Tòa Thánh phản đối ‘sự cưỡng ép’ trong các chính sách về dân số

Vào ngày 3 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, đã có bài phát biểu tại Phiên họp lần thứ 52 của Ủy ban Dân số và Phát triển, diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York. Đức TGM Auza đã nói về Chương trình nghị sự Mục 3 (b), vốn được dành riêng cho việc “xem xét và đánh giá Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Sự phát triển (ICPD) cũng như sự đóng góp của nó trong việc theo dõi và đánh giá Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững”.

unnamed-7Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng ICPD, hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập, là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế xem xét mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển, và đồng thời lưu ý rằng họ từ chối tất cả mọi hình thức cưỡng ép trong việc thực thi các chính sách về dân số, thừa nhận gia đình, được dựa trên hôn nhân, là đơn vị cơ bản của xã hội, và tập trung vào sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào sự phát triển. Đức Tổng Giám mục Auza tuyên bố gợi ý rằng sức khỏe sinh sản bao hàm quyền phá thai rõ ràng vi phạm ngôn ngữ của ICPD, vi phạm luật pháp trong nước của nhiều quốc gia cũng như chia rẽ các nỗ lực để giải quyết nhu cầu thực sự của các bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ chưa được sinh ra. Việc xây dựng các chính sách dân số của chính phủ và quốc tế về “các quyền về tình dục và sinh sản” của cá nhân là thiếu sự khôn ngoan; các chính phủ và xã hội nên tập trung các chính sách liên quan đến việc truyền tải và nuôi dưỡng sự sống vào việc thúc đẩy gia đình, vốn là đơn vị nhóm tự nhiên và cơ bản của xã hội. Đức Tổng Giám mục Auza cũng nói về mối liên hệ giữa sự phát triển và vấn đề di cư cũng như sự phát triển và môi trường.

Dưới đây là nội dung bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza:

Phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc

Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Dân số và Phát triển

Chương trình nghị sự Mục 3 (b): Xem xét và đánh giá Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Sự phát triển cũng như sự đóng góp của nó trong việc theo dõi và đánh giá Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững

New York, ngày 3 tháng 4 năm 2019

Thưa ngài chủ tịch,

Khi chúng ta hồi tưởng kỷ niệm 25 năm Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tại Cairo và xem xét chương trình hành động tiếp theo trong bối cảnh Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, phái đoàn của tôi nhận thức được rất nhiều những thách thức mà cộng đồng quốc tế hiện vẫn phải đối mặt để đạt được mục tiêu của sự phát triển con người lớn hơn và toàn diện hơn.

ICPD là một cột mốc quan trọng trong sự hiểu biết của thế giới về mối tương quan giữa dân số và sự phát triển, thực sự lần đầu tiên xem xét mối liên kết giữa hai yếu tố này. Tất cả các hình thức của sự cưỡng chế trong việc thực hiện các chính sách dân số đều đã bị từ chối. Gia đình, dựa trên hôn nhân, được công nhận là đơn vị cơ bản của xã hội, và được quyền trợ giúp và bảo vệ toàn diện. Động lực mạnh mẽ đã được trao cho việc cải thiện vị thế của phụ nữ trên toàn thế giới, đặc biệt là liên quan đến sức khỏe của họ, và sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của họ vào sự phát triển. Hiện tượng di cư mở rộng đã được xem xét cùng với tác động của nó đối với sự phát triển.

Kể từ đó, sự phát triển đã trở thành và tiếp tục vẫn là bối cảnh thích hợp đối với sự xem xét của cộng đồng quốc tế về các vấn đề về dân số. Trong các cuộc thảo luận như vậy, tự nhiên phát sinh những câu hỏi liên quan đến việc truyền tải và nuôi dưỡng sự sống của con người. Tuy nhiên, để hình thành và định vị các vấn đề về dân số, xét về mặt “các quyền về tình dục và sinh sản” của cá nhân, đó là thay đổi trọng tâm từ điều vốn là mối bận tâm đúng đắn của chính phủ và các cơ quan quốc tế. Việc cho rằng sức khỏe sinh sản bao hàm quyền phá thai rõ ràng vi phạm ngôn ngữ của ICPD, bất chấp các tiêu chuẩn về luân lý và pháp lý trong luật pháp của các quốc gia và đồng thời chia rẽ những nỗ lực nhằm giải quyết nhu cầu thực sự của các bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ chưa được sinh ra.

Hơn nữa, các câu hỏi liên quan đến việc lan truyền sự sống và việc nuôi dưỡng theo sau đó không thể được giải quyết một cách thỏa đáng vơi sự loại trừ liên quan đến lợi ích của gia đình, mà Tuyên ngôn Nhân quyền đã xác định là “đơn vị nhóm tự nhiên và cơ bản của xã hội” [1].

Chính phủ và xã hội cần phải thúc đẩy các chính sách xã hội vốn đặt gia đình làm đối tượng chính, đồng thời hỗ trợ nó bằng cách cung cấp đầy đủ các nguồn lực và phương tiện hỗ trợ hiệu quả, vừa nuôi dạy trẻ em, chăm sóc những người cao tuổi, củng cố mối quan hệ giữa các thế hệ cũng như tránh việc tách biệt những người cao tuổi khỏi đơn vị gia đình.

Thưa ngài chủ tịch,

Một cột mốc khác của ICPD đó chính là sự liên kết giữa vấn đề di cư và sự phát triển. Kể từ đó, đã có một sự nhạy bén gia tăng, những nghiên cứu, sự hợp tác và các chính sách hiệu quả trong lĩnh vực này, dẫn đến việc áp dụng Hiệp ước Toàn cầu về vấn đề di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên. Di cư là một hiện tượng toàn cầu; một hiện tượng có sự kết nối với sự phát triển và tình trạng nghèo đói, cũng như vấn đề an ninh tài chính và sức khỏe.   Đặc biệt, những người di cư hiện được xem như là những tác nhân chủ động của sự phát triển. Tuy nhiên, đôi khi những khuôn mẫu tiêu cực của những người di cư bị khai thác để thúc đẩy các chính sách gây bất lợi cho quyền và phẩm giá của họ, và những người di cư, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, thường là nạn nhân của nạn buôn người. Đây chính là những vấn đề đòi hỏi sự chú ý của chúng ta khi giải quyết các vấn đề liên quan đến dân số và sự phát triển.

Chủ đề này cũng có ý nghĩa mạnh mẽ về môi trường. Trong khi vấn đề tăng trưởng dân số thường bị đổ lỗi cho các vấn đề về môi trường, chúng ta biết rằng vấn đề phức tạp hơn nhiều. Các mô hình tiêu dùng lãng phí, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, không có những sự hạn chế hoặc biện pháp bảo vệ trong các ngành công nghiệp, tất cả đều gây nguy hiểm cho môi trường tự nhiên. Nghiên cứu trong nhiều thập kỷ cho thấy, với những sự biến đổi không đáng kể, sự bất bình đẳng trong tiêu dùng là hết sức rõ ràng. Trên toàn cầu, 20% những người có thu nhập cao nhất thế giới chiếm 86% tổng mức tiêu thụ, trong khi 20% những người nghèo nhất chỉ chiếm 1,3%. Đối mặt với những dữ liệu này và các dữ liệu khác vốn chứng minh sự bất bình đẳng quyết liệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích chúng ta hướng tới “một cuộc hoán cải môi sinh” [2] vốn kêu gọi việc thay đổi lối sống khiêm tốn hơn và tiêu dùng có trách nhiệm, cũng như một sự nhận thức rõ ràng hơn về đích đến phổ quát của các tài nguyên trên thế giới.

Thưa ngài chủ tịch,

Tòa Thánh nhận thức đầy đủ về sự phức tạp của các vấn đề liên quan đến việc xem xét và đánh giá Chương trình Hành động của ICPD. Sự phức tạp này đòi hỏi chúng ta cần phải cân nhắc một cách hết sức cẩn thận những hậu quả đối với các thế hệ hiện tại và tương lai của các chiến lược cũng như các khuyến nghị sẽ được đề xuất. Những vấn đề cơ bản chẳng hạn như việc lan truyền tải sự sống, gia đình và sự phát triển vật chất và luân lý của xã hội, cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Tòa Thánh sẵn sàng đóng góp cho việc tìm cách xây dựng một thế giới bình đẳng, huynh đệ và hòa bình đích thực.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

  1. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, số 16.3.
  2. ĐTC Phanxicô, Thông điệp ‘Laudato Si’, số 216.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube