Chủ Đề Ơn Cứu Độ Trong Cựu Ước

 Cứu độ là được giải thoát khỏi một nguy hiểm có thể gây đau thương và hơn nữa có thể là chính cái chết, tùy theo mức độ của sự nguy hiểm thì ơn cứu độ được hiểu như là sự bảo vệ, chở che và cứu chữa, cứu chuộc hay giải phóng

Cứu độ là quan niệm phức b20170205 yeukethuiệt hay dị nghĩa, nhưng lại hiện diện trong hầu hết tất cả các tôn giáo. Nếu đơn giản hóa thì: Cứu độ là được giải thoát khỏi một nguy hiểm có thể gây đau thương và hơn nữa có thể là chính cái chết, tùy theo mức độ của sự nguy hiểm thì ơn cứu độ được hiểu như là sự bảo vệ, chở che và cứu chữa, cứu chuộc hay giải phóng…“Đồng thời, cũng tùy theo tôn giáo mà ơn cứu độ cũng được hiểu là sự giác ngộ, giải thoát hay là cảm nhận về một sự sung mãn, một niềm hạnh phúc trên thiên đàng vĩnh cửu. Niết bàn thanh tịnh hay là thực tại tối hậu.”[1]

Từ ngữ và ý nghĩa

Xét về mặt ngữ nghĩa thì “cứu độ” có liên quan đến nhiều hạn từ khác nhau như: Cứu chuộc, cứu độ, hay giải phóng…

“Cứu độ” tiếng latinh là “Salvation”, tiếng Hylạp là “Soter” có nghĩa chỉ về người chữa bệnh hay người cứu giúp. Cứu độ bao hàm ý nghĩa của một tình trạng suy đồi nay được sửa chữa lại nguyên vẹn, nhờ sự cứu vớt của một vị cứu tinh.”[2]

Theo từ điển Hán Việt thì: Cứu độ là cứu nhân độ thế, hay cứu giúp người khỏi thế giới khổ. Định nghĩa này mang âm hưởng Phật giáo, vì chữ “độ” có nghĩa là qua sông, đưa người qua sông thoát khỏi “bến mê” về bờ giải thoát. Vì thế, “trước đây nhà đạo ít dùng từ cứu độ mà dùng từ cứu chuộc hay cứu rỗi nhiều hơn.”[3]

Trong Kinh Thánh Cựu Ước thì danh từ “Padah” được dùng để chỉ về ơn cứu chuộc. “Padah” có nghĩa là mua hay chuộc lại, cứu mạng một người hay cứu thoát một ai đó thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than, hoặc giải phóng cho một người nào đó. “Ý niệm này được thể hiện rõ nét qua biến cố xuất hành của dân tộc Ít-ra-en. Thiên Chúa đã chuộc lại dân của Ngài thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai – cập, dẫn đưa họ về miền “đất hứa” tràn đầy sữa và mật.”[4]

“Hạn từ “Go’el” có nghĩa là chuộc về, giải thoát một người nô lệ, hay một dân tộc. Thiên Chúa được là “Go’el” vị cứu thoát của dân tộc Ít-ra-en.”[5] Vì vậy, ngươi hãy nói với con cái Ít-ra-en: “Ta là Đức Chúa. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi làm, việc khổ sai cho người Ai-cập, sẽ giải thoát các ngươi khỏi làm nô lệ chúng. Ta sẽ giơ cánh tay uy quyền mà chuộc các ngươi lại” (Xh 6, 6).

“Hạn từ “cứu rỗi” tiếng Híp-ri là “Yacha”, tiếng Hy-lạp là “Sozein” mang ý nghĩa thụ động, được cứu thoát khỏi một tai họa, một cơn nguy khốn cho cá nhân hay toàn dân, trên bình diện con người hay trên nhãn giới lịch sử.”[6] Vì thế, cứu rỗi là việc Thiên Chúa cứu thoát con người ra khỏi cảnh nô lệ, khổ đau và cái chết, đem con người đến một cuộc sống tự do an vui và hạnh phúc, và không có gì có thể ngăn cản Thiên Chúa (x. 1Sm 14,5).

“Hạn từ “Yêsha” mang ý nghĩa của sự giải thoát, chiến thắng, của cải, hạnh phúc, trù phú và bình an trong ý nghĩa lịch sử và sau đó là cánh chung.”[7]

“Hạn từ “Moshia” có nghĩa là vị cứu thoát, nói đến vị cứu thoát Ít-ra-en khỏi những thù địch, chính Thiên Chúa là Đấng “cứu thoát” tuyệt đối duy nhất “vị cứu rỗi duy nhất”.”[8]

Ơn cứu độ trong Cựu Ước được khai triển qua giao ước

Khởi thủy Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và muôn loài và trước khi kết thúc công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa thực hiện một kiệt tác là dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và chúc phúc cho con người (x. St 1, 1 – 2, 4a). Vì thế, ngay từ lúc khởi đầu khi được tạo dựng, con người được mời gọi bước vào mối tương quan sống hiệp thông thân mật với Thiên Chúa (x. St 3, 8), khi ban cho con người ân sủng và đức công chính rạng ngời, thì con người sống hiệp thông với thiên nhiên và sống hoà hợp với nhau (x. St 2, 25). Nơi Ngài, họ tìm được hạnh phúc “khi con người gắn bó hết mình với Thiên Chúa, con người sẽ không bao giờ còn phải đau đớn và vất vả nữa, được tràn đầy ơn Chúa, đời con sẽ trở nên sống động.”[9] Sự kết hợp mật thiết giữa Thiên Chúa và con người trong ân sủng đã bị cắt đứt, bị gãy đổ khi con người sa ngã chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa (x. St 3, 1-13). Từ đó tội lỗi xâm nhập vào trần gian và hủy hoại bản tính tốt lành nguyên thủy của con người. (x. St 4, 1-8; 6, 5-8; 11, 1-9)

Theo mặc khải kitô giáo thì ơn cứu độ được trình bày như một kế đồ của Thiên Chúa thực hiện cho loài người, trong đó công cuộc sáng tạo và cứu độ là hai khía cạnh, được thể hiện ngang qua lịch sử của nhân loại. Lịch sử của ơn cứu độ ấy khởi đi từ lời hứa “tiền Tin Mừng” như là ánh sáng loan báo ơn cứu độ. Vì phạm tội, con người đã làm cho mối hiệp thông với Ðấng Tạo Hóa và với thiên nhiên bị cắt đứt, lại còn gây nên sự bất hòa giữa gia đình nhân loại, và phải chết (x. St 3: 7tt). “Con rắn” đã gây ra thảm họa; để chống lại nó, lòng thương xót của Thiên Chúa đứng vững bên cạnh con người; Người hứa: “hậu duệ của phụ nữ” sẽ thắng cuộc (x. St 3: 15); đó là Tin Mừng đầu tiên trong toàn bộ Kinh Thánh.

Tuy con người đã ra hư hỏng, nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương đã không nỡ hủy diệt kiệt tác mà chính do tay Ngài tạo nên. Vì thế, Ngài quyết sửa lại bản tính hư hỏng của con người bằng việc hứa ban Đấng cứu độ chính là hậu duệ của người người phục nữ đã được loan báo trước (x. St 3,15), để chuộc con người về với Ngài. Cho nên, các ý niệm về ơn cứu độ được thể hiện cách rõ nét ngang qua chiều dài lịch sử của một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Ngài, làm nền móng cho chương trình cứu độ. Trong Tân Ước chính Đức Kitô sẽ thực hiện ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Người kitô hữu được chuộc về cho Thiên Chúa, được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết, đưa con người bước vào một cuộc sống mới trong sự tự do và hạnh phúc.

Từ lời hứa tiền Tin Mừng, Thiên Chúa tiếp tục công việc cứu độ của mình cách tiệm tiến và luôn mới mẻ bằng cách thiết lập giao ước với con người. Giao ước là một khái niệm căn bản và cốt yếu trong mạc khải Do-thái giáo cũng như Ki-tô giáo, nó luôn giữ một vị thế quan trọng và là yếu tố nền tảng liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Dân Chúa. Quả thật, đó chính là thể thức long trọng cho thấy ý định yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Qua thể thức kết ước, Thiên Chúa minh nhiên tự ràng buộc mình với con người cách vô điều kiện. Người tỏ ý tiếp nhận con người vào sống trong mối tương giao hiệp thông với Người.

Có thể nói, toàn bộ Kinh Thánh là tiến trình giao ước diễn ra trong lịch sử, giữa Thiên Chúa và con người, qua đó các giao ước vừa phản ánh mầu nhiệm mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa, vừa cho thấy tình yêu của Người đối với nhân loại. Lịch sử tiến triển của các giao ước cũng cho thấy phương cách giáo dục của Thiên Chúa như là “một nhà sư phạm” tuyệt vời.

Khái niệm về giao ước trong đời thường

Khái niệm giao ước mỗi thời, mỗi dân tộc luôn mang một hình thái khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là một cam kết, một sự ràng buộc mà hai bên thề ước buộc phải trung thành tuân giữ những gì đã hứa, đã kết ước.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa như sau: “Cam kết với nhau về những điều mỗi bên sẽ làm.”[10] Như thế, giao ước hay giao kèo là những hiệp ước song phương mà hai bên đều phải có bổn phận trung thành chu toàn những điều khoản mà họ đã thuận tình ký kết, bằng văn bản hay bằng bất cứ hình thức nào. Và một khi đã ký kết, tức thì hiệp ước ấy có hiệu lực pháp lý, ai vi phạm hợp đồng, người ấy sẽ bị xét xử theo luật pháp.

Khái niệm về giao ước trong Kinh Thánh

Từ giao ước ““berith” trong Kinh Thánh, trước hết được dùng để nói đến kinh nghiệm mang tính xã hội và pháp lý của con người. Sống trong xã hội, con người luôn có sự liên kết với nhau, sự liên kết này thường được diễn tả qua các hiệp ước hay khế ước. “Những khế ước hay hiệp ước này hàm chứa những quyền lợi và bổn phận mang tính hỗ tương.””[11]

Con người là “sinh vật” mang tính xã hội. Vì vậy, ở đâu con người hợp lại sống chung với nhau, thành đơn vị hay bộ tộc, ở đó xuất hiện giao ước. Loại giao ước này không được hiểu theo nghĩa thông thường, nghĩa là được thông qua bằng những nghi lễ kết ước theo đúng nghi thức; nhưng nhiều khi chúng được hiểu theo một ý nghĩa mặc nhiên.

“Berith” trong Kinh Thánh còn nói đến một khía cạnh khác nói về những hiệp ước, giao kèo minh nhiên, nghĩa là được diễn ra dưới những hình thức công khai có thể kèm theo một nghi thức đơn giản hay phức tạp như: lời thề, bữa tiệc hay lễ tế… “Loại giao ước này có thể là giao ước giữa các phe nhóm hay cá nhân bình đẳng muốn tương trợ lẫn nhau (x. St 21, 22-34; 26, 28; 31, 44-45; 1V 5, 26; 15, 19), hay những giao ước huynh đệ (x. Am 1, 9), hoặc cũng có thể là hiệp ước bằng hữu (x. 1Sm 23,18).

Ngoài ra, cũng còn có những loại giao ước bất bình đẳng, trong đó kẻ mạnh hứa bảo vệ kẻ yếu, còn kẻ yếu cam kết phục vụ kẻ mạnh, loại này thường được gọi là hiệp ước chư hầu.”[12] (x. Gs 9,11-15; 1Sm 11,1; 2Sm 3,12tt). Bên Đông Phương cổ thời, nghi thức kết giao ước thường xảy ra dưới dạng lời thề, kèm theo bữa tiệc. Nhưng cũng có khi giao ước xảy ra dưới hình thức long trọng hơn. “Nghi thức ký kết giao ước thường được dùng là xẻ đôi con vật ra, rồi hai bên ký kết đi qua các con vật được xẻ đôi ấy và lớn tiếng đọc lời nguyền rủa những ai vi phạm giao ước (x. Gr 34, 18). Và “để tưởng nhớ giao ước đã ký kết, họ thường trồng một cây, hay dựng một bia đá ở nơi đã ký kết giao ước với nhau để làm chứng từ.”[13] (x. St 21, 33; 31, 48)

Ngoài ra, Kinh Thánh còn cho thấy một khái niệm về giao ước mang đậm nét tôn giáo vượt trên mọi ràng buộc xã hội và pháp lý để mang một chiều kích thánh thiêng. Bởi vì, đây không phải là giao ước được ký kết giữa con người với nhau, nhưng là được Thiên Chúa thiết lập với con người. Thiên Chúa, Đấng vô hình, nhưng trở nên hữu hình, Đấng quyền năng vô hạn hạ mình trở thành “đối tác” của con người. Ở đây, giao ước không chỉ còn mang tính ràng buộc trong mối liên lạc giữa con người với nhau nữa, nhưng được dùng để nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người. Các giao ước mang chiều kích tôn giáo này cũng được chính Thiên Chúa thiết lập theo hình thức của con người (x.St 15,17; Xh 21,5-8).

Nguyễn Minh

[1] Nguyễn Thái Hợp, OP, Đường Vào Thần Học Các Tôn Giáo, Tập 1, (Dấn Thân Houston, 2000), 94-95.

[2] Đường Thi, Thiên Chúa Giáo Và Tam Giáo, (Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo, 2000), 160.

[3] Thiện Cẩm, Khi Trẻ Thơ Im Tiếng, (1996), 165.

[4] J. Dheilly, Từ Điển Kinh Thánh, Tập I,(Hà Nội: NXB: Tôn Giáo, 1993), 342-344.

[5] Lm Paul Hitz, Echternach, Luxembourg, Đức Giêsu Kitô Vị Cứu Chúa Của Ta, Lm. Phêrô Nguyễn Đức Mầu CSsR, Chuyển Dịch,(1960), 40.

[6] Ibid., 40.

[7] Ibid., 40.

[8] Ibid., 40.

[9] Catechismus Catholicae Ecclesiae, (John Paul II, 1992, Libreria Edittrice Vaticana, 1997, Citta del Vaticano) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chuyển Dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2011), Số 45.

[10] Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt,( NXB. Đà Nẵng, 1994), 393,

[11] Philippus Gomez, S.J, Điển Ngữ Thần Học Thánh kinh, Quyển II, Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X, chuyển dịch (Đà-lạt, 1971), 40.

[12] Ibid., 40.

[13] Ibid., 41.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube