Các nhà lãnh đạo Công giáo thúc giục Liên minh châu Âu phải được hướng dẫn bởi tinh thần liên đới trong việc phân phối vắc xin

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Các nhà lãnh đạo Công giáo tại châu Âu đã thúc giục Liên minh châu Âu phải được hướng dẫn bởi tinh thần liên đới, tình huynh đệ và công bằng xã hội trong việc phân phối và quản lý vắc-xin COVID-19.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 23 tháng 2, Tổ chức Caritas Châu Âu và Ủy ban các Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu (COMECE) cho biết rằng “cam kết đối với tinh thần liên đới phải là tiêu chí quyết định trong thời điểm lịch sử này”.

“Cần phải nhanh chóng triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà”, họ cho biết. “Chúng tôi kêu gọi Liên minh châu Âu thúc đẩy việc tiêm chủng trên diện rộng không chỉ vì sự an toàn và bảo vệ của chính châu Âu mà còn vì sức khỏe cộng đồng toàn cầu như một lợi ích công cộng, mang lại lợi ích cho những người sống ở các quốc gia nghèo hơn cũng như mang lại lợi ích cho những người sống ở các quốc gia có các nguồn lực để tạo ra và sản xuất vắc-xin”.

Tuyên bố thúc giục các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng xác định chi tiết chiến lược vắc xin.

“Sau sự phát triển nhanh chóng của các loại vắc-xin, cần phải tập trung mạnh mẽ hơn vào việc sản xuất và triển khai”, tuyên bố cho biết.

“Do đó, chúng tôi kêu gọi Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên không nhượng bộ những lợi ích quốc gia hoặc kinh tế đang phổ biến đáng lo ngại”, tuyên bố tiếp tục, “nhưng phải kiên trì thực hiện các hành động đối nội và đối ngoại của mình được hướng dẫn bởi các nguyên tắc về tình huynh đệ, liên đới, bổ trợ, công bằng xã hội và bao gồm”.

Tài liệu lưu ý rằng cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, hai tổ chức tin rằng vắc-xin coronavirus cần được cung cấp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Tài liệu cũng chỉ ra một tuyên bố của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom, người cho biết rằng “ưu tiên tiêm chủng phải được dành cho một số người ở tất cả các quốc gia, thay vì tất cả người dân ở một số quốc gia”.

Tài liệu cũng chỉ trích “các khuynh hướng đáng bị chỉ trích đối với ‘sự cạnh tranh vắc xin’ và ‘chủ nghĩa dân tộc vắc xin’ dưới hình thức cấm xuất khẩu và các biện pháp bảo hộ khác nhằm ngăn chặn các nguồn cung cấp vắc xin khỏi các quốc gia nghèo hơn”.

Điều này có nguy cơ làm đảo ngược “nhiều thập kỷ phát triển của nhân loại”, theo tuyên bố.

“Việc đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin cho tất cả mọi người – để chúng trở nên có sẵn và giá cả phải chăng – là một hành động cấp bách đạo đức toàn cầu”, tài liệu nhấn mạnh.

Tổ chức Caritas Châu Âu và COMECE cũng ủng hộ sự hỗ trợ nhiều hơn cho các chiến dịch vận động và giáo dục sức khỏe đúng đắn, “để vượt qua những nỗi lo ngại về việc tiêm chủng và những thông tin sai lệch”.

 “Từ quan điểm toàn cầu, rất đáng tiếc, việc tiếp cận tiêm chủng cho đến nay là không bình đẳng và thiếu công bằng”, họ nói.

“Châu Âu nên mời gọi những lời phê bình mang tính xây dựng và lắng nghe những tiếng nói kêu gọi sự công bằng đối với việc tiếp cận vắc xin”, tuyên bố cho biết.

“Châu Âu có thể biến chính sách vắc xin COVID-19 của mình không chỉ trở thành ‘sự khởi đầu của sự kết thúc’ của cuộc khủng hoảng đại dịch, mà còn coi đó như là ‘sự khởi đầu của một sự khởi đầu mới’, vì một chính sách mới nhằm phục vụ công ích và tinh thần liên đới”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube