mời của họ.

“Sự kiên trì trong việc cầu nguyện không chỉ đơn giản là trung thành với việc thực hành cầu nguyện: nó có nghĩa là không trốn chạy trong những lúc việc cầu nguyện đưa chúng ta bước vào sa mạc. Con đường trong sa mạc là con đường dẫn đến sự thân mật với Thiên Chúa, với điều kiện là chúng ta không trốn chạy hoặc tìm cách né tránh cuộc gặp gỡ này”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời hỏi các tham dự viên rằng liệu họ có khả năng để cho mình được đưa vào sa mạc hay không.

Khi làm điều này, Đức Thánh Cha cho biết thêm, “sự gần gũi với Thiên Chúa cho phép vị linh mục chạm vào những tổn thương trong tâm hồn chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các linh mục phải gần gũi với vị Giám mục của họ, người mà các linh mục cam kết vâng phục khi chịu chức linh mục.

Thông thường, mối tương quan này được coi là “một phía”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời lưu ý rằng “ngay cả ngày nay, quan điểm của chúng ta về sự vâng phục vẫn khác xa với ý nghĩa của Tin Mừng”.

“Sự vâng phục không phải là một đặc tính kỷ luật nhưng là dấu chỉ sâu xa nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông. Vâng phục nghĩa là học cách lắng nghe, để nhớ rằng không ai ‘làm chủ’ ý muốn của Thiên Chúa, vốn phải được nhận thức thông qua sự phân định”, Đức Thánh Cha nói.

Sự gần gũi với vị Giám mục của mình và với những người khác, Đức Thánh Cha nói, cho phép một linh mục “chiến thắng mọi cám dỗ đối với sự khép kín, tự cho mình là công bình và sống cuộc đời của chúng ta như ‘những người độc thân’. Thay vào đó, nó mời gọi chúng ta lắng nghe người khác, để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và sự sống”.

 Giám mục không phải là người hướng dẫn thực hiện các mệnh lệnh, nhưng là “một người cha”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh rằng dù vị Giám mục là ai, ngài đại diện cho một mối ràng buộc có thể giúp nhận biết thánh ý của Thiên Chúa.

“Sự vâng phục cũng có thể là thảo luận, chú ý lắng nghe, và trong một số trường hợp là sự căng thẳng”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời kêu gọi các linh mục cầu nguyện cho các Giám mục của họ và cho biết rằng họ nên tự do bày tỏ ý kiến của mình “với sự tôn trọng và thái độ chân thành”.

 Mặt khác, sự vâng phục đòi hỏi bản thân các Giám mục phải “thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể duy trì mối dây ràng buộc này, chúng ta sẽ tiến về phía trước một cách an toàn trên cuộc hành trình của mình”, Đức Thánh Cha nói.

Sự gần gũi với các linh mục khác

Nói về tầm quan trọng của tình bạn và sự gần gũi đối với các linh mục khác, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tình huynh đệ này không phải là “một sự áp đặt về luân lý”, nhưng là một lựa chọn có chủ ý để theo đuổi sự thánh thiện “cùng với những người khác, chứ không phải tự bản thân mình”.

Tình bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng cảm thấy có trách nhiệm với người khác và giúp họ gánh đỡ gánh nặng của họ. Điều trái ngược với sự kiên nhẫn, Đức Thánh Cha nói, là “sự thờ ơ, khoảng cách mà chúng ta tạo ra với những người khác, để rồi không can dự vào cuộc sống của họ”.

Lưu ý rằng nhiều linh mục trải nghiệm sự đơn độc và lẻ loi trong sứ vụ của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết điều này có thể khiến một số linh mục cảm thấy rằng họ “không cần đến sự kiên nhẫn hoặc sự cân nhắc”, chờ đợi sự phán xét từ những người khác, thay vì lòng tốt.

Những người khác, Đức Thánh Cha nói, trở nên không có khả năng tìm thấy niềm vui với những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của họ, hoặc vui mừng hạnh phúc khi những điều tốt đẹp xảy ra với người khác.

“Đây là sự đố kỵ, hiện hữu trong các đoàn thể của chúng ta; đó là một trở ngại đối với phương pháp sư phạm của tình yêu thương, chứ không đơn thuần chỉ  là một tội lỗi phải được thú nhận”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “sự đố kỵ luôn hiện hữu trong đời sống linh mục”.

Chính qua sự đố kỵ mà tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “sự đố kỵ tồn tại trong các Linh mục đoàn của chúng ta. Không phải nơi tất cả, nhưng nó tồn tại ở đó”. Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục, đặc biệt là những người tham gia vào công việc đào tạo tại Chủng viện, hãy chú ý đến điều này, và sự phổ biến của thói ngồi lê đôi mách.

Đôi khi, một linh mục có thể cảm thấy cần phải đeo “mặt nạ” để trở nên cuốn hút hơn đối với người khác, một số trong số đó gây khó chịu, Đức Thánh Cha nói, nhấn mạnh với các tham dự viên rằng “Nói cách khác, chúng ta không cần phải khoe khoang khoác lác, chưa kể đến việc trở nên tự mãn hoặc tệ hơn là trở nên kiêu ngạo hoặc thô lỗ, thiếu tôn trọng đối với những người lân cận của chúng ta”.

“Có những hình thức của ‘sự bắt nạt’ trong hàng giáo sĩ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “Nếu có một điều mà một linh mục có thể kiêu hãnh, đó là Lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Tình bạn thực sự, Đức Thánh Cha nói, không phải là “không khăng khăng theo cách riêng của mình, hay đầu hàng sự phẫn nộ hay oán giận, như thể người anh em hoặc ngươi lân cận của tôi bằng cách nào đó đã lừa dối tôi điều gì đó”.

Khi một linh mục cảm nhận được sự ác ý từ người khác, họ phải chọn “không nuôi dưỡng sự hận thù, lấy đó làm nền tảng duy nhất cho sự phán xét của tôi, thậm chí có thể đến mức vui mừng vì điều ác trong trường hợp của những người đã khiến tôi đau khổ”.

Đúng hơn, tình yêu đích thực và tình bạn chân chính “vui mừng trước chân lý và coi đó là một tội trọng khi xúc phạm chân lý và phẩm giá của anh chị em chúng ta qua những những lời lẽ vu khống, dèm pha và đàm tiếu”.

Mặt khác, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tình bạn cũng không nên là điều “không tưởng”, “chưa kể đến là một cụm từ sáo rỗng hữu ích nhằm thức tỉnh những cảm xúc nguy hiểm hoặc những bất đồng vẫn còn tồn tại”.

“Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng quả thực khó khăn biết bao khi sống trong cộng đoàn, bên cạnh những người mà chúng ta đã chọn gọi là anh chị em của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và đồng thời nhấn mạnh rằng tình bạn, “miễn là chúng ta đừng làm cho nó trở nên quá lịch thiệp, xác định lại hoặc hạ thấp nó, là ‘lời tiên tri vĩ đại’ mà chúng ta được kêu gọi thể hiện trong xã hội thải loại ngày nay”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các linh mục phải trở nên gần gũi với dân chúng qua sự quan tâm chăm sóc, đồng thời cũng cho biết rằng “mối tương quan của chúng ta với dân thánh của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta không phải là nghĩa vụ mà là ân sủng”.

“Vì lý do này, vị thế thích hợp của mỗi linh mục là hiện diện giữa mọi người, trong mối tương quan gần gũi với những người khác”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “Truyền giáo đồng thời là sự say mê đối với Chúa Giêsu và sự say mê đối với dân của Người”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia vào cuộc sống của mọi người mà không có “lối thoát”, đồng thời cũng cho biết rằng sự gần gũi với các tín hữu đồng nghĩa với việc noi theo phong cách riêng của Thiên Chúa về “sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu hiền”.

Trong tâm thế này, Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta đóng vai trò không phải với tư cách là những thẩm phán, mà là những người Samaritanô nhân hậu, những người thừa nhận những vết thương của dân chúng, những đau khổ thầm lặng của họ, sự từ bỏ bản thân và hy sinh của rất nhiều người cha và người mẹ để hỗ trợ gia đình của họ, cũng như những thừa nhận những tác động của bạo lực, tham nhũng và sự thờ ơ mà theo họ, đang bóp nghẹt mọi hy vọng”.

Dân Chúa đang tìm kiếm một vị Mục tử noi gương Chúa Giêsu chứ không phải “những viên chức giáo sĩ” hay “những chuyên về những điều thiêng liêng, Đức Thánh Cha nói, và vì vậy, các linh mục phải là “những người có lòng can đảm, sẵn sàng tiến lại gần những người đang đau khổ và chìa tay giúp đỡ”.

Chỉ ra sự phổ biến của mạng xã hội trong thế giới kỹ thuật số, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng mặc dù được kết nối với “mọi người và mọi thứ”, người ta thường thiếu cảm giác thực sự của sự thân thuộc, điều mà ngài nói là một cái gì đó sâu sắc hơn sự kết nối đơn thuần.

Do đó, sự gần gũi của một vị Mục tử “có thể giúp quy tụ một cộng đoàn và thúc đẩy sự phát triển của cảm giác về sự thân thuộc đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời gọi cảm giác về sự thân thuộc này là “liều thuốc giải độc cho sự méo mó về ơn gọi vốn xảy ra bất cứ khi nào chúng ta quên rằng đời sống linh mục chịu ơn người khác”.

Khi một linh mục quên rằng cuộc đời của mình chịu ơn Thiên Chúa và những người mà họ phục vụ, thì đây chính là gốc rễ của chủ nghĩa giáo quyền, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời gọi chủ nghĩa giáo quyền là một sự bóp méo đối với ơn gọi linh mục “bởi vì nó không dựa trên sự gần gũi mà dựa trên sự xa cách”.

Sự cứng nhắc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói,  là “một sự lệch lạc khác” của đời sống linh mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gọi điều ngài nói là “việc giáo sĩ hóa giáo dân”, khi một nhóm nhỏ bao gồm những giáo dân “ưu tú” quy tụ xung quanh vị linh mục và “cuối cùng phản bội sứ mạng nền tảng của chính họ”.

“Chúng ta hãy nhớ rằng sứ mạng của tôi là ở trong lòng mọi người chứ không chỉ là một phần cuộc đời của tôi hay một huy hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải là một ‘điều thêm vào’ hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Thay vào đó, nó là thứ mà tôi không thể nhổ bỏ khỏi con người mình trừ phi hủy hoại chính bản thân mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Giám mục và linh mục tự vấn bản thân về tình trạng của sự gần gũi của họ với Thiên Chúa, với các Giám mục của họ, với các linh mục khác và với anh chị em giáo dân của họ, đồng thời cho biết rằng những điểm này “là sự đào luyện hữu hiệu để thi đua trên một sân cỏ rộng mở, nơi các linh mục được kêu gọi hiện diện mà không sợ hãi hoặc cứng nhắc, mà không hạ thấp hoặc làm nghèo nàn sứ mạng của họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để Thiên Chúa sẽ “viếng thăm các linh mục của ngài qua lời cầu nguyện của họ, qua vị Giám mục của họ, qua các anh em linh mục của họ và qua anh chị em giáo dân của họ. Chớ gì Thiên Chúa đảo lộn thói quen hàng ngày của chúng ta, phá vỡ cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta luôn thao thức – như lúc mới yêu – và dẫn dắt chúng ta tận dụng tất cả mọi tài năng và khả năng của mình để đảm bảo rằng anh chị em giáo dân của chúng ta có thể có sự sống và có được cuộc sống trong sự dồi dào”.

Các hình thức của sự gần gũi được nhấn mạnh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là một món quà từ Thiên Chúa cần thiết để “giữ cho ơn gọi của chúng ta sống động và sinh hoa kết quả”.

“Nếu chúng ta bị cám dỗ để bị cuốn vào những bài phát biểu tràng giang đại hải, những cuộc thảo luận về thần học về chức Linh mục hoặc những lý thuyết về chức Linh mục phải như thế nào, thì về phần mình, Thiên Chúa chỉ nhìn chúng ta với sự dịu dàng và lòng trắc ấn”, Đức Thánh Cha nói.

“Ngài chỉ cho các linh mục những tấm biển chỉ đường để đánh giá cao và khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo của họ: gần gũi với Thiên Chúa, với vị Giám mục của họ, với các anh em linh mục và với những người được giao phó cho sự chăm sóc của họ. Một sự gần gũi theo phong cách của chính Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi với chúng ta, với lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu hiền”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube