Các cơ quan cứu trợ Công giáo tại Ukraine cung cấp sự hỗ trợ và chứng kiến sự can trường của người dân

Tại Ukraine, các cơ quan viện trợ Công giáo công tác cùng với nhau để giúp đỡ người dân, như được mô tả trong cuộc phỏng vấn sau đây với Đức Ông Robert Vitillo, Tổng Thư ký của Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế, người gần đây đã đến thăm quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Tại Ukraine, các cơ quan viện trợ Công giáo cùng với các tổ chức nhân đạo đối tác khác tiếp tục cung cấp thực phẩm và thuốc men thiết yếu cho người dân Ukraine.

Đặc biệt, Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) là cơ quan dẫn đầu điều phối sự giúp đỡ cho một số trong hàng triệu người tị nạn và những người phải tản cư trong nước.

Tổng thư ký ICMC, Đức Ông Robert Vitillo, vừa trở về sau chuyến viếng thăm quốc gia bị chiến tranh tàn phá cùng với đại diện của Hiệp hội Y tế Công giáo Hoa KỳTổ chức Hiệp sĩ Columbus, tất cả đều cung cấp vật tư y tế cứu sống cho các bệnh viện của quốc gia, cũng như thực phẩm và nơi trú ẩn.

Trong chuyến viếng thăm của mình, Đức Ông Vitillo đã bày tỏ lòng kính trọng đối với nhiều người đã thiệt mạng và đến thăm các gia đình đang đau buồn vì mất người thân. Những tổn thương tâm lý phải gánh chịu quả không thể kể xiết, và giờ đây cũng là lĩnh vực ưu tiên trong các nỗ lực tiếp cận cộng đồng, như ngài mô tả trong cuộc phỏng vấn sau đây.

Đức Ông Robert Vitillo, Tổng thư ký, Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) trong chuyến thăm Ukraine vào tháng 3 năm 2023

Đức Ông Robert Vitillo, Tổng thư ký, Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) trong chuyến thăm Ukraine vào tháng 3 năm 2023

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn Đức Ông Robert Vitillo, Tổng thư ký Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ:

Xin Đức Ông vui lòng chia sẻ về chuyến viếng thăm gần đây của ngài tới Ukraine….

Chúng tôi đã đến Lviv ở phía tây Ukraine. Mục đích chuyến viếng thăm của chúng tôi là chuyến viếng thăm liên đới lần thứ hai tới các đối tác Giáo hội của chúng tôi ở Ukraine để cho họ biết về mối quan tâm và sự ưu tư mà chúng tôi có với tư cách là Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế. Và cũng kể từ khi tôi triệu tập nhóm công tác phản ứng Công giáo cho Ukraine, sự quan tâm của tất cả những người có liên quan đến nhóm công tác đó.

Chúng tôi được tháp tùng bởi một quan chức của Hiệp hội Y tế Công giáo Hoa Kỳ, người đã giúp chúng tôi xác định những nhu cầu về việc cung cấp y tế cũng như các loại thuốc men cần thiết, được xác định bởi các đối tác của chúng tôi ở Ukraine. Và trong trường hợp đó, chúng tôi cũng đã có thể tập hợp các xe container chở vật tư y tế trị giá một triệu đô la sẽ sớm rời Hoa Kỳ, và chúng tôi đang hợp tác với các hiệp sĩ của Tổ chức Hiệp sĩ Columbus ở Ukraine để vận chuyển những vật liệu và thuốc men đó cho cả các bệnh viện Công giáo lẫn các bệnh viện chính phủ cần đến chúng.

Đức Ông đã chứng kiến những gì và nghe những câu chuyện gì trong các chuyến thăm của mình với người dân?

Chúng tôi bắt đầu ở Lviv ở phía tây Ukraine. Một trong những chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi là đến Nghĩa trang Lviv, nơi tôi nhìn thấy 300 ngôi mộ mới của những người lính đã ngã xuống. Và đó quả là một trải nghiệm cực kỳ khó khăn và đáng buồn đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng nhớ đến sự liên đới của mình, không chỉ với những người đã thiệt mạng mà còn với gia đình của họ và rất nhiều người đang đau buồn về sự mất mát của họ, cũng như một sự mất mát to lớn đối với xã hội này và Ukraine vì đây chủ yếu là những người đàn ông trẻ tuổi, những người sẽ tạo ra sự góp quan trọng cho xã hội ở quốc gia gốc của họ.

Chúng tôi cũng đã làm việc cùng với Chủng viện Công giáo Hy Lạp ở Ukraine cho ICMC để tài trợ cho việc đào tạo về sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội cho các chủng sinh. Và việc đào tạo tương tự này đang được nhân rộng tại tất cả các chủng viện của Ukraine cả ở các chủng viện Công giáo Hy Lạp lẫn Công giáo Latinh.

Mục đích của khóa đào tạo đó là giúp các chủng sinh trở nên nhạy cảm với những nhu cầu về tình cảm của mọi người nói chung, nhưng đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến kinh hoàng. Nhiều lần người dân Ukraine đến gặp Linh mục trước tiên, họ tin tưởng các Linh mục và họ sẽ thảo luận về những điều mà họ coi là nhu cầu tâm linh, nhưng họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những phản ứng cảm xúc và chấn thương do chiến tranh. Và vì vậy chúng tôi muốn giúp các chủng sinh nhận ra những nhu cầu này và biết cách đáp ứng và cũng biết cách nhận ra những nhu cầu mà họ không thể tự giải quyết được mà phải nhờ đến các nhà tâm lý học chuyên nghiệp, bác sĩ tâm thần và nhân viên xã hội.

Tôi đã tham dự một trong những khóa huấn luyện đó và tôi đã rất xúc động trước phản ứng của các chủng sinh, sự thiện chí của họ khi muốn có thể lắng nghe mọi người và cả sự do dự cũng như sự sợ hãi của họ vì họ chắc chắn rằng họ sẽ không làm cho các vấn đề của người dân tồi tệ hơn. Và vì vậy, chúng tôi đã thảo luận rất lâu với họ về cách thức tốt nhất để tiếp cận những nhu cầu đó và cách thức trở nên bén nhạy với chúng, cũng như cách thức giới thiệu những tình huống cần được chăm sóc tâm thần hoặc tâm lý chuyên nghiệp hơn.

Điều Đức Ông đang thực hiện cũng là suy nghĩ về lâu dài và giúp mọi người đối phó với những tổn thương mà họ đã trải qua. Điều này hoạt động như thế nào trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra và, thật không may, nơi dường như không có một chân trời hòa bình trong tương lai gần?

Chà, trước hết, chúng ta phải tập trung vào việc mong muốn hòa bình nhanh chóng xuất hiện, nhưng nếu nó không đến nhanh chóng thì sẽ có áp lực ngày càng tăng và tác động tình cảm và tác động xã hội đối với người dân. Và vì vậy, điều quan trọng là đảm bảo rằng các Linh mục và người dân được chuẩn bị tốt để đáp ứng những nhu cầu này. Và với nhiều người, cảm thức đức tin vẫn còn rất sâu đậm ở Ukraine. Và vì vậy thật tốt đẹp biết bao khi mọi người liên hệ với Linh mục, nhưng chúng tôi muốn cung cấp cho họ những kỹ năng để giúp đỡ mọi người theo cách thức tốt nhất có thể. Đồng thời, họ đang phải vật lộn với những cuộc oanh tạc liên tục ập đến bất cứ lúc nào và bạn không thể chuẩn bị tốt để đói phó với những tình huống đó. Chúng ta cũng phải tính đến tác động xã hội và kinh tế đối với đất nước.

Nhưng chúng tôi đã thấy nhiều dấu hiệu hy vọng trong người dân. Chúng tôi thấy mọi người thực sự tham gia vào việc nỗ lực giúp đỡ những người gặp khó khăn, ngay cả những người đang gặp khó khăn cũng đang giúp đỡ người khác. Và khi tôi đến nhiều nhà thờ Giáo xứ, nơi có rất nhiều chương trình tư vấn này đang được hỗ trợ. Tôi nhận thấy rằng anh chị em giáo dân đã tham gia rất nhiều vào các chương trình cung cấp thực phẩm cho những người phải di tản, quyên góp quần áo và các nhu cầu cơ bản khác cho họ, nhu cầu vệ sinh, thuốc men, thiết bị y tế. Ngay cả những người phải di tản cũng đáp ứng nhu cầu của người khác. Và vì vậy tôi coi đó là một dấu chỉ của niềm hy vọng bởi vì nó phát triển sức mạnh và nó cũng giúp mọi người muốn thấy chiến tranh kết thúc. Việc tham gia vào cả việc cầu nguyện lẫn hành động cuối cùng sẽ giúp Ukraine thoát khỏi chiến tranh và tự xây dựng mình trở thành một quốc gia thậm chí còn tốt đẹp hơn so với trước khi họ bị tấn công.

Nếu như bây giờ Đức Ông đưa ra lời kêu gọi, đặc biệt là sau những chuyến thăm ở đó, ngài sẽ kêu gọi điều gì?

Lời kêu gọi trước tiên là cầu nguyện vì chỉ có Thiên Chúa mới thực sự giúp chúng ta giải quyết tình trạng xâm lược bất công nơi một quốc gia, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới giúp chúng ta làm được điều đó. Vì vậy, chúng ta cần phải có những lời cầu nguyện. Chúng ta cũng cần những lời cầu nguyện để có được sức mạnh và sự kiên cường của người dân. Họ có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc ở Ukraine, nhưng họ cần có khả năng chuẩn bị cho chặng đường dài. Và sau đó là lời kêu gọi hỗ trợ những nỗ lực đang diễn ra. Tôi ngạc nhiên trước những nỗ lực của Giáo hội địa phương ở Ukraine. Với tư cách là người đứng đầu một tổ chức Công giáo toàn cầu, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải cử nhân viên và chuyên gia đến, nhưng tôi thấy điều đó là không cần thiết. Có những chuyên gia được chuẩn bị kỹ lưỡng, cả trong lĩnh vực tâm lý lẫn sức khỏe tâm thần và ngay cả trong lĩnh vực ứng phó, phản ứng nhân đạo. Nhưng họ cần giúp đỡ để trả lương cho mọi người để có thêm hàng hóa vốn hiện không có ở Ukraine và để biết rằng mọi người quan tâm đến họ. Vì vậy, những nỗ lực từ thiện của chúng tôi vẫn rất cần thiết và được yêu cầu ở Ukraine và người dân không ngừng bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực đó trong thời gian tôi ở đó. Cuối cùng, chúng ta phải giúp họ hướng đến tầm nhìn dài hạn và bắt đầu chuẩn bị cho sự phát triển và phục hồi cơ sở hạ tầng trong nước. Tôi tin chắc rằng Giáo hội sẽ là một sức mạnh cực kỳ quan trọng vì những nỗ lực đó sẽ cần thiết một khi hòa bình được thiết lập.

Đức Ông có muốn bổ sung thêm điều gì về công việc của mình trong việc hỗ trợ tất cả mọi người phục hồi sau những chấn thương mà họ đã trải qua không?

Một công việc khác mà ICMC đã tham gia là hợp tác với Tổ chức Hiệp sĩ Columbus trong việc điều trị chấn thương chuyên sâu khả thi cho những quân nhân trở về và vợ của họ cũng như các thành viên gia đình của họ. Tôi đã đến thăm một trong những buổi điều trị này. Chúng được lên kế hoạch trong ba buổi tập trung vào cuối tuần và chúng thực sự hiệu quả để giúp những người lính trở về có thể bày tỏ nỗi đau của họ, bày tỏ nỗi kinh hoàng mà họ đã tham gia và tái thiết lập mối liên kết gia đình khi họ trở về gia đình của họ. Nhiều nhân viên nói với tôi rằng điều đó rất khó khăn vì những người đàn ông này thường sống khép kín và do đó, không sẵn sàng cho gia đình đang rất cần họ trở về nhà, cả về tình cảm lẫn thể lý. Tôi đã lắng nghe một số cuộc thảo luận được tổ chức trong chương trình điều trị chuyên sâu này. Và tôi rất ấn tượng với các chuyên gia đã đến để giúp tạo điều kiện cho các chương trình này. Một số người trong số họ là Linh mục, họ là những nhà tâm lý học chuyên nghiệp, nhưng họ cũng mời một số chuyên gia đến để đào tạo thêm về điều trị chấn thương. Tôi rất hài lòng khi chúng tôi có thể tham gia vào một công việc như thế để có thể đảm bảo không chỉ tái gia nhập quân đội mà còn là sự hòa nhập thực sự trong chính gia đình của họ.

Tôi vô cùng ấn tượng với sự tham gia của các Giám mục mà chúng tôi đã mời và những người mà chúng tôi đã đến thăm tại nhiều Giáo phận khi chúng tôi đi từ Lviv đến Kyiv. Họ đang chỉ đạo tham gia vào công việc từ thiện của Giáo hội. Ở mọi nơi trú ẩn, trong mọi chương trình tư vấn mà tôi tham gia cùng với các Giám mục, người dân đều biết các Giám mục, họ vô cùng kính trọng và họ thực sự biết ngài như một người bạn và như một người cha đối với họ. Tôi thiết nghĩ điều đó rất quan trọng khi chúng ta nghĩ đến sức mạnh của Giáo hội ngay từ cấp cơ sở, chúng ta cũng phải thấy sức mạnh của sự lãnh đạo của họ thông qua các Giám mục và các giáo sĩ.

Đức Ông có thể mô tả chuyến viếng thăm của ngài đến một số khu vực bị chiến tranh tàn phá, chẳng hạn như Bucha và Irpin trong chuyến đi của ngài ở Ukraine?

 Đây là hai thành phố mà chúng ta đã nghe nói nhiều vào đầu cuộc chiến. Tôi phỏng đoán tôi luôn nghĩ rằng những nơi này ở rất xa về phía đông của đất nước, nhưng thực tế chúng cách thủ đô Kyiv 10 km. Khi chúng tôi có mặt tại Kiev, chúng tôi đã đến đó. Chúng tôi đã đến thăm một phụ nữ, tên là Olga, người đã ẩn náu hai tuần lễ trong tầng hầm của ngôi nhà vì trên đường phố ở khu vực của chị, xe tăng Nga và Ukraine đang chiến đấu trên cùng một con đường đất rất nhỏ. Vì vậy, chị trốn trong tầng hầm của một ngôi nhà khác với một số người. Mỗi ngày, một trong số họ sẽ ra ngoài để cố gắng kiếm nguồn tiếp tế và những người lính Nga sẽ bắn vào họ. Vào ban đêm, họ sẽ phải lẻn ra ngoài để cố gắng lấy nước từ giếng của ngôi nhà cũng như nấu nướng một số thứ trên vỉ nướng bên ngoài. Nhưng họ luôn cảm thấy rằng cuộc sống của họ đang gặp nguy hiểm. Họ nói về việc hầu hết mọi người trong khu phố Irpin đó đã rời đi như thế nào, và họ sẽ mang thức ăn đến cho những người đang ẩn náu ở đó, chỉ để lại thức ăn khi họ rời thành phố. Cuối cùng, sau vài tuần lễ, họ quyết định rằng họ cũng cần phải rời đi, và họ đã được quân đội Ukraine sơ tán.

Chị Olga đã đưa chúng tôi đến gặp một gia đình đã mất tất cả những gì họ có trong cuộc tấn công đó. Họ sống nhờ vào một tài sản mà họ đã ở đó trong suốt bốn thế hệ. Họ có ba ngôi nhà trên mảnh đất đó và cả ba ngôi nhà đều bị phá hủy hoàn toàn. Người mẹ đã chỉ cho tôi xem toàn bộ mọi thứ đã bị tàn phá và vừa khóc vừa nói: “Chúng tôi đã mất tất cả, chúng tôi đang nỗ lực xây lại một trong những ngôi nhà, nhưng chúng tôi chẳng còn gì nữa”. Chị cũng hỏi thăm chúng tôi khi chúng tôi rời khỏi nhà của chị, chị cảm ơn chúng tôi đã đến thăm và thể hiện sự liên đới của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi rời đi, chị đã khóc: “Xin hãy nói cho thế giới biết những sự việc đang xảy ra với chúng tôi, xin hãy nói cho thế giới biết”. Khi tôi nhìn xuống, tôi thấy rằng chị đang trồng trọt ở đó giữa đống củi cháy và bụi mù mịt và tôi có thể thấy một bông hoa đang nở. Điều đó cho tôi cảm giác rằng vẫn còn hy vọng thậm chí ngay cả trong toàn bộ sự tàn phá này và hơn thế nữa tại sao chúng ta cần cầu nguyện để Thiên Chúa giúp chúng ta một lần nữa tìm ra con đường hòa bình và phát triển ở Ukraine.

Chúng tôi cũng đã đến thăm Chủng viện Bucha, Chủng viện Công giáo La Mã đã bị quân đội Nga chiếm đóng trong vài tuần lễ. Vị linh hướng của Chủng viện nói với chúng tôi rằng ngài đã ở đó khi quân đội Nga kéo đến và cả khi tên lửa nã đạn cối vào khuôn viên chủng viện. Ngài chỉ cho chúng tôi những lỗ thủng do súng cối tạo ra và cho chúng tôi xem một số mảnh đạn và kim loại từ súng cối. Vị linh hướng  nói với chúng tôi rằng ngài đang cử hành Thánh lễ cho mọi người khi người Nga kéo đến và ngài thấy họ rất sợ hãi, nhưng ngài đã ở lại với mọi người để cố gắng trấn an họ và sau đó giúp họ tìm cách thoát khỏi khu đất của Chủng viện. Ngài nói với chúng tôi rằng đây là một kinh nghiệm đức tin đối với cá nhân ngài, người đã dạy các chủng sinh về lòng trắc ẩn và về việc yêu thương những người xung quanh. Ngài nhận ra rằng ngài đã không đủ yêu thương những người lân cận của mình, vì vậy ngài đã dành thời gian còn lại trong thời gian chiếm đóng, và giờ đây một lần nữa để cố gắng phục vụ những người cần được giúp đỡ. Họ có hàng trăm người tìm đến Chủng viện mỗi tuần để nhận các gói dịch vụ chăm sóc được tổ chức bởi Tổ chức Hiệp sĩ Columbus ở Ukraine. Đây là những điều đã thực sự giúp tôi hiểu được chiều sâu của đức tin và việc đức tin đó có thể mang lại sức mạnh như thế nào cho người dân Ukraine. Đức tin của họ cũng sẽ mang lại cho họ sự kiên cường mà họ cần vào lúc này và mang lại cho họ nguồn cảm hứng về niềm hy vọng để họ có thể nhìn về tương lai.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube