ĐHY Giuse Trần Nhật Quân: Giáo hội đang đánh mất 'sự tín nhiệm' trong công cuộc truyền giáo tại Trung Quốc

Đức Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun rời Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rome, ngày 18 tháng 11 năm 2014. Nguồn: Bohumil Petrik / CNA)

Đức Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun rời Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rome, ngày 18 tháng 11 năm 2014 (Anhr: Bohumil Petrik / CNA)

Nguyên Giám mục Hồng Kông, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), chia sẻ rằng những nỗ lực của Giáo hội trong việc đàm phán gia hạn thỏa thuận tạm thời năm 2018 với Trung Quốc đang làm tổn hại đến công việc truyền giáo của quốc gia này.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, Đức Hồng y Zen cho biết rằng sự im lặng của Giáo hội đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Cộng sản, bao gồm việc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong một mạng lưới các trại tập trung ở tỉnh Tân Cương, đang gây tổn hại đến khả năng của Giáo hội trong việc nắm giữ vai trò của mình trong việc định hình tương lai của đất nước.

 “Sự im lặng sẽ làm tổn hại công cuộc truyền giáo”, Đức Hồng y Zen nói. “Mai này, khi mọi người sẽ cùng nhau quy tụ để lập kế hoạch xây dựng một Trung Quốc mới, Giáo hội Công giáo có thể không được chào đón”.

Trong khi các Đức Hồng y Zen, Đức Hồng y Charles Muang Bo của Miến Điện và Đức Hồng y Ignatius Suharyo của Indonesia đã liên tục tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, thì Vatican vẫn giữ im lặng trước những sự việc mà các nhóm nhân quyền gọi là tội ác “diệt chủng” và chiến dịch “thanh trừng sắc tộc” chống lại những người Duy Ngô Nhĩ khi các cuộc đàm phán ngoại giao tiếp tục về tương lai của thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.

Trong những tuần lễ gần đây, cả Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu về ý định gia hạn thỏa thuận năm 2018, nhằm thống nhất 12 triệu tín hữu Công giáo của đất nước, bị chia rẽ giữa Giáo hội hầm trú và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do Cộng sản quản lý, và dọn đường cho việc bổ nhiệm các Giám mục cho các Giáo phận Trung Quốc.

Trong khi Đức Hồng y Zen cho biết rằng có sự thiếu tiến bộ rõ ràng về sự khoan dung của Cộng sản đối với những người Công giáo thuộc cộng đồng hầm trú hoặc về việc đề cử các Giám mục, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết vào tuần trước rằng các cuộc đàm phán được tiếp tục để “bình thường hóa” đời sống của Giáo hội tại Trung Quốc.

“Với Trung Quốc, mối bận tâm hiện tại của chúng ta là bình thường hóa đời sống của Giáo hội hết mức có thể, nhằm đảm bảo rằng Giáo hội có thể có được một cuộc sống bình thường, mà đối với Giáo hội Công giáo cũng là mối quan hệ với Tòa Thánh và với Đức Giáo hoàng”, Đức Hồng y Parolin cho biết vào ngày 14 tháng 9.

Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 10 tháng 9 rằng: “Với những nỗ lực phối hợp từ cả hai bên, thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục giữa Trung Quốc và Vatican đã được thực hiện thành công kể từ khi nó được ký kết cách đây khoảng 2 năm trước”.

Những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng thỏa thuận này đã ngăn chặn các cuộc tấn phong Giám mục không hợp lệ và bắt đầu bình thường hóa địa vị pháp lý cho các tín đồ Công giáo, vào thời điểm các tín đồ của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đang bị đàn áp ở Trung Quốc.

Đức Hồng y Zen không phải là chuyên gia duy nhất chỉ trích thỏa thuận của Vatican với Bắc Kinh. Hôm thứ Sáu tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã kêu gọi Tòa Thánh nắm giữ vai trò nổi bật hơn trong việc phản đối và tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc.

“Điều Giáo hội truyền dạy thế giới về tự do tôn giáo và tinh thần liên đới giờ đây nên được Vatican truyền đạt một cách mạnh mẽ và kiên quyết trước những nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm bẻ cong tất cả các cộng đồng tôn giáo theo ý hướng của Đảng và chương trình toàn trị của nó”, Ngoại trưởng Pompeo viết hôm thứ Sáu trên tờ First Things.

 “Hai năm trôi qua, rõ ràng là thỏa thuận Trung-Vatican đã không bảo vệ các tín hữu Công giáo khỏi sự cướp phá của Đảng, chưa nói gì đến việc Đảng đối xử một cách tàn bạo với các tín hữu Kitô giáo, các tín đồ Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công và các tín đồ thuộc các tôn giáo khác”, Ngoại trưởng Pompeo nhận xét.

Ngoại trưởng Pompeo lưu ý rằng “như một phần của thỏa thuận năm 2018, Vatican đã hợp pháp hóa các linh mục và giám mục Trung Quốc có lòng trung thành vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo viết, “chính quyền cộng sản tiếp tục đóng cửa các nhà thờ, theo dõi và sách nhiễu các tín hữu, và đồng thời nhấn mạnh rằng Đảng là cơ quan có thẩm quyền tối cao trong các vấn đề tôn giáo”.

Đức Hồng Y Zen phát biểu với CNA rằng, theo quan điểm của ngài, có rất ít lý do để mong đợi việc gia hạn thỏa thuận sẽ mang lại sự tiến bộ đối với các mục tiêu đã nêu của Đức Hồng y Parolin. Đức Hồng y Zen cho biết rằng ngài chẳng mấy hy vọng thỏa thuận được gia hạn giữa Vatican và Trung Quốc sẽ đảm bảo tương lai của người Công giáo Trung Quốc “trừ khi chế độ sụp đổ”.

Đức Hồng Y Zen đặc biệt chỉ trích việc Vatican chấp thuận Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, tổ chức hoạt động dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều giám mục và linh mục đã từ chối hợp tác với Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước bảo trợ, và nói rằng họ được Bắc Kinh mong đợi sẽ ký kết các văn bản thừa nhận giáo huấn của Cộng sản và quyền tối cao của đảng đối với các vấn đề của Giáo hội – những lời chứng đi ngược lại với Giáo huấn Công giáo về tính ưu việt của Đức Giáo hoàng.

Trong khi một số chuyên gia nhấn mạnh rằng các giáo sĩ có thể đồng ý với thỏa thuận với một số dè dặt nhất định về mặt tinh thần, Đức Hồng Zen cho biết hiện trạng quả là không thỏa đáng.

Bày tỏ sự phản đối của mình đối với các yêu cầu của Đảng Cộng sản đối với các giáo sĩ Công giáo, Đức Hồng y Zen thẳng thắn đưa ra đánh giá của mình về tình hình: “Đức Hồng y Parolin gọi Giáo hội ly giáo thống nhất mà ông ấy đã tạo ra, là ‘Công giáo’”.

Các giáo sĩ không chịu khuất phục trước sự giám sát của Cộng sản tiếp tục bị bắt giữ và bị cầm tù, các tòa nhà nhà thờ thường xuyên bị phá bỏ, và các quan chức chính phủ đã treo giải thưởng hàng ngàn đô la cho những người báo cáo các tín hữu thuộc cộng đồng hầm trú.

Tại Hồng Kông, Giáo phận mà Đức Hồng y Zen lãnh đạo cho đến năm 2009, chính quyền đại lục đã áp dụng Luật An ninh Quốc gia mới sâu rộng, vốn hình sự hóa các quyền tự do dân sự được bảo vệ trước đây dưới các tiêu đề “sự nổi loạn” và “thông đồng với thế lực nước ngoài”.

Trước khi luật được thực thi, nhiều người Công giáo, bao gồm cả Đức Hồng y Zen, đã cảnh báo rằng nó có thể được sử dụng để bịt miệng Giáo hội ở Hồng Kông, mặc dù luật này đã nhận được sự ủng hộ của Đức Hồng y Gioan Thang Hán (John Tong Hon), người kế nhiệm Đức Hồng y Zen trong Giáo phận, người hiện đang phục vụ với tư cách là Giám Quản Tông Tòa.

Kể từ khi luật có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7, một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và một số nhà báo nổi tiếng – nhiều người trong số họ là người Công giáo – đã bị bắt giữ.

Đức Hồng Y Zen phát biểu với CNA rằng những người Công giáo bị bắt giữ theo quy định của luật mới, như Jimmy Lai, Agnes Chow và Martin Lee, “chỉ đơn giản là đang thực hành Giáo huấn Xã hội của Giáo hội”.

 “Trong thời điểm này, dân chủ có nghĩa là tự do, nhân quyền, và phẩm giá con người”, Đức Hồng Y Zen nói.

Đức Hồng Y Zen trước đây đã cảnh báo rằng cuộc đàn áp đối với tự do tôn giáo ở Hồng Kông của chính quyền đại lục có thể coi Giáo phận, vốn đã được thừa hưởng tự do tương đối so với các Giáo phận đại lục kể từ khi được bàn giao từ Vương quốc Anh vào năm 1997, phải chịu những hạn chế giống như những người Công giáo ở đại lục.

 “Chúng tôi đã ở trong tình huống đó”, Đức Hồng Y Zen nói.

Gần đây, Đức Hồng Y Tong đã chỉ thị các trường học Công giáo và các giáo sĩ kiềm chế việc đề cập đến các vấn đề chính trị gây tranh cãi trong các lớp học và các bài giảng, và thay vào đó “nuôi dưỡng các giá trị đúng đắn về bản sắc dân tộc”.

Đức Hồng Y Tong cũng đã can thiệp để ngăn một nhóm Công giáo liên kết với Giáo phận đăng tải những lời cầu nguyện cho các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông trên các tờ báo địa phương.

Đức Hồng Y Zen đã phát biểu với CNA rằng, trong khi ngài hiểu được sự nhạy cảm của tình huống, “thái độ hèn hạ này khiến tôi rất đau buồn”.

“Chúng tôi đang đánh mất phẩm giá và sự tín nhiệm”, Đức Hồng Y Zen nói.

“Tôi thừa nhận rằng trong thời điểm này, quả thực rất khó để điều hành một trường học. Cách mà cơ quan quản lý trường học của chính quyền đối xử với giáo viên quả thực hết sức đáng xấu hổ và nhục nhã. Nhưng chúng tôi không còn địa vị để bênh vực các thầy cô”.

Đức Hồng Y Zen đã than phiền về sự chia rẽ trong Giáo hội, đồng thời cũng cho biết rằng sự đoàn kết giữa tất cả người dân Hồng Kông là cần thiết nếu có hy vọng chống lại sự đàn áp đang ngày càng gia tăng của Cộng sản.

“Xã hội đang bị xâu xé”, Đức Hồng Y Zen nói. “Sự chia rẽ và xung khắc diễn ra ở khắp mọi nơi: trong gia đình, nơi làm việc, rõ ràng là cả giáo viên và phụ huynh học sinh. Chúng ta có nhất định phải chấp nhận lập trường của Chính phủ, khi họ áp đặt một luật bất công đối với cộng đồng?”.

“Làm thế nào để giảng dạy bổn phận phân biệt giữa điều đúng đắn và điều sai trái? Chắc chắn không phải bằng sự áp đặt mà là bằng việc thảo luận cởi mở tự do. Nhưng ngay cả khi chúng ta dám làm điều này trái với ý muốn của Chính phủ, mà không có sự nhất trí, hoặc thậm chí chỉ có đa số ủng hộ, làm sao chúng ta có thể tiến xa hơn?”.

“Khi đến ngày mà đội ngũ giáo viên của chúng tôi chỉ được giảng dạy những điều Chính phủ ra lệnh cho phép họ dạy, đi ngược lại sự thật và công lý, chúng tôi có thể không còn lựa chọn nào khác hơn là tuyên bố công khai rằng trường học không thể được gọi là Công giáo nữa, bởi vì chúng tôi không còn trách nhiệm về điều đó”, Đức Hồng y Zen nói.

Khi được hỏi liệu vị Giám chức có thấy bất kỳ triển vọng nào về sự cải thiện đối với Giáo hội địa phương sau các cuộc đàm phán giữa Vatican với chính quyền Cộng sản hiện tại hay không, Đức Hồng y Zen nói: “Tuyệt nhiên không”.

“Có lựa chọn nào giữa việc giúp chính phủ triệt hạ Giáo hội hay chống lại chính phủ để giữ Đức tin của chúng ta không?”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube