Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tái khám phá việc thực hành đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô hôn thánh tích của Thánh Margaret Mary Alacoque, từ tay của Cha Etienne Kern, Giám đốc Đền thánh Paray-le-Monial, Pháp, nơi thánh nhân đã được thị kiến Chúa Giêsu, tại Vatican ngày 4 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô hôn thánh tích của Thánh Margaret Mary Alacoque, từ tay của Cha Etienne Kern, Giám đốc Đền thánh Paray-le-Monial, Pháp, nơi thánh nhân đã được thị kiến Chúa Giêsu, tại Vatican ngày 4 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Việc thực hành đền tạ thiêng liêng ngày nay “có thể phần nào bị lãng quên hoặc bị đánh giá sai lầm là lỗi thời”, nhưng điều đó rất cần thiết cho việc thúc đẩy công lý và chữa lành, kể cả thay mặt cho những người bị lạm dụng trong Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Với một cam kết chân thành đối việc đền bù, hy vọng là ngay cả “nếu điều không thể sửa chữa được không thể được sửa chữa hoàn toàn, tình yêu luôn có thể được tái sinh, làm cho vết thương có thể chịu đựng được”, Đức Thánh Cha nói.

Hôm 4 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên tham gia hội nghị, được tổ chức tại Roma từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 5 năm 2024, đánh dấu kỷ niệm 350 năm cuộc hiện ra của Chúa Giêsu với Thánh Margaret Mary Alacoque người Pháp vào thế kỷ 17, trong đó bao gồm lời kêu gọi cổ võ việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và thực hiện các hành động đền tạ hoặc sám hối vì những lúc con người không nhận ra tình yêu của Chúa Kitô.

Việc đền tạ là một khái niệm được tìm thấy xuyên suốt trong Kinh Thánh, Đức Thánh Cha nói. “Trong Cựu Ước, nó mang một khía cạnh xã hội về sự đền bù cho những điều sai trái đã gây ra”, là một vấn đề về sự công bằng chẳng hạn như trả lại thứ gì đó đã bị đánh cắp hoặc sửa chữa thứ gì đó bị hư hại.

“Tuy nhiên, trong Tân Ước, nó mang hình thức của một tiến trình thiêng liêng, ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện”, Đức Thánh Cha nói. “Việc đền tạ được thể hiện trọn vẹn nơi Hy tế thập giá. Điều mới mẻ ở đây là nó bộc lộ Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân”.

“Do đó, việc đền tạ góp phần vào sự hòa giải giữa con người với nhau, nhưng cũng góp phần vào sự hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì điều sai trái đã gây ra với người lân cận cũng là hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói.

Trong Sách Huấn Ca, Đức Thánh Cha nói, tác giả đặt câu hỏi: “Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má của Đức Chúa sao?”.

“Anh chị em thân mến, biết bao giọt nước mắt vẫn chảy dài trên gò má của Thiên Chúa trong khi thế giới của chúng ta trải qua quá nhiều sự lạm dụng chống lại phẩm giá con người, ngay cả trong dân Chúa”, trong Giáo hội.

Tiêu đề của hội nghị ở Rôma là “Sửa chữa những gì không thể sửa chữa được”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói là một lời mời gọi “hy vọng rằng mọi vết thương đều có thể được chữa lành, dù nó có thể sâu đến đâu”.

“Việc đền bù hoàn toàn đôi khi dường như là không thể, chẳng hạn như khi tài sản hoặc những điều quý giá bị mất đi hoàn toàn, hoặc khi một số tình huống trở nên không thể cứu vãn được”, Đức Thánh Cha nói. “Nhưng ý định sửa đổi và thực hiện điều đó một cách cụ thể là điều cần thiết cho tiến trình hòa giải và trở lại với sự bình an trong tâm hồn”.

Đức Thánh Cha nói rằng việc đền tạ như một thực hành tâm linh phải bao gồm việc “tự nhận mình có tội và cầu xin sự tha thứ”, bởi vì nó xuất phát từ “sự thừa nhận chân thành về những sai trái đã gây ra với anh chị em của mình, và từ tình cảm sâu sắc và chân thành rằng tình yêu thương bị tổn hại nên nảy sinh ý muốn chuộc lỗi”.

Lời cầu xin tha thứ rõ ràng “mở lại cuộc đối thoại và thể hiện ý chí tái lập mối dây bác ái huynh đệ”, Đức Thánh Cha nói. Và cam kết sửa chữa – “ngay cả việc bắt đầu đền bù hay đơn giản là ý chí sửa đổi – bảo đảm tính xác thực của lời cầu xin tha thứ, nó diễn tả chiều sâu, sự chân thành của nó, nó chạm đến trái tim của người khác, mang lại niềm an ủi và gợi cảm hứng cho người khác chấp nhận lời cầu xin tha thứ”.

Việc Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Margarita Mary thực hiện các hành vi đền tạ vì những xúc phạm do tội lỗi của nhân loại gây ra cho thấy rằng “những hành vi này đã an ủi Thánh tâm của Ngài”, Đức Thánh Cha nói. Và nếu những hành động đó an ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu, “điều này có nghĩa là việc đền bù cũng có thể an ủi tâm hồn của những người bị tổn thương”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để hội nghị sẽ canh tân và củng cố “ý nghĩa của việc thực hành việc đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu tốt đẹp này” và nó sẽ tìm được “vị trí xứng đáng của nó trong hành trình sám hối của mỗi người đã được rửa tội trong Giáo hội”.

Minh Tuệ (theo NCR Online)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube