Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Syria kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt 'bất công' gây cản trở việc viện trợ cho những người túng thiếu

Một số người đàn ông Syria đang dựng lán trại tạm thời để làm nơi trú ẩn cho các gia đình vô gia cư sau trận động đất gây thương vong nặng nề ở thị trấn Harim thuộc tỉnh Idlib phía tây bắc Syria do quân nổi dậy nắm giữ ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 8 tháng 2 năm 2023, hai ngày sau trận động đất nghiêm trọng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (Ảnh: OMAR HAJ KADOUR/AFP qua Getty Images)

Một số người đàn ông Syria đang dựng lán trại tạm thời làm nơi trú ẩn cho các gia đình vô gia cư sau trận động đất gây thương vong nặng nề ở thị trấn Harim thuộc tỉnh Idlib phía tây bắc Syria do quân nổi dậy nắm giữ ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 8 tháng 2 năm 2023, hai ngày sau trận động đất nghiêm trọng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (Ảnh: OMAR HAJ KADOUR/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Ba, 3 nhà lãnh đạo Kitô giáo nổi bật ở Syria đã đưa ra một bức thư chung kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Syria, điều mà họ cho là đang ngăn cản một cách bất công sự viện trợ thiết yếu đến tay những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất kinh hoàng xảy ra trong khu vực vào đầu tuần này.

Bức thư vào ngày 7 tháng 2 được ký bởi Đức Thượng phụ Công giáo Hy Lạp Melkite Youssef I, Đức Thượng phụ Chính thống Syria Ignatius Aphrem II, và Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp John X.

“Thảm họa thiên nhiên này làm tăng thêm thử thách cho người dân Syria, những người tiếp tục phải hứng chịu những thảm kịch của chiến tranh, khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh và những khó khăn kinh tế khắc nghiệt do tình trạng lạm phát, thiếu thốn các vật liệu bắt buộc, thuốc men và các nhu yếu phẩm cơ bản hàng ngày vốn cần thiết để mọi người tồn tại và sống trong phẩm giá”, các nhà lãnh đạo viết.

“Chúng tôi, ba Thượng phụ cùng với những người đứng đầu các Giáo hội tại ở Syria, yêu cầu Liên Hợp Quốc và các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Syria dỡ bỏ lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt bất công đối với người dân Syria, đồng thời thực hiện các biện pháp đặc biệt và các sáng kiến ​​ngay lập tức để bảo đảm cung cấp hàng cứu trợ và viện trợ nhân đạo vô cùng cần thiết”.

Hội đồng các Giáo hội Trung Đông (MECC) gần đây cũng kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Syria.

“Chúng tôi kêu gọi ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria và cho phép tiếp cận tất cả các nguyên vật liệu, để các biện pháp trừng phạt không biến thành tội ác chống lại loài người”, các nhà lãnh đạo tôn giáo viết trong tuyên bố vào ngày 6 tháng 2.

Theo ước tính mới nhất tính đến trưa thứ Tư, trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã khiến ít nhất 11.600 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, New York Times đưa tin. Tại Syria, nơi đã bị tàn phá bởi hơn một thập kỷ nội chiến, vô số tòa nhà đã sụp đổ vào ngày 6 tháng 2, bao gồm một số nhà thờ Công giáo, ACI MENA, cơ quan đối tác tiếng Ả Rập của CNA, đưa tin.

Tại tỉnh Idlib của Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 4,1 triệu người đã cần hỗ trợ nhân đạo thậm chí ngay cả trước trận động đất hồi tháng Hai, theo Liên Hợp Quốc. Theo Washington Post, việc hỗ trợ cho khu vực đó bị cản trở bởi những hạn chế do chính phủ Syria áp đặt, vốn không cho phép một số tổ chức quốc tế tiếp cận khu vực. Ngoài ra, chỉ có một cửa khẩu biên giới mở vào khu vực từ Thổ Nhĩ Kỳ, điều đã gây ra sự tắc nghẽn đối với sự viện trợ.

Nhiều thành phố và thị trấn có đông đảo Kitô hữu ở Syria, chẳng hạn như Aleppo, Homs, Lattakia và Hama, đã bị thiệt hại nặng nề. Tại Aleppo, một số di sản thế giới của UNESCO đã bị hư hại, bao gồm cả thành trì của thành phố cổ. Nhiều cơ quan cứu trợ Công giáo quốc tế, chẳng hạn như Caritas, Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo và Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) đang kêu gọi quyên góp, huy động các nguồn lực và điều phối các nỗ lực cứu trợ.

Hoa Kỳ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Syria kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011 ở nước này, với lý do Tổng thống Bashar Al-Assad có các hành vi vi phạm nhân quyền được ghi nhận rộng rãi đối với chính người dân của ông.

Phương thức trừng phạt mới nhất, có hiệu lực vào năm 2020, được gọi là Đạo luật Caesar và tìm cách “buộc chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ngừng các vụ tấn công giết người nhằm vào người dân Syria và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một chính phủ ở Syria tôn trọng pháp quyền, nhân quyền và chung sống hòa bình với các nước láng giềng”. Nhiều quốc gia EU và các quốc gia khác cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự.

Mặc dù Đạo luật Caesar có điều khoản miễn trừ viện trợ nhân đạo khỏi các biện pháp trừng phạt, nhưng những người ủng hộ nhân đạo cho biết rằng viện trợ thường bị cản trở do “sự tuân thủ quá mức” từ phía các ngân hàng và các chủ thể khác do viện trợ có liên quan đến Syria, theo lời khai vào tháng 11 năm 2022 bởi một chuyên gia do Liên Hợp Quốc chỉ định.

“Nhiều tổ chức quốc tế và địa phương đã bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về chi phí hoạt động cao, bao gồm cả việc tăng giá nhiên liệu do các biện pháp trừng phạt và những thách thức đối với các giao dịch tài chính, mua sắm và cung cấp hàng hóa và dịch vụ”, Alena Douhan, giáo sư luật quốc tế người Belarus, báo cáo với Liên Hợp Quốc.

“Họ báo cáo rằng các ngân hàng nước ngoài thường miễn cưỡng xử lý các khoản thanh toán dành cho Syria, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Lebanon và các tác động lan tỏa đối với Syria. Những hạn chế và chậm trễ trong việc xử lý thanh toán với các nhà cung cấp, có thể mất hàng tháng, dẫn đến thị trường bị hạn chế và kém cạnh tranh hơn, chi phí gia tăng, gây rủi ro cho việc thực hiện các can thiệp nhân đạo cứu sinh. Tôi đã nhận được thông tin rằng các tổ chức nhân đạo quốc tế quan trọng đã giảm đáng kể các hoạt động của họ hoặc rút hoàn toàn khỏi đất nước do những thách thức này, để lại một khoảng trống nghiêm trọng trong việc bảo vệ và phục hồi”.

90% dân số Syria sống dưới mức nghèo khổ thậm chí ngay cả trước trận động đất, với khả năng tiếp cận hạn chế với thực phẩm, nước, điện, nơi trú ẩn, nhiên liệu nấu ăn và sưởi ấm, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe. Chính phủ của Tổng thống Al-Assad thường đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt khiến chính phủ của ông không có khả năng hỗ trợ người dân của mình.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube