Các Giáo hoàng và mối đe dọa nguyên tử: Lời kêu gọi đối với lương tâm thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô cúi đầu cầu nguyện tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima trong chuyến thăm Nhật Bản vào năm 2019 (Vatican Media)

Đức Thánh Cha Phanxicô cúi đầu cầu nguyện tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào năm 2019 (ẢNh: Truyền thông Vatican)

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu, ngày 22 tháng 1. Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hiroshima, vốn định nghĩa việc sở hữu vũ khí hạt nhân là trái luân lý, là hành động mới nhất của Huấn quyền kéo dài suốt thế kỷ XX cho đến ngày nay.

Có hai ngày, đặc biệt, được xem như một lời nhắc nhở không thể xóa nhòa đối với nhân loại. Vào ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử đã bị thả xuống Nhật Bản. Vài giây sau vụ nổ, những đám mây độc hại kinh hoàng nhấn chìm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, để lại vô số nạn nhân và đống gạch vụn. Những cảnh đau khổ đó và vẫn là bối cảnh bi thảm cho những lời kêu gọi chân thành của các Giáo hoàng trong những thập kỷ gần đây – những phát biểu và những lời cầu nguyện hướng đến một mục tiêu đáng mong muốn duy nhất: giải trừ vũ khí hạt nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi này, đồng thời góp thêm tiếng nói của mình vào tiếng nói của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm. Sau chuyến Tông du đến Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, trên chuyến bay từ Tokyo trở về Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại rằng “việc sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với luân lý”. Vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm, “điều này cũng phải được bao gồm trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo”. Không chỉ việc sử dụng, mà việc sở hữu vũ khí hạt nhân là trái với luân lý, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “bởi vì tai nạn do việc sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc sự điên rồ của một số lãnh đạo chính phủ, sự điên rồ của một cá nhân, có thể hủy diệt nhân loại”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời kêu gọi giải trừ vũ khí toàn cầu trong buổi tiếp kiến chung của Ngài vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Đề cập đến Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng đó là “công cụ quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên nghiêm cấm một cách rõ ràng các loại vũ khí này”.

Đức Piô XII: Chỉ còn lại tiếng kêu gào của nhân loại

 Đó là thời điểm rung chuyển dữ dội bởi sự phát nổ của bom nguyên tử: Chiến tranh thế giới thứ hai cho thấy, trước khi kết thúc, sức mạnh khủng khiếp mà năng lượng hạt nhân có thể đạt được trong lĩnh vực quân sự. Quả bom nguyên tử, như Đức Giáo hoàng Piô XII đã chỉ ra vào ngày 8 tháng 2 năm 1948, là “thứ vũ khí khủng khiếp nhất mà tâm trí con người từng tưởng tượng ra”. Vào ngày 24 tháng 12 năm 1955, trong thông điệp phát thanh Giáng sinh cho thế giới, Đức Giáo hoàng Piô đã mạnh mẽ mô tả “cảnh tượng sẽ được phô bày trước những con mắt kinh hoàng” sau khi sử dụng vũ khí hạt nhân: “Toàn bộ các thành phố, ngay cả những thành phố lớn nhất và giàu nhất về lịch sử và nghệ thuật, cùng bị hủy diệt; bức màn đen chết chóc phủ lên trên tất cả mọi thứ đã bị nghiền nát, bao phủ vô số nạn nhân với nhiều phần thân thể bị cháy sém, đứt lìa, nằm rải rác, trong khi những người khác rên rỉ trong cơn đau đớn”.

Đức Gioan XXIII: Thế giới bên bờ vực thẳm

Vào ngày 25 tháng 10 năm 1962, vài ngày sau khi Công đồng Vatican II khai mạc, thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Matxcơva và Washington dường như chỉ còn một bước nữa trong việc sử dụng bom nguyên tử. Từ micrô của Đài phát thanh Vatican, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã đưa ra lời kêu gọi ngăn chặn nguy cơ xung đột do cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba gây ra: “Hãy đặt tay lên lồng ngực hay lương tâm của mình, xin cho mỗi người có thể nghe thấy tiếng kêu thống khổ cất lên từ bầu trời từ khắp nơi trên trái đất, từ trẻ em vô tội cho đến những người già, từ những người dân trong cộng đồng: Chúng tôi mong muốn Hòa bình, Hòa bình!”. Do đó, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã chỉ ra trong Tông Thư “Pacem in Terries” năm 1963: “mọi người đang sống trong sự kìm kẹp của nỗi sợ hãi thường trực. Họ sợ rằng bất cứ lúc nào cơn bão sắp xảy ra cũng có thể ập đến với họ với sự mãnh liệt kinh hoàng”.

Đức Phaolô VI: Mối đe dọa hạt nhân là mối đe dọa đáng sợ nhất

Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân được thông qua vào ngày 1 tháng 7 năm 1968 – thời điểm đáng khích lệ, mặc dù không phải là thời điểm mang tính quyết định. Vài ngày trước đó, vào ngày 24 tháng 6 năm 1968, Đức Phaolô VI đã nhắc lại sự cấp bách của việc “chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân”. “Chúng ta biết rằng Hiệp ước, theo ý kiến của nhiều người, có nhiều hạn chế nội tại khiến một số chính phủ không cho phép nó được tuân thủ một cách vô điều kiện”. Tuy nhiên, Đức Phaolô VI cho biết thêm, “dù sao đây cũng là bước đầu tiên không thể thiếu nhằm hướng tới các biện pháp tiếp theo trong lĩnh vực giải trừ quân bị”.

Đức Gioan Phaolô II: Một cuộc cách mạng luân lý là cần thiết

Trong chốc lát, thế giới và sự cân bằng mong manh của nó có thể bị đảo lộn vĩnh viễn bởi vũ khí nguyên tử. Năm 1980, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trước UNESCO, đã nhấn mạnh rằng “những lý do địa chính trị, các vấn đề về kinh tế toàn cầu, những hiểu lầm khủng khiếp, cái tôi dân tộc bị tổn thương, chủ nghĩa duy vật của thời đại chúng ta, và sự suy giảm các giá trị luân lý đã khiến thế giới của chúng ta rơi vào tình trạng bất ổn, trạng thái cân bằng mong manh…”. Một năm sau, vào ngày 25 tháng 2 năm 1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét: “Tương lai của chúng ta trên hành tinh này, được phơi bày trước sự hủy diệt hạt nhân, phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất: nhân loại phải thực hiện một sự thay đổi về luân lý”.

Đức Benedict XVI: Hòa bình dựa trên sự tin tưởng

Quan điểm của những chính phủ đo lường sức mạnh và an ninh của họ dựa trên vũ khí nguyên tử là quan điểm “ngụy biện”… và “tai hại chết chóc”. Thay vào đó, thế giới cần phải theo đuổi con đường giải trừ quân bị. Đức Benedict XVI cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 5 tháng 5 năm 2010, Ngài nói: “Tiến bộ hướng tới việc giải trừ hạt nhân mang tính hợp tác và an toàn gắn liền với việc thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các cam kết quốc tế liên quan. Trên thực tế, hòa bình phụ thuộc vào sự tin tưởng và tôn trọng các nghĩa vụ đã đảm nhận, không chỉ dựa trên cán cân quyền lực”.

Đức Phanxicô: Sự vô luân của việc sử dụng và sở hữu vũ khí hạt nhân

Tiếp bước các vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhiều lần chỉ ra con đường giải trừ quân bị. Trong chuyến Tông du đến Nhật Bản, trong Bài diễn văn tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima vào ngày 24 tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là trái với luân lý, cũng như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là phi luân…”. Kế đến, Ngài đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình ngay cả khi chúng ta đang ra sức chế tạo những thứ vũ khí chiến tranh mới đáng sợ?”. Đó là một câu hỏi mà cho đến tận ngày nay, bất chấp những sự kiện bi thảm ở Hiroshima và Nagasaki, vẫn tiếp tục thách thức nhân loại và lương tâm nhân loại. Điều đó cũng bi thảm như hình ảnh từ một bức ảnh chụp năm 1945, mà Đức Phanxicô đã tái hiện trên một tấm thiệp: một cậu bé 10 tuổi mang trên vai thi thể của đứa em trai thiệt mạng trong vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube