ACN cung cấp gói cứu trợ COVID cho các Nữ tu và Linh mục tại Congo

Một nữ tu đeo mặt nạ bảo vệ trong màu sắc của Cộng hòa Dân chủ Congo, trong buổi cầu nguyện Angelus được Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành từ cửa sổ phòng thu của ông nhìn ra Quảng trường Thánh Peter tại Vatican, Chủ nhật, ngày 28 tháng 6 năm 2020. (Ảnh: Riccardo De Luca / AP)

Một Nữ tu đeo khẩu trang hình quốc kỳ Cộng hòa Dân chủ Congo, trong giờ kinh Truyền Tin do Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ sự từ cửa sổ phòng làm việc trong căn hộ Giáo hoàng tại Vatican nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa nhật, ngày 28 tháng 6 năm 2020 (Ảnh: Riccardo De Luca / AP)

Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), một tổ chức từ thiện thuộc Đức Giáo hoàng trợ giúp các Kitô hữu bị đàn áp trên toàn thế giới, đã cung cấp cho khoảng 70 cộng đoàn Nữ tu đang làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Congo gói cứu trợ trị giá khoảng 140.000 đô la để giúp họ đối phó với tình trạng mất an ninh và đại dịch COVID-19.

Trong hơn 20 năm, miền đông Congo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cảnh chiến tranh và xung đột, với việc các băng đảng đối thủ đấu tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của khu vực. Trong khi các tổ chức viện trợ và các tổ chức phi chính phủ khác đã rời khỏi khu vực do tình trạng bất ổn gia tăng, các Nữ tu vẫn tiếp tục kiên cường ở lại khu vực.

“Các Nữ tu của Giáo hội quả thực hết sức tuyệt vời”, Edward F. Clancy, Giám đốc tiếp cận của tổ chức ACN Hoa Kỳ, cho biết.

“Có rất nhiều cộng đồng phục vụ ở những khu vực khó khăn nhất này”, ông Clancy phát biểu với Crux.

 “Trong những giai đoạn thuận lợi nhất, cuộc sống ở khu vực xung quanh Bukavu là vô cùng khó khăn. Khu vực này bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột sắc tộc, các cuộc xâm nhập vũ trang từ các nước láng giềng, các vụ bắt cóc và hãm hiếp xảy ra thường xuyên và có rất nhiều người sống trong tình cảnh nghèo đói”.

Ông Clancy cho biết sự hiện diện liên tục của các Nữ tu trong khu vực, thậm chí có nguy cơ phải đánh đổi bằng cả mạng sống của chính họ tạo nên “định nghĩa về tình yêu ‘agape’, tình yêu tự hiến”.

“Một trong rất nhiều ân sủng của các cộng đồng tu trì đó là họ phục vụ người dân với sự tận tâm như vậy, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của họ theo cách này. Họ làm cho anh chị em xung quanh họ trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của họ”.

Christine du Coudray, người đứng đầu các dự án của tổ chức ACN tại CHDC Congo, lưu ý rằng Giáo hội và đặc biệt là các Tu sĩ vẫn tiếp tục ở lại đó, “gần với những nhóm người bị thiệt thòi nặng nề nhất, lặng lẽ âm thầm hoàn toàn theo tinh thần của Mẹ Têrêsa”.

“Tôi thường đến thăm họ sau các vụ tấn công của các băng đảng đối thủ, sau khi họ trở thành nạn nhân của các vụ hãm hiếp và tàn sát mà không ai tránh khỏi, sau khi họ sống sót sau các vụ động đất, các vụ sạt lở đất hoặc các trận lũ lụt đầy kinh hoàng, như vừa xảy ra tại Uvira [nằm cách Bukavu khoảng 60 dặm về phía nam] – các vụ thảm họa vốn đã phá hủy hoàn toàn mọi thứ và để lại sự tổn thất nặng nề”, bà Coudray nói.

Thậm chí ngay cả khi sự bất ổn khiến cho việc làm việc trong những môi trường như vậy trở nên khó khăn, COVID-19 đã làm cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

“Với sự xuất hiện của COVID và các biện pháp cách ly xã hội, các phương tiện sinh sống hiện đã bị tước đoạt khỏi nhiều cộng đoàn các Nữ tu đe dọa sự hiện diện của họ để phục vụ người dân hiện đang rất thiếu thốn và cần được trợ giúp”, ông Clancy phát biểu với Crux.

“Tiền lương đã bị cắt giảm tại CHDC Congo sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 24 tháng 3”, ông Clancy nói. “Các khoản đóng góp của các Giáo xứ và các cộng đồng địa phương đã không còn nữa”.

Thêm nữa là, ông Clancy cho biết, các nhân viên y tế, một nhóm bao gồm nhiều Nữ tu, được bù đắp dựa trên số lượng bệnh nhân họ điều trị. Tuy nhiên, vì lo sợ bị lây nhiễm coronavirus, người dân hiện không muốn đến bệnh viện để chăm sóc người thân và các Nữ tu chỉ nhận được rất ít tiền bồi dưỡng. Với việc các trường học đóng cửa vì đại dịch COVID-19, các Nữ tu làm việc trong các trường học và phụ thuộc vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh để trang trải chi phí sinh hoạt của họ giờ đây đã mất đi phương tiện hỗ trợ này.

“Trong bốn tháng, các Nữ tu đã bị cắt giảm đáng kể tiền hỗ trợ và thậm chí mất hoàn toàn thu nhập”, ông Clancy giải thích.

Ông Clancy cho biết với những căng thẳng kinh tế do các biện pháp cách ly xã hội, cuộc sống của những người sống bên bờ vực của cảnh nghèo đói khổ sở lại càng thêm tồi tệ hơn và sự ổn định của khu vực đang bị thách thức nhiều hơn và rất có thể rơi vào “tình huống nguy kịch”.

Lưu ý rằng nếu không có sự giúp đỡ, công việc của các Nữ tu trong khu vực sẽ bị hạn chế nghiêm trọng và cuộc sống của họ hiện đang bị đe dọa, ông Clancy cho biết gói viện trợ của tổ chức ACN “sẽ giúp các cộng đồng tu trì sống sót qua cuộc khủng hoảng kinh tế này và tiếp tục ở lại cùng với những người mà họ phục vụ”.

Tổ chức ACN cũng cung cấp sự hỗ trợ cho các Linh mục tại Congo kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Không có các khoản đóng góp vào mỗi Chúa nhật hoặc các nguồn thu nhập khác do việc đình chỉ các hoạt động mục vụ và các công việc cộng đồng khác do COVID, nhiều Linh mục không còn có thể kiếm sống hoặc tiếp tục công việc mục vụ, theo Đức Giám mục Giáo phận Mbuji-Mayi, Đức Cha Bernard Emmanuel Kasanda Mulenga.

“Trong thời gian bình thường, các tín hữu giúp đỡ các Linh mục bằng thực phẩm và các khoản quyên góp khác”, Đức Cha Kasanda nói.

Bởi vì mọi người dân phải ở nhà, Đức Cha Kasanda nói, “cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây bởi vì phần lớn mọi người bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp rất cao (gần 96%)”.

Các Tu sĩ tại CHDC Congo đã được đánh giá rất cao. Vào tháng Tư, Đức Ông Richard Kitengie của Giáo Phận Kabinda, nơi các Linh mục đã nhận được gói viện trợ 20.310 đô la từ Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, đã bày tỏ lòng biết ơn trong một lá thư.

“Với các biện pháp mới nhất được thực hiện nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, các Linh mục của chúng tôi sống chủ yếu nhờ vào bổng lễ trong các Thánh lễ Chúa nhật đang gặp khó khăn nghiêm trọng và không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ nữa”, Đức Ông Kitengie viết. “Sự hỗ trợ tài chính của quý vị được hoan nghênh như một sự can thiệp đầy tuyệt vời”.

Trong số những người thụ hưởng gói tài chính đó là 40 Linh mục trong Giáo phận Kilwa-Kasenga, với việc Cha André Mpundu lưu ý rằng sự trợ giúp “sẽ đảm bảo sinh kế của chúng tôi và đồng thời bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn tín hữu, những người thông qua những nỗ lực khiêm tốn của chúng tôi, lắng nghe Lời Chúa và có thể lãnh nhận các Bí tích”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube