Vị Hồng Y người Châu Phi: Kết quả của Thượng Hội đồng sẽ được hoan nghênh như là ‘thánh ý muốn của Thiên Chúa’

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Địa phận Kinshasa, phát biểu trong cuộc họp báo về Thượng Hội đồng về khu vực Amazon tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 22 tháng 10 năm 2019. Phát biểu tại cuộc họp báo về Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại Vatican vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, vị Hồng Y người Congo cho biết sáng kiến này đang cung cấp “những cách thức mới để giải quyết các vấn đề, bất kể chúng là gì” với “tinh thần hiệp hành” (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Địa phận Kinshasa, phát biểu trong cuộc họp báo về Thượng Hội đồng về khu vực Amazon tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 22 tháng 10 năm 2019. Phát biểu tại cuộc họp báo về Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại Vatican vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, vị Hồng Y người Congo cho biết sáng kiến này đang cung cấp “những cách thức mới để giải quyết các vấn đề, bất kể chúng là gì” với “tinh thần hiệp hành” (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Hôm thứ Bảy, một vị Giám chức hàng đầu của Châu Phi tham gia Thượng Hội đồng về Hiệp hành đã bày tỏ sự tin tưởng rằng kết quả của tiến trình sẽ “được mọi người hoan nghênh như là thánh ý của Thiên Chúa”.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu người Congo cũng tìm cách chống lại điều mà ngài gọi là “những kỳ vọng quá mức” của một số người trong Giáo hội rằng Thượng Hội đồng sẽ “mang lại giải pháp cho mọi vấn đề của họ”. Thay vào đó, vị Giám chức lập luận rằng sáng kiến này nhằm cung cấp “những cách thức mới để giải quyết các vấn đề, bất kể chúng là gì” với “tinh thần hiệp hành”.

“Tôi không nghĩ các mục tiêu của Thượng Hội đồng hệ tại ở việc đối mặt theo cách này hay cách khác, nhưng ở một cách thức mới để trở thành một Giáo hội, một tinh thần mới”, Đức Hồng Y Besungu, Tổng Giám mục Địa phận Kinshasa đồng thời là Chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, cho biết.

Những bình luận của Đức Hồng Y Besungu, được đưa ra trong cuộc họp báo buổi chiều do ban tổ chức Thượng Hội đồng tổ chức, đã làm dấy lên những câu hỏi về thẩm quyền thực sự của Thượng Hội đồng trong việc tự mình vạch ra đường lối cho Giáo hội – một vấn đề nổi lên trong cuộc trao đổi gần đây giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và một nhóm gồm 5 Hồng y cấp cao đã công khai vào đêm trước Thượng Hội đồng với sự dè dặt nghiêm trọng về tiến trình hiện đang diễn ra tốt đẹp tại Vatican.

Trong số các câu hỏi được đặt ra cho Đức Hồng Y Besungu là làm thế nào kết quả của Thượng Hội đồng có thể được coi là một biểu hiện có thẩm quyền về ý muốn của Thiên Chúa vì nó thiếu địa vị đặc biệt của một công đồng đại kết, như Công đồng Vatican II.

Đức Hồng Y Besungu chỉ ra “phương pháp phân định” thúc đẩy tiến trình Hiệp hành và thẩm quyền mà ngài nói rằng các tham dự viên tham gia có được nhờ phép Rửa tội của họ. Lần đầu tiên tại Thượng Hội đồng Giám mục, 27% thành viên bỏ phiếu không phải là Giám mục, và cuộc thảo luận sẽ được hướng dẫn bằng phương pháp “đối thoại trong Chúa Thánh Thần” qua việc nói, lắng nghe và phân định.

“Chính nhờ Bí tích Rửa tội mà chúng ta có trách nhiệm như nhau trước Giáo hội, và tôi thiết nghĩ tất cả những người có mặt đều có quyền phát biểu thay mặt Giáo hội”, Đức Hồng Y Besungu nói.

Khi được Edward Pentin của hãng tin NCR hỏi liệu ngài có chấp nhận kết quả của Thượng Hội đồng bày tỏ sự ủng hộ việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng giới như là thánh ý của Thiên Chúa hay không, Đức Hồng Y Besungu chần chừ và giải thích rằng ngài không muốn bày tỏ ý kiến ​​của riêng mình về các vấn đề LGBTQ bởi vì “chính Thiên Chúa, qua sự phân định tập thể, sẽ cho chúng ta biết” Giáo hội cần phải đi theo hướng nào.

“Không ai đến đây với chương trình nghị sự của riêng mình”, Đức Hồng Y Besungu nói. “Tất cả chúng ta đều là anh chị em lắng nghe thánh ý của Thiên Chúa dành cho Giáo hội của Ngài”.

Bình luận của Đức Hồng Y Besungu được đưa ra sau khi 5 vị Hồng Y công khai vào ngày 2 tháng 10 với các câu hỏi mà họ đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô, một trong số đó đề cập đến thẩm quyền của Thượng Hội Đồng. Cuối ngày hôm đó, Vatican đã công bố câu trả lời của Đức Thánh Cha cho những câu hỏi ban đầu của các Hồng Y.

Trả lời câu hỏi liệu “tính hiệp hành có thể là tiêu chuẩn quy định quan trọng nhất của chính quyền thường trực của Giáo hội” mà không mâu thuẫn với bản chất phẩm trật của Giáo hội hay không, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng uy tín của Giáo hội với tư cách là một “mầu nhiệm hiệp thông truyền giáo” “nhất thiết hàm ý sự tham gia thực tế”: rằng không chỉ hàng Giáo phẩm mà toàn thể dân Chúa theo những cách khác nhau và ở những cấp độ khác nhau đều có thể khiến tiếng nói của họ được lắng nghe và cảm thấy mình là một phần của cuộc hành trình của Giáo hội”.

Giáo luật khẳng định rằng Thượng Hội đồng là một cơ quan tham vấn, và chức năng của Thượng Hội đồng không phải là “giải quyết các vấn đề hoặc đưa ra các sắc lệnh, trừ khi Đức Giáo hoàng đã trao cho nó quyền thảo luận trong một số trường hợp; trong trường hợp này, Đức Giáo hoàng có quyền phê chuẩn các quyết định của Thượng Hội đồng”.

Đức Hồng Y Besungu đã tham gia cuộc họp báo cùng với thành viên Thượng Hội đồng, Nữ tu Leticia Salazar, Chưởng ấn Giáo phận San Bernadino, California. Tiến sĩ Paolo Ruffini và bà Sheila Pires, Chủ tịch và Tổng Thư ký của Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng Giám mục, cũng tham gia.

“Bản sắc toàn cầu của Giáo hội Công giáo thật đáng kinh ngạc khi được chứng kiến và trải nghiệm”, theo Nữ tu Salazar, người nhấn mạnh sự cần thiết phải “chấp nhận bất kỳ sự tiếp thu kiến thức nào có thể thực hiện”.

Cuộc họp báo hôm thứ Bảy đánh dấu sự kết thúc của “mô-đun” đầu tiên của cuộc họp Thượng Hội đồng kéo dài một tháng, trong đó 365 đại biểu đã thảo luận về chủ đề “Một Giáo hội Hiệp hành”. Các cuộc thảo luận cho đến nay đã tập trung vào “các dấu hiệu đặc trưng của một Giáo hội Hiệp hành” và “con đường phía trước đối với Giáo hội Hiệp hành: cuộc trò chuyện trong Thánh Thần”.

Các tham dự viên Thượng Hội đồng cũng đã nói về kinh nghiệm của “mô-đun” đầu tiên. Tiến sĩ Ruffini nói rằng nhiều bài phát biểu trước công chúng của các thành viên Thượng Hội đồng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với “ân sủng của thời điểm này đang cho phép chúng ta trải nghiệm được sự vĩ đại của Giáo hội”.

Giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng kết thúc với việc mỗi nhóm trong số 35 nhóm nhỏ, nộp báo cáo cuối cùng của họ cho ban thư ký Thượng hội đồng, nơi sẽ chịu trách nhiệm đưa ra một tài liệu tổng hợp để đại hội đồng phê chuẩn trong giai đoạn cuối của Thượng hội đồng.

Trước khi nộp báo cáo, mỗi bàn thảo luận đã trải qua một quy trình gồm nhiều bước, trong đó tất cả 12 thành viên ngồi thảo luận đều bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề này, đưa ra phản hồi về đóng góp của các bàn thảo luận khác và nghe báo cáo ban đầu của các bàn thảo luận khác. Mỗi bàn bầu ra một “báo cáo viên” chịu trách nhiệm chuẩn bị báo cáo tóm tắt cuối cùng, báo cáo này được thông qua sau khi nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên của bàn thảo luận của họ.

Một số điểm nhấn mạnh của “mô-đun” đầu tiên bao gồm tinh thần đồng trách nhiệm của những người đã được rửa tội, việc đào tạo chủng viện, và “trao đổi năng lượng để suy nghĩ về các hình thức và địa điểm của sự tham gia mới”.

Tiến sĩ Ruffini cho biết rằng một số từ thường xuyên xuất hiện nhất trong bảng báo cáo bao gồm “Chúa Giêsu”, “Giáo hội”, “sự hiệp thông”, “gia đình”, “lắng nghe”, “cộng đồng”, “người nghèo” và “tình yêu”.

Với mô-đun A của Instrumentum Laboris, Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng, hiện đã hoàn tất, các tham dự viên Thượng Hội đồng đã bắt đầu thảo luận vào thứ Hai về mô-đun tiếp theo, “Một sự hiệp thông lan tỏa”. Các chủ đề được thảo luận theo chủ đề đó bao gồm việc đồng hành cùng với những người di cư và người nghèo, thực hiện các bước cụ thể để bao gồm những người được xác định là LGBTQ+ và khắc phục tình trạng loại trừ những người khuyết tật.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube